Thợ xây làng Trực Bình

  • Cập nhật: Thứ bảy, 4/5/2013 | 9:53:54 AM

YBĐT - Người không công ăn việc làm, người tranh thủ lúc nông nhàn đi làm phụ vữa và có cả những người trở thành người đứng đầu các đội thợ, làm chủ thầu và trở nên giàu có ở làng thợ xây Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.

Làng Trực Bình 2 giờ đã được mở mang, khang trang với nhiều ngôi nhà xây đẹp mắt.
Làng Trực Bình 2 giờ đã được mở mang, khang trang với nhiều ngôi nhà xây đẹp mắt.

Nhà vợ chồng anh Chiến - Ngát ở làng Trực Bình 2 có ba sào lúa nước, năm sào chè. Những năm trước đây, anh chị chỉ tập trung làm ruộng. Tuy là ruộng cấy hai vụ nhưng do nằm kẹp giữa sườn đồi nên thu nhập không cao. Nhà có năm khẩu ăn vẫn phải mua thêm lương thực ngoài thị trường. Năm sào chè dù đã bỏ công chăm nhưng cũng chỉ vài tấn búp, thu hái rải trong tám, chín tháng, lại còn phải sao, sấy nhưng giá chè nhiều khi cũng bấp bênh. Đời sống gia đình lúc nào cũng thiếu, anh chị khi ruộng nương, lúc chạy chợ mà vẫn chật vật.

Từ ngày có đội thợ xây do Nguyễn Văn Thắng - một thanh niên cùng xã Minh Bảo, lấy vợ ở Trực Bình đứng ra tổ chức, anh chị xin vào làm. Ban đầu anh chị làm phụ hồ rồi thợ xây. Công tính theo ngày, tùy việc, cứ dứt công trình là được thanh toán sòng phẳng. Những tháng có việc, anh chị làm mỗi người đến hai lăm, ba chục công, chưa kể công làm tăng vào các buổi đêm.

Tuy vậy, khi mùa vụ khẩn trương, anh chị vẫn có thể nghỉ xây để lo việc đồng áng. Cần thiết, huy động thêm nhân lực giúp anh gặt, cấy rồi lại bám theo công trình, vì thế ruộng vẫn mùa nối vụ. Đi làm thợ xây anh chị có thêm đồng thu nhập hàng ngày, đời sống cũng bớt khó khăn. Anh chị giờ đã xây được nhà, mua thêm xe máy làm phương tiện đi lại.

Gia đình anh chị Nga - Trung vừa được bố mẹ tách cho ra ở riêng. Là người ở làng nhưng ruộng đất chỉ có vài sào làm nhà ở. Vì thế, cả hai vợ chồng cũng chọn nghề thợ xây để tự lo liệu cuộc sống. Anh Trung cũng là thế hệ thứ hai tham gia làm thợ xây ở làng, với bản tính nhanh nhẹn, học nghề lại nhanh nên được đứng chân thợ chính. Còn vợ anh - chị Nga, làm thợ phụ đánh vữa, chuyển cát, gạch cho tốp thợ. Thỉnh thoảng còn được phân chạy chợ, phụ bếp lo bữa ăn công trường cho cả đội.

Nhờ có sức trẻ, tháng nào vợ chồng cũng được ghi nhận số công đạt loại cao. Hết ngày làm việc ở công trình, vợ chồng lại cùng nhau san nền dựng nhà mới. Biết hoàn cảnh và quyết tâm của đôi vợ chồng trẻ, khi rảnh việc hoặc kíp ngày đã chọn, cả đội lại đổ đến, đào hố xây móng, thắp điện xây hoàn thiện trong đêm để kịp giờ làm mái nhà… Đến bây giờ, gia đình Nga - Trung đã có nhà xây mới khang trang.

Ở đội xây làng Trực Bình, hầu hết thợ là anh em con cháu trong nhà, không bên nội thì bên ngoại với vợ chồng đội trưởng, hoặc là bà con láng giềng. Cao tuổi cỡ ngoài năm mươi có ông bà Doãn, cỡ ngoài bốn mươi có anh Thắng đội trưởng, anh chị Chiến - Ngát… còn hầu hết ở độ tuổi như anh chị Nga - Trung - cháu gọi vợ anh Thắng là dì. Lúc nhận được công trình lớn, đội trưởng Thắng huy động hầu như toàn bộ nhân lực của đội về làm. Đến khi công việc có đủ điều kiện giãn tiến độ, anh lại đi tìm công trình mới nối tiếp để người trong đội lúc nào cũng có việc, ổn định nguồn thu.

Không phân biệt người đứng thầu với người làm công, hễ có thể trực tiếp tham gia những việc đòi hỏi kỹ thuật, anh Thắng đều trực tiếp làm, vừa làm vừa hướng dẫn từng thao tác cho thợ. Làm nghề xây dựng tự do, có lúc chủ nhà dựa cả vào người nhận thầu từ dự định thiết kế, thi công, tới tính toán vật tư, vật liệu.

 

Anh Thắng (bên phải) tham gia xây dựng cùng anh em thợ trong đội.

Cũng có người kĩ tính, vặn vẹo đủ điều. Cũng may, anh Thắng là người mát tính, vừa thuyết trình kĩ thuật rồi lựa lời phân tích thấu lý đạt tình để tạo không khí thuận hòa giữa chủ và thợ trong suốt quá trình thi công. Anh cũng yêu cầu thợ xây nhà đặc biệt chú trọng khâu kỹ thuật.

Gạch xây lên cách hàng, không được trùng mạch vữa. Người thợ xây giỏi chỉ cần nghe tiếng dao gõ gạch, biết vữa đã im mạch hay chưa để dừng gõ. Nếu gõ quá tay, vữa trào nước làm mạch bị nhão, tường xây sẽ nên hình rắn lượn. Nhìn gạch hút vữa, biết gạch khô háo nước thì phải cho tưới ẩm điều hòa. Có vậy sự liên kết tường xây mới đảm bảo. Gạch ướt quá cố xây có thể đổ hoặc tốn công trát tường.

Làm thợ, nhất là thợ xây, phải lấy chữ tín làm đầu. Người ta giao cả ngôi nhà cho mình, vài trăm triệu đồng, có khi bạc tỉ. Chất lượng công trình, qui trình tác nghiệp không phải ai cũng rành rẽ để giám sát. Làm thợ thì lương tâm, nhất là tâm của thợ làng, có địa chỉ Trực Bình rõ ràng, phải đặt lên hàng đầu để đồng công thu không áy náy. Mọi người trong đội mặc nhiên gìn giữ mình trong từng thao tác, đảm bảo chất lượng công trình cho gia chủ, an toàn cho mình trong thi công. Tùy theo chủ công trình, khoán gọn hay khoán công đoạn, anh vừa tính toán giá cả, vừa lo chạy vật tư, lo đảm bảo tiến độ.

Ở công trình có khối lượng thi công lớn, ra tấm ra món, Thắng liên kết với các hiệp thợ bạn có tính chuyên nghiệp để chia bớt hợp đồng như đào móng, phá dỡ nhà cũ, làm cốt pha, đổ bê tông… Lúc đó, thợ chính của đội đứng chân kĩ thuật, vừa làm vừa giám sát chất lượng. Công trình có qui mô nhỏ thì thợ xây kiêm nhiệm tất cả các công đoạn hợp đồng đã nhận. Vì thế, việc đội Thắng được mời thầu có đủ loại: nhà xây mới, nhà cơi nới sửa chữa nhỏ, nhà phá dỡ xây lại, thậm chí cả xây cổng, tường rào… Nhà nào, việc gì Thắng cũng nhận, miễn là công đảm bảo cho anh chị em.

Tính ra đến nay Thắng đã có hơn hai mươi năm trong nghề thợ xây, trong đó có hơn mười năm tự đứng làm chủ thầu cho cả đội. Những công trình do đội Thắng xây cũng có đủ cấp, đủ loại quy mô. Nhưng chủ yếu là nhà dân xây cấp hai, ba, cao bốn, năm tầng, diện tích sàn từ vài trăm đến bốn năm trăm mét vuông có đến vài chục cái. Còn nhà cấp bốn, quy mô nhỏ, sửa chữa cải tạo lại, đội anh đã làm có đến vài trăm căn ở thành phố tỉnh lị tới các huyện Yên Bình, Trấn Yên… Trị giá công xây dựng ước khoảng nghìn triệu đồng mỗi năm. Một số thợ đạt mức thu sáu, bảy chục triệu đồng/năm như các anh: Duyên, Trung. Thợ phụ cũng khoảng trên dưới bốn triệu đồng/tháng.

Điều đặc biệt ở Trực Bình, từ chỗ làng chỉ lác đác có nhà xây thì những năm gần đây đã có vài chục nhà từ cấp bốn tới hai, ba tầng. Hầu hết những người theo nghề xây đã xây được nhà. Trong đó có những ngôi nhà khá khang trang kiểu cách như nhà anh Trung, anh Sơn, anh Tiến... Quá trình hình thành các ngôi nhà ấy đều có sự chung tay góp sức của chính những thợ xây làng dựng nên.

Từ một đội thợ xây của anh Thắng, giờ Trực Bình còn có thêm đội xây của anh Sơn, anh ruột vợ Thắng, đội anh Dũng, đội anh Duyên cũng đã tự tách ra làm đông đảo thêm đội ngũ thợ xây làng. Ngày ngày, từ Trực Bình, các hiệp thợ tỏa đi khắp phố phường với tay thước, tay bay để rồi đến một ngày nào, những ngôi nhà mới lại mọc lên làm rạng rỡ gương mặt vùng quê mới Trực Bình. Những xe máy, ti vi, tiện nghi gia đình lại theo chân thợ về Trực Bình làm thay đổi cuộc sống vùng quê ngoại vi thành phố.

Có một điều không thành quy ước nhưng những thợ xây làng luôn tự mình xây dựng, gìn giữ; nhà ai có công việc lớn: xây nhà, việc cưới, việc tang… những người thợ xây lại tụm lại lo công, giúp việc như chính của nhà mình. Tình yêu thương, gắn bó giữa các thợ xây làng là nét đẹp cho những thanh niên chưa có dịp được đi công tác, học hành yên tâm tiếp bước người đi trước nối nghề thợ xây.

Tốt nghiệp THPT năm 2002, anh Trần Đình Tiến (sinh năm 1983, thôn Trực Bình 2) không đăng kí thi vào đại học, cao đẳng mà tham gia quân ngũ, thời gian từ năm 2003 - 2005. Sau khi xuất ngũ, anh về nhà và  đi theo mọi người trong thôn làm  xây dựng để kiếm sống và để  tích luỹ thêm kinh nghiệm. Năm 2010, anh tham gia vào đội xây dựng cùng anh Thắng, công việc ở đội đều đặn - hàng tháng thu nhập của anh đạt từ 3 đến 3,5 triệu đồng. Anh dự định sẽ tiếp tục với nghề xây dựng này và lấy đây làm nghề chính nuôi sống gia đình.

 

 

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn anh Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1981, thôn Trực Bình 2) phải dừng việc học tập từ cấp THCS. Trải qua 7 năm vừa học vừa làm các nghề sửa chữa xe máy, bán hàng xuất khẩu tại trung tâm tỉnh Yên Bái nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh. Năm 2002, anh tham gia đội xây dựng của anh Thắng và làm việc cho đến nay được 11 năm. Công việc hàng tháng ở đội Trung thu nhập được 3,5 đến 4 triệu đồng, đủ một phần lo cuộc sống  vợ và con.

Hoài Văn

Các tin khác
Cán bộ xã Thanh Lương kiểm tra phong trào “Tiếng loa học đêm”.

YBĐT - “Đây là tiếng loa khuyến học xã Thanh Lương. Đã đến giờ học bài, mời các cháu học sinh ngồi vào bàn học tập. Đề nghị các gia đình tạo điều kiện không gian yên tĩnh để các cháu học bài”. Những câu nhắc nhở trên loa phát thanh ở các thôn, bản trở thành quen thuộc và ăn sâu vào tiềm thức người Thanh Lương (Văn Chấn).

Hàng loạt xưởng chế biến gỗ ra đời sẽ không có đủ nguyên liệu sản xuất.

YBĐT - Nhiều hộ dọc tuyến quốc lộ 70 như Bảo Ái, Tân Hương, Tân Nguyên, Đại Đồng… cùng hàng loạt các xã vùng đông hồ như Hán Đà, Thác Bà, Vĩnh Kiên, Vũ Linh… đầu tư xưởng bóc, chưa kể đến “đội quân” bóc gỗ ở Trấn Yên sau khi “thất trận” vì “đói” nguyên liệu, giá gỗ tròn tăng quá cao… đã chạy về Yên Bình lập xưởng.

Dòng suối chảy qua khu vực tổ 66, phường Yên Ninh đã biến thành

YBĐT - Hình ảnh thường thấy ven bờ các dòng suối, dòng chảy qua các khu dân cư nội thị là những bọc rác, những ống xả nước thải trực tiếp xuống lòng suối một cách vô tội vạ. Có vẻ như đối với nhiều người dân, dòng suối là nơi công cộng...

Tư vấn về chế độ, chính sách BHTN cho người lao động tại Trung tâm Giới thiệu việc làm.

YBĐT - Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được coi là "phao cứu sinh" cho người lao động (NLĐ) khi đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) không may bị mất việc làm hoặc cắt hợp đồng lao động mà chưa tìm được việc làm mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục