Ngẩng đầu lên bước trước mặt trời

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/2/2013 | 3:01:43 PM

YBĐT - ... Có một lần, ngẫu nhiên, tôi được đọc bài thơ Nhật ký Mèo Vạc của Ngọc Bái in trên Tuần báo Văn nghệ. Tôi mê ngay và nhớ Ngọc Bái, thích Ngọc Bái, có lẽ vì bài thơ văn xuôi hợp gu với tôi. -

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng nhà thơ Ngọc Bái (trái) nhận giải thưởng Nhà nước về văn học năm 2012.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng nhà thơ Ngọc Bái (trái) nhận giải thưởng Nhà nước về văn học năm 2012.

 Này, anh bắt đầu làm thơ từ khi nào nhỉ? - Tôi chợt hỏi.

 - Có lẽ từ năm 1968 - Ngọc Bái chớp chớp mắt, lặng đi một lúc như thể muốn tìm về quá khứ rồi nhỏ nhẹ - Phải, bắt đầu từ năm 1968, mình viết tin, bài cho Báo Tiền Tuyến, mặt trận Quảng Trị.

 - Nhưng duyên cớ nào anh lại làm thơ chứ?

- Có lẽ vì... - Ngọc Bái lại lặng đi, một lúc, giọng trầm lắng - Vì mình thấy đồng đội chiến đấu dũng cảm và hy sinh nhiều quá, khiến mình xúc động, muốn ghi lại... và mình đã làm thơ.

- Anh có nhớ bài thơ đầu tiên được đăng trên Văn nghệ Quân đội?

- Có đây!

Ngọc Bái vừa nói vừa đứng dậy tới giá sách tìm cuốn Tạp chí Văn nghệ Quân đội, giở trang có bài thơ, đưa cho tôi. Cuốn Văn nghệ Quân đội tháng 2 năm 1972 đã nhuốm màu vàng xỉn nhưng chữ in còn rõ nét lắm. Tôi chăm chắm vào từng con chữ trong bài thơ có cái tít rất kí sự: Ghi nhanh trên đỉnh Voi Mẹp. Bài thơ có ghi lời tặng những khẩu đội 12ly7 trên đỉnh núi Voi Mẹp cao 1.701 mét ở phía tây bắc Đường Chín. Bài thơ của Ngọc Bái ra đời ngay trong mưa bom bão đạn, như một kỷ niệm ban đầu không thể quên của người cầm bút.

Bài thơ thật giản dị, ngôn ngữ thể hiện rõ là kí sự thơ nhưng quí lắm bởi nó là cái khởi đầu, không thể gì thay thế, cái khởi đầu thật đơn sơ nhưng sau đấy, tất nhiên còn rất nhiều điều khác nữa, đã tạo nên một Ngọc Bái - nhà thơ chiến sỹ.

Chính cuộc sống chiến đấu và hy sinh anh dũng của người lính, chính môi trường quân đội là mạch nguồn hình thành, nuôi dưỡng và làm nên nhà thơ Ngọc Bái. Đáp lại ân nghĩa ấy, có lẽ thế, nên Ngọc Bái có hẳn một tập thơ Thời áo lính với bao nỗi niềm yêu mến. Đôi điều về người lính có phải là một đúc kết nho nhỏ: Anh không nghĩ tới những gì phi thường - nhưng đôi khi tự hỏi vì sao lúc ấy mình can đảm thế - không hiểu khổ đau có can dự gì - đã có lúc tưởng tàn hơi giữa trập trùng chiến địa/ Anh không say mê với những vinh quang - cái phải đến trước sau rồi sẽ đến - không hiểu đắng cay có can dự gì không - đã có lúc bước chân như hẫng hụt/... Trên mọi yêu thương và mọi nỗi buồn lo - làm sao anh có thể vượt qua cái chết...

Tôi biết Ngọc Bái là con người nhỏ nhẹ từ dáng hình đến giọng nói nhưng anh còn là con người sống khá trầm lặng. Thường thì anh ít khoe về mình, ít kể về mình. Biết đâu, cái người nhỏ nhẹ, trầm tĩnh, đã từng cùng đồng đội sống và chiến đấu ở một chiến trường khốc liệt gió cát, nắng lửa và bom đạn, chết chóc vào loại bậc nhất Việt Nam và trên thế giới.

Ừ thì không quan trọng nhưng tuyệt nhiên không phải không sâu sắc. Không sâu sắc mà Ngọc Bái lại viết: Dưới bầu trời này - Tôi đã từng sống thân thiện với đá - Bao giờ đá cũng rắn chắc và gân guốc - Trơ lỳ và đôi khi kỳ bí - Nhưng có lúc đá vỡ tan không sao hàn gắn/ Tôi đã từng kết giao với nước - Niềm khao khát của mọi người - Không có nước là hết sự sống - Nhưng khổ thay cũng có lúc nước đục. Dưới bầu trời này, những điều ấy đâu có gì lạ.

Nên Ngọc Bái tự nhủ thầm: Những trái nghịch của muôn đời sinh diệt - Vật đổi sao dời cũng là lẽ thường thôi/... Thừa cái thiếu cười nhạo cái đã thừa - Sao Mai sao Hôm là hai mà một - Có lúc chẳng coi cái gì là cái gì - Tôi nghiệm ra, đời vậy, có hề chi. Anh Chiêm nghiệm ra những điều đáng để tâm trong cuộc sống: về sống và chết, về hạnh phúc và tình yêu, về sang - hèn và vinh - nhục, về cái được và cái mất, về cái thiện và cái ác, về lẽ phải - trái... Nhưng “Rồi tất cả sẽ xưa như cổ tích” ấy mà. Song một điều có lẽ muôn đời vẫn thế, chẳng bao giờ thành cổ tích, ấy là “Có những người lặng im đời vẫn nhớ/ Người tung hứng cho mình đời quên vẫn cứ quên”.

Nhận ra những điều đó sau bốn mươi năm làm thơ của Ngọc Bái, bây giờ anh đã thành danh nhưng tôi vẫn muốn biết anh đã suy nghĩ như thế nào về con đường sáng tạo thơ của mình nên lựa lời hỏi:

- Anh quan niệm thế nào về sáng tạo và nhân sinh trước trang viết?

- Phải học và đọc thật nhiều!

Ngọc Bái ngẩng lên, ánh mắt xa xăm. Anh bảo, phải học tri thức của nhân loại từ trong sách vở, từ cuộc đời, từ dân làng và đồng đội. Học những điều tử tế. Đấy là những giá trị lâu bền và sâu sắc nhất để có thể sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị nhân văn. Với anh, năm tháng dù đã xa chiến tranh nhưng vẫn lặng lẽ viết về thân phận người lính, cái phía khuất lấp của mỗi người, đã góp vào cái chung, cái toàn thể chiến thắng. Còn đấy “Rất nhiều vùng đất không tên/ Rất nhiều dấu võng bỏ quên giữa rừng!”. Ở trường ca Lời cất lên từ đất Miền thao thức, anh viết như một sự trả nợ với đồng đội, trả nợ với quê hương.

Lúc yêu thăm thẳm buồn thăm thẳm/ Thì giữa đường bỗng gặp thi ca. Mà thi ca Ngọc Bái - chính là tư tưởng Ngọc Bái, là nhân cách Ngọc Bái, là tình yêu Ngọc Bái. Bây giờ Ngọc Bái vẫn sáng tác đều, thơ - truyện - trường ca... càng đằm và sâu hơn, lại sáng tác cả nhạc nữa, rất trữ tình. Đủ cả nên tôi mới hỏi:

 - Anh còn ao ước gì nữa không?

 - Mình chỉ ước có sức khỏe!

 - Gì nữa?

 - Chỉ sức khỏe!

Ngọc Bái khẳng định: Không thể nào sống thiếu niềm tin - Đó là điều đồng đội tôi bảo thế - Thuở chiến tranh bom đạn kề bên - Trước sống chết mọi điều có thể/ Không thể nào sống thiếu niềm tin - Đó là điều bạn bè tôi nhắc vậy - Những năm tháng cam go dữ dội - Ngẩng đầu lên mà bước trước mặt trời... Vâng, có niềm tin thì Ngọc Bái và cả chúng ta nữa mới có thể đứng vững chãi đàng hoàng trong trời đất này, giữa cái thời vũ bão của khoa học công nghệ... Trong trời đất có muôn nẻo để con người chọn cho mình một con đường đẹp. Ngọc Bái dù trong điều kiện nào, hoàn cảnh nào vẫn chọn cho mình con đường sáng tạo thơ.

 Cho nên, tôi thực lòng mong Ngọc Bái luôn mạnh khỏe, vẫn "Ngẩng đầu lên mà bước trước mặt trời", để tiếp tục hiến dâng cho cuộc sống những tác phẩm thơ giàu chất nhân văn. Nhất định là như thế. Vì tôi biết Ngọc Bái, dù thế nào, anh cũng luôn là một con người sống có niềm tin - niềm tin sâu sắc ở đồng đội, ở bạn bè, ở làng xóm yêu thương - làng xóm Âu Lâu lịch sử, bên con sông Hồng tươi đỏ phù sa.

Hoàng Ân Thi

Các tin khác

YBĐT - Sinh ra ở vùng đất trung du, tôi yêu hoa đào, hoa mai ngay từ khi mới lớn. Nhưng còn hoa ban, tôi mới được biết từ khi đặt chân lên đất rừng Tây Bắc.

Cán bộ thú y huyện Văn Chấn hướng dẫn nhân dân cách nhận biết triệu chứng nghi dại trên đàn chó, mèo.

YBĐT - Bệnh dại không còn là chủ đề “nóng” tại Yên Bái nhưng mức độ lan truyền và tính chất nguy hiểm thì lại đáng báo động.

Địa danh SUối Giàng nổi tiếng với những cây chè Shan tuyết cổ thụ cùng bản sắc độc đáo của đồng bào Mông địa phương thu hút sự quan tâm của du khách.

YBĐT - Sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đã được Hiệp hội Chè Việt Nam tôn vinh thương hiệu quốc gia chè Việt vào năm 2006. Tuy nhiên, đến nay, thương hiệu chè Suối Giàng đang dần tự đánh mất mình và có nguy cơ “đi vào dĩ vãng”...

YBĐT - 87,5% khu dân cư, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn đơn vị văn hóa, 86% số hộ đạt gia đình văn hóa, 13/14 khu dân cư tiên tiến, 12/14 thôn, bản đăng ký xây dựng làng văn hóa, trong đó 10 thôn được công nhận làng văn hóa cấp huyện, thế nhưng xã Tân Hợp, huyện Văn Yên vẫn đang phải cương quyết "quét" sạch hủ tục trong việc cưới và việc tang.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục