Bên dòng Nậm Tung

  • Cập nhật: Chủ nhật, 30/12/2012 | 9:45:55 AM

YBĐT - Không rõ dòng Nậm Tung bắt nguồn từ đâu, chỉ biết rằng khi qua Pá Hu, nó như ranh giới phân định cuộc sống giữa hai bờ con suối: một bên hiện đại, phát triển, còn bên kia - nơi có gần 400 hộ đồng bào Mông xã Pá Hu định cư, cuộc sống vẫn còn quá nghèo nàn và lạc hậu...

Con đường “30a” của Chính phủ đã rộng mở sẽ đánh thức tiềm năng của Pá Hu.
Con đường “30a” của Chính phủ đã rộng mở sẽ đánh thức tiềm năng của Pá Hu.

Dòng Nậm Tung mùa này con nước cạn để lộ những phiến đá đen ngòm, nhẵn bóng nằm phơi mình hiền hòa cùng nắng gió vùng cao. Chẳng hung hãn như mùa mưa lũ hồi đầu tháng bảy, tháng tám năm 2012, con nước đỏ ngàu, sùng sục đổ về, dòng suối giận dữ hất bọt tung trắng xóa, cuốn theo  cậu học trò Mông cần cù hiếu học, để lại nỗi buồn thương và niềm day dứt khôn nguôi trong lòng thầy và trò Trường THCS Pá Hu - ngôi trường nhỏ  sát bên suối.

Dòng Nậm Tung trở nên thơ mộng hơn và Pá Hu cũng bớt đi nhiều khó khăn trong giao thương đi lại kể từ ngày có thêm cây cầu treo bằng gỗ nối đôi bờ. Đặc biệt con đường “30a” của Chính phủ đang trong giai đoạn thi công đã rộng mở đến tận trung tâm xã. Nói là bớt khó khăn nhưng chỉ cần bước qua cây cầu treo ấy, chạm đất Pá Hu đã thấy cuộc sống chật vật hiển hiện trước mắt.

Bí thư Đảng ủy xã Thào A Tông bộc bạch: “3 thôn đồng bào Mông nằm bên kia suối là Pá Hu, Tà Tàu và Háng Gàng cuộc sống khó khăn lắm. Không điện, không đài, không sách báo. Người dân thiếu kiến thức, thiếu kỹ thuật, thiếu thông tin, mà nói thật đã thiếu những thứ ấy thì cuộc sống sao gọi là tốt được! Ruộng nước thì ít, lại chỉ làm được một vụ lúa xuân. Đất nương đồi nhiều nhưng độ dốc lớn, bạc màu, canh tác kém hiệu quả. Cây sắn cho năng suất khá thì lại bán rẻ như cho vì đường đến các thôn, bản của xã vừa xa vừa khó đi. Nhiều nhà xót của đã tính đến chuyện vận chuyển sắn củ sang bờ suối bên kia để bán cho thương lái kiếm giá cao nhưng nhân lực và tiền xăng xe bỏ ra còn nhiều hơn cả tiền bán sắn thu về. Vậy là sắn cũng chỉ trồng để phục chăn nuôi tại gia đình”.

Đồng bào Mông Trạm Tấu sơ chế ngô.

Trời đông ở vùng cao Trạm Tấu đến lạ, đỏng đảnh chẳng khác nào thiếu nữ mới lớn, vừa hưng hửng nắng đã nghe gió lạnh từng cơn tràn về rồi cứ thế mà mưa. Đường lên bản Pá Hu, một trong số 2 thôn, bản khó khăn nhất của xã chẳng còn phương tiện nào khác là đi bộ. Thầy giáo Giàng A Chu, người có thâm niên gần 20 năm bám bản, cũng là thổ dân ở đất này thật thà: “Nắng ráo thì cứ từ từ bò xe máy mà lên chứ mưa dầm, đánh vật với đường với xe, đi bản trời này khổ đấy, nhà báo ạ!”.

Tôi tần ngần nhìn lên ngọn núi cao ngất - nơi có trụ sở mới của UBND xã Pá Hu. Trước đây, trụ sở làm việc cũ của xã Pá Hu đặt ngay chân đồi, sát bên dòng Nậm Tung. Ở đấy có điểm trường chính, trạm y tế, nhà bưu điện văn hóa xã nhưng lại không gần dân. Huyện quyết định chuyển UBND xã lên trên trung tâm thôn Pá Hu để gần dân, tiện cho dân hội họp nhưng đi lại gặp khó khăn nên mỗi lần cán bộ huyện xuống làm việc với địa phương, gặp ngày mưa dầm gió bấc, có khi phải mượn tạm địa điểm của nhà trường để bàn công việc.

Các thầy cô giáo trường Pá Hu kể, chừng dăm, bảy năm trước, để học được cái chữ lên cao, đám học trò mấy bản trên ấy vẫn ngày hai lần dắt nhau đi bộ hàng chục cây số đường rừng xuống trường. Bởi thế mà có lớp không đủ học sinh để dạy, một số giáo viên cũng xin chuyển dần về trường vùng thấp. Mấy năm nay, Nhà nước quan tâm có thêm chế độ cho học sinh bán trú, việc huy động trẻ ra lớp đúng độ tuổi được phân công cụ thể, gắn trách nhiệm với từng giáo viên, cán bộ xã, thôn, bản và các ngành đoàn thể của địa phương nên số học sinh ra lớp ở các cấp học, bậc học tại điểm trường chính và 3 điểm trường lẻ của xã đạt tỷ lệ trên 97%, dẫn đầu toàn huyện Trạm Tấu...

Nói theo cách của người vùng cao: cứ đi rồi tự khắc đến, cuối cùng tôi cũng đã lên được nơi khó khăn nhất của thôn Pá Hu. Sương mù đặc quánh bủa lấy những ngôi nhà gỗ lúp xúp lưng chừng đồi. Cái lạnh thấu xương trên đôi chân trần cước đỏ của đám trẻ nhỏ khát chữ vượt đường xa tới trường. Trưởng thôn Mùa A Vàng, mới ngoài hai mươi tuổi, chưa vợ con nên rất nhiệt tình, năng nổ.

Chủ tịch xã Giàng A Lồng trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Yên Bái.

Hỏi chuyện về đời sống của bà con trong thôn, A Vàng cười buồn: có 111 hộ tất cả thì 85 hộ thuộc diện nghèo. Anh trai mình cũng nằm trong diện ấy. Vợ chồng nhà anh đẻ nhiều con quá. Nghèo nhất xã Pá Hu là thôn này và thôn Háng Gàng. Một phần do dân thiếu ruộng sản xuất nhưng nói cho đúng thì nhiều nhà còn nặng tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ, bao cấp của Nhà nước. Người ta cứ nghĩ, đẻ nhiều thì Nhà nước cho nhiều chế độ nên biết đông con là đói, là khổ nhưng không mấy người chịu kế hoạch hóa gia đình... Chẳng thế mà tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên ở xã Pá Hu hiện vẫn ở mức rất cao (1,9%); năm 2012, xã có 40 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, trong đó có 14 trẻ sinh ra là con thứ 4...

Thực tế ở thôn nghèo Pá Hu cũng là thực trạng chung của xã vùng cao này. Cái vòng luẩn quẩn của sự thất học, đói nghèo, lạc hậu và đông con đã trói buộc bao cuộc đời người Mông lam lũ. Đã đến lúc cần phải gỡ bỏ từng vấn đề. Chủ tịch UBND xã Giàng A Lồng -  một cán bộ trẻ nhiệt huyết và thương dân đã nghĩ suy rất nhiều về điều này. Không trăn trở, day dứt sao được khi tỷ lệ hộ dân thuộc diện đủ ăn quanh năm của địa phương mới chỉ có khoảng 15%.

Theo anh, việc cần thiết nhất phải làm là tìm ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả để nâng cao đời sống, giải quyết vấn đề đảm bảo ổn định an ninh lương thực cho đồng bào. Trước mắt là tập trung tăng mạnh diện tích ngô đồi từ 295 ha lên trên 315 ha vào năm 2013 và tăng dần diện tích vào các năm sau. Cần thay đổi nhận thức, xóa bỏ sức ỳ cũng như tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước trong dân. Xã quyết tâm chỉ đạo đưa công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trở thành một trong những tiêu chí bắt buộc trong quy ước và tiêu chuẩn bình xét của các thôn, bản và từng hộ dân trong xã.

Theo đó, sẽ không bình xét hộ nghèo cùng các chính sách ưu đãi hộ trợ của Nhà nước, địa phương cho những gia đình vi phạm chính sách dân số, đẻ nhiều con, không cho con đi học, lười lao động... Có làm như thế mới khuyến khích được những hộ chăm chỉ, tự giác, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch Giàng A Lồng cho hay: “Thật mừng là biện pháp này mới được đưa vào thực hiện nhưng đã thấy những chuyển biến rõ nét. Bởi chỉ làm thế mới mong thay đổi được nếp nghĩ, cách làm đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân ở đất này”.

Tôi tin chẳng bao lâu nữa, con đường “30a” của Chính phủ hoàn thành sẽ đánh thức những tiềm năng ở mảnh đất này. Càng tin hơn, với cách làm mạnh dạn và đầy tâm huyết xuất phát từ tấm lòng yêu dân, thương dân của người cán bộ trẻ sinh ra từ chính mảnh đất Pá Hu này sẽ đem đến những đổi thay kỳ diệu cho quê hương anh.

Chia tay Pá Hu, chẳng biết có phải con đường xuống bản gần hơn hay chân bước nhanh hơn mà cây cầu treo thơ mộng bắc ngang dòng Nậm Tung đã ở ngay trước mắt. Tiếng bi bô học bài của đám học trò bên ngôi trường nhỏ ven suối vẫn vang vang trong gió làm dịu vợi nỗi nhớ nhà. Cây đào phai bên thềm nhà ai đã lấm tấm những chiếc nụ xinh bé xíu, dịu dàng tiễn biệt đông giá, đón gọi nắng xuân hồng.

 Phạm Minh

Các tin khác
Học sinh người Mông xã Pá Lau trong giờ học.

YBĐT - Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015 được ví như luồng gió mới đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở huyện Trạm Tấu. Đến nay, Trạm Tấu đã có 4 đơn vị đạt chuẩn giáo dục mầm non, gồm các: xã Trạm Tấu, Hát Lừu, Bản Công và thị trấn Trạm Tấu.

Đối tượng bị lừa đi lao động chủ yếu là thanh niên tuổi đời còn rất trẻ.

YBĐT - Đêm 26/6/2012 trở thành đêm đáng nhớ với người dân thôn 6, xã Tân Đồng. Cả xã đêm ấy gần như không ngủ. Nhà nào không có chồng, con theo xe của chủ môi giới đi làm thuê thì cũng có anh em, họ hàng. Người đi khổ đâu chưa biết, chỉ thấy người ở nhà chạy ngược chạy xuôi, lo đến mất ăn mất ngủ.

Một giờ học của các cháu lớp mầm non 3 đến 5 tuổi ở điểm trường Khe Quyền, xã An Bình.

YBĐT - Năm học 2012 - 2013, ngành học mầm non của huyện Văn Yên vẫn còn 34 phòng học tạm và 84 phòng học nhờ, mượn tại các nhà văn hoá thôn bản, các trường tiểu học, THCS. Sắp hết học kỳ I, toàn huyện còn thiếu 180 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non...

Phó chủ tịch xã Bản Công (Trạm Tấu) Hoàng Minh Thuật (đứng giữa) cùng cán bộ xã kiểm tra diện tích rừng tái sính.

YBĐT - “Điều quan trọng không phải là vị trí ta đang đứng mà chính là hướng ta đang đi”, đó là tâm niệm của các phó chủ tịch xã trẻ công tác tại các xã khó khăn thuộc 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải. >>Gặp mặt 20 đội viên về nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND các xã tại huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu / Cống hiến sức trẻ nơi vùng cao

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục