Báo động bệnh dại trở lại

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/2/2013 | 10:08:17 PM

YBĐT - Bệnh dại không còn là chủ đề “nóng” tại Yên Bái nhưng mức độ lan truyền và tính chất nguy hiểm thì lại đáng báo động.

Cán bộ thú y huyện Văn Chấn hướng dẫn nhân dân cách nhận biết triệu chứng nghi dại trên đàn chó, mèo.
Cán bộ thú y huyện Văn Chấn hướng dẫn nhân dân cách nhận biết triệu chứng nghi dại trên đàn chó, mèo.

Trước đây, khi nói đến bệnh dại tại Yên Bái người ta nghĩ ngay đến các xã vùng Đông hồ, huyện Yên Bình nhưng nay bệnh dại đã chuyển địa bàn sang các huyện phía Tây. Trong năm 2012 là huyện Mù Cang Chải, còn ở thời điểm này là huyện Văn Chấn.

Những câu chuyện buồn…

Chúng tôi tìm đến gia đình bà Đỗ Thị Thoa - 52 tuổi ở khu 2A, thị trấn Nông trường (TTNT) Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn (nạn nhân tử vong ngày 12/1/2013 do chó dại cắn sau 2 tháng ủ bệnh).

Tiếp chúng tôi, ông Hữu chồng bà Thoa trầm ngâm: “Tôi không biết phải nói gì, bây giờ cả nhà vẫn còn sốc vì sự ra đi đột ngột của bà ấy!”. Ông Quách Thắng Cảnh - Trạm trưởng Trạm Y tế TTNT Nghĩa Lộ là bạn thân của gia đình ông Hữu, chia sẻ: “Tôi biết, bà nhà ra đi ai cũng rất đau buồn, bà ấy bị chết “oan” ai cũng biết nhưng ông nói rõ, nguyên nhân để cảnh tỉnh mọi người và lật tẩy tụi “lang băm” chứ! Nếu bà ấy đi tiêm phòng thì đâu ra sự việc này”.

Trước đó, bà Thoa sang nhà hàng xóm và bị chó cắn. Do chủ quan bà đã không đến các điểm tiêm phòng chó dại mà thay vào đó, gia đình lại tìm đến mấy ông bà “lang băm” xin thuốc. Sự cả quyết, các bài thuốc tự chế từ các “lang băm” đã dẫn đến cái chết thương tâm của bà Thoa.

Trong ngôi nhà tranh tre nứa lá tuềnh toàng phơi mặt ra cánh đồng hun hút gió, anh Hà Văn Hoàn ở bản Đao, xã Phù Nham, là bố của cháu Hà Thanh Phong, 6 tuổi (nạn nhân tử vong ngày 2/1/2013 do chó dại cắn sau 45 ngày ủ bệnh) tay run run rót trà mời khách, anh nghẹn ngào: “Đây là sự mất mát lớn của gia đình, cháu còn quá nhỏ và rất ngoan. Gia đình tôi cũng biết cháu bị chó cắn nhưng là chó nuôi bên ông bà, gia đình khó khăn lại bận nhiều việc nên không để ý, đây là sơ suất của gia đình”.

Con chó một tuần sau khi cắn bé Phong tiếp tục cắn ông nội và đứa con anh trai anh Hoàn. Anh Hoàn đã chủ động yêu cầu ông và cháu kịp thời đến các điểm tiêm phòng dại. Mới đây nhất, ngày 29/1/2013, ông Bùi Văn Phận - 60 tuổi ở bản Lý, xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn cũng đã tử vong do chó dại cắn. Cả 3 trường hợp trên đều không đến trạm xá, các điểm tiêm phòng chó cắn.

Năm 2012, huyện Văn Chấn có 342 trường hợp phơi nhiễm do chó cắn. Ca mắc đầu tiên là ngày 11/7/2012 tại bản Tun, xã Tú Lệ và ca mắc cuối cùng, ngày 28/12 người thuộc khu phố 1, xã Đồng Khê.

Có một trường hợp tử vong do chó dại cắn là bà Triệu Thị Diệp, 57 tuổi ở bản Nậm Kịp, xã Nậm Lành (tử vong 1/12/2012). Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện Văn Chấn tiếp tục có 3 người tử vong và 170 trường hợp bị phơi nhiễm do chó dại cắn.

Đây là những con số tổng hợp được khi người dân bị chó dại cắn đã đến các điểm tiêm phòng, thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều...

Anh Hoàn- bố của cháu Phong và chị Đinh Thị Thúy Vân - Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Phù Nham bên bức ảnh mới chụp của cháu Phong.

Người dân còn chủ quan

Theo thống kê của huyện Văn Chấn, tổng đàn chó trên địa bàn thời điểm tháng 8/2012 là 22.876 con. 31 xã, thị trấn đã tổ chức tiêm phòng vắc xin Rabisil, đạt trên 82% (tương đương với 18.860 con).

Văn Chấn đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu các ngành có liên quan như: y tế, thú y tăng cường tập huấn, hướng dẫn cách nhận biết triệu chứng bệnh, biện pháp sơ cứu, điều trị ban đầu; các hoạt động giám sát như: cử cán bộ về cơ sở giám sát, đôn đốc các gia đình nuôi chó đến các điểm tiêm vắc xin phòng bệnh dại, tiếp tục duy trì phòng khám, tư vấn và tiêm phòng bệnh dại tại trung tâm xã Nậm Búng - khu vực trung tâm của các xã vùng cao, vùng thượng huyện nơi tập trung chủ yếu các ca phơi nhiễm bệnh dại tại huyện Văn Chấn...

Bác sỹ Quản Chí Đức - Phó giám đốc Trung tâm Y tế Văn Chấn cho biết: “Với sự vào cuộc mạnh mẽ của huyện trong công tác phòng chống, nhận thức của nhân dân về mối nguy hiểm của bệnh dại được nâng lên thì vẫn còn một bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ, chủ quan, coi thường tính mạng của mình. Có người khi bị chó cắn, mặc dù hiểu được mức độ nguy hiểm nhưng thay vào việc đến tiêm phòng dại lại đến các cơ sở y tế đông y tư nhân chưa được ngành chức năng công nhận để bốc thuốc. Kết cục đã dẫn đến những cái chết thương tâm…”.

Có thể khẳng định, chẳng có cơ sở nào để các “lang băm” tìm ra “nọc” dại chỉ bằng cách nhìn vết cắn rồi nắn nắn, bóp bóp và đưa ra những tuyên bố như: không vấn đề gì cả, mang thuốc này về uống đều trong 1 tuần là khỏi, hay rịt vào vết cắn viên đỗ, viên gạo… là khỏi. Người bị chó dại cắn phải qua xét nghiệm, chẩn đoán của các y, bác sỹ có trình độ, chuyên môn và trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại mới đưa ra được những kết luận chính xác. Và chỉ khi, người nhà lên cơn dại thì họ mới hoảng hốt, giật mình nhưng mọi chuyện đã quá muộn…

Anh Quách Thắng Cảnh cho biết: “Từ đầu năm 2013 đến nay, địa phương đã có 53 trường hợp phơi nhiễm do chó dại cắn. Chính là sau cái chết của bà Thoa, người dân đã hiểu và nhận thức được sự nguy hiểm đến tính mạng do bệnh dại. Có hôm, hàng chục người đến tiêm phòng. Tới đây chúng tôi sẽ cùng với cán bộ tại Trung tâm Y tế huyện xuống từng hộ gia đình kiểm tra, nắm số liệu để kịp thời hướng dẫn người dân bị chó cắn đến các điểm tiêm phòng…”.

Ngoài chủ quan thì cái nghèo cũng là vấn đề đáng bàn ở đây. Trở lại câu chuyện nhà anh Hà Văn Hoàn ở bản Đao, xã Phù Nham. Biết con bị chó cắn nhưng kinh tế gia đình lại khó khăn (một mũi tiêm phòng bệnh dại hiện nay có giá 194 nghìn đồng.

Mỗi người bị chó dại cắn phải tiêm đủ 5 mũi tốn gần 1 triệu đồng chưa kể tiền đi lại) nên anh Hoàn tặc lưỡi: “Chó nhà ông bà nuôi thì cũng không đáng lo”. Với một chút chủ quan, lơ là, cái giá mà gia đình anh phải trả quá đắt. Cái chết của cậu con trai 6 tuổi sẽ là một bài học, là hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ gia đình anh Hoàn mà còn cho những ai vẫn chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh dại.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa thực sự mạnh mẽ, còn chủ quan, buông lỏng kiểm tra, nắm bắt, quản lý tiêm phòng cho đàn chó nuôi tại các gia đình và đối tượng bị phơi nhiễm do chó cắn. Huyện cũng mới chỉ có một điểm khám, tư vấn và tiêm phòng huyết thanh, vác xin phòng dại tại xã Nậm Búng, quá ít so với địa bàn rộng, tập trung đông dân cư như huyện Văn Chấn.

Giải pháp

Người bị phơi nhiễm do chó dại cắn hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được tiêm phòng kịp thời, đủ liều. Ngoài việc ban hành nội dung công văn mới của UBND huyện về kế hoạch phòng chống bệnh dại năm 2013, quan trọng nhất hiện nay là nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng truyền thông trong cộng đồng của đội ngũ cán bộ y tế, giúp người dân hiểu được lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh khi bị súc vật cắn; chuẩn bị vật tư, thiết bị, lượng vắc xin cần thiết sẵn sàng đáp ứng, điều trị tại huyện.

Đồng thời, cần tăng thêm điểm khám tư vấn, tiêm phòng huyết thanh, vác xin tại Trung tâm Y tế huyện và Bệnh viện Đa khoa huyện nhằm đáp ứng tốt hơn công tác phòng, chống bệnh dịch khu vực vùng ngoài của huyện; cần làm tốt công tác phối hợp giữa ngành y tế, thú y và chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát địa bàn, cần nắm rõ số hộ gia đình nuôi chó và số người bị gia súc cắn để kịp thời tư vấn, động viên họ đến các điểm tiêm phòng; có các chính sách hỗ trợ tiêm phòng cho các hộ gia đình nghèo...

Trên hết, người dân cần cảnh giác, không chủ quan đối với súc vật nuôi tại hộ gia đình, khi bị súc vật cắn cần tìm đến các điểm tư vấn để tiêm huyết thanh, vác xin phòng bệnh dại, tránh tìm đến các cơ sở y tế đông y tư nhân chưa được các ngành chức năng công nhận...

Ngọc Sơn

Các tin khác
Địa danh SUối Giàng nổi tiếng với những cây chè Shan tuyết cổ thụ cùng bản sắc độc đáo của đồng bào Mông địa phương thu hút sự quan tâm của du khách.

YBĐT - Sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đã được Hiệp hội Chè Việt Nam tôn vinh thương hiệu quốc gia chè Việt vào năm 2006. Tuy nhiên, đến nay, thương hiệu chè Suối Giàng đang dần tự đánh mất mình và có nguy cơ “đi vào dĩ vãng”...

YBĐT - 87,5% khu dân cư, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn đơn vị văn hóa, 86% số hộ đạt gia đình văn hóa, 13/14 khu dân cư tiên tiến, 12/14 thôn, bản đăng ký xây dựng làng văn hóa, trong đó 10 thôn được công nhận làng văn hóa cấp huyện, thế nhưng xã Tân Hợp, huyện Văn Yên vẫn đang phải cương quyết "quét" sạch hủ tục trong việc cưới và việc tang.

Một hiệu cầm đồ trên đường Điện Biên (thành phố Yên Bái).

YBĐT - Các loại tài sản không rõ nguồn gốc thường bị cầm với giá thấp hơn nhiều lần giá trị thực, lãi suất cũng thường cao hơn và tỷ lệ khách hàng không "nhổ" được đồ cũng cao hơn.

Chị Hoàng Thị Thâm (áo xanh) mong muốn công ty cung ứng giống nhanh chóng thanh toán tiền gốc và lãi để gia đình chị bớt những khó khăn

YBĐT - Ngày 30/10/2008, tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện Văn Chấn, 46 hộ dân xã Đồng Khê đồng loại ký vay với tổng số tiền trên 400 triệu đồng theo đề án hỗ trợ bò cho hộ nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục