Nơi cao xanh

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/2/2013 | 4:02:46 PM

YBĐT - Xuân đến, bắt đầu từ những đợt mưa bụi nhẹ nhàng như sương giăng. Muôn loài cây cối như chỉ chờ có vậy là bừng lên một sắc xanh rờn.

Xuân nơi cổng trời khau Phạ.
(Ảnh: Bùi Huy Mai)
Xuân nơi cổng trời khau Phạ. (Ảnh: Bùi Huy Mai)

Những chồi non lộc biếc, đủ thứ gam mầu bắt đầu của một chu kỳ sinh sôi mới. Và như thế, mỗi lần xuân, nơi cao xanh miền Tây Yên Bái sẽ lại bắt gặp những cành trơ trụi, khẳng khiu cựa quậy. Chẳng mấy chốc, vương vãi những chùm hoa kín mặt đất, li ti trắng muốt như hoa chanh, hoa bưởi, lấp lóa hoa mơ, hoa mận, hoa đào, đây đó những loài hoa dáng dấp hương đồng gió nội nơi vùng thấp, là hoa gạo đỏ thắm, hoa xoan phớt tím bên những dãy lộc vừng. Phải chăng những loài hoa kia là biểu tượng khiến trong tâm hồn ta nghĩ đến hương vị mùa xuân? hương vị của tình yêu và khát vọng?

Vườn trước nhà trắng đầy hoa mận
Mắt nhìn bốn hướng thấy mênh mông...

Tháng giêng hai rồi cả tháng ba, hoa nở trong phơi phới mùa xuân. Cả một không gian, cả một thời gian của rất nhiều hội xuân, hội làng. Nơi đó người già, trai mường gái bản nô nức đi dự. Mọi người, trong đó có cả tôi, rối bận làm sao. Đấy chính là dịp nhắc nhở về cội nguồn, nơi “chôn rau cắt rốn”, nơi tình người mộc mạc “tắt lửa tối đèn” có nhau. Ở đấy là các ngả Minh An, Thượng Bằng La với người Dao, người Tày; ở đấy là Suối Bu, Suối Giàng, Sùng Đô, Nậm Mười lấp lánh trên những đồng bạc váy áo cô gái Mông; ở đấy là Nghĩa Sơn, là Nậm Búng, Nậm Lành mà mỗi lần xuân đến, tết về là núi đồi ngả nghiêng say với những vũ điệu “tăng bu”, “tăng bảnh”; ở đấy là dịp người Mông tỏ tình:

“...Người Mông không bay được như chim
Yêu ai sẽ như rễ cây bám vào đất
Người Mông chỉ có dao một lưỡi
Nói yêu em thì về cùng anh đi...”

Những lời hát trong lễ hội “Gầu tào”, trong cuộc chơi “sải sán” là vậy, hỏi sao không hớp hồn người đẹp?. Rồi, nhà nhà có rượu “cùng đổ”, có thịt “cùng ăn”, xuân càng thêm cái “lý” để mọi người vui chơi hết mình. Rượu ngô, rượu cần lại tràn những đêm không ngủ như gọi, như mời. Vài ba năm trở lại đây, nơi cao xanh của người Dao, người Khơ Mú, người Mông đời sống khá hơn nhiều.

Kỳ lạ lắm, đàn ông uống rượu, đàn bà trẻ nhỏ ăn kem trong se lạnh mùa xuân, còn đám trai gái suốt ngày say sưa những chiếc điện thoại lấp lánh sắc mầu gọi nhau í ới. Vậy là xuân, rượu lại rót, người uống từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều tối. Họ nói chuyện nhiều lắm. Chắc chắn xuân bây giờ và có lẽ là mãi mãi, say thì người vợ Mông vẫn cứ ngồi bên đợi chồng.

Xuân về bản.

Lại nữa, người nơi cao xanh không còn xuống chợ, xuống huyện bằng ngựa, họ đã có xe máy tốt và người phụ nữ vẫn ngồi phía sau thôi, hết cái cảnh đi sau đuôi ngựa rồi. Khuya hơn, những đôi trai gái tìm được nhau, bên dòng suối nhỏ, dưới gốc cây cạnh lèn đá hay trong sàn nhà văn hóa bản, văn hóa xã, những mến thương hay nuối tiếc của núi rừng có lẽ đã được giãi bày. Năm Quý Tỵ này không còn nhuận. Xuân đẹp lắm đây. Người Khơ Mú, người Mông liệu có biết không nhỉ?

Sau mâm cỗ gia đình, những khoảng trời cao xanh kia sẽ là của chàng trai, cô gái cùng bầy con trẻ. Họ vừa xúng xính trong váy áo mới vừa bị hút hồn vào những trò ném pao, đánh quay, bắn nỏ, cưỡi ngựa, múa ô, nhảy khèn, đây đó vẫn là tiếng “sua plồng” (khèn lá), vẫn là tiếng “lu trang” (sáo) vẫn là tiếng “xó tra” (đàn môi) cùng muôn vàn thứ âm thanh quyến rũ, lan tỏa sắc xuân đại ngàn.

Xuân bây giờ như xuân mọi năm. Xuân vẫn là mùa sinh hoạt văn hóa, là mùa của nhiều lễ hội. Có điều xuân này đổi mới và vui hơn nhiều. Tất cả làm nên điều kỳ diệu của mùa xuân.

Với tôi, ở núi mà không đi, không đến, không nhấn nhá những đặc sắc, những đổi thay kia sẽ là thiếu đi, sẽ là thiệt thòi hương vị mùa xuân, sẽ là vắng chút lãng mạn của thời gian để ta cân bằng tâm lý - một sự cân bằng cần thiết trong chu kỳ đời sống, cũng giống như mùa xuân không thể thiếu mưa xuân, không thể thiếu hoa, thiếu hội xuân, hội làng.

Bây giờ, khi tôi đã trở về thành phố, khám phá thêm nhiều điều, thành phố có những cái đẹp, cái hay, cái tốt nhưng với tôi, dường như vẫn thiếu điều gì đó cần thiết lắm cho con người. Nhiều lúc, tôi cứ nhớ da diết nơi tôi đã ra đi, cứ mãi bâng khuâng, tha thiết nghĩ đến hương vị mùa xuân nơi cao xanh, xuân đang nồng nàn về rồi đó, bạn đời ơi.

Bùi Huy Mai

Các tin khác
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng nhà thơ Ngọc Bái (trái) nhận giải thưởng Nhà nước về văn học năm 2012.

YBĐT - ... Có một lần, ngẫu nhiên, tôi được đọc bài thơ Nhật ký Mèo Vạc của Ngọc Bái in trên Tuần báo Văn nghệ. Tôi mê ngay và nhớ Ngọc Bái, thích Ngọc Bái, có lẽ vì bài thơ văn xuôi hợp gu với tôi. -

YBĐT - Sinh ra ở vùng đất trung du, tôi yêu hoa đào, hoa mai ngay từ khi mới lớn. Nhưng còn hoa ban, tôi mới được biết từ khi đặt chân lên đất rừng Tây Bắc.

Cán bộ thú y huyện Văn Chấn hướng dẫn nhân dân cách nhận biết triệu chứng nghi dại trên đàn chó, mèo.

YBĐT - Bệnh dại không còn là chủ đề “nóng” tại Yên Bái nhưng mức độ lan truyền và tính chất nguy hiểm thì lại đáng báo động.

Địa danh SUối Giàng nổi tiếng với những cây chè Shan tuyết cổ thụ cùng bản sắc độc đáo của đồng bào Mông địa phương thu hút sự quan tâm của du khách.

YBĐT - Sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đã được Hiệp hội Chè Việt Nam tôn vinh thương hiệu quốc gia chè Việt vào năm 2006. Tuy nhiên, đến nay, thương hiệu chè Suối Giàng đang dần tự đánh mất mình và có nguy cơ “đi vào dĩ vãng”...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục