Tân Hợp "Quét" hủ tục trong việc cưới, việc tang

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/1/2013 | 8:46:05 AM

YBĐT - 87,5% khu dân cư, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn đơn vị văn hóa, 86% số hộ đạt gia đình văn hóa, 13/14 khu dân cư tiên tiến, 12/14 thôn, bản đăng ký xây dựng làng văn hóa, trong đó 10 thôn được công nhận làng văn hóa cấp huyện, thế nhưng xã Tân Hợp, huyện Văn Yên vẫn đang phải cương quyết "quét" sạch hủ tục trong việc cưới và việc tang.

"Quét" hủ tục, Tân Hợp còn là một trong những xã huy động tốt sức dân trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hủ tục - chuyện cũ và mới trong việc cưới, việc tang

Từ huyện lỵ Văn Yên đến trung tâm xã chưa đầy chục cây số nhưng Tân Hợp là xã vùng sâu. Có những thôn xa trụ sở UBND xã đến 5 - 7 cây số, đi lại khó khăn như 2 thôn Đá Mốc, Câu Dạo. Rồi những thôn vùng trong như: Khe Ca, Làng Lớn, Làng Mít cũng vậy, có đường ô tô nhưng không phải lúc nào xe cũng vào đến thôn được, điện lưới quốc gia cũng chưa thắp sáng bản làng. Ở đây phần nhiều là người Tày và người Dao sinh sống, có thôn tới 98%.

Đồng bào Tày ở Tân Hợp lưu giữ được nhiều nét văn hóa dân tộc, nhưng trong việc tang, việc cưới lại có những tập tục rườm rà, tốn kém. Nhiều năm trước đây, nhà (xin không nêu tên - PV) có người qua đời phải đón thầy mo về làm lễ, thủ tục ma chay có khi kéo tới 3 ngày đã rất tốn kém, nhưng nghi lễ phúng viếng cho người đã khuất mới là gánh nặng cho gia đình và họ hàng.

Là người Tày, chị Hoàng Thị Xuyến - Bí thư Chi bộ 12 Khe Ca kể: "Lễ thông gia là tục lệ từ cha ông chúng tôi để lại. Lễ này báo đáp công ơn bậc cha mẹ đã có công nuôi con dâu, con rể cho gia đình họ nên khi thông gia mất, họ thường chuẩn bị một lễ đến viếng rất cầu kỳ. Lễ thường mang đến có cỗ xôi, gà, rượu và đủ các loại bánh dày, bánh khảo, bánh uây, chè lam, 1 mâm gạo, một con lợn, có khi cả vàng hương, câu đối nữa".

Toàn xã Tân Hợp có 969 hộ, gần 4.100 nhân khẩu, với 6 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, dân tộc Tày chiếm tỷ lệ 40% dân số, tiếp đến là người Kinh và người Dao. Xã có 5/14 thôn đặc biệt khó khăn nằm trong diện được đầu tư theo Chương trình 135 của Chính phủ.

Người dự đám mà còn phải chứng kiến mâm lễ cùng với con lợn còn kêu eng éc được đưa vào gần linh cữu người chết để khấn vái, tạ ơn thông gia. Hương khói ngột ngạt, mùi xú uế do con lợn đùn ra làm không khí càng thêm "nặng nề". Chẳng những làm mất vệ sinh ở đám ma, lễ thông gia còn phải mất vài ba triệu đồng chứ chẳng ít.

Có trường hợp trước khi qua đời, người xấu số mang bệnh, gia đình các thông gia lần lượt đến thăm, hàng chục mâm cơm thết đãi đã làm cho những nhà không có của khốn đốn, chuyện vay mượn của gia chủ càng thêm nặng nề!

Tiễn người quá cố đã vậy, việc tổ chức việc hỷ trước đây ở Tân Hợp cũng không kém phần bày đặt. Chắc cũng do tập tục ở làng mà mỗi cuộc vui cho đôi bạn trẻ làm tới hàng chục mâm cỗ, ít cũng ăn 2 bữa. Có nhà còn "linh đình" mời khách của bố mẹ vào bữa trưa và bữa chiều, khách của con cái vào bữa tối. Vậy là 3 bữa, và điều không hay lại thường diễn ra vào bữa tối của các bạn trẻ. Vui chúc tụng, có chút men, lời qua tiếng lại, xô xát, đánh đấm khó tránh khỏi.

Bà Phạm Thị Hương - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hợp tâm sự: "Có thời gian, đám cưới nào cũng xảy ra ẩu đả, đang vui có khi lực lượng chức năng phải vào cuộc can ngăn. Có ai đến đám cưới lại không mừng, nhưng tiền gia đình bỏ ra tổ chức đám cưới bằng mấy lần tiền mừng, biết bao giờ mới trả hết nợ. Xã rất lo và phải nghĩ cách để người dân tính toán cho phù hợp".

Lại có thêm "việc mới" là không ít bạn trẻ ở đây đã theo "mốt" thành thị đua nhau ảnh to ảnh nhỏ, chụp trước, chụp trong đám cưới, "tổng thiệt hại" có khi 5 - 6 triệu đồng. Thuốc lá trong hôn lễ cũng dùng loại đắt tiền để không thua kém bạn bè. Các cặp uyên ương không biết, cách thức họ tạo nên những "kỷ niệm đáng nhớ" trong cuộc đời lại đang được cấp ủy, chính quyền địa phương cho đó là "hủ tục", cần sớm bài trừ.

"Quét" hủ tục

Nhận rõ nguy hại của những hủ tục trong việc cưới, việc tang, Đảng ủy, chính quyền xã Tân Hợp đã có nhiều hình thức vận động nhân dân gắn với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Việc cưới, việc tang kéo dài có giảm, tục cúng bái giải hạn khi ốm đau bớt dần, song những phiền phức trong đám cưới, đám tang vẫn đâu đó ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của đồng bào. Nhiệm vụ "quét" đi những hủ tục tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương đặt ra.

Việc bài trừ hủ tục được tiếp thêm động lực khi Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hướng dẫn số 04/2011/TT-BVHTTDL hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đặc biệt, khi Quyết định số 26/2012/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được ban hành thì cả hệ thống chính trị ở xã Tân Hợp đã vào cuộc gắt gao.

Từ năm 2011, xã từng phải mở những cuộc họp Ban chấp hành Đảng bộ mở rộng đến trưởng các tổ chức, đoàn thể như: mặt trận, người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên. Bí thư Đảng ủy xã nhấn mạnh: "Chúng tôi yêu cầu các chi bộ thôn phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm. Đối với những thôn khó khăn, Thường trực Đảng ủy và các đồng chí cấp ủy phụ trách trực tiếp tham gia các cuộc họp chi bộ, họp dân để nắm bắt tâm tư tình cảm, tuyên truyền, vận động các hộ".

 

Lãnh đạo xã Tân Hợp kiểm tra mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Ủy ban MTTQ ký kết liên tịch thực hiện Quyết định 26 với UBND và HĐND xã và phối hợp triển khai đến các thành viên. Hội Người cao tuổi tập trung vận động loại bỏ những hủ tục tốn kém, không cần thiết trong tang ma, Đoàn thanh niên vận động các bạn trẻ thực hiện nếp sống văn minh, nhất là trong cưới hỏi, không tổ chức ăn vào buổi tối, cựu chiến binh, phụ nữ theo trách nhiệm vận động hội viên thuyết phục gia đình làm theo, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa.

Việc tuyên truyền đã được tổ chức ở tất cả các thôn, bản, có thôn, bản tiến hành 2 - 3 lần bằng hình thức họp dân. Rồi thông qua ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, chủ trương bỏ hủ tục đã từng bước vào dân.

Ông Nguyễn Văn Cừ - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Hợp cho biết: "Cùng với tích cực vận động người dân, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát lại các nghĩa trang trong xã để giao cho các ban mặt trận quản lý. Đồng thời vận động các khu dân cư đóng góp làm cỗ đòn tang để dùng chung, giúp cho việc thực hiện các nghi lễ tang từng bước vào quy củ".

Cấp ủy, chính quyền lãnh đạo chỉ đạo sát sao cùng nỗ lực của các ban công tác mặt trận, sự ủng hộ của các đoàn thể thành viên, hủ tục trong việc cưới, việc tang cơ bản được đẩy lùi. Không còn hộ tổ chức cưới 2 - 3 ngày như trước, nhiều đám cưới đã thực hiện không hút thuốc, việc tổ chức ăn bữa tối có tín hiệu giảm dần.

Đáng kể là việc tang đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân, trong đó có nhiều người cao tuổi, đặc biệt có người làm thầy cúng nhưng rất tích cực ủng hộ chủ trương của địa phương.

Bí thư Chi bộ 12 Khe Ca Hoàng Thị Xuyến phấn khởi cho biết: "Ở khu dân cư chúng tôi có 3 - 4 đám giảm được nghi lễ làm ma, thời gian kèn trống cũng không còn quá 22 giờ. Nhưng cũng còn trường hợp gia đình có thông gia ở xã khác, trước đây, họ đã làm lễ thông gia rồi, nay không ít hộ vẫn áy náy và cố gắng đưa lễ đến khi thông gia qua đời. Mong sao các địa phương khác cùng vận động thì hủ tục này mới nhanh chóng được xóa bỏ".

Lời kết

Mong muốn của chị Hoàng Thị Xuyến cũng là trăn trở của lãnh đạo xã Tân Hợp. Công cuộc quét sạch hủ tục trong việc cưới, việc tang trên địa bàn xã chưa đạt được mục tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị của Tân Hợp còn phải nỗ lực hơn. Và thêm nữa, ở đây rất cần sự phối hợp của các xã khác trong công tác tuyên truyền, vận động mọi người cùng thực hiện. Có như vậy, việc thực hiện Quyết định số 26 của UBND tỉnh và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở Tân Hợp và cả huyện Văn Yên mới sớm thành công, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa nhân dân các dân tộc Yên Bái.

Minh Quang

Các tin khác
Một hiệu cầm đồ trên đường Điện Biên (thành phố Yên Bái).

YBĐT - Các loại tài sản không rõ nguồn gốc thường bị cầm với giá thấp hơn nhiều lần giá trị thực, lãi suất cũng thường cao hơn và tỷ lệ khách hàng không "nhổ" được đồ cũng cao hơn.

Chị Hoàng Thị Thâm (áo xanh) mong muốn công ty cung ứng giống nhanh chóng thanh toán tiền gốc và lãi để gia đình chị bớt những khó khăn

YBĐT - Ngày 30/10/2008, tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện Văn Chấn, 46 hộ dân xã Đồng Khê đồng loại ký vay với tổng số tiền trên 400 triệu đồng theo đề án hỗ trợ bò cho hộ nghèo.

Cột sóng viba trên đỉnh Trạm viba 1820.

YBĐT - Theo trưởng đài Viễn thông Mù Cang Chải Phạm Tiến Thao, tôi lên Trạm viba 1820 La Pán Tẩn. Ở chân núi nhìn lên, đỉnh 1820 cao ngất ẩn hiện trong mây trắng mờ mờ. Con đường quẩn quanh, heo hút giữa rừng thông, chênh vênh dẫn lên Trạm phải đi bộ hoàn toàn.

Cây chè Shan Phình Hồ sinh trưởng và phát triển hoàn toàn tự nhiên.

YBĐT - Chè ở Phình Hồ cũng là giống chè Shan tuyết như Suối Giàng nhưng lại không có nhánh đan cài vào nhau mà mọc thẳng, tạo thành rừng cây tự nhiên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục