Xin đừng im lặng!

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/4/2013 | 2:52:33 PM

YBĐT - Thực tế cho thấy, sự thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật là nguyên nhân khiến chính quyền nhiều địa phương coi nhẹ vấn đề bạo lực gia đình (BLGĐ), còn nhiều phụ nữ thì không biết quyền của mình...

Tập huấn phòng chống BLGĐ tại trung tâm Sudecom.
Tập huấn phòng chống BLGĐ tại trung tâm Sudecom.

BLGĐ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và cuộc sống của phụ nữ và trẻ em. Mặc dù phạm vi và tác động của BLGĐ là rất đáng kể nhưng người phụ nữ lại âm thầm chịu đựng. Họ đơn độc khi bị bạo lực và đơn độc trong cuộc chiến chống bạo lực (Phát hiện của Nghiên cứu Quốc gia về BLGĐ do Chính phủ Việt Nam và Liên hiệp quốc công bố ngày 25/11/2010).

Từ xưa đến nay, mọi người vẫn thường nói phụ nữ là phái đẹp, là một nửa của thế giới rất cần được nâng niu, che chở. Vậy mà, trong số  “một nửa của thế giới ấy” hiện vẫn còn không ít người đang từng phút, từng giờ phải sống trong lo âu, sợ hãi, bị vùi dập bởi chính những đàn ông “má ấp tay kề”.

 Làm vợ “quỷ dữ”

“Mười năm chung sống là chuỗi những tháng ngày tôi phải sống trong đớn đau, tủi nhục. Những trận đòn thừa sống, thiếu chết với kiểu tra tấn dã mãn: bắt vợ cởi hết quần áo ra rồi đánh, vẽ vòng tròn bắt đứng cả đêm ở đầu gường, ép quan hệ tình dục khi say rượu… là những gì mà tên “quỷ dữ” đó đã hành xử với tôi khi tôi còn là vợ hắn” - dòng nhật ký chia sẻ của một nạn nhân từng bị bạo lực gia đình (BLGĐ) tại lớp tập huấn phòng chống BLGĐ do Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (Sudecom) tổ chức.

Với những ai may mắn chưa từng phải sống trong cảnh BLGĐ thì chắc hẳn khi đọc những dòng tâm sự trên sẽ cảm thấy rùng mình và đáng sợ. Song với những “người trong cuộc” thì đây không còn là chuyện lạ mà xảy ra như cơm bữa hàng ngày. Trong dáng vẻ mệt mỏi, ánh mắt luôn nhìn xuống ngần ngại - Mai (tên nhân vật đã được thay đổi) - một nạn nhân của BLGĐ không giấu nổi những uất ức, tủi hờn đã “đành” trải lòng với chúng tôi khi nhắc tới cuộc hôn nhân không hạnh phúc của mình.

 Làm dâu nơi đất khách quê người, không anh em, họ hàng ở gần. Từ khi lấy chồng đến nay, Mai luôn bị chồng đối xử tệ bạc, đánh đập liên tiếp mà vẫn luôn cắn răng chịu đựng. Những cuộc bạo hành mà chồng Mai dành cho cô bắt đầu từ khi Mai mới mang thai đứa con đầu lòng. “Những cú đấm, cú đá liên tiếp vào người khiến em tưởng mình không thể giữ được sinh linh bé nhỏ trong bụng. Vậy mà may sao, được ông trời phù hộ, hai mẹ con vẫn được bình an vô sự” - Mai kể.

Lặng thầm tha thứ, tự an ủi mình đó là vì rượu, vì chồng nóng tính… cô lại tiếp tục sống, tiếp tục nhẫn nhịn, tiếp tục hy vọng và tiếp tục phải hứng chịu những trận đòn vô cớ của chồng. Có lần, trong lúc bị chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, Mai đã bị chồng lao cả cái rỉa cá vào người và lấy cây đập liên tiếp vào đầu. Bị tổn thương, đau đớn là vậy, song cực chẳng đã, Mai cũng chỉ bỏ về nhà ngoại vài hôm cho chồng nguôi ngoai rồi lại về. Khi được hỏi: “Sao em có thể chịu đựng được một cuộc sống như vậy trong suốt một thời gian dài mà không hề lên tiếng hay phản kháng lại?”. Câu duy nhất, Mai nói với chúng tôi, đó là: “Vì con”.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, trung bình  mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra từ 300 - 500 vụ BLGĐ. Tuy nhiên, theo đánh giá khách quan, đây chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”, bởi trên thực tế BLGĐ vẫn tồn tại và tiềm ẩn trong rất nhiều các gia đình mà hiện các cơ quan luật pháp và chính quyền địa phương chưa thể phát hiện và xử lý được. Nguyên nhân là do vẫn còn có những nạn nhân bị BLGĐ chưa dám nói lên sự thật.

Im lặng - có phải là vàng?

Tuyên truyền kiến thức pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên.

Gần một nửa phụ nữ Việt Nam (49,6%) trên toàn quốc nói họ chưa từng kể với bất kỳ ai về hành vi bạo lực của chồng. Phụ nữ ở nông thôn ít tiết lộ chuyện này hơn so với phụ nữ thành thị (51,5% so với 44,5%). Điều này cho thấy là trong nhiều trường hợp chính điều tra viên là người đầu tiên được nghe họ kể về hành vi bạo lực của chồng mình (Kết quả Nghiên cứu Quốc gia về BLGĐ do Chính phủ Việt Nam và Liên hiệp quốc công bố ngày 25/11/2010).

Theo kết quả điều tra quốc gia về BLGĐ đối với phụ nữ cho thấy, một nửa số phụ nữ từng bị chồng gây bạo lực chưa từng nói với bất kỳ ai về vấn đề mà mình phải hứng chịu. Tục ngữ Việt Nam có câu “Xấu chàng hổ ai” đã phần nào lý giải sự im lặng của những người phụ nữ bị bạo lực. Họ im lặng là vì danh dự gia đình, thể diện của bản thân. Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho cả những người phụ nữ có trình độ khi bị bạo hành cũng chấp nhận im lặng.

Thêm vào đó, phụ nữ Việt Nam luôn hằn sâu tư tưởng “không nên vạch áo cho người xem lưng”, phải cam chịu, phải nhẫn nhịn mới có gia đình yên ấm nên họ nhận cả về mình trách nhiệm duy trì sự hoà thuận trong gia đình. Khi chồng có hành vi bạo hành không ít phụ nữ đã cho rằng vì mình không làm tốt vai trò nên mới bị đối xử như vậy. Đây là sự sai lệch trong nhận thức khiến BLGĐ có “đất” phát triển.

“Nhiều người tuy bị chồng bạo hành trong suốt nhiều năm nhưng không dám tố cáo, thậm chí khi những người có trách nhiệm ra tay can thiệp họ còn đứng ra bênh vực chồng. Và những ông chồng “được đằng chân lân đằng đầu”, lâu dần trở thành thói quen khó chữa”- bà Nguyễn Thị Đào, cán bộ tư vấn phòng chống BLGĐ thuộc Trung tâm Sudecom cho hay.
 
Nâng quyền cho người phụ nữ

Rõ ràng, chính sự im lặng, chấp nhận chịu đựng của người phụ nữ bị bạo hành là căn nguyên khiến cho tình trạng BLGĐ gia tăng và lặp đi lặp lại. Do đó, cần phải phá vỡ sự im lặng, đồng thời phá bỏ các rào cản xã hội ngăn cản phụ nữ lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Bản thân mỗi người phụ nữ phải tự đứng dậy nói lên tiếng nói của mình và chấm dứt BLGĐ.

Muốn làm được điều đó, cần nâng quyền và đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em gái nhằm giúp họ kiểm soát và quyết định các vấn đề của chính bản thân mình, thông qua việc đào tạo kỹ năng sống, đào tạo việc làm và kiến thức pháp lý. Ngoài ra, cần thúc đẩy việc xoá bỏ phân biệt đối xử trên cơ sở giới, nâng cao nhận thức của người dân và huy động sự tham gia của cộng đồng vào việc phòng chống BLGĐ, đặc biệt, cần tập trung vào bé trai và nam giới trẻ tuổi. Điều này, đòi hỏi sự thay đổi về thái độ, nhận thức và giá trị của mỗi người dân đối với vấn đề BLGĐ. Đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về Luật Phòng, chống BLGĐ.

Thực tế cho thấy, sự thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật là nguyên nhân khiến chính quyền nhiều địa phương coi nhẹ vấn đề BLGĐ, còn nhiều phụ nữ thì không biết quyền của mình.

H.O

Các tin khác
Em Lường Thị Hải chỉ vết sẹo do chó nghi dại cắn.

YBĐT - Bệnh dại đang có những diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tại huyện Văn Chấn, số người phơi nhiễm do chó dại cắn những ngày qua tăng đột biến. Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 670 người bị phơi nhiễm chó nghi dại cắn ở 30/31 xã, thị trấn, 4 người đã tử vong...

Cô giáo Hoàng Thị Hồng Nhẫn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Hồng Ca hướng dẫn học sinh bán trú ăn cơm trưa.

YBĐT - Những năm gần đây, việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của xã Hồng Ca và xã Kiên Thành -Trấn Yên (Yên Bái) theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ còn nhiều bất cập. Hàng trăm học sinh ở các thôn, bản ĐBKK của xã Hồng Ca Trấn Yên (Yên Bái) đang học bán trú vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ.

Quang cảnh lễ hội đền Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương (Hạ Hòa - Phú Thọ).

YBĐT - Đi ngược sông Thao còn là đi về cội nguồn của tinh thần đoàn kết giữa miền xuôi và miền ngược; về với miền đất đậm đà dấu ấn đời sống tâm linh người Việt; về với mạch nguồn muôn sắc màu văn hóa mỗi tộc người trong dòng chảy của nền văn minh sông Hồng.

Cán bộ kiểm lâm huyện Lục Yên thường xuyên kiểm tra rừng.

YBĐT - 6 năm gần đây, khu rừng tự nhiên với gần 1.000ha ở thôn Nậm Chắn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên (Yên Bái) không còn cảnh chặt phá nữa khi xuất hiện mô hình bảo vệ rừng theo cộng đồng do thôn bản quản lý.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục