Tuyên chiến với hủ tục
- Cập nhật: Thứ tư, 8/5/2013 | 8:39:12 AM
YBĐT - Bây giờ, đến Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái), tục thách cưới được xóa bỏ hẳn, cuộc sống của bao cặp vợ chồng trẻ người Mông ở Nà Hẩu đã không còn cảnh túng bấn trong nợ nần sau kết hôn.
Lễ rước dâu trong đám cưới người Mông.
(Ảnh: A mua)
|
Người ta biết đến Nà Hẩu (Văn Yên) qua tục cúng rừng của người Mông Hoa kể từ khi họ di dân về định cư ở đất Nà Hẩu, huyện Văn Yên nhưng ít ai biết rằng, có một nghị quyết với cái tên "Không để cho người dân tự do thách cưới cao, phải có mức quy định” - một sự “tuyên chiến” trước đây chưa từng có của những cán bộ người Mông trẻ địa phương với chính tục lệ ngàn đời của tổ tiên mình. Nghị quyết đã làm đổi đời bao người Mông đang sinh sống trên mảnh đất này.
Từ nỗi khổ của người trong cuộc...
Ông Giàng Chẩn Phử - Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu từng là một trong những nạn nhân của hủ tục thách cưới. Lấy vợ năm 1985, khi tục thách cưới là gánh nặng kinh tế đối với những gia đình nghèo và đông con trai như gia đình Giàng Chẩn Phử lúc ấy. Sớm mồ côi cha, nhà lại đông anh em, những 5 trai, 2 gái nên món nợ thách cưới gồm: 60 kg lợn hơi, 7,2 đồng bạc trắng, 6 nghìn tiền giấy (tương đương giá trị 2 con trâu bây giờ)…, phải mất 3 năm sau khi lấy nhau về, hai vợ chồng vất vả làm thuê làm mướn mới trả hết nợ cho bố vợ.
Ông Phử phân trần: “Tục thách cưới của người Mông mình có từ bao giờ chẳng ai nhớ, chỉ thấy nhà nào có con trai, con gái trưởng thành đến tuổi lấy vợ lấy chồng thì đều làm thế. Chưa đủ đồ thách cưới thì nhà vợ vẫn cho mang con gái về nhưng họ coi khinh lắm, không công nhận mình là rể, là thành viên trong gia đình, nhất là khi nhà có công to việc lớn. Người con trai không chịu được cảnh đó nên dù khổ đến mấy cũng phải kiếm đủ tiền thách cưới trả cho nhà vợ. Như vợ chồng mình, có tới mấy mặt con với nhau rồi mới trả hết nợ thách cưới. Khổ nhất là những nhà nghèo, nhiều con trai. Không có tiền thách cưới cho con bị dân làng chê trách”.
Chẳng riêng gì ở Nà Hẩu mới có tục thách cưới mà người Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều có tục này. Theo quan niệm của đồng bào, khi con gái về làm dâu nhà khác là mất đi một lao động chính. Bởi vậy, họ đương nhiên có quyền thách cưới thật cao. Xã Nà Hẩu được thành lập năm 1987 và theo thống kê của bộ phận tư pháp địa phương này, hàng năm có trên chục đôi kết hôn nhưng có tới già nửa trong số họ rơi vào hoàn cảnh bị thách cưới cao trong khi Nà Hẩu có trên 70% số hộ thuộc diện nghèo, đói đứt bữa.
Đói nghèo, đông con và hệ quả của hủ tục lạc hậu cứ vây lấy cuộc sống của những đôi vợ chồng trẻ mới cưới khiến họ khó thoát khỏi cái vòng vòng luẩn quẩn giống như cuộc đời của cha mẹ mình. Ai cũng mong gìn giữ tục lệ tổ tiên và chẳng ai không biết tục thách cưới của dân tộc mình là khổ, là khắt khe, nặng nề nhưng tập tục như cái đinh đã đóng vào thân cây nghiến nên chằng ai dám phá bỏ.
Phải mãi đến năm 2000, Nghị quyết “Không để cho người dân tự do thách cưới cao, phải có mức quy định” của HĐND xã ra đời gắn với phong trào xây dựng đời sống văn hóa - một sự “tuyên chiến” của những cán bộ người Mông trẻ địa phương với chính tục lệ ngàn đời của tổ tiên mình thì tục thách cưới ở Nà Hẩu mới dần được xóa bỏ.
...Đến ánh sáng nghị quyết
Năm 2000, Nghị quyết “Không để cho người dân tự do thách cưới cao, phải có mức quy định” của HĐND xã Nà Hẩu được ban hành và đi vào thực hiện. Theo nghị quyết này, mức quy định thách cưới được nêu ra rất rõ ràng: ăn hỏi, nhà trai đi lễ nhà gái đôi gà, 10 kg thịt; dẫn cưới 2,6 triệu đồng, 80 lít rượu, 80 kg thịt lợn, không phân biệt giàu nghèo. Ai thách cưới cao sẽ bị phạt, số tiền thách cười thừa thực hiện xung công quỹ…; vận động gia đình cán bộ, đảng viên nêu cao trách nhiệm gương mẫu thực hiện trước.
Đám cưới đầu tiên thực hiện nghị quyết là đám cưới của Giàng Thị Dung, con gái thứ 3 của gia đình ông Giàng A Dìn, thôn 3, là cán bộ nông lâm nghiệp xã với Sùng A Chúa, Bí thư Đoàn xã Nà Hẩu. Nói là vận động thuyết phục đã xuôi, đã thuận trong dân thế những chẳng dễ gì thay đổi một tục lệ đã ăn sâu vào đời sống sinh hoạt của người dân bản địa ngay trong một sớm một chiều. Dù là cán bộ xã, cũng va chạm, hiểu biết xã hội ít nhiều nhưng 2 trong số 6 đứa con gái lớn đi lấy chồng ông Dìn đã thuận theo cái luật thách cưới của người Mông. Đám cưới cô con gái thứ 3 thực hiện theo nghị quyết của HĐND xã, ông không hẳn đã thuận theo vì ngại dân làng.
“Mình không thách cưới mà nhỡ người khác vẫn thách thì dân làng sẽ khinh cho. Lo nhất là lấy tiền đâu ra để tổ chức cưới cho con”. Chỉ nói thôi thì không đủ để thuyết phục, xã thống nhất xuất 30 kg thóc trong kho thóc của xã để hỗ trợ gia đình ông Dìn cưới con. Ông Giàng Chẩn Phử còn phải đem chính chức Chủ tịch xã mình đang làm khi ấy ra để cam kết với gia đình và bà con dân bản.
Nhớ lại những ngày đầu gian nan triển khai thực hiện Nghị quyết, ông Phử bộc bạch: “Mình khẳng định là sau đám cười con gái nhà ông Dìn, nếu xã vẫn để các nhà khác thách cưới, không thực hiện theo Nghị quyết của HĐND thì chính Chủ tịch xã sẽ từ chức, mình cũng lo đấy. Không phải vì sợ mất chức mà lo không thể thay đổi được nhận thức của bà con, không thực hiện được Nghị quyết. Địa phương chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm ngay từ đầu, lại lấy chính gia đình cán bộ xã làm gương nên bà con cũng dần hiểu ra được việc mình làm là không xấu mà chỉ có lợi, bớt khổ cho dân. Để Nghị quyết được bền lâu, xã chỉ đạo duy trì mức thách cưới như nhau, công bằng với tất cả các gia đình. Xã cam kết với các hộ nếu để xảy ra không công bằng trong thách cưới thì sẽ bồi thường lại cho dân... Nhà trai có quyền giám sát việc thách cưới của nhà gái, xã giao cho bộ phận tư pháp và an ninh địa phương đại diện cho nhà trai và nhà gái đứng ra giám sát việc thách cưới...”.
Ông Giàng A Dìn nhớ lại những ngày đầu thực hiện Nghị quyết mà gia đình ông là người đầu tiên thực hiện.
Đám cưới đầu tiên không thách cưới cao thực hiện theo nếp sống văn hóa ở Nà Hẩu thành công hơn cả những gì mà chính quyền địa phương và hai bên họ hàng mong đợi. Thêm một đám cưới tràn ngập hạnh phúc của Sùng A Din và Giàng Thị Pa, thôn Ba Khuy. Rất nhiều những cặp vợ chồng trẻ sau này cứ ưng nhau, đến xã đăng ký là thực hiện cưới theo Nghị quyết đã xua đi nỗi lo vô hình của việc xóa bỏ tục lệ truyền đời, tiếp thêm lòng tin cho đồng bào vào kỷ cương và công tâm của cán bộ, của chính quyền.
Giờ đã con cái đề huề, cuộc sống gia đình hạnh phúc, đã có bát ăn bát để, không riêng gì vợ chồng Sùng A Chúa - Bí thư Đoàn xã Nà Hẩu mà rất nhiều cặp vợ chồng trẻ trong xã vẫn biết ơn nghị quyết, biết ơn những cán bộ dám nghĩ dám làm đã giúp đổi thay cuộc đời họ. Sùng A Chúa bảo: “Nếu ngày ấy không có nghị quyết của xã thì mình vẫn lấy nhau thôi nhưng làm sao có được cuộc sống đầy đủ như bây giờ. Nghèo như nhà mình phải mất tới chục năm vất vả làm nương mới lo trả hết nợ cưới vợ”.
Bố vợ Chúa, ông Giàng A Dìn nói như phân trần: “Nhà mình cưới con gái đúng thời điểm xã triển khai thực hiện nghị quyết không thách cưới cao. Cái bụng mình cũng thấy mừng cho vợ chồng con cái vì chúng nó lấy nhau về không còn phải lo trả món nợ thách cưới. Nhưng luật tục của tổ tiên bao đời là vậy, nói bỏ là bỏ ngay mà mình lại là gia đình thực hiện đầu tiên nên cũng thấy lo... Bây giờ nhìn thấy các xã bạn xung quanh vẫn còn thách cưới cao mới thấy cán bộ lãnh đạo địa phương mình biết đi trước, nhìn xa...”.
Tục thách cưới được xóa bỏ hẳn, cuộc sống của bao cặp vợ chồng trẻ người Mông ở Nà Hẩu đã không còn cảnh túng bấn trong nợ nần sau kết hôn là điều không thể phủ nhận. Đó chẳng phải là những gì tốt đẹp, tiến bộ nên làm trong khi ở nhiều nơi tục lệ này vẫn tồn tại rất nặng nề. Nỗ lực bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, đi đối với quyết tâm dẹp bỏ những hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp với thời đại đã đưa Nà Hẩu trở thành địa phương đi đầu của huyện Văn Yên “tuyên chiến” thành công với tục thách cưới.
Người Mông các xã Đại Sơn, Mỏ Vàng… đã cử già làng, trưởng bản, trưởng các dòng tộc đến Nà Hẩu để học tập kinh nghiệm và cách làm với quyết tâm sớm gỡ bỏ sợi dây trói buộc vô hình của luật tục lạc hậu, chung tay xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp, văn minh, tiến bộ.
Phạm Lê
Các tin khác
YBĐT - Sau nuôi hươu lấy nhung thì nhím và ba ba gai là hai vật nuôi "hot" nhất đối với người nông dân.
YBĐT - Người không công ăn việc làm, người tranh thủ lúc nông nhàn đi làm phụ vữa và có cả những người trở thành người đứng đầu các đội thợ, làm chủ thầu và trở nên giàu có ở làng thợ xây Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.
YBĐT - “Đây là tiếng loa khuyến học xã Thanh Lương. Đã đến giờ học bài, mời các cháu học sinh ngồi vào bàn học tập. Đề nghị các gia đình tạo điều kiện không gian yên tĩnh để các cháu học bài”. Những câu nhắc nhở trên loa phát thanh ở các thôn, bản trở thành quen thuộc và ăn sâu vào tiềm thức người Thanh Lương (Văn Chấn).
YBĐT - Nhiều hộ dọc tuyến quốc lộ 70 như Bảo Ái, Tân Hương, Tân Nguyên, Đại Đồng… cùng hàng loạt các xã vùng đông hồ như Hán Đà, Thác Bà, Vĩnh Kiên, Vũ Linh… đầu tư xưởng bóc, chưa kể đến “đội quân” bóc gỗ ở Trấn Yên sau khi “thất trận” vì “đói” nguyên liệu, giá gỗ tròn tăng quá cao… đã chạy về Yên Bình lập xưởng.