Bản “người Kinh” ở Nậm Búng

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/1/2013 | 9:34:42 AM

YBĐT - Lịch sử phát triển của xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) là một câu chuyện dài, đó là một con đường gian khổ.

Ông Tạ Xuân Kinh giới thiệu về lịch sử phát triển của xã Nậm Búng.
Ông Tạ Xuân Kinh giới thiệu về lịch sử phát triển của xã Nậm Búng.

Trên con đường ấy là mồ hôi, nước mắt và máu xương của bao thế hệ đã hi sinh để xây dựng và bảo vệ. Hơn tất cả, đó còn là sự đùm bọc, sẻ chia của những con người tuy khác quê hương, tiếng nói nhưng đã cùng gắn bó với niềm hi vọng xây dựng vùng kinh tế mới ngày một giàu đẹp hơn.

Bản “người Kinh” giữa vùng cao

Nếu chưa đến Nậm Búng, chắc hẳn ít ai có thể ngờ rằng gần một nửa người dân ở đây là người Kinh gốc Thái Bình. Ông Tạ Xuân Kinh, 72 tuổi, ở thôn Chấn Hưng 1 là một trong những người Thái Bình đầu tiên đặt chân lên đất vùng cao Nậm Búng tâm sự: “Chúng tôi gồm 12 người làm nhiệm vụ đi tiên phong gây dựng cơ sở cho bà con miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới. Đường đồi núi đi không quen, mệt mỏi rã rời nhưng ai cũng phấn khởi. Cầu Nhì (đoạn qua trung tâm huyện Văn Chấn) bị sập, xe không qua lại được nên chúng tôi đã phải đi bộ hơn một ngày với 32 km đường rừng mới lên được Nậm Búng”. 

“Vạn sự khởi đầu nan”, công việc phát triển kinh tế ban đầu không thuận lợi như mọi người dự tính. Người dân mới lên không có ruộng để trồng lúa, nguồn nước lại ở xa, xung quanh không có bản làng nên mọi sinh hoạt đều kham khổ. Thời gian đầu, cũng vì chưa đồng nhất về ngôn ngữ nên việc giao tiếp và nhờ người dân bản địa giúp đỡ gặp rất nhiều khó khăn.

Mỗi người Thái Bình lúc đầu lên chỉ được Nhà nước hỗ trợ 15kg gạo rồi sau 1 năm thì cắt bởi vậy nên việc ăn cơm độn với củ khoai, củ sắn là chuyện rất bình thường.

Nhớ lại khi đó, ông Kinh không khỏi ngậm ngùi: “Thời gian ấy mọi người phải đi mót rau tàu bay trong rừng làm thức ăn phụ. Nghĩ rằng khó khăn sẽ dần qua đi nhưng không ngờ vụ sản xuất năm ấy không thành, lúa bị thú rừng phá, sắn và đao riềng đào lên đều bị thối nên phải bỏ. Điều đó đã phần nào làm tinh thần mọi người suy sụp, nhưng dẫu thế vẫn phải động viên nhau cố gắng đừng bỏ cuộc”.

Từ những thất bại ban đầu, một cuộc quy hoạch lớn đã được đề ra và “cộng đồng” người Thái Bình đã quyết định thử sức với một giống cây mới là chè Shan tuyết. Không phụ lòng người, chè Shan tuyết rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Nậm Búng nên đã cho năng suất cao, chất lượng tốt. Từ đó, cuộc sống của Thái Bình nói riêng và người dân Nậm Búng nói chung đã dần bớt khó khăn và ổn định hơn trước.

Qua thời gian, được sống trong sự đùm bọc, giúp đỡ của người Thái, người Dao, mọi khoảng cách về phong tục, ngôn ngữ cũng đã được xóa nhòa, người Thái Bình đã trở thành một bộ phận dân cư không thể thiếu của vùng cao Nậm Búng. Từ cuộc di dân đầu tiên, tiếp sau đó gần 100 hộ dân người Thái Bình đã tiếp tục lên Nậm Búng khai hoang, phát triển kinh tế và lúc nào cũng được bà con bản địa nơi đây đón chào như những người con đi xa trở về.

Ruộng bậc thang ở Nậm Búng.

Tre già, măng mọc

Kể từ ngày người Thái Bình đầu tiên đặt chân lên đất vùng cao Nậm Búng tới nay đã hơn nửa thế kỷ. Biết bao thăng trầm lịch sử đã trôi qua nhưng những thế hệ con cháu  người Thái Bình đến nay vẫn tiếp tục bám trụ cùng người dân bản địa làm giàu và dựng xây mảnh đất này.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà gỗ đơn sơ, ấm áp, Chủ tịch xã Phạm Bá Dư rất vui khi kể về những tháng ngày anh đã lớn lên và làm việc tại đây. Theo bố mẹ lên xây dựng vùng kinh tế mới từ nhỏ, khi trưởng thành, anh đã quyết định ở lại làm việc và gắn bó với quê hương thứ hai của mình.

Được bà con tín nhiệm, trong suốt quá trình làm cán bộ xã và 7 năm liên tục làm Chủ tịch xã, đến nay anh Dư đã rất nỗ lực và có nhiều đóng góp tích cực cho quê hương Nậm Búng. Cùng chung chí hướng, các anh chị em ruột trong gia đình anh Dư cũng chung “truyền thống”. Hiện tại, họ đều đang công tác tại Nậm Búng, người thì theo sự nghiệp “trồng người”, người thì làm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Cùng với những tâm sự, anh Dư cũng đã dẫn chúng tôi đi thăm rất nhiều hộ là người Thái Bình. Người đầu tiên chúng tôi được gặp là anh Nguyễn Hữu Hồng ở thôn Chấn Hưng 5. “Với vẻ bề ngoài đơn giản, mộc mạc, vậy nhưng anh ấy là một nông dân tỷ phú của xã ”- anh Dư cười nói.

Quả thật, dù còn khá trẻ nhưng anh Hồng đã là chủ của một công ty TNHH chuyên sản xuất và chế biến chè. Anh thu nhận nhiều lao động là đồng bào dân tộc Dao, Thái vào làm việc cho cơ sở của mình và nhận thu mua, bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trong vùng. Hiện tại, trung bình mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh Hồng thu nhập trên 200 triệu đồng và tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động với mức thu nhập 2,5-3 triệu đồng/người/tháng.

Là người đại diện cho thế hệ đoàn viên trẻ xã Nậm Búng, anh Đặng Ngọc Toán ở thôn Trung Tâm cũng đã tạo được một chỗ đứng vững chắc cho mình. Anh tâm sự: “Mồ mả ông bà còn ở Thái Bình, nơi đó cũng còn anh em, làng xóm. Nhiều lúc vì cuộc sống khó khăn, mình cũng đã có ý định trở về quê cũ lập nghiệp. Nhưng vì đã lên đây, lại cũng muốn làm được cái gì cho mảnh đất này nên rồi quyết định ở lại”.

Sau những tháng ngày gian khó và thử làm nhiều công việc, giờ đây anh Toán đã là chủ một cơ sở sản xuất gỗ có tiếng trên địa bàn tỉnh và là một chủ tịch Hội Nông dân năng động, sáng tạo.

Cũng lựa chọn ở lại vùng đất mới để phát triển kinh tế nhưng anh Chu Sĩ Lân ở thôn Chấn Hưng 5 lại bắt đầu từ những bước đi khá táo bạo. Từ  việc không có vốn, anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở một trang trại nhỏ vừa trồng trọt vừa chăn nuôi gia súc với mô hình tự cung, tự cấp.

Hiện tại, đàn gia súc (trâu, bò, ngựa) của  gia đình anh đã lên tới gần 50 con. Với hình thức nuôi thả tự nhiên và trồng thêm cỏ voi làm thức ăn dự trữ, mỗi năm đàn gia súc của gia đình anh sinh được khoảng 10 con con. Chỉ tính riêng tiền bán con giống cũng thu được gần 100 triệu đồng.

Nối tiếp nhau, các thế hệ trẻ hôm nay - những con người như: anh Dư, anh Toán, anh Hồng, anh Lân và hàng trăm người dân quê gốc Thái Bình khác, mỗi người một cuộc sống, một công việc nhưng vẫn mãi nguyện gắn bó với mảnh đất vùng cao Nậm Búng, tiếp tục đóng góp và cống hiến vì cuộc sống ngày mai.

Hồng Oanh

Các tin khác
Làng rọ tôm Xuân Lai.

YBĐT - Tôi sinh ra ở vùng Đông hồ. Thỉnh thoảng, trong câu chuyện về những ngày xưa cũ, ông bà tôi vẫn kể về quê cũ nơi có chợ Ngọc, chợ Ngà, nơi có những cánh đồng phì nhiêu và màu mỡ, nơi người buôn kẻ bán tấp nập tạo nên một miền đất trù phú như một ký ức không thể nào quên.

Con đường “30a” của Chính phủ đã rộng mở sẽ đánh thức tiềm năng của Pá Hu.

YBĐT - Không rõ dòng Nậm Tung bắt nguồn từ đâu, chỉ biết rằng khi qua Pá Hu, nó như ranh giới phân định cuộc sống giữa hai bờ con suối: một bên hiện đại, phát triển, còn bên kia - nơi có gần 400 hộ đồng bào Mông xã Pá Hu định cư, cuộc sống vẫn còn quá nghèo nàn và lạc hậu...

Học sinh người Mông xã Pá Lau trong giờ học.

YBĐT - Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015 được ví như luồng gió mới đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở huyện Trạm Tấu. Đến nay, Trạm Tấu đã có 4 đơn vị đạt chuẩn giáo dục mầm non, gồm các: xã Trạm Tấu, Hát Lừu, Bản Công và thị trấn Trạm Tấu.

Đối tượng bị lừa đi lao động chủ yếu là thanh niên tuổi đời còn rất trẻ.

YBĐT - Đêm 26/6/2012 trở thành đêm đáng nhớ với người dân thôn 6, xã Tân Đồng. Cả xã đêm ấy gần như không ngủ. Nhà nào không có chồng, con theo xe của chủ môi giới đi làm thuê thì cũng có anh em, họ hàng. Người đi khổ đâu chưa biết, chỉ thấy người ở nhà chạy ngược chạy xuôi, lo đến mất ăn mất ngủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục