"Nước mắt" nhím
- Cập nhật: Thứ hai, 6/5/2013 | 9:57:56 AM
YBĐT - Sau nuôi hươu lấy nhung thì nhím và ba ba gai là hai vật nuôi "hot" nhất đối với người nông dân.
Giá nhím rẻ nhưng hàng ngày gia đình anh Toàn vẫn phải đầu tư hơn 500 ngàn mua thức ăn cho nhím.
|
Khát khao làm giầu cho mình, cho xã hội là ý chí nguyện vọng của hầu hết các hộ nông dân nhưng do phát triển theo "phong trào" đã đẩy giá nhím giống lên cao, đỉnh điểm năm 2010 lên tới 2,5-3 triệu đồng/kg, để sở hữu một cặp nhím giống, người chăn nuôi phải bỏ ra 30-35 triệu đồng, thậm chí cao hơn nữa. Giá giống mua cao, sau mấy năm chăm sóc, giá nhím giảm thê thảm xuống còn chưa đầy 200 ngàn đồng/kg, nhiều chủ trang trại nhím đang điêu đứng vì loài vật lông nhọn này.
Từ năm 2010, phong trào nuôi nhím phát triển rầm rộ từ thành phố đến nông thôn, từ vùng thấp đến vùng cao với hy vọng đổi đời từ nuôi nhím. Nói như vậy không có nghĩa là ai cũng dám nuôi mà, chỉ những gia đình có "máu mặt" bởi lúc bấy giờ để có được một cặp nhím giống người mua phải đặt tiền trước cả tháng trời, giá giống leo cao từng ngày, lúc đầu 6-8 triệu đồng/cặp, sau tăng lên 12 triệu đồng, 18 triệu đồng, đỉnh điểm lên tới 38 triệu đồng.
Qua tìm hiểu, thăm quan một số mô hình nuôi nhím ở Lạng Sơn, Bắc Giang, năm 2010 gia đình anh Hùng ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái đã quyết định đầu tư nuôi nhím. Ban đầu anh xây 2 chuồng nuôi 2 cặp, năm đầu mỗi cặp sinh sản được 2 con, cuối năm bán thu lời 12 triệu đồng. Thấy nuôi nhím hiệu quả, đầu năm 2011 anh mở rộng quy mô đầu tư 100 triệu đồng xây 20 chuồng nuôi và 400 triệu đồng để mua 7 cặp nhím giống. Thời điểm đó, một con nhím trưởng thành đủ khả năng sinh sản có giá không dưới 40 triệu đồng.
Nhím giống, nhím con vừa đẻ chưa được 1 tháng tuổi bán rẻ cũng trên 10 triệu đồng. Phong trào nuôi nhím phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển nóng theo "hiệu ứng đám đông" khiến giá nhím tăng cao cũng là điều dễ hiểu. Giá nhím lên cao, các chủ trang trại không đầu tư nuôi nhím thịt mà chỉ nuôi nhím đẻ để bán giống.
Khi giá nhím "sốt" và chỉ thấy các thương lái đi bán giống, các chủ trang trại nuôi nhím để bán giống, anh bạn đồng nghiệp của tôi đã đi tìm hiểu thị trường, gặp các nhà chuyên môn để trao đổi và đã có bài viết khuyến cáo bà con nông dân thận trọng khi đầu tư nuôi nhím và ba ba (ba ba gai lúc bấy giờ có giá bán 700-800 ngàn đồng/con chỉ bé bằng đồng cân). Bài báo cảnh báo rằng nếu nhà nhà nuôi nhím chỉ để bán giống thì lãi cao nhưng khi đã chủ động được nguồn giống thì đến lúc phải nuôi nhím thịt, nhím thương phẩm thì bán cho ai, trừ chi phí đầu vào, công đầu tư chăm sóc lãi lờ còn bao nhiêu? Ngay sau khi báo phát hành đã gặp sự phản hồi mạnh mẽ của khá nhiều chủ trang trại, thậm chí của cả một số lãnh đạo địa phương cho rằng tác giả viết bài như vậy làm kìm hãm sự phát triển một nghề mới của địa phương.
Trở lại với trại nuôi nhím của anh Hùng, sau khi bỏ ra hơn 500 triệu đồng đầu tư mua giống, xây dựng chuồng trại cùng mỗi tháng đầu tư 6-7 triệu đồng thức ăn, nhím lớn nhanh như thổi, những tưởng đàn nhím sẽ đem lại thu nhập cao, ai dè năm 2012 giá nhím giống lẫn nhím thịt "lao dốc không phanh".
Từ 700-800 ngàn đồng/kg xuống còn 500 ngàn đồng và nay chỉ còn chưa đầy 200 ngàn/kg. Anh Hùng ngao ngán nói: "Với đàn nhím này, cuối năm 2011 có mấy thương lái dưới Phú Thọ lên trả giá 1 tỷ đồng, rồi lên 1,2 tỷ đồng để mua hết nhưng tôi không bán. Giờ giá nhím giống, nhím thịt rẻ quá bán hết may ra thu được 55-60 triệu đồng. Bán không được, nuôi cũng chẳng xong...".
Cũng như gia đình anh Hùng, gia đình anh Toàn ở thị trấn Yên Bình thấy "phong trào" nuôi nhím phát triển mạnh, đang làm máy xúc và chở vật liệu thuê anh bỏ nghề về bán cả máy xúc, ô tô đầu tư 500 triệu đồng vào nuôi nhím. Khi mới nuôi, gia đình bán nhím giống thu được vài chục triệu. Thấy lãi cao anh tiếp tục mua thêm vài cặp nhím giống sinh sản về nuôi. Với giá nhím lúc bấy giờ là 700 ngàn đồng/kg, nuôi sau một năm sinh sản để tiếp tục tái sản xuất thành nhím thịt, mỗi con bán rẻ cũng được 5-7 triệu đồng. Thế nhưng gia đình anh Toàn cũng như hàng ngàn hộ nuôi nhím ở Yên Bái đang dở khóc, dở cười.
Con nhím chưa đi hết những ngày tháng huy hoàng, chưa kịp giúp những chủ trang trại thỏa nguyện ước mơ làm giầu thì nay rớt giá thê thảm. Hiện một cặp nhím giống 4 tháng tuổi có trọng lượng 5-6kg giá chưa đầy 2 triệu bạc, nhím thịt dao động từ 160-200 ngàn đồng/kg. Nhím giảm giá cũng đồng nghĩa các chủ trang trại lỗ nặng, nhiều hộ vay vốn ngân hàng đầu tư nay đến hạn trả mà nhím vẫn không bán được, hoặc có bán cũng chỉ thu lại 60% vốn đã đầu tư.
Các hộ nuôi nhỏ lẻ đã tìm cách tháo chạy, hoặc xác định nuôi một hai cặp cho "đỡ buồn", khi nào gia đình có việc mang ra thịt cho vui. Nghe có vẻ vui nhưng đằng sau câu chuyện ấy là nỗi đắng lòng của chính những người nông dân cần mẫn với khát khao làm giầu đã tan theo mây khói.
Lý giải cho thị trường rớt giá, người ta đổ lỗi cho suy thoái kinh tế, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng... Những lý giải đó thoạt nghe có lý nhưng sâu xa của vấn đề thì đó cũng là hệ quả của phát triển nóng theo "phong trào" dẫn đến cung vượt cầu trong sản xuất nông-lâm nghiệp vốn đã được nói đến nhiều nhưng vẫn chưa có lời giải.
Phát triển theo "phong trào" không kiểm soát được, phần thiệt thòi vẫn luôn thuộc về người nông dân! Khi con nhím mới đưa vào nuôi, đi đâu cũng thấy người ta nói đến nhím, rồi tuyên truyền nhím dễ nuôi, ít bệnh tật, phát triển nhanh, đầu ra sản phẩm cao... Giờ nhím mất giá phải chăng các cơ quan quản lý, ngành chuyên môn cũng có một phần trách nhiệm? Rõ ràng hậu quả của việc làm theo phong trào không kiểm soát, thiếu tính toán vẫn còn nguyên giá trị.
Do đó, người chăn nuôi nhím nói riêng và các loài động vật khác nói chung cần phải tính toán cụ thể từ vốn, giống, kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm để tránh thiệt hại. Ngành nông nghiệp nên có những định hướng cụ thể cũng như những cơ chế, chính sách phù hợp khi đưa vật nuôi mới vào sản xuất để giảm tổn thất.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Người không công ăn việc làm, người tranh thủ lúc nông nhàn đi làm phụ vữa và có cả những người trở thành người đứng đầu các đội thợ, làm chủ thầu và trở nên giàu có ở làng thợ xây Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.
YBĐT - “Đây là tiếng loa khuyến học xã Thanh Lương. Đã đến giờ học bài, mời các cháu học sinh ngồi vào bàn học tập. Đề nghị các gia đình tạo điều kiện không gian yên tĩnh để các cháu học bài”. Những câu nhắc nhở trên loa phát thanh ở các thôn, bản trở thành quen thuộc và ăn sâu vào tiềm thức người Thanh Lương (Văn Chấn).
YBĐT - Nhiều hộ dọc tuyến quốc lộ 70 như Bảo Ái, Tân Hương, Tân Nguyên, Đại Đồng… cùng hàng loạt các xã vùng đông hồ như Hán Đà, Thác Bà, Vĩnh Kiên, Vũ Linh… đầu tư xưởng bóc, chưa kể đến “đội quân” bóc gỗ ở Trấn Yên sau khi “thất trận” vì “đói” nguyên liệu, giá gỗ tròn tăng quá cao… đã chạy về Yên Bình lập xưởng.
YBĐT - Hình ảnh thường thấy ven bờ các dòng suối, dòng chảy qua các khu dân cư nội thị là những bọc rác, những ống xả nước thải trực tiếp xuống lòng suối một cách vô tội vạ. Có vẻ như đối với nhiều người dân, dòng suối là nơi công cộng...