Những dòng suối "hấp hối"

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/4/2013 | 3:36:55 PM

YBĐT - Hình ảnh thường thấy ven bờ các dòng suối, dòng chảy qua các khu dân cư nội thị là những bọc rác, những ống xả nước thải trực tiếp xuống lòng suối một cách vô tội vạ. Có vẻ như đối với nhiều người dân, dòng suối là nơi công cộng...

Dòng suối chảy qua khu vực tổ 66, phường Yên Ninh đã biến thành
Dòng suối chảy qua khu vực tổ 66, phường Yên Ninh đã biến thành "rãnh nước" ngập ngụa rác thải và bùn đen.

Còn nhớ hình ảnh thành phố Yên Bái với những đợt ngập úng cục bộ do ảnh hưởng của các cơn bão kéo theo mưa to trên diện rộng. Bên cạnh nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống thoát nước ở những khu vực này được thiết kế chưa hợp lý, không có tính phòng ngừa, đối phó cao với những tình huống bất ngờ thì một nguyên nhân nữa cũng không kém phần quan trọng, đó chính là do hệ thống các con suối, mương, ngòi - những đường thoát nước cơ bản trong lòng thành phố ngày càng bị thu hẹp bởi một lượng lớn rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng, rác thải công nghiệp… khiến các dòng chảy này bỗng nhiên trở thành những "bãi rác di động".

Những dòng "nước rác"

Suối Hiên - tên gọi quen thuộc của dòng chảy đi qua một phần địa bàn phường Hồng Hà trước đây là nguồn cung cấp nước chủ yếu, phục vụ các hộ gia đình hai bên bờ tưới tiêu trong trồng rau và hoa màu, thậm chí giặt giũ quần áo... Ký ức đó giờ đây chỉ còn trong dĩ vãng bởi độ ô nhiễm nước đã trở nên quá mức cho phép. Nhiều đoạn suối đã gần như "chết đứng", nước chuyển màu đen ngòm, những túi rác thải đủ loại nổi lềnh bềnh và bốc mùi nồng nặc khiến các hộ gia đình sống gần nó thường xuyên phải chịu cảnh "sống chung với ô nhiễm".

Nhà ở gần đoạn suối đã trở thành "ao tù", bà Vương Thị Liên ở tổ 4B, phố Hồng Yên, phường Hồng Hà bức xúc: "Cả dòng nước giờ bị biến thành bãi thải rác, nước bị tắc nghẽn và tù đọng. Những ngày mưa rác trôi đi được ít nhiều thì còn đỡ, gặp những ngày nắng oi bức, cứ về cuối giờ chiều là mùi hôi thối lại bốc lên, theo gió xộc thẳng vào nhà. Người dân chúng tôi ở đây chỉ mong sao nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đề ra phương án nạo vét cải tạo lòng suối. Nói thật, kể cả cho chủ trương chúng tôi có phải đóng góp theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm thì chúng tôi cũng sẵn sàng".

"Mục sở thị" đoạn suối Hiên chảy qua khu vực cầu Sắt (tổ 4B, phố Hồng Yên) quả đúng như miêu tả của bà Liên. Dòng nước đen kịt gần như đứng im do toàn bộ bề mặt bị phủ một lượng lớn bèo tây và cơ man những túi rác thải bốc mùi tanh hôi nồng nặc. Chẳng trách người dân nơi đây bức xúc đến như vậy.

"Ngang cơ", thậm chí còn có phần "trọng bệnh" hơn cả suối Hiên có lẽ phải kể đến con suối không tên (không thấy ai biết hay nhớ tên gọi của nó là gì - PV) chảy qua khu vực tổ 66, phường Yên Ninh. Con suối này hiện nay chỉ còn là một lạch nước "tí hon" len lỏi đổ ra suối chính (dòng Bảo Tân 1 - chảy qua một phần địa phận xã Minh Bảo, giáp với phường Yên Ninh - PV).

Theo quan sát có thể khẳng định, dòng nước này từ lâu đã phải gồng gánh trên mình một lượng rác thải khổng lồ và bị thu hẹp đến mức tối đa. Hỏi nhiều người dân sinh sống quanh khu vực này thì được biết trước kia, dòng nước vốn khá lớn và rất trong, thậm chí còn là nơi nhiều trẻ em tới buông cần câu cá hoặc rửa chân tay. Thế nhưng giờ đây đã bị rác thải biến thành "rãnh nước" bốc mùi xú uế. Chúng tôi đã kịp ghi lại được hình ảnh những bao tải xác rắn (có rất nhiều và không biết bên trong là loại rác thải gì, do ai vứt xuống - PV) chất thành từng đống chắn ngang dòng chảy, rồi những bịch nilon lớn bùng nhùng rác thải rải khắp hai bên bờ...  

 

Việc xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý ra các dòng chảy là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay.

Vì đâu nên nỗi?

Phải thừa nhận một thực tế rằng, sự ô nhiễm các nguồn nước khu vực nội thành xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận không nhỏ người dân ý thức kém trong giữ gìn vệ sinh chung và bảo vệ môi trường. Rất tình cờ trong chuyến thực tế thực hiện bài viết này, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc và phỏng vấn một công dân "rất vô tư" sống tại thôn Bảo Tân 1 (xã Minh Bảo) - ông Vũ Xuân Quyết. Khi được hỏi: "Rác thải trong sinh hoạt hàng ngày cũng như các loại rác thải khác của gia đình được vứt đi đâu?", ông lập tức trả lời: "Từ trước đến giờ vẫn vứt xuống suối thôi". Lại hỏi: "Cách vứt rác ra suối thế nào?".

Ông trả lời: "Cho rác vào túi nilon, quăng thẳng xuống suối". Hỏi tiếp: "Chỉ có nhà bác vứt rác ra suối thôi à?". Và câu trả lời: "Nhà nào ở đây cũng thế, rác không vứt xuống suối thì vứt đi đâu? Đúng là một câu chuyện khá khôi hài về sự "vô tư" của người dân nhưng nó lại phản ánh đúng với thực tế diễn ra lâu nay.

Qua đó thấy rằng, vẫn còn một bộ phận người dân coi những dòng chảy, dòng suối là nơi thải rác, vứt xuống rồi hậu quả ra sao không cần biết đến. Đáng buồn hơn, vẫn còn những tổ dân phố thôn, xã, phường chưa thực sự vào cuộc trong công tác tuyên truyền cho người dân biết, người dân hiểu về tầm quan trọng của việc gìn giữ vệ sinh chung và bảo vệ môi trường sống...

Ông Hà Mạnh Cường - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái) cho biết: "Theo đánh giá quan trắc về môi trường nói chung, chất lượng các nguồn nước trên địa bàn thành phố Yên Bái là khá tốt. Tuy nhiên, tại một số điểm, một số cơ sở, tình trạng người dân xả rác xuống các dòng chảy vẫn diễn ra khiến các dòng chảy này bị thu hẹp, gây ô nhiễm môi trường. Điều này thể hiện sự hạn chế về nhận thức của một bộ phận người dân, đồng thời cũng phản ánh thực trạng công tác tuyên truyền, giáo dục tại một số nơi chưa triệt để, các hình thức xử lý vi phạm chưa thấu đáo".

 Ông Cường cho biết thêm, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh các nguồn nước nói riêng, bảo vệ môi trường sống nói chung...

Không có hồi kết!

Hình ảnh thường thấy ven bờ các dòng suối, dòng chảy qua các khu dân cư nội thị là những bọc rác, những ống xả nước thải trực tiếp xuống lòng suối một cách vô tội vạ. Có vẻ như đối với nhiều người dân, dòng suối là nơi công cộng, nơi "chẳng phải của nhà mình" nên họ cứ vô tư vứt rác, vô tư thải nước bẩn mà không mảy may suy nghĩ. Điều đáng buồn ở chỗ, không nhiều người trong số đó nghĩ đến hậu quả của hành vi mình gây ra, đó là nguồn nước bị vấy bẩn, không khí bị ô nhiễm và môi trường sống của chính mình bị hủy hoại...

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường nói chung, vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên nước nói riêng. Các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền cần có sự phối hợp chặt chẽ và có kế hoạch cụ thể, dài hơi hơn trong việc tuyên truyền, giáo giục, giúp người dân được tiếp cận với những kiến thức văn minh trong sinh hoạt và có nhận thức đúng đắn hơn trong nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Để từ đó, những con suối, những dòng chảy nội thành được đầu tư xây kè không bị trở về trạng thái "mất vệ sinh" như lúc này.

Bà Phạm Thu Hằng - Phó phòng phụ trách Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái):

Một trong những nguyên nhân không nhỏ gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn tài nguyên nước là nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất xả thải vào môi trường khi chưa có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh, hoặc có nhưng mới chỉ được vận hành ở giai đoạn thử nghiệm, chưa đạt chuẩn.

 

 

 

 

Ông Hà Mạnh Cường - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái):

Ý thức của một bộ phận người dân trong công tác bảo vệ môi trường còn kém dẫn đến những hành vi xả rác một cách vô thức. Tình trạng này đã khiến cho môi trường nói chung bị hủy hoại, đặc biệt các nguồn nước bị ô nhiễm từng ngày đe dọa trực tiếp đến sự an toàn sức khỏe của chính họ và cộng đồng.

 Thiên Cầm

Các tin khác
Tư vấn về chế độ, chính sách BHTN cho người lao động tại Trung tâm Giới thiệu việc làm.

YBĐT - Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được coi là "phao cứu sinh" cho người lao động (NLĐ) khi đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) không may bị mất việc làm hoặc cắt hợp đồng lao động mà chưa tìm được việc làm mới.

Tập huấn phòng chống BLGĐ tại trung tâm Sudecom.

YBĐT - Thực tế cho thấy, sự thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật là nguyên nhân khiến chính quyền nhiều địa phương coi nhẹ vấn đề bạo lực gia đình (BLGĐ), còn nhiều phụ nữ thì không biết quyền của mình...

Em Lường Thị Hải chỉ vết sẹo do chó nghi dại cắn.

YBĐT - Bệnh dại đang có những diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tại huyện Văn Chấn, số người phơi nhiễm do chó dại cắn những ngày qua tăng đột biến. Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 670 người bị phơi nhiễm chó nghi dại cắn ở 30/31 xã, thị trấn, 4 người đã tử vong...

Cô giáo Hoàng Thị Hồng Nhẫn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Hồng Ca hướng dẫn học sinh bán trú ăn cơm trưa.

YBĐT - Những năm gần đây, việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của xã Hồng Ca và xã Kiên Thành -Trấn Yên (Yên Bái) theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ còn nhiều bất cập. Hàng trăm học sinh ở các thôn, bản ĐBKK của xã Hồng Ca Trấn Yên (Yên Bái) đang học bán trú vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục