Trên nơi “người ở với mây”

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/1/2013 | 9:43:43 AM

YBĐT - Theo trưởng đài Viễn thông Mù Cang Chải Phạm Tiến Thao, tôi lên Trạm viba 1820 La Pán Tẩn. Ở chân núi nhìn lên, đỉnh 1820 cao ngất ẩn hiện trong mây trắng mờ mờ. Con đường quẩn quanh, heo hút giữa rừng thông, chênh vênh dẫn lên Trạm phải đi bộ hoàn toàn.

Cột sóng viba trên đỉnh Trạm viba 1820.
Cột sóng viba trên đỉnh Trạm viba 1820.

Anh em trong Trung tâm gọi trạm viba này là “Trạm một tám hai mươi” vì đặt trên đỉnh núi cao 1820m so với mặt nước biển. Dốc dựng đứng, mây và sương chiều làm con đường thấm ướt, trơn tuột. Gần trọn cuộc đời công tác trong ngành viễn thông, lên nhận công tác trên Mù Cang Chải từ tháng 3 năm 1978, con đường này đã quá quen thuộc với người trưởng trạm. Sau mấy chặng nghỉ rồi leo, đến khi tưởng như chỉ cần đi thêm lúc nữa là tôi sẽ khuỵ xuống vì đứt hơi thì cột sóng cao vút chĩa lên trời, hiện ra sau rừng thông xanh thẫm. Nghĩ đến những người thợ, nhân viên viễn thông mang vác xi măng, vật liệu, máy móc xây dựng trạm viba này, họ đã rơi biết bao mồ hôi mới biết đó là cả một kỳ tích.

Trạm là hai căn nhà mái bằng bé xíu ngay chân cột sóng, tất cả có năm phòng, hai phòng máy, một phòng để máy nổ, một phòng ngủ và một phòng bếp. Ra đón tôi là một thanh niên dân tộc Mông tên là Giàng A Sào, dáng cao, gầy, nụ cười hiền lành đầy bỡ ngỡ. Không có phòng tiếp khách, Sào chạy vào trong bếp lấy ra một cái chiếu rách trải xuống sân. Một bộ ấm chén cũ được bày ra.

Không có chè, chén nước sôi cũng không được nóng lắm vì trên núi cao. Cạnh sân là hai bể nước to, hai ống nhựa dẫn từ mái nhà chạy thẳng xuông bể, là để hứng nước mưa dùng cho cả năm. Không có điện, trạm hoạt động nhờ một máy nổ. Máy nổ chỉ hoạt động 12 giờ đồng hồ, vừa cung cấp điện cho trạm vừa sạc điện cho 9 ắc quy để trong phòng máy.

Mười hai giờ còn lại trạm hoạt động nhờ ắc quy và hai pin mặt trời to như hai cái giường đôi đặt ở chân cột sóng. Khi chưa có trạm này, sóng điện thoại không vượt qua được đèo Khau Phạ, đồng bào Mù Cang Chải chủ yếu là người dân tộc thiểu số dường như bị cô lập với thông tin. Xây dựng từ 1997 đến tháng 10 năm 1998 đưa vào sử dụng, trạm viba 1820 La Pán Tẩn là trạm trung chuyển, có chức năng truyền dẫn sóng từ trạm viba Suối Ma về đài Viễn thông Mù Cang Chải, phủ sóng Vinaphone cho hầu hết các xã vùng cao, vùng xa nhất của Mù Cang Chải.

Tháng 12 năm 2007, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông thực hiện chia tách bưu chính và viễn thông, trạm viba La Pán Tẩn trực thuộc Trung tâm Viễn thông miền Tây. Trạm đã giúp Trung tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội và củng cố quốc phòng an ninh.

Chiều La Pán Tẩn tối thật nhanh, gió thổi càng lúc càng mạnh mang cái rét về tê buốt. Mây từ các khe núi kéo lên, bủa vây lên mọi cảnh vật. Trưởng đài gọi tôi vào phòng, đóng cửa lại không cho mây và hơi lạnh thốc vào. Loáng một cáI, mâm cơm chiều đã được Giàng A Sào bê lên. Mâm cơm vẻn vẹn một đĩa măng ớt luộc, một bát canh rau cải Mèo, một đĩa thịt luộc do trưởng đài mang lên vì biết anh em sống trên này chẳng có gì. Thế thôi, ở đây đã gọi là cỗ. Mười ngày trực trạm, Giàng A Sào phải mang thức ăn lên dự trữ ăn đủ trong cả mười, thường chỉ là mì tôm và cá mắm. Có lần thức ăn đậy không kỹ, chuột vào tha hết lên rừng, anh phải ăn rau cải một tuần đến xót cả bụng.

Tốt nghiệp Học viện Bưu chính viễn thông, Giàng A Sào về đây nhận công tác năm 2007. Sào cùng Sùng A Phổng và Phạm Xuân Hùng thay nhau phụ trách trạm. Công việc thường ngày của người trực trạm là nổ máy nổ, xạc điện vào các bình ắcquy, kiểm tra pin mặt trời, vận hành máy móc, thông hoạt các tần số sóng, xử lý các sự cố. Nghe có vẻ đơn giản nhưng các anh phải trực 24/24 giờ, có khi phải leo lên tận đỉnh cột sóng để sửa.

Người trực trạm phải một mình xử lý tất cả các tình huống sảy ra trừ khi có sự cố  lớn mới gọi người lên hỗ trợ. Có việc làm như thế còn đỡ, sợ nhất lại là lúc không có việc gì để làm, nhất là những hôm mây mù, tầm nhìn chỉ được một mét, các anh phải đóng cửa ở trong trạm cả ngày, ngày cũng như đêm. Cô đơn những nỗi cô đơn rất đỗi con người.

Giàng A Sào kiểm tra thông tin tại trạm.

Ở đây mùa rét có thể chống chọi được. Ngại nhất là mùa mưa bão, chớp rạch nhì nhằng, sấm nổ đì đùng như bom dội. Ngồi trong phòng máy mà đầu óc inh inh như cho vào lồng sắt để quay. Cột viba cao 85m giống như cột thu lôi khổng lồ kéo cả sấm sét của Mù Cang Chải về. Trạm có cột thu lôi nhưng có lẽ sét đánh dồn dập quá, thu không kịp nên vẫn có sét văng ra ngoài làm cháy cả cái đài của Giàng A Sào. Tuy vất vả, các anh ở đây vẫn vui tươi và yêu đời lắm. Có người còn khắc lên tường mấy câu thơ: “ Ai xui tôi ở với mây/ Bên kia rừng rậm bên này gió hoang”.

Mùa này ban ngày nhiều mây ít nắng, hai pin mặt trời tích điện không được nhiều nên Sào phải dậy nổ máy nổ từ 4 giờ sáng. Tiếng máy bình bình làm tôi tỉnh hẳn. Chân thấp chân cao ra bể nước vặn vòi xả, lấy tay vốc nước lên rửa mặt. Chợt người tôi co cứng lại, nước như đóng băng trên mặt, lạnh cóng. Giàng A Sào cười: “Hôm nay vẫn chưa lạnh lắm đâu. Gặp hôm trời rét đậm, nước đóng băng thành mảng mỏng trên mặt bể. Nhìn đâu cũng thấy tuyết trắng xoá. Dây điện to bằng bắp tay vì tuyết bám vào. Có những cục tuyết to bám tít trên đỉnh cột sóng Viba rơi xuống làm bung cả mái tôn của phòng bếp, cứ thấp thỏm sợ tuyết rơi làm vỡ pin mặt trời”.

Sáng ra, Giàng A Sào lôi ra một bình rượu, rót rượu rồi kể về những ngày mới lên trạm. Hôm nay anh nói nhiều, những câu chuyện ủ kín lâu ngày không được nói. Những chén rượu đầy được rót ra liên tục. Giàng A Sào như thèm người, tôi biết anh định cho tôi say để tôi ở lại thêm một ngày nữa, để anh có người nói chuyện cùng.

Tôi xuống núi, ngoái lại, đỉnh 1820 La Pán Tẩn đã mịt mờ phía sau lưng. Khi mọi người ăn tết, quây quần ấm áp bên gia đình, cầm trên tay chiếc điện thoại ríu ran hỏi thăm, chúc tụng thì trên ấy, các anh ở lại, lặng lẽ giữ cho thông tin thông suốt, nối những niềm vui của mọi người, mọi miền đất nước.

Nông Quang Khiêm - (Hội Liên hiệp Văn  học Nghệ thuật Yên Bái)

Các tin khác
Cây chè Shan Phình Hồ sinh trưởng và phát triển hoàn toàn tự nhiên.

YBĐT - Chè ở Phình Hồ cũng là giống chè Shan tuyết như Suối Giàng nhưng lại không có nhánh đan cài vào nhau mà mọc thẳng, tạo thành rừng cây tự nhiên.

Lãnh đạo xã Cát Thịnh trao đổi với người dân trong thôn về định hướng phát triển kinh tế của thôn.

YBĐT - Cuối cùng chúng tôi cũng đến được Đồng Hẻo - một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn.

Ông Tạ Xuân Kinh giới thiệu về lịch sử phát triển của xã Nậm Búng.

YBĐT - Lịch sử phát triển của xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) là một câu chuyện dài, đó là một con đường gian khổ.

Làng rọ tôm Xuân Lai.

YBĐT - Tôi sinh ra ở vùng Đông hồ. Thỉnh thoảng, trong câu chuyện về những ngày xưa cũ, ông bà tôi vẫn kể về quê cũ nơi có chợ Ngọc, chợ Ngà, nơi có những cánh đồng phì nhiêu và màu mỡ, nơi người buôn kẻ bán tấp nập tạo nên một miền đất trù phú như một ký ức không thể nào quên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục