Tây Bắc mùa hoa ban

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/2/2013 | 9:51:48 AM

YBĐT - Sinh ra ở vùng đất trung du, tôi yêu hoa đào, hoa mai ngay từ khi mới lớn. Nhưng còn hoa ban, tôi mới được biết từ khi đặt chân lên đất rừng Tây Bắc.

Chao ôi, tôi say đắm sắc mai trắng, sắc đào phai của vùng quê bao nhiêu thì lại càng say mê ám ảnh bởi cái màu trắng trong ngọc ngà của hoa ban bấy nhiêu. Những rừng hoa ban trắng kỳ diệu như từ trong lịch sử hiện về. Hoa ban bủa vây mọi nẻo đường, thậm chí còn muốn đánh đắm cả cuộc đời tôi.

Mỗi năm trước tết cả tuần, tôi ra công viên thành phố để tìm kiếm tuổi trẻ của mình trong những cánh hoa ban nõn nà thuần khiết. Tôi vẫn ngồi trên ghế đá, dưới vòm lá cây ban để thắc thỏm đợi chờ. Hoa ban về đúng hẹn như tình nhân, như thể không có hoa thì Tây Bắc này không có tết, không có hoa thì đôi lứa kia chưa có tình yêu đắm say.

Những người trồng cây ở công viên thành phố không biết có bị hoa ban hút hồn, hút vía như tôi không mà đem cây về trồng ở đây để được chạm tay, chạm mắt, chạm lòng mỗi khi tết đến xuân về.

Vậy mà mấy chục năm về trước tôi đã bị lạc trong cánh rừng hoa ban ở Châu Thuận. Năm ấy tôi tròn 20 tuổi. Màu trắng mảnh mai huyền hoặc vừa thực vừa hư của rừng ban làm tôi mê mải. Em gái Thái Chiềng Ly dẫn tôi lên rừng ban. Em dắt tay tôi đi hết rừng ban này đến rừng ban khác, cứ thế mà lạc cho mãi tới chiều tà.

Cây ban mùa này tuyệt nhiên không có lấy một cái lá, chỉ có hoa và hoa chen nhau nở trên những cái cành tưởng như khô khốc. Dường như hoa ban sinh ra để ngắm, để nhìn như chiều qua ngắm nhìn những em gái Thái Chiềng Ly tắm trần trên dòng suối nước trong ngăn ngắt.

Chẳng giống bất cứ một cây hoa nào tôi vẫn gặp, thân cây ban cong queo, chân mộc, thế đứng vươn cành xuề xòa bình dị nhưng sao bông nào cũng trắng trong, mỏng manh một cách cao sang, đài các là vậy. Ngắt một bông hoa ban đặt vào lòng bàn tay ta nhìn vào như có chút mây trắng bay nơi đỉnh núi, như có một phần tuyết lạnh Sa Pa và có cả ánh mắt long lanh thơ dại của những cô gái miền sơn cước, có vẻ trong ngần của dòng suối buổi ban mai.

Suốt cả ngày hôm ấy tôi đi trong khát vọng của mùa xuân và quên khấy đi cả thời gian và sự mong đợi của anh em đồng đội. Biết tôi lạc giữa rừng ban nhưng không một ai nỡ buông lời trách cứ. Người đồng đội trẻ của tôi quê cũng ở vùng đồi trung du, anh mơ ước một ngày nào đó sẽ đưa cây hoa ban về trồng trên đất quê để kỷ niệm những ngày hành quân qua rừng Tây Bắc.

Nhưng sau đó đúng một mùa ban nở đồng đội của tôi đã hy sinh ngay ở đèo Pha Đin. Chúng tôi đã trồng bên ngôi mộ của người lính trẻ ấy một cây rừng còn non tơ lá kép từng đôi, từng đôi như hai trái tim ép lại. Đồng bào các dân tộc có mặt rất đông trong ngày tiễn biệt anh quả quyết rằng cây ấy chính là cây hoa ban mới nở.

Cũng chính vì mơ ước của người đồng đội, tết đến chúng tôi lại về Châu Thuận, lại đến đèo Pha Đin, sang bên kia dãy núi Ô Quy Hồ Sa Pa, về Mù Cang Chải để được ngắm hoa ban, để được thấy cái sắc trắng rung rinh, sáng rực cả khoảng trời kia, biểu hiện của sự hóa thân giữa đất và người, giữa quá khứ và hiện tại, của tình yêu muôn thuở.

Mang trong mình khát vọng mùa xuân và ước mơ của người lính trẻ suốt mấy chục năm qua, tôi ra sức tìm kiếm nhưng chưa đâu có được những rừng hoa ban đẹp như Tây Bắc. Có phải thế không mà người ta gọi Tây Bắc là hòn ngọc ngày mai của Tổ quốc.

Giữa lòng Hà Nội cây hoa ban được đứng bên Lăng của Bác Hồ, để mỗi độ xuân về lại tỏa hương thơm thanh khiết và trong trắng vào giấc ngủ của Người. Lúc sinh thời, trong trái tim Người tình thương yêu luôn dành cho  đồng bào các dân tộc.

Khát vọng tột cùng trong suốt cuộc đời hoạt động của Người là làm sao cho nước nhà được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào miền ngược cũng như miền xuôi ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Khi Người qua đời đồng bào các dân tộc chọn cây hoa ban về trồng bên Lăng Bác. Những cây hoa ban mãi mãi tỏa hương thơm và bóng mát bên Người.

Chao ôi, chẳng biết từ thuở nào mà hoa ban kiêu hãnh trong các trường ca và truyền thuyết trong kho tàng văn học các dân tộc. Phải chăng những cảm xúc ngân vang của những rừng ban thơ mộng đã làm nên bản “tình ca Tây Bắc” bất hủ.

Có ai trong chúng ta khi bước chân lên mảnh đất Tây Bắc, được tận mắt ngắm nhìn rừng ban mà trong lòng không cất lên bản tình ca Tây Bắc “... Rừng rừng hoa với chim ca vui tưng bừng. Suối nước trong xanh soi bóng anh và bóng em. Bên nhau cùng sống vui êm đềm cùng núi rừng. Đất nước hòa bình hạnh phúc ta như mùa xuân...”.

Và cái đêm thương nhớ ấy, đêm cuối năm bên bếp lửa nhà sàn, em gái Chiềng Ly kể cho tôi nghe về sự tích hoa ban. Tôi nhìn vào đôi mắt em long lanh giọt nước ấm nồng. Nàng Ban như từ trong quá khứ hiện về rực rỡ, kiêu sa. Nàng và chàng Khun thông minh và khỏe đẹp từ bản nọ bên kia dãy núi yêu nhau. Đêm đêm chàng vẫn vượt qua mấy đoạn đường rừng, lội qua mấy suối tìm đến nhà nàng để tỏ tình đôi lứa và hẹn nhau ngày cưới.

Nhưng tội nghiệp thay, bố mẹ nàng không chấp thuận cho nàng lấy chàng trai nghèo khổ. Giãi bày mãi mà cha mẹ không cho, vào một buổi sớm mùa xuân, nàng bỏ nhà ra đi. Nàng đi mãi, đi mãi hết đồi này núi kia, hết ngày này đến ngày khác mà vẫn không tìm được chàng.

Đi mãi cho đến khi nàng gục xuống và hóa thân vào đất, nơi nàng nằm xuống đã mọc lên muôn ngàn cây hoa cứ đến mùa xuân là bừng nở ra vô vàn cánh hoa trong trắng nõn nà ngan ngát hương thơm như gương mặt, như búp tay, như thân thể của nàng.

Chàng Khun khi đến nơi hò hẹn ở nhà nàng nhưng không thấy nàng đâu, chỉ thấy chiếc khăn piêu để lại. Biết chuyện chẳng lành chàng vội chạy đi tìm nàng. Chạy hết đồi nọ, núi kia, chàng gọi nàng đến khản cổ mà không thấy tiếng nàng đáp lại.

Chàng gọi mãi cho đến khi kiệt sức và biến thành con chim Lộc Khum. Từ đấy mỗi khi mùa xuân về hoa ban nở trắng rừng, chim Lộc Khum lại hót, chim hót gọi nàng suốt một mùa hoa nở.

Hoa ban trong trắng ngần kia được mọc lên từ trang tình sử. Phải chăng vì thế mà hoa ban mãi mãi trắng trong ngan ngát hương rừng mà vẫn ánh lên nỗi trầm tư của thời gian, niềm đăm chiêu nghĩ ngợi của đất trời?
Trên những nẻo đường đã qua, tôi đã ra công tìm kiếm nhưng không ở đâu có được những rừng ban đẹp như rừng ban Tây Bắc, bởi ở đó có mối tình bất tử, có người lính trẻ ôm vào lòng cánh hoa ban khi ngã xuống trên đường ra trận.

Đêm nay tôi lại ngồi dưới vòm cây chờ đợi giao thừa - chờ đón giây phút thần tiên bừng nở cả một khoảng trời thiêng hoa trắng.

Hải Đường -SN 1032, đường Yên Ninh, P.Minh Tân, TP.Yên Bái

Các tin khác
Cán bộ thú y huyện Văn Chấn hướng dẫn nhân dân cách nhận biết triệu chứng nghi dại trên đàn chó, mèo.

YBĐT - Bệnh dại không còn là chủ đề “nóng” tại Yên Bái nhưng mức độ lan truyền và tính chất nguy hiểm thì lại đáng báo động.

Địa danh SUối Giàng nổi tiếng với những cây chè Shan tuyết cổ thụ cùng bản sắc độc đáo của đồng bào Mông địa phương thu hút sự quan tâm của du khách.

YBĐT - Sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đã được Hiệp hội Chè Việt Nam tôn vinh thương hiệu quốc gia chè Việt vào năm 2006. Tuy nhiên, đến nay, thương hiệu chè Suối Giàng đang dần tự đánh mất mình và có nguy cơ “đi vào dĩ vãng”...

YBĐT - 87,5% khu dân cư, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn đơn vị văn hóa, 86% số hộ đạt gia đình văn hóa, 13/14 khu dân cư tiên tiến, 12/14 thôn, bản đăng ký xây dựng làng văn hóa, trong đó 10 thôn được công nhận làng văn hóa cấp huyện, thế nhưng xã Tân Hợp, huyện Văn Yên vẫn đang phải cương quyết "quét" sạch hủ tục trong việc cưới và việc tang.

Một hiệu cầm đồ trên đường Điện Biên (thành phố Yên Bái).

YBĐT - Các loại tài sản không rõ nguồn gốc thường bị cầm với giá thấp hơn nhiều lần giá trị thực, lãi suất cũng thường cao hơn và tỷ lệ khách hàng không "nhổ" được đồ cũng cao hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục