Cuộc thi cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước:

Bộ lọc nước thải 100.000 đồng giành vé đi Thụy Điển

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/6/2008 | 12:00:00 AM

Sáng 4/6, một tin vui đến với Đinh Trần Vũ An (học sinh lớp 11T trường THPT thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp): là thí sinh duy nhất trong cả nước đoạt tấm vé đi Thụy Điển để tranh giải thưởng Stockholm (Thụy Điển) dành cho học sinh trung học về nguồn nước.

Em Đinh Trần Vũ An tại lễ trao giải “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước”.
Em Đinh Trần Vũ An tại lễ trao giải “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước”.

Bộ lọc nước thải 100.000 đồng đạt giải Nhất

Trong 5 năm tổ chức cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước”, chưa năm nào cuộc thi (do báo Khoa học & Đời sống, Quỹ môi trường Sida Thụy Điển, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài nguyên Môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên & môi trường Việt Nam đồng phối hợp tổ chức) nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các em học sinh trên toàn quốc như năm nay.

Tổng cộng có 2.761 bài dự thi được gửi về ban tổ chức.

Qua 4 vòng sơ tuyển, trung tuyển, ban giám khảo chọn được 10 đề tài có chất lượng tốt nhất mời về Hà Nội phỏng vấn trực tiếp. Kết quả, giải nhất thuộc về đề tài “Lối thoát nước mới cho nước thải hộ gia đình”. Tác giả của đề tài là một HS lớp 11 đến từ trường THPT thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) – em Đinh Trần Vũ An.

Theo mô tả của An, cấu tạo của cống lọc nước mà em thiết kế khá đơn giản và được làm bằng những nguyên vật liệu dễ kiếm. Cống có 3 phần: miệng, thân và đáy.  Miệng cống dốc, đường kính 8 – 10cm, thân cống thiết kế một trục trong đó có 2 dãy than hoạt tính xen kẽ 4 cửa thoát nước phụ đặt tại thân cống.

Dưới thân cống đặt một trục thẳng đứng bố trí 3 cánh quạt, cánh quạt dạng xoáy giống cánh quạt làm mát CPU máy tính. Cánh quạt này có tác dụng tăng vận tốc nước để nước nhanh tiếp xúc với than hoạt tính đặt tại các thân cống.

Nước sau khi được lọc qua than hoạt tính sẽ thoát ra các cửa thoát nước chính và thoát nước phụ. Trong cống bố trí lưới lọc sơ bộ để cản những rác bẩn vô tình rơi xuống cống.

Đề án dựa trên ba tính chất chủ yếu: Lực mô men quay chuyển động xoáy của dòng nước tạo ra; tính chất xoáy của nước khi chuyển động thành vòng tròn; tính chất lọc khuẩn đa năng của than hoạt tính.

Kết quả thực nghiệm (qua 9 ngày vận hành) đề án của An cho thấy, hiệu quả lọc nước sạch trung bình đạt 70 – 85%. Nước ít tạp chất, sau khi lọc không còn mùi xà phòng, dầu mỡ và các hóa chất có hại khác.

Các sinh vật như cá, trùn (giun) có thể sống bình thường ở môi trường nước đã qua lọc. Đề án có tính khả thi cao bởi dễ lắp đặt, có thể thực hiện ở mọi địa phương, giá nguyên liệu rẻ. An cho biết, chi phí cho hệ thống cống này khoảng 100.000 đồng/ bộ.

Giải thưởng làm thay đổi ước mơ

An là con duy nhất của một gia đình cán bộ viên chức nhà nước ở thị xã Sa Đéc. Cuộc sống của một cậu học trò ngoan, học giỏi sẽ thật phẳng lặng nếu như không có một buổi lũ bạn ở lớp 11 T của An không ngừng bàn tán về cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước”.

Một bạn vô tình nhắc đến tính chuyển động xoáy của nước làm An sực nhớ đến cống nước thải trong khu nhà mình.

Do thị xã đang mở một con đường chạy qua trong khu nên cống nước thải gần nhà An luôn luôn bị tắc. Mùa mưa cũng như mùa nắng, người dân trong khu phố của An cứ phải sống chung với mùi hôi thối bốc từ cống nước.

Vậy là An nảy sinh ý tưởng thiết kế một cống lọc nước thải dùng cho hộ gia đình. “Hộ nào cũng đều thải nước thải đã qua lọc ra ngoài thì dù khi cống nước bị tắc, nước cũng sẽ không bốc mùi hôi thối như vậy”, An nói.

Trong quá trình cùng bạn bè trường THPT thị xã Sa Đéc thực hiện các đề tài hưởng ứng cuộc thi, các thầy cô trường Sa Đéc mải bận tập trung cho khối 12 ôn thi. Do đó, An cũng như nhiều bạn khác phải tự nghiên cứu mày mò để ra được sản phẩm.

Khó khăn nhất là lúc cần phân tích mẫu nước, đánh giá độ sạch của nước. An phải hỏi các bạn xem có ai có anh, chị học về công nghệ sinh học ở các trường ĐH không để nhờ giúp đỡ.

Do thời gian quá gấp nên khi hoàn thành đề tài, An gửi thẳng bài thi ra Hà Nội mà không thông qua trường. Kết quả là cả tỉnh Đồng Tháp chỉ có đề tài của An lọt vào vòng chung khảo và “ẵm” giải nhất.

Trao đổi với Tiền phong, thầy giáo Đỗ Anh Tuấn - Trợ lý thanh niên trường THPT thị xã Sa Đéc, người tháp tùng em An ra Hà Nội nói: “Hôm được tin bài thi của An lọt vào vòng chung khảo, Ban giám hiệu bất ngờ và mừng hết biết! Giờ lại đến tin vui em An đạt giải nhất nữa, thật tuyệt vời! Đây không chỉ là vinh dự của cá nhân em An mà là còn là niềm tự hào của trường THPT thị xã Sa Đéc”.

Theo An, những nguyên lý mà An áp dụng cho bài thi của mình dựa trên những kiến thức rất đơn giản mà em đã được học trong chương trình phổ thông. An nói: “Chẳng hạn, về lực mô men chuyển động thành vòng tròn (môn Vật lý) thì HS cấp THCS đã được học”.

Từ trước đến nay mơ ước của An là thành nhà kinh doanh, hoặc thành dược sĩ. Nhưng khi nhận được giải thưởng, suy nghĩ của An rẽ sang hướng khác. An tâm sự: “Trở thành nhà nghiên cứu khoa học về công nghệ sinh học, hoặc nhà bảo vệ môi trường, đó có thể cũng là những nghề phù hợp với em”.

(Theo TPO)

Các tin khác
Từ phải sang trái Thầy giáo Đặng Quang Thành - Hiệu trưởng nhà trường cùng em Phùng Đức Anh và cha.

YBĐT - Tôi gặp Phùng Đức Anh, cậu học sinh Trường THCS xã Hán Đà, Yên Bình vào một ngày đầu hạ. Ấn tượng đầu tiên em để lại trong trong tôi là dáng người cao gầy, nước da ngăm đen và đôi mắt sáng luôn ánh lên nét cười thân thiện.

Ngày 22/5, 4 sinh viên nhóm Milestone - ĐH Bách khoa HN - giành Giải Nhất cuộc thi sáng tạo công nghệ Imagine Cup tại Việt Nam, giành quyền tham dự vòng chung kết thế giới diễn ra tại Pháp tháng 8/2008.

YBĐT - Nổi bật trong trong trang phục duyên dáng của thiếu nữ Thái Tây Bắc, thí sinh Sầm Thị Minh Khuyên đến từ Đảng bộ huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã hoàn toàn chinh phục khán giả và Ban giám khảo Hội thi bằng câu chuyện kể về Bác mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc: “Chữ quan liêu viết thế nào”. Giải nhất Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh Yên Bái đã thuộc về cô gái dân tộc Thái trong sự đón đợi và cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Giọng kể truyền cảm, sự liên hệ sâu sắc, câu chuyện của Khuyên đã để lại cho mỗi người nghe những suy nghĩ và xúc cảm riêng về những điều Bác Hồ đã làm và dạy cán bộ, chiến sỹ.

YBĐT - Bạn Nguyễn Tiến Trung, học sinh lớp 5, Liên đội phó Trường Tiểu học Lê Văn Tám sinh ra và lớn lên ở thôn Bảo Thịnh, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái(tỉnh Yên Bái).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục