Tiếng loa học đêm ở Thanh Lương
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/5/2013 | 2:34:10 PM
YBĐT - “Đây là tiếng loa khuyến học xã Thanh Lương. Đã đến giờ học bài, mời các cháu học sinh ngồi vào bàn học tập. Đề nghị các gia đình tạo điều kiện không gian yên tĩnh để các cháu học bài”. Những câu nhắc nhở trên loa phát thanh ở các thôn, bản trở thành quen thuộc và ăn sâu vào tiềm thức người Thanh Lương (Văn Chấn).
Cán bộ xã Thanh Lương kiểm tra phong trào “Tiếng loa học đêm”.
|
Tiếng loa học đêm
Đúng 19h, tiếng loa phát thanh học đêm ở các thôn, bản đồng loạt phát ra, đèn học trên các ngôi nhà sàn ở Thanh Lương bật sáng, học sinh tự giác ngồi vào bàn học. Đi khắp bản trên xóm dưới, không thấy bóng một học sinh nào ra đường. Chủ tịch UBND xã Thanh Lương Trịnh Xuân Thành, người gắn bó nhiều năm với ngành giáo dục bảo rằng: “Thanh Lương là nơi “đất chật nhất huyện”, kinh tế chủ yếu là cây lúa, cây ngô, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Nhiệm vụ đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, sớm đưa Thanh Lương thoát nghèo trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 là nhiệm vụ trọng tâm.
Một trong những giải pháp quan trọng, vừa cấp bách và lâu dài là nâng cao chất lượng giáo dục, mà trước hết là chăm lo việc học cho các cháu từ khi còn học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, tạo đà thuận lợi để sau này học lên bậc cao hơn, trở thành người lao động có chất lượng tốt. Với ý nghĩa như thế, tháng 10/2012, UBND và ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thanh Lương phát động phong trào “Tiếng loa học đêm” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở xã, đảm bảo trật tự an ninh thôn xóm.
Xã Thanh Lương có 7 thôn bản đều có hệ thống loa truyền thanh ngoài nhiệm vụ thông báo họp thôn bản, đọc bản tin trong xã nay còn có nhiệm vụ làm hiệu lệnh cho các em học bài”. 6 tháng nay, bất kể trời nắng hay mưa, đúng 19h, Trưởng bản Hoàng Anh Dũng đều đặn lên trạm phát thanh phát đi lời nhắc nhở học sinh vào bàn học, nhắc gia đình tạo không gian yên tĩnh để các cháu học bài.
Trước đây, loa phát thanh được đặt ở nhà văn hóa thôn. Có hôm đang ăn cơm, đến giờ lại dừng đũa chạy lên đọc hiệu lệnh cho đúng giờ. Để thuận tiện, anh đưa hệ thống loa phát thanh về tận nhà. Anh bảo: “Tiếng loa như hiệu lệnh vào lớp. Giờ chỉ nghe tiếng loa là các cháu học sinh không ai bảo ai răm rắp ngồi vào bàn học”.
Để phong trào tiếng loa học đêm đi vào nề nếp, xã đã thành lập các tổ giám sát tự nguyện ở các thôn, bản. Tại các thôn bản, bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, ban mặt trận thôn, đại diện hội cha mẹ học sinh, người có uy tín trong cộng đồng, công an viên, các nhà trường, các nhóm liên gia thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện phong trào. Học sinh lang thang ngoài đường sẽ bị nhắc về nhà học bài. Gia đình nào mở tivi, hát karaoke, xem phim vào giờ học của con cũng bị nhắc nhở, vi phạm nhiều lần sẽ bị nhắc nhở, nếu tái phạm sẽ bị kiểm điểm nghiêm túc và gắn với bình xét gia đình văn hóa.
Trưởng bản Hoàng Anh Dũng Bảo rằng: “Hiệu quả trông thấy. Trước đây, người dân vốn yêu văn nghệ, nhà có công việc gì vui là mở đài xập xình cả tối, tiếng karaoke vang hết làng trên xóm dưới. Hàng xóm khó chịu cũng ngại chả ai dám bảo ai, nếu bảo có khi họ còn bảo mình ghen ăn tức ở. Ấy thế mà từ khi có tiếng loa truyền thanh học đêm, cả xóm im lìm nhường thời gian cho các cháu học bài. Nhà nào không thực hiện là bị thôn nhắc nhở thì ngại lắm”.
Gia đình anh Bùi Văn Thế có hai con học tiểu học. Trước đây, không mấy khi chú ý đến việc học của các cháu. Nhưng từ ngày có phong trào tiếng loa truyền thanh học đêm, anh chị đã tập trung đầu tư cho con cái học tập. Vợ anh Thế bảo rằng: “Giờ đã thành thói quen, cứ đến giờ, các cháu tự giác vào bàn học tập mà không phải nhắc nhở. Có hôm các cháu đi sinh nhật bạn nghe thấy tiếng loa cũng về nhà ngồi vào góc học tập”.
Hiệu quả cần nhân rộng
Sau 6 tháng thực hiện, phong trào “Tiếng loa học đêm” ở Thanh Lương đã tạo được sự chuyển biến tích cực không chỉ cho các học sinh mà còn với các bậc phụ huynh. Em Bùi Mai Huyền, học sinh lớp 6 Trường THCS xã Thanh Lương cho biết: “Tiếng loa học đêm giờ trở nên quen thuộc, ngày nghỉ không nghe lại thấy nhớ. Cứ nghe “hiệu lệnh” là cháu tự giác ngồi vào bàn học. Ra đường cũng không có người chơi cùng vì giờ đấy các bạn đều tự giác ngồi vào bàn học”.
Bà Nguyễn Thị Hiệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Thanh Lương cho biết: “ Từ khi phát động phong trào “Tiếng loa học đêm” chúng tôi phối hợp với bí thư chi bộ, trưởng thôn và các ban ngành đoàn thể các thôn, bản đi đôn đốc kiểm tra các em học sinh ngồi vào bàn học, kết hợp vận động phụ huynh học sinh tạo cho con em mình một góc học tập riêng, nhắc nhở họ chú ý uốn nắn tư thế của các em khi ngồi học để giúp cho việc học đạt hiệu quả cao và đảm bảo sức khoẻ cho các em về lâu dài. Chuyển biến dễ nhận thấy nhất sau khi thực hiện phong trào số học sinh không làm bài tập ở nhà, không thuộc bài cũ giảm đi đáng kể. Qua khảo sát giữa kỳ 2 cho thấy số học sinh giỏi, học sinh khá tăng 2%, số học sinh yếu giảm 1,6%”.
Ông Trịnh Xuân Thành - Chủ tịch UBND xã Thanh Lương cho biết thêm từ khi phát động tiếng loa truyền thanh học đêm đến nay đã được nhiều hộ dân ủng hộ, không những các cháu học sinh đã đi vào nề nếp tự giác ngồi vào bàn học đúng giờ mà an ninh trật tự trong xã được đảm bảo. Từ tết đến giờ chưa xảy ra vụ nào đánh nhau gây mất trật tự trong xã.
Phong trào “Tiếng loa học đêm” ở xã Thanh Lương đã đem lại nhiều kết quả khả quan, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của các trường học trên địa bàn. Mong sao, ở nhiều nơi cũng phát động được phong trào như Thanh Lương.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Nhiều hộ dọc tuyến quốc lộ 70 như Bảo Ái, Tân Hương, Tân Nguyên, Đại Đồng… cùng hàng loạt các xã vùng đông hồ như Hán Đà, Thác Bà, Vĩnh Kiên, Vũ Linh… đầu tư xưởng bóc, chưa kể đến “đội quân” bóc gỗ ở Trấn Yên sau khi “thất trận” vì “đói” nguyên liệu, giá gỗ tròn tăng quá cao… đã chạy về Yên Bình lập xưởng.
YBĐT - Hình ảnh thường thấy ven bờ các dòng suối, dòng chảy qua các khu dân cư nội thị là những bọc rác, những ống xả nước thải trực tiếp xuống lòng suối một cách vô tội vạ. Có vẻ như đối với nhiều người dân, dòng suối là nơi công cộng...
YBĐT - Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được coi là "phao cứu sinh" cho người lao động (NLĐ) khi đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) không may bị mất việc làm hoặc cắt hợp đồng lao động mà chưa tìm được việc làm mới.
YBĐT - Thực tế cho thấy, sự thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật là nguyên nhân khiến chính quyền nhiều địa phương coi nhẹ vấn đề bạo lực gia đình (BLGĐ), còn nhiều phụ nữ thì không biết quyền của mình...