Bí thư Đoàn xã không cam chịu đói nghèo
- Cập nhật: Thứ ba, 30/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - "Tôi sinh năm 1967 ở tỉnh Nam Định. Năm 1979 theo bố mẹ đi phát triển kinh tế mới ở Văn Yên. Học hết lớp 7/10 xin nghỉ vì gia đình khó khăn. Năm 1987 đi bộ đội. Năm 1990 xây dựng gia đình. Từ năm 1991 đến nay làm công tác Đoàn và phát triển kinh tế trang trại đồi rừng". Đó là những lời giới thiệu ngắn gọn nhưng cơ bản đầy đủ của anh Lê Văn Thọ - Bí thư Đoàn xã Phong Dụ Hạ (Văn Yên - Yên Bái) khi nói về mình.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, làm gì để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng luôn là niềm trăn trở của anh. Từ suy nghĩ đó, anh mở dịch vụ kinh doanh phục vụ nhu cầu của bà con trong xã như: máy xay xát, máy phát điện, kinh doanh hàng tạp hóa... nhưng sau một thời gian, không thấy khá giả hơn so với trước, thậm chí còn thua lỗ nên anh Thọ đã chuyển hướng làm kinh tế trang trại đồi rừng. Và chính trong thời điểm này, phong trào "Thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước" do Tỉnh Đoàn Yên Bái phát động đã giúp anh có thêm quyết tâm. Lúc đầu, anh chỉ làm trên những diện tích rừng mà gia đình có sẵn, nhưng như thế thì cũng không thể thoát được nghèo. Vì vậy, khi có chính sách của xã cho nhận đất rừng, anh quyết định nhận 16 ha đất cùng với hàng chục héc-ta đất rừng của bố mẹ để phát triển kinh tế đồi rừng.
Có đất nhưng kinh nghiệm về kỹ thuật trồng rừng và ươm các giống cây còn hạn chế nên anh Thọ tiếp tục đi học cách gieo ươm bầu, gieo hạt keo lai ở Trạm Khuyến nông huyện. Có đất, học được kỹ thuật, anh Thọ càng hăng say với cuộc chiến chống đói nghèo bằng cách làm thử hàng chục héc-ta keo lai, bồ đề kết hợp chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò, đặc biệt là trồng thử nghiệm cây sả cao sản. Nhận thấy mô hình phát triển kinh tế dần có hiệu quả, đầu năm 2004, anh bắt đầu ươm tám vạn bầu keo. Do thiếu kinh nghiệm, chưa nắm bắt sâu về kỹ thuật nên tám vạn bầu ban đầu đã có ba vạn bị chết, trong khi nguồn vốn hạn hẹp, phải vay mượn. Không nản chí, đồng thời xác định “lấy ngắn nuôi dài”, sau một thời gian ngắn, anh Thọ đã thành công trong việc ươm cây giống và nhân rộng diện tích đất rừng của mình.
Đất không phụ công người, sau nhiều năm tần tảo, niềm vui cũng đến với anh Thọ khi đầu năm 2008, trang trại của anh đã có 13 con bò, 18 con lợn, 200 con gà và 40 ha keo, xoan, bồ đề. Anh Thọ tâm sự: "Mình là cán bộ Đoàn nên phải biết làm giàu cho bản thân, hơn nữa là để cho các đoàn viên thanh niên noi theo". Theo tính toán thì sau 7 năm tuổi, 40 ha rừng của anh sẽ cho thu hoạch trên 1 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2006 - 2007, anh quyết định trồng thử 2 ha giống sả cao sản và kết quả hơn cả mong đợi, đầu năm 2008 này, 2 ha sả cao sản cho thu về trên 100 triệu đồng. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, anh Thọ đã tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên, thu nhập ổn định 1,5 triệu đồng/người/tháng và 30 lao động theo thời vụ. Với tiềm năng đất đai dồi dào, mỗi năm anh lại trồng thêm 5 - 10 ha rừng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Thọ còn là một Bí thư Đoàn xã năng động, nhiệt tình. Anh đã luôn phát huy năng lực, tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên tham gia làm kinh tế, thực hiện các phong trào như: tham gia ngày công lao động xóa nhà dột nát cho hộ gia đình chính sách và hộ nghèo, làm đường giao thông liên thôn, xã và vận động các hộ đồng bào dân tộc ít người giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ an ninh thôn bản, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Nhờ vậy, 100% đoàn viên thanh niên trong độ tuổi sinh hoạt Đoàn của xã không mắc các tệ nạn xã hội. Xã Phong Dụ Hạ dần có nhiều mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của đoàn viên thanh niên.
Bí thư Đoàn xã Phong Dụ Hạ - Lê Văn Thọ là một tấm gương sáng cho đoàn viên thanh niên học tập.
Hà Tĩnh
Các tin khác
YBĐT - Đối với bản Sang Hán, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), những thầy cô giáo chỉ mong các em học sinh nơi đây đi học chuyên cần đã là mừng. Nhưng riêng Hoàng Văn Tuyển - cậu học trò dân tộc Thái hiện đang là học sinh lớp 10A2, Trường THPT Nghĩa Lộ đã mang lại niềm tự hào cho thầy cô và bè bạn nhiều hơn mong đợi.
“Cả xã em làm nghề nông. Em thấy mọi người thường xuyên phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu rất độc hại, lại không được bảo vệ an toàn nên nghĩ đến việc phải làm một điều gì đó để giúp mọi người” - Lê Trung Anh (lớp 11C, Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) - người vừa đoạt giải nhì cuộc thi sáng tạo trẻ VIFOTEX - kể.
YBĐT - Ở cái xã vùng cao Nậm Lành của huyện Văn Chấn (Yên Bái) này, chẳng riêng gì trong thôn Ràng Cài, chuyện những đứa trẻ khỏe mạnh không đi học cũng là chuyện bình thường, huống hồ là đối với một người tật nguyền như Lý Thị Liều. Chỉ riêng cô gái Dao ấy lại nghĩ những điều ngược lại để cứ mang theo niềm nguyện ước: một ngày đến trường.
YBĐT - Vào những ngày cuối tháng 8, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ với em Đồng Ngọc Hoàng ở tổ 5 thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái) - một sinh viên tương lai của ngành sư phạm Hóa học, Trường Đại học Tây Bắc.