Cầm đồ và những hệ lụy

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/1/2013 | 9:03:23 AM

YBĐT - Các loại tài sản không rõ nguồn gốc thường bị cầm với giá thấp hơn nhiều lần giá trị thực, lãi suất cũng thường cao hơn và tỷ lệ khách hàng không "nhổ" được đồ cũng cao hơn.

Một hiệu cầm đồ trên đường Điện Biên (thành phố Yên Bái).
Một hiệu cầm đồ trên đường Điện Biên (thành phố Yên Bái).

Chị Như (phường Hồng Hà, TP Yên Bái) dường như đã quen với việc đi đến hiệu cầm đồ để “nhổ” xe về. Thằng Tùng con trai chị đang học lớp 11 trường “Lý” nhưng bị chúng bạn lôi kéo chơi bời lêu lổng. Ban đầu, Tùng lấy tiền của bố mẹ để tiêu xài hoang phí. Khi không có tiền hết cách xoay thì mượn xe đạp của bạn mang vào hiệu cầm đồ cắm lấy tiền tiêu. Chiều con, chị Như lật đật chạy đến hiệu cầm đồ để trả tiền mang xe về cho bạn nó.

Lần khác, Tùng lại vớ được chìa khóa xe máy của mẹ nó phóng luôn xe đến hiệu cầm đồ khu vực đầu máy cắm lấy 7 triệu đồng rồi cùng chúng bạn đi đập phá hết số tiền đó. Lần nữa chị Như lại phải vay mượn rồi tìm gọi thằng Tùng về để đi chuộc xe. Vẫn biết “con dại cái mang” nhưng khách quan mang lại cũng không ít. Trước món lợi nhuận béo bở hầu như chủ cơ sở cầm đồ không bao giờ từ chối loại hàng nào đến “cắm”. Điều đó góp phần tiếp tay cho những đứa như thằng Tùng ngày càng sa vào lầm lỗi… (Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)

Cận cảnh loại hình cho vay cầm cố

Gọi vào số điện thoại ghi trên biển hiệu của một cơ sở cầm đồ trên đường Trần Hưng Đạo (thành phố Yên Bái) tôi nói có chiếc xe máy Weve RS của thằng bạn cần “cắm” nhưng nó quên không mang giấy tờ xe…, ngập ngừng giây lát, chủ cơ sở liền “Ok, cứ mang đến đây rồi tính”. Dạo quanh vài tuyến đường trên địa bàn thành phố như đường Điện Biên, Trần Hưng Đạo, Hòa Bình, Thanh Niên…, hầu như tuyến nào cũng có vài ba cơ sở kinh doanh cầm đồ, chưa nói trong ngõ ngách, rồi cả những cơ sở không cần biển hiệu mà một số thanh niên thường tìm đến cầm cố.

Tại một cơ sở kinh doanh cầm đồ trên đường Điện Biên, chúng tôi được biết chiếc xe máy có giá trên 20 triệu đồng nhưng khi đưa ra cầm cố chỉ được tính với giá trị xấp xỉ một nửa. Nếu cắm xe vay 10 triệu đồng phải trả lãi 30- 40 ngàn đồng mỗi ngày, nghe có vẻ thấp nhưng tính ra lãi suất cũng tương đương 9 - 10% một tháng.

Chủ cơ sở này cho hay, hoạt động cầm đồ nếu không cẩn thận dễ dính rủi ro như chơi. Chẳng tiết lộ thu nhập từ cho vay cầm cố là bao nhiêu nhưng người chủ cơ sở vui vẻ: “Tuy bấp bênh nhưng cũng đủ nuôi vợ ở nhà với 2 con nhỏ”.

Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 189 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Nhiều nhất vẫn là địa bàn thành phố Yên Bái với 75 cơ sở, kế đến là Văn Yên 37, thị xã Nghĩa Lộ 23, huyện Yên Bình 21 cơ sở...

Hai huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu cũng có 4-5 cơ sở cầm đồ hoạt động. Trong năm 2012, Công an thành phố Yên Bái xử lý 2 vụ vi phạm, phạt tiền 2,3 triệu đồng; Công an Yên Bình xử lý 1 vụ vi phạm, phạt tiền 350 ngàn đồng; công an huyện Văn Yên xử lý 2 vụ phạt tiền 700 ngàn đồng.

 

Công an phường Hồng Hà lên kế hoạch quản lý kiểm tra cơ sở cầm đồ trên địa bàn.

Ngày 5/11/2012, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh phối hợp với Công an thành phố Yên Bái kiểm tra cơ sở cầm đồ của Vũ Vân Anh ở tổ 44, phường Minh Tân phát hiện tài sản cầm cố là 2 chiếc xe máy không có hợp đồng thế chấp theo qui định, lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền 3,5 triệu đồng đối với chủ cơ sở này.

Các vi phạm trong hoạt động cầm đồ chủ yếu không có hợp đồng, không có giấy tờ chứng minh tài sản, không có giấy ủy quyền của chính chủ sở hữu đối với tài sản mang đi cầm đồ…, cầm cố tài sản do vi phạm trộm cắp mà có như: xe đạp, xe máy, máy bơm nước…

Với lợi nhuận kếch xù từ cho vay cầm đồ, không ít chủ hiệu liều mình trước rủi ro. Thế nhưng, tài sản cầm cố có tính rủi ro cao thì lợi nhuận ắt càng cao. Vậy nên, khi công an kiểm tra vẫn thường phát hiện tài sản cầm cố không có giấy tờ chứng minh theo luật pháp qui định. Chẳng hạn, trong tháng 8 năm 2012, Công an phường Hồng Hà phối hợp với Công an thành phố Yên Bái kiểm tra cơ sở cầm đồ của Nguyễn Thế Hà, tổ 48 phát hiện 2 xe máy biển kiểm soát Hà Nội cầm cố không có giấy tờ. Lực lượng kiểm tra đã thu giữ 2 chiếc xe máy để điều tra làm rõ.

Hoạt động cầm đồ có biến tướng cũng bởi thực tế nhiều đối tượng trước đây từng kinh doanh cầm đồ, khi đã có tiếng tăm liền quay ra hoạt động dưới hình thức lưu động hoặc dưới hình thức mua bán xe cũ, đồ cũ. Thậm chí, không cần biển hiệu và tất nhiên cũng chẳng cần đăng ký kinh doanh mà chỉ cần thông qua các mối quan hệ sẵn có để cho vay tiền theo cách cho vay 10 ăn 8, lãi suất đã được tính trước luôn vào tiền cho vay.

Đây là một trong những hình thức cầm đồ tương đối phổ biến hiện nay và thực chất là hoạt động cho vay nặng lãi tinh vi, nhằm tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng. Năm 2010, qua nắm tình hình, lực lượng công an đã phát hiện cơ sở ở tổ 5b phường Hồng Hà cầm nhiều xe đạp, đồ đạc… trái phép. Lực lượng công an đã xử lý cho ký cam kết không tái phạm và kiểm tra định kỳ hàng năm. Được thời gian sau, cơ sở này đã đổi thành nơi mua bán xe đạp cũ…

Siết chặt kinh doanh cầm đồ

 

Hiệu cầm đồ trên đường Hòa Bình (thành phố Yên Bái).

Anh bạn trước đây từng hành nghề cầm đồ cho hay: “Việc có được một giấy đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ là tương đối dễ dàng”. Theo Thông tư số 33/2010 của Bộ Công an quy định hiện hành thì cá nhân hoặc doanh nghiệp đủ điều kiện muốn kinh doanh dịch vụ cầm đồ chỉ cần có bộ hồ sơ gồm một số giấy tờ như: văn bản xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, trong đó, chủ cơ sở đó phải xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư hoặc chứng nhận đăng ký hoạt động, đăng ký thuế, chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy...

Cấp phép thì không khó, quản lý mới là cái khó. Thường thì cứ định kỳ, công an các phường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của công an tỉnh, thành phố kiểm tra giấy phép kinh doanh, sổ sách của các cửa hàng cầm đồ. Tuy nhiên, việc làm này cũng chỉ quản lý được bề nổi, các vi phạm hành chính chủ yếu là tiêu thụ tài sản không chính chủ hay tài sản cầm cố không rõ nguồn gốc.

Thực tế, hoạt động cầm đồ khá phức tạp, phần chìm thường liên quan đến nhiều lĩnh vực phạm tội khác như cho vay nặng lãi, cá độ bóng đá, lô đề, cờ bạc... Không ít vụ việc liên quan đến các hành vi phạm tội như trộm cắp, chiếm đoạt tài sản... mà tài sản phạm tội được tiêu thụ tại các hiệu cầm đồ.

Các loại tài sản không rõ nguồn gốc thường bị cầm với giá thấp hơn nhiều lần giá trị thực, lãi suất cũng thường cao hơn, và tỷ lệ khách hàng không "nhổ" được đồ cũng cao hơn. Những biến tướng trong hoạt động cầm đồ hiện nay đặt ra nhiều vấn đề. Hoạt động cầm đồ chính là môi trường thuận lợi để tội phạm lợi dụng tiêu thụ của gian.

Cầm đồ đa phần là loại hình hộ kinh doanh và được phân cấp đăng ký hộ kinh doanh cho cấp huyện nên trình tự và thủ tục đăng ký dễ dàng, đơn giản. Khi có sai phạm bị xử lý, chủ hiệu cầm đồ có thể đăng ký mới đứng tên người khác và tiếp tục hoạt động. Hoạt động cầm cố luôn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an ninh trật tự xã hội.

Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác quản lý. Đề nghị các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung tăng chế tài xử lý vi phạm hành chính của các ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm về an ninh trật tự nói chung và kinh doanh cầm đồ nói riêng cho phù hợp với tình hình. Mặt khác, cần siết chặt quản lý loại hình kinh doanh dịch vụ cầm đồ từ khâu cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, cho đến những biện pháp cần thiết khác, góp phần làm tốt công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Trung tá Trần Huy Trí - Đội trưởng Đội quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, Phòng cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh:

Về góc độ quản lý nhà nước được qui định theo thẩm quyền đối với công an các cấp. Việc kiểm tra cơ sở cầm đồ theo định kỳ mỗi năm 1 lần, trường hợp kiểm tra đột xuất chỉ khi nào phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Căn cứ để phát hiện vi phạm cũng khó khăn do hoạt động cầm đồ tinh vi, mánh khóe.

Lực lượng công an chức năng mỏng, phạm vi quản lý toàn tỉnh rộng nên chủ yếu việc phát hiện xử lý vẫn là công an cấp huyện thực hiện nhưng lực lượng này đa phần lại kiêm nhiệm. Ngoài ra, Phòng còn phải đảm nhiệm nhiều chức năng quản lý các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện khác.

Mặt khác, chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động cầm đồ còn rất nhẹ, thường chỉ phạt hành chính vài ba trăm ngàn đồng, nhiều nhất cũng chỉ từ 5- 15 triệu đồng nên chưa đủ sức để khống chế, giảm bớt vi phạm đối với chủ cơ sở.

Kiến Hưng

Các tin khác
Chị Hoàng Thị Thâm (áo xanh) mong muốn công ty cung ứng giống nhanh chóng thanh toán tiền gốc và lãi để gia đình chị bớt những khó khăn

YBĐT - Ngày 30/10/2008, tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện Văn Chấn, 46 hộ dân xã Đồng Khê đồng loại ký vay với tổng số tiền trên 400 triệu đồng theo đề án hỗ trợ bò cho hộ nghèo.

Cột sóng viba trên đỉnh Trạm viba 1820.

YBĐT - Theo trưởng đài Viễn thông Mù Cang Chải Phạm Tiến Thao, tôi lên Trạm viba 1820 La Pán Tẩn. Ở chân núi nhìn lên, đỉnh 1820 cao ngất ẩn hiện trong mây trắng mờ mờ. Con đường quẩn quanh, heo hút giữa rừng thông, chênh vênh dẫn lên Trạm phải đi bộ hoàn toàn.

Cây chè Shan Phình Hồ sinh trưởng và phát triển hoàn toàn tự nhiên.

YBĐT - Chè ở Phình Hồ cũng là giống chè Shan tuyết như Suối Giàng nhưng lại không có nhánh đan cài vào nhau mà mọc thẳng, tạo thành rừng cây tự nhiên.

Lãnh đạo xã Cát Thịnh trao đổi với người dân trong thôn về định hướng phát triển kinh tế của thôn.

YBĐT - Cuối cùng chúng tôi cũng đến được Đồng Hẻo - một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục