Nghĩa Phúc đã ra khỏi lối mòn

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/12/2012 | 3:01:42 PM

YBĐT - Nằm kẹp giữa dòng suối Nung và suối Đôi, một xã thuần nông như Nghĩa Phúc luôn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức: ruộng ít, người đông, thiên tai rình rập, điểm xuất phát thấp... Bởi vậy, so với mặt bằng phát triển chung của thị xã Nghĩa Lộ thì Nghĩa Phúc đang là một xã khó khăn nhất.

Nông dân xã Nghĩa Phúc giúp nhau dựng nhà
Nông dân xã Nghĩa Phúc giúp nhau dựng nhà "167".

Những ngày qua, cơn bão số 8 đã làm cho trên 50% diện tích lúa nước của Nghĩa Phúc bị vùi lấp và cuốn trôi hoàn toàn; 98 hộ bị thiệt hại nặng do sạt lở đất, tràn ruộng; diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại lên tới 64.039m2; 23 hộ bị vỡ ao cá, mất trắng 7.514m2. Bên cạnh đó, bờ suối Nậm Tộc ở thượng nguồn bị sạt lở 4 đoạn dài 520m, bờ suối Nung bị sạt thuộc gói kè số 7 gây nguy cơ cho các thôn bản.

Hàng ngày, con suối Đôi và suối Nung dáng hiền hòa, thơ mộng nhưng chỉ cần một cơn mưa to đầu nguồn là suối có thể gầm lên hung dữ bởi những cơn lũ ống kéo về. Đã có lần, lũ ống cuốn phăng cả mố cầu bê tông qua quốc lộ 32, cuốn trôi bao nhà cửa, ruộng vườn. Những năm xưa, người dân nơi đây thường phó mặc cho trời nhưng giờ đây, họ đã biết tự cứu mình, không thể dựa vào số trời hay dựa vào sự quan tâm của cấp trên hay cộng đồng xã hội.

Thế nên, khi tôi đến Nghĩa Phúc, một không khí khẩn trương, bận rộn cho việc khắc phục hậu quả bão lũ đang bao trùm. Các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã vừa xuống từng thôn bản kiểm tra, đôn đốc. Các hộ gia đình thì tấp nập chặt tre đan rọ để đổ đá kè bờ, đó là giải pháp trước mắt theo kinh nghiệm truyền thống của đồng bào Thái vùng Mường Lò. Gần 300 chiếc rọ tre chắc chắn là sự ghi nhận mỗi nhà đều có ý thức chuẩn bị nhân lực cùng với các chiến sĩ thuộc Sư đoàn 316 đang huấn luyện diễn tập tại khu vực xuống giúp dân kè lại những bờ suối bị sạt.

Trên mỗi thửa ruộng bị vùi lấp, người dân đang giúp nhau xúc bùn cát, be lại bờ để tranh thủ tra ngô, trồng đậu, trồng rau gối vụ cho lúa. Các đồng chí lãnh đạo xã cũng năng động liên hệ với doanh nghiệp đem về 74 chiếc rọ sắt, huy động 48 giờ máy xúc khơi dòng với tổng trị giá 68 triệu đồng và huy động nhân công khẩn trương kè những đoạn xung yếu, khắc phục hậu quả ngay từ những ngày đầu.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy Lò Văn Phan, người vừa được Thị ủy Nghĩa Lộ điều động về đảm nhận nhiệm vụ mới hơn 3 tháng. Anh là người của xã, nhà cũng bị sạt lở. Dáng người nhỏ, nhanh nhẹn, nét mặt đượm vẻ lo lắng, trăn trở, anh cho biết diện tích của xã chỉ có 363ha, trong đó đất nông nghiệp 104 ha, diện tích cấy lúa hơn 64ha, đất đồi bãi chủ yếu do khai phá ven suối và chân rừng Nậm Tộc. Toàn xã có 445 hộ với 1.852 khẩu, dân tộc Thái và Mường chiếm 86%, đời sống so với trước có khá hơn nhưng nhìn chung còn nhiều khó khăn. Điều trăn trở của Đảng ủy là làm thế nào để cuộc sống của người dân được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của thời kỳ đổi mới, xứng tầm thị xã.

Như để khích lệ tinh thần của đồng chí Bí thư, ông Đinh Văn Giành - người trưởng thành từ Trưởng thôn lên Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã do tuổi cao và theo yêu cầu của tổ chức Đảng nay giữ chức Phó chủ tịch HĐND xã vừa rót nước mời khách vừa tự hào nói rằng, những năm gần đây, nhất là từ khi tái lập thị xã Nghĩa Lộ, có thể khẳng định Nghĩa Phúc đã đi từ không đến có. Bây giờ là “4 có”: người dân có được nhận thức; xã có cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm; sản xuất có năng suất cao; có đời sống ổn định hơn.

Rồi ông nói về cái có nhận thức, ông cho rằng, nhận thức của con người quyết định hành động của họ, nhận thức trì trệ thì sức ỳ không thể lay chuyển nổi. Bây giờ, số đông bà con trong xã đã đổi mới tư duy. Ngay như cái chuyện dân số, trước đây, vận động sinh đẻ có kế hoạch khó lắm, đói rách vẫn cứ đẻ, xã phạt thóc họ cũng không sợ, còn nói rằng ăn khoai, ăn sắn không thể chết được.

Giờ thì các gia đình trẻ chỉ sinh đến hai con thôi, các cháu mải làm ăn kinh tế, có nhà con đầu sắp 10 tuổi rồi nhưng chưa muốn sinh con thứ hai, Nghĩa Phúc đã được 4 năm liên tục là xã không có người sinh con thứ 3. Việc học hành của các cháu cũng vậy, trước đây, trụ sở và trường học của xã thuộc địa phận cắt về phường Pú Chạng. Những năm đầu tách xã, phường, trường sở không có, xã chỉ cố gắng làm được một số phòng học cho học sinh tiểu học, còn lại phải gửi đi học ở các phường Trung Tâm, Pú Chạng và xã Nghĩa Lợi nên các cháu bỏ học nhiều.

Sau năm 2003, xã nhập về thị xã, trường lớp dần được đầu tư xây dựng, con em đi học thuận tiện nên tỷ lệ bỏ học giảm nhanh và phong trào học tập được dấy lên, nhà nọ thi đua với nhà kia. Số học sinh theo hết cấp 3 cũng nhiều, vừa có 4 cháu tốt nghiệp đại học, cao đẳng và con số này với một xã dân tộc thuần nông thật đáng khích lệ. Điều tự hào là vừa có một cháu học xong cao đẳng mầm non ở lại dạy học tại Hà Nội.

Tôi định hỏi kỹ về chuyện năng suất, đời sống, cơ sở hạ tầng nhưng không gì bằng mắt thấy, tai nghe nên chia tay các đồng chí cán bộ xã. Tôi ngước nhìn tòa nhà trụ sở xã cao hai tầng tọa lạc giữa khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng nhìn ra cánh đồng cao sản bên dòng suối Nung, các đoàn thể có phòng làm việc riêng, không còn cảnh ngồi chung ở gian hội trường như nhiều xã tôi đã từng đến. Phòng làm việc của các đồng chí lãnh đạo và văn phòng đều được trang bị máy vi tính.

Từ trụ sở, tôi rẽ vào trung tâm bản Ả Hạ. Những nếp nhà sàn cao rộng xen tán lá xum xuê của nhãn, vải và các loại cây khác. Gia đình nào cũng có khu chăn nuôi cách xa nhà ở, nhiều nhà làm dịch vụ buôn bán nhỏ, xay xát thóc ngô, chăn nuôi lợn, gà. Theo lời giới thiệu của chị Đinh Thị Mèn - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, tôi được biết bản Ả Hạ có nhiều hộ kinh doanh giỏi.

Tiêu biểu là vợ chồng ông Hà Văn Toàn và bà Đoàn Thị Thảo vừa chăn nuôi vừa làm dịch vụ xay xát, nấu rượu, hàng năm xuất chuồng vài tạ lợn thịt, có nguồn thu khoảng trên dưới trăm triệu đồng. Con của ông bà cũng giỏi, con trai trưởng là Hà Văn Huy sinh năm 1987 làm ăn khấm khá, mở cửa hàng sửa chữa xe máy rất đông khách và đã dành dụm được tiền mua đất làm nhà riêng. Chị Mèn tỏ ra rất tự hào về thế hệ 8x của xã như chị Hoàng Thị Phượng sinh năm 1981, chị Đinh Thị Tiên sinh năm 1983, chị Đinh Thị Toan sinh năm 1978... đều ở Ả Hạ cùng nhiều gia đình trẻ vừa làm ruộng có năng suất cao vừa biết vươn ra tìm thị trường làm kinh tế.

Đáng khâm phục là vợ chồng chị Đinh Thị Tiên và anh Đinh Văn Trọng. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, từ chỗ đi làm thuê đánh vữa, học nghề xây dựng, nay Đinh Văn Trọng đã trở thành chủ xây dựng có uy tín, hàng năm nhận được nhiều công trình vừa và nhỏ, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động trong xã, hai con đều học giỏi, chăm ngoan. Ả Hạ còn có gia đình ông bà Hà Văn Gắng và Đào Thị Khanh được bà con nể phục bởi mát tay nuôi lợn, nuôi vịt, thả cá có năng suất và thu nhập cao, nuôi hai cậu con trai khôn lớn, một anh đi nghĩa vụ quân sự, một anh tự học nghề sửa chữa xe máy nay mở cửa hàng to ở xã Gia Hội.

Vợ chồng chị Đinh Thị Đào ngoài làm ruộng còn chăn nuôi mỗi năm cũng vài tấn lợn, lúc nông nhàn thì vào đội thợ xây nên thu nhập khá và có tích lũy. Giới thiệu đến nhà nào, chị Đinh Thị Mèn cũng chốt một câu: “Bây giờ họ không đi theo lối mòn nữa đâu. Lớp trẻ giỏi lắm! Nhiều ông bà muốn sinh thêm con cháu nhưng các anh, các chị ấy không nghe, thích làm kinh tế thôi!”.

Con đường bê tông trải rộng đưa tôi vào bản Pá Làng, Bản Bay, Bản Pưn. Đúng là một sự đổi thay kỳ diệu! Mấy năm trước, con đường đất này gồ ghề, bụi bặm vào mùa nắng và nhầy nhụa vào mùa mưa, có con gà muốn đem ra chợ bán cũng thấy ngại, giờ đây xe của thương lái vào tận thôn tìm mua hàng. Khi làm con đường này, nhiều nhà đã tự nguyện hiến đất mà không đòi đền bù bởi vì ai cũng xác định, Nhà nước hỗ trợ cho nhiều thì mình phải cùng lo làm.

Nhờ phát huy dân chủ nên bà con đều hiểu rõ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được hưởng”. Cuối Bản Pưn, nơi giáp xã Nghĩa Sơn (Văn Chấn), gia đình chị Hà Thị Lanh đã có cơ hội làm giàu nhờ dịch vụ xát thóc, nghiền ngô, bán hàng tiêu dùng.

Đoàn viên thanh niên thị xã Nghĩa Lộ tham gia xây dựng công trình kè chắn lũ tại thôn Pá Làng, xã Nghĩa Phúc.

Thấy tôi nghi ngờ vì ở nơi hẻo lánh lại cuối đường thế này làm sao có khách, chị Mèn nhanh nhảu nói: “Đông khách lắm, chủ yếu đón người Dao, người Mông, người Khơ Mú ở Nậm Cài, Nậm Tộc của huyện Văn Chấn và xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu xuống”.

Ngoài bản Pá Làng, có nhà chị Hoàng Thị Thơm là một điển hình làm kinh tế giỏi vừa có máy xay xát vừa chăn nuôi, cung ứng phân bón vật tư nông nghiệp cho bà con, mỗi năm thu nhập đến 200 triệu đồng. Nhà anh chị Hà Văn Dim và Sầm Thị Cương cũng vậy, nhờ sản xuất, chăn nuôi giỏi mà đã cất được ngôi nhà sàn cao rộng, đẹp đẽ, trong nhà sắm đủ tiện nghi sinh hoạt.

Trò chuyện với Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, tôi được biết chị Mèn đã gắn bó với công tác hội suốt 30 năm với 24 năm làm Chủ tịch. Tôi hỏi trước khi nghỉ chế độ, chị đã chuẩn bị lực lượng kế cận chưa thì chị Mèn cười rất vui vì hiện nay, đồng chí Phó chủ tịch Hội đã được đào tạo khá bài bản. Đó là chị Sầm Thị Tâm, một đảng viên trẻ, đã có bằng trung cấp của trường phụ nữ Trung ương, học xong trung cấp chính trị và chuẩn bị theo học đại học Luật. Hiện nay, hầu hết cán bộ xã đều có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm và có uy tín với nhân dân.

Trong sản xuất nông - lâm nghiệp, mặc dù diện tích lúa nước không nhiều nhưng xã chỉ đạo bà con cấy các giống lúa có giá trị kinh tế cao như Chiêm hương, Séng cù, Nghi hương. Bởi vậy, cây lúa vừa cấy xuống thì thương lái đã đến đặt tiền mua thóc. Vụ đông xuân năm nay, sản lượng thóc đạt 426,29 tấn, vụ mùa cấy hết 100% diện tích, trong đó 69,55% diện tích lúa hàng hóa; cây vụ đông gieo trồng 43,23 ha, trong đó hơn 28 ha ngô, còn lại là rau màu; có 147,67ha rừng kinh tế được bảo vệ, chăm sóc tốt.

Điều đáng nói là những năm gần đây, Đảng ủy xã luôn tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm trên các lĩnh vực, ví như việc xây dựng các mô hình điểm. Hiện nay, xã có 5 mô hình, đó là mô hình chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; mô hình nâng cao diện tích, năng suất cây vụ đông ở bản Pá Làng; mô hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn hóa; mô hình nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường khu vực nông nghiệp, nông thôn tại Bản Bay; Hội Phụ nữ xã có mô hình phân viên nén dúi sâu trong thâm canh lúa nước. Mới đây, UBND xã còn tiếp tục chỉ đạo mô hình thí điểm trồng 1ha ớt hàng hóa và 1ha trồng ngô ngọt tại bản Pá Làng hy vọng sẽ mở ra được hướng đi mới trong việc nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác.

Đúng là có được nhận thức đúng thì sẽ có đường đi đúng hướng. Nhìn vạt rừng xanh ngát phía tây, những vạt ngô, vạt lúa xanh non, những mái nhà tăm tắp từ khu tái định cư và những gương mặt như ngời lên niềm tin vào cuộc sống mới, tôi hình dung con đường đi của Nghĩa Phúc sẽ dần bớt chông gai, thế hệ tương lai của Nghĩa Phúc sẽ tiếp tục xây đắp con đường đi tới ấm no, hạnh phúc.

Nguyễn Thị Thanh

Các tin khác
Chăm sóc măng Bát độ tại xã Kiên Thành.

YBĐT - Vốn là những con người cần cù lao động nên mùa nào việc nấy họ làm chẳng ngơi tay, bõ công trồng cấy, đổi lại bà con đã có cuộc sống no đủ, bộ mặt nông dân, nông nghiệp, nông thôn ở Trấn Yên đã có nhiều khởi sắc.

Hai anh em mồ côi Hờ A Sánh và Hờ A Lao tự bảo nhau học tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

YBĐT - Trong khi bao đứa trẻ được sống trong vòng tay yêu thương, vỗ về, ôm ấp chăm lo của cha mẹ, từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc học hành thì ở đâu đó trong cuộc đời này vẫn còn những số phận, những mảnh đời thật éo le, bất hạnh nhưng đầy nghị lực vươn lên, thắp lên tia hy vọng từng ngày về một cuộc sống mới.

Chị Hoàng Thị Thâm và tập hóa đơn thu lãi của ngân hàng.

YBĐT - Thật phi lý khi những người dân nghèo xã Đồng Khê (Văn Chấn) hàng ngày phải chạy ăn từng bữa lại là con nợ khi vay tiền “hộ” doanh nghiệp. Đã 4 năm trôi qua, doanh nghiệp nghiễm nhiên có được nguồn vốn lãi suất thấp để làm ăn.

Các tuyến đường mới làm đã giúp người dân xã Bảo Ái đi lại thuận lợi hơn.

YBĐT - Với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, người dân các thôn trên địa bàn xã Bảo Ái, huyện Yên Bình (Yên Bái)  đã có sự đổi thay trong đời sống kinh tế xã hội. Năm 2012, được sự hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn của Nhà nước, phong trào toàn dân tham gia làm đường nông thôn ở đây đã sôi động hẳn lên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục