Quê tôi Đông hồ

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/1/2013 | 9:22:18 AM

YBĐT - Tôi sinh ra ở vùng Đông hồ. Thỉnh thoảng, trong câu chuyện về những ngày xưa cũ, ông bà tôi vẫn kể về quê cũ nơi có chợ Ngọc, chợ Ngà, nơi có những cánh đồng phì nhiêu và màu mỡ, nơi người buôn kẻ bán tấp nập tạo nên một miền đất trù phú như một ký ức không thể nào quên.

Làng rọ tôm Xuân Lai.
Làng rọ tôm Xuân Lai.

Kể vậy để con cháu đời sau biết rằng ông bà tổ tiên mình đã từng ở đó, chứ nửa thế kỷ trước, ông bà tôi cùng hàng vạn người dân vùng hồ đã tham gia vào cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử nhường đất cho Nhà nước đắp đập ngăn sông để dòng điện tỏa sáng.

Từ đó mà có nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam, có một trong những hồ nước ngọt lớn nhất nước rộng hàng nghìn ha và có cả vùng Đông hồ quê tôi như ngày nay. Lớn lên, tôi đã thấy hồ nước mênh mông. Hồ xanh một màu thăm thẳm, hơn nghìn hòn đảo lớn nhỏ lúp xúp như những mâm xôi soi bóng xuống dòng nước phẳng lặng như gương.

Mùa hè, từng cơn gió mát lịm xua tan đi mọi nóng bức và oi ả. Thu về, nước hồ xanh trong, gợn sóng lăn tăn. Đông đến, hồ dường như cũng chìm trong yên ắng, lạnh lẽo và đợi đến lúc xuân sang để rạng rỡ với ánh mặt trời ấm áp.

Mặt nước bao la ấy là nơi mưu sinh của hàng nghìn người dân quanh vùng. Sáng sáng, khi ánh mặt trời còn chưa kịp xua đi lớp sương mờ ảo trên mặt hồ, những ngư dân đã bắt đầu ngày làm việc mới với công việc thường nhật thả rọ, quăng chài, hăng say với từng mẻ tôm, mẻ cá. Nắng mưa đã ngấm vào da thịt họ hun đúc nên vẻ rắn rỏi, thách thức trước gió sương.

Quê tôi không được thiên nhiên ưu ái cho những vùng lúa rộng bát ngát thẳng cánh cò bay như Mường Lò nhưng bù lại người dân quê tôi cần cù tay cày tay cuốc bên những vùng đất bán ngập mỗi mùa nước rút, “những nghệ sĩ cầm cuốc” ấy đã tạo nên những thửa ruộng bậc thang, tầng tầng lớp lớp. Mỗi khi tháng 6 về, lúa chín đuổi nhau chạy đến tận mép nước thành từng gợn sóng vàng.

Năm này qua tháng khác, đôi tay người trở nên chai sạn nhưng cũng nhờ thế đã có hàng trăm ha ruộng được hình thành và hàng trăm tấn thóc kĩu kịt theo bước chân người nông dân về đầy hòm, đầy bồ mỗi khi hết vụ.

Một dải đất nằm dọc ven hồ hàng trăm cây số ven hồ nước mênh mông với đất đai rộng lớn, người dân cần cù và chịu khó, vậy mà bao năm lại được mệnh danh là cái “rốn” của đói nghèo, nghèo ngay giữa “rừng vàng và biển bạc”.

Tất cả chỉ bởi con đường khó, bởi tư duy lạc hậu. Rồi con đường Đông hồ như một mạch máu giao thông thông suốt nối liền mấy chục xã đã là động lực cho sự phát triển. Cộng thêm nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, với các nghị quyết của Đảng bộ  địa phương giờ vùng đất ngày nào với gần 100% hộ đói nghèo đang bừng dậy với một sức sống mới.

Điện đã về với các bản làng xua đi bóng đêm của núi rừng. Những ngôi trường được xây dựng khang trang để trẻ em được đến trường, trạm y tế được đầu tư để người dân có nơi khám chữa bệnh. Những đồi núi trọc, đồi lau lách ngày xưa nay không còn mảnh đất trống, cây chen cây, rừng nối rừng.

Màu xanh từ cánh rừng bạch đàn, rừng keo cũng là màu của no ấm. Trên con đường huyết mạch, ngày đêm hối hả những đoàn xe chở gỗ rừng trồng đến các xưởng chế biến, chở sắn vào nhà máy. Người dân không chỉ biết đánh bắt như ngày nào mà giờ đã nuôi thêm nhiều lồng cá, đặc biệt các loại cá đặc sản.

Những ngôi nhà mới mang dáng dấp biệt thự mọc lên giữa chốn từng là rừng xanh núi đỏ bên những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng hồ.

Quê tôi là vậy, đẹp từ trong chính những cái bình dị và hồn hậu nhất, đẹp từ những nét sinh hoạt đời thường, từ những phiên chợ quê nhiều màu sắc. Chẳng thế mà thỉnh thoảng bà nội tôi, miệng móm mém nhai miếng trầu đỏ tươi, thủng thẳng bảo “Có tiền chợ Ngọc, chợ Ngà/ Hết tiền về với Thác Bà, Thác Ông”.

Sản vật được bày bán tại phiên chợ quê phong phú từ những thúng gạo trắng ngần thơm dẻo, những chú gà trống đẹp như trong tranh vẽ đến mớ rau tươi non trồng trong vườn nhà...

Quê tôi nổi tiếng với chợ rọ Xuân Lai, Phúc An, người ta mang rọ tôm đi các vùng hồ khắp miền Bắc, với “gạo Bạch Hà, gà Linh Môn”. Người ta không chỉ đi chợ mà còn chơi chợ.

Các bà mế người Dao, người Cao Lan xúng xính những trang phục truyền thống, đôi khi chỉ là bán vài cân gạo, con gà, quả bưởi nhưng cũng đến chợ để gặp gỡ, trò chuyện rôm rả. Chợ họp theo phiên vào những ngày nhất định, ấy vậy mà đi hết các chợ quanh vùng cũng đã trọn một tuần lễ.

Quê tôi đẹp và giản dị. Nét đẹp ấy toát lên từ câu hát Sli, hát Lượn đắm say của người Tày, câu hát Sình ca ngọt ngào của người Cao Lan, những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu của người Dao, người Nùng hay đơn giản là những rừng cọ lặng lẽ soi bóng xuống mặt hồ yên ả, tiếng trâu gõ mõ từ rừng về mỗi chiều và cánh cò trắng sải rộng trên mặt nước bình yên mỗi sớm xuân sang... Tất cả đã làm nên vẻ đẹp bình yên riêng có của mảnh đất Đông hồn

Hồng Khanh

 

Các tin khác
Con đường “30a” của Chính phủ đã rộng mở sẽ đánh thức tiềm năng của Pá Hu.

YBĐT - Không rõ dòng Nậm Tung bắt nguồn từ đâu, chỉ biết rằng khi qua Pá Hu, nó như ranh giới phân định cuộc sống giữa hai bờ con suối: một bên hiện đại, phát triển, còn bên kia - nơi có gần 400 hộ đồng bào Mông xã Pá Hu định cư, cuộc sống vẫn còn quá nghèo nàn và lạc hậu...

Học sinh người Mông xã Pá Lau trong giờ học.

YBĐT - Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015 được ví như luồng gió mới đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở huyện Trạm Tấu. Đến nay, Trạm Tấu đã có 4 đơn vị đạt chuẩn giáo dục mầm non, gồm các: xã Trạm Tấu, Hát Lừu, Bản Công và thị trấn Trạm Tấu.

Đối tượng bị lừa đi lao động chủ yếu là thanh niên tuổi đời còn rất trẻ.

YBĐT - Đêm 26/6/2012 trở thành đêm đáng nhớ với người dân thôn 6, xã Tân Đồng. Cả xã đêm ấy gần như không ngủ. Nhà nào không có chồng, con theo xe của chủ môi giới đi làm thuê thì cũng có anh em, họ hàng. Người đi khổ đâu chưa biết, chỉ thấy người ở nhà chạy ngược chạy xuôi, lo đến mất ăn mất ngủ.

Một giờ học của các cháu lớp mầm non 3 đến 5 tuổi ở điểm trường Khe Quyền, xã An Bình.

YBĐT - Năm học 2012 - 2013, ngành học mầm non của huyện Văn Yên vẫn còn 34 phòng học tạm và 84 phòng học nhờ, mượn tại các nhà văn hoá thôn bản, các trường tiểu học, THCS. Sắp hết học kỳ I, toàn huyện còn thiếu 180 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục