Rộn ràng Đồng Hẻo
- Cập nhật: Thứ hai, 7/1/2013 | 4:23:56 PM
YBĐT - Cuối cùng chúng tôi cũng đến được Đồng Hẻo - một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn.
Lãnh đạo xã Cát Thịnh trao đổi với người dân trong thôn về định hướng phát triển kinh tế của thôn.
|
Đoạn đường 5km ngược dốc lên Đồng Hẻo, câu chuyện giữa tôi và Phó chủ tịch UBND xã Sa Quang Huy cứ xoay quanh cái khó ở mảnh đất này. Những năm chín mươi, cán bộ xã và huyện cứ vận động người dân hạ sơn được vài hôm là họ lại dắt díu nhau trở về nơi cũ.
Mà họ đi bộ cũng giỏi, từ Đồng Hẻo lên làng Lao phải 30km đường rừng mà chỉ một ngày đã lên đến nơi, còn cán bộ phải mất hơn một ngày. Vậy là người dân cứ bỏ về, cán bộ xã và huyện lại phải lên vận động họ trở lại. "Nhiều lúc tưởng phải buông xuôi, bỏ cuộc, vậy mà chúng tôi đã làm được.
Sau gần 20 năm hạ hơn, đến nay thôn đã có 68 hộ dân an cư lạc nghiệp, giờ đây có thể cưỡi xe máy vi vu vào thôn mà không phải trèo đèo lội suối như trước nữa. Đồng Hẻo hôm nay đã khác xưa rất nhiều" - Phó chủ tịch xã Sa Quang Huy phấn khởi chia sẻ.
Chỉ về phía ngôi nhà gỗ khang trang đầu thôn, anh cho biết đó là nhà của trưởng thôn Sùng Tồng PLua - một trong 10 gương mặt thanh niên tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2005 - 2010 với mô hình nuôi ếch thương phẩm trên núi. Khi đó PLua còn đang làm bí thư chi đoàn kiêm công an viên của thôn.
Theo gia đình hạ sơn từ năm 1993, mong muốn được học tập, làm giàu trên vùng quê mới đã thôi thúc anh thực hiện được ước mơ mà nhiều thanh niên khác chưa dám nghĩ tới. Giờ đây, Plua còn được dân bản tín nhiệm bầu làm trưởng thôn.
Anh đã cùng chính quyền xã vận động dân bản làm điểm trường mầm non bán trú tại thôn và mời giáo viên vùng thấp lên cắm bản để dạy chữ cho con em người Mông, vận động các gia đình trẻ KHHGĐ, không tảo hôn, cùng nhau phát triển kinh tế.
Rót chén rượu ngô thơm nồng mời khách, PLua tâm sự: "Ngày hạ sơn về đây đúng là cuộc sống quá khó khăn. Dân bản vốn chỉ quen với việc đốt rừng làm nương rẫy, trông chờ vào tự nhiên là chính nên chưa biết làm gì để sinh sống trong khi lương thực tỉnh, huyện cấp để ổn định cuộc sống những ngày hạ sơn cứ vơi dần.
Cứ sau một đêm tỉnh dậy, nhìn sang bên cạnh đã thấy vắng tanh, không biết họ dắt díu nhau về quê cũ từ lúc nào, một hộ rồi hai, ba bốn hộ, thế là bản làng cứ vắng dần. Trở về quê cũ thì có nương có rẫy nhưng rồi cuộc sống cứ mãi tăm tối, trẻ con không được đi học, đau ốm cũng không biết chạy chữa ở đâu.
Được cán bộ huyện, xã tin tưởng, mình đã vận động gia đình ở lại và xin đi học cái chữ, rồi xây dựng gia đình và phát triển kinh tế. Thấy mình làm được nên dân bản nhiều người đã quay về và làm theo". Giờ đây người Mông trong thôn đã biết sản xuất lúa nước 2 vụ và trồng rừng, sang năm thôn sẽ tập trung trồng cây vụ đông, chủ yếu là ngô để đảm bảo lương thực.
Đường lên Đồng Hẻo hôm nay.
Không chỉ có vậy, nhiều gia đình còn phát triển chăn nuôi trâu bò, vừa để phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa để làm hàng hóa. Mặc dù chưa nhiều nhưng đó cũng là một sự cố gắng, nỗ lực lớn của đồng bào.
Qua khảo sát và đánh giá, tình trạng đói giáp hạt, đứt bữa không còn, đã có 4 hộ có mức sống khá giả nhất trong thôn, điển hình như gia đình ông Sùng Dúa Vư, Sùng Gia Ninh, Hờ Vảng Páo phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi trâu, bò, làm ruộng nương và tất nhiên là phải kể đến cả trưởng thôn Sùng Tồng PLua với mô hình dịch vụ máy xay xát, chăn nuôi lợn, gà, trồng rừng...
Cũng theo như tâm sự của trưởng thôn Sùng Tồng Plua thì từ năm 2008 xã được đầu tư một chiếc cầu treo qua suối và một trạm điện hạ thế nên cuộc sống người dân đã thay đổi khá nhiều, mọi hoạt động giao thương hàng hóa cũng thuận tiện hơn trước.
Thôn cũng đã có nhà văn hóa xây dựng kiên cố, có điểm trưởng mầm non, THCS với tỷ lệ 100% trẻ được ra lớp đúng độ tuổi. Sóng điện thoại cũng đã phủ đến thôn. Trên 80% hộ dân trong thôn có phương tiện xe máy đi lại và nghe nhìn, tất cả các hộ đân đều được sử dụng điện sáng. Một điều vui mừng nữa là thôn đã có tới 15 đảng viên, chủ yếu là đảng viên trẻ, có trình độ, năng lực đủ để tham gia, xây dựng các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của thôn.
Cuộc sống của người Mông trong thôn đã ổn định, bây giờ có cho tiền bảo họ về quê cũ cũng chẳng ai muốn về - trưởng thôn Sùng Tồng Plua cười. Không những thế "Nếu có chương trình gì tổ chức tại thôn, chúng tôi chỉ cần a lô cho trưởng thôn từ hôm trước là coi như mọi việc đã xong" anh Sa Quang Huy tiếp thêm câu chuyện của chúng tôi.
Như để minh chứng cho sự đổi thay ở Đồng Hẻo, trưởng thôn Sùng Tồng Plua dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Sùng Chừ Vàng. Gia đình ông là hộ được vận động di dời từ làng Lao về Đồng Hẻo từ những năm 1993 và cũng là một trong những hộ bỏ về làng Lao nhiều lần nhưng từ khi hạ sơn, định canh, được cán bộ tỉnh, huyện, xã dạy cách làm ăn, gia đình ông đã khá lên rất nhiều, các con cái ông đã khôn lớn trưởng thành và đều an cư lạc nghiệp trên mảnh đất này, hiện tại gia đình ông đã có một đàn trâu, bò hơn chục con.
Chiều xuống, bản làng người Mông Đồng Hẻo chìm dần trong sương, lẫn với màu xanh ngút ngàn của rừng, của ánh đèn điện và đâu đó tiếng nhạc, tiếng loa của nhà ai vọng lại. Con đường ngược núi trước lún thụt đất đá nay đã rộng mở. Những em nhỏ người Mông đi học về tung tăng chiếc cặp trên tay ríu rít nói cười.
Những cô gái Mông duyên dáng trong trang phục nhiều họa tiết hòa trong làn sương trắng, đôi má ửng hồng, sau lưng là những gùi ngô, thực phẩm để chuẩn bị cho những ngày tết, bước chân mạnh mẽ, rắn rỏi không biết mệt mỏi dường như đã quen lắm với con đường này.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Lịch sử phát triển của xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) là một câu chuyện dài, đó là một con đường gian khổ.
YBĐT - Tôi sinh ra ở vùng Đông hồ. Thỉnh thoảng, trong câu chuyện về những ngày xưa cũ, ông bà tôi vẫn kể về quê cũ nơi có chợ Ngọc, chợ Ngà, nơi có những cánh đồng phì nhiêu và màu mỡ, nơi người buôn kẻ bán tấp nập tạo nên một miền đất trù phú như một ký ức không thể nào quên.
YBĐT - Không rõ dòng Nậm Tung bắt nguồn từ đâu, chỉ biết rằng khi qua Pá Hu, nó như ranh giới phân định cuộc sống giữa hai bờ con suối: một bên hiện đại, phát triển, còn bên kia - nơi có gần 400 hộ đồng bào Mông xã Pá Hu định cư, cuộc sống vẫn còn quá nghèo nàn và lạc hậu...
YBĐT - Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015 được ví như luồng gió mới đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở huyện Trạm Tấu. Đến nay, Trạm Tấu đã có 4 đơn vị đạt chuẩn giáo dục mầm non, gồm các: xã Trạm Tấu, Hát Lừu, Bản Công và thị trấn Trạm Tấu.