“Nên tiết kiệm khôn ngoan ngay từ khi còn trẻ”
- Cập nhật: Chủ nhật, 1/2/2009 | 12:00:00 AM
Một cuộc trao đổi thú vị với những chuyên gia tài chính về quản lý tài chính cá nhân và tài chính gia đình (TCCN-GĐ). Đây là lời khuyên của chuyên gia tài chính Larry Trương và diễn giả Quách Tuấn Khanh…
Thưa hai anh, quản lý TCCN-GĐ có ý nghĩa thế nào trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay?
- Dù trong hoàn cảnh nào, kinh tế chung khó khăn hay thuận lợi, mỗi cá nhân cũng nên xây dựng kế hoạch quản lý tài chính cho riêng mình. Kế hoạch đó tùy thuộc từng hoàn cảnh cụ thể. Nhưng ít nhất trong kế hoạch đó phải có khoản tiết kiệm định kỳ 20% thu nhập hằng tháng. Đây là khoản dành chi trả những bất trắc đồng thời là khoản tích lũy.
Xin anh Larry Trương cho một ví dụ cụ thể?
- Ví dụ một gia đình có thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Hằng tháng gia đình sẽ trích ra 1 triệu đồng để dành, cương quyết không đụng vào số tiền đó. Tất cả chi tiêu phải cố gắng xoay xở trong 4 triệu đồng còn lại.
Dĩ nhiên thực hiện điều này không hề dễ, bởi giảm bớt 20% buộc “tay hòm chìa khóa” gia đình đó phải cân nhắc từng tí một.
Họ phải biến mình thành kế toán trưởng của gia đình, công bố cho các thành viên trong nhà biết tiền được sử dụng như thế nào để cùng thực hiện tiết kiệm, đồng thời cũng không để gia đình thiếu thốn. Đến một lúc nào đó mọi người sẽ đạt được tự do tài chính hoàn toàn.
Thưa anh Khanh, là người thường tổ chức các lớp học về quản lý TCCN-GĐ, anh thấy học viên thường gặp khó khăn gì trong việc trở thành “kế toán trưởng cho bản thân”?
- Tôi xin đề cập những “mẫu số chung”. Ở phụ nữ có những khoản chi khá xa xỉ như mua mỹ phẩm đắt tiền do bị... dụ ở chương trình khuyến mãi nào đó, về lại không sử dụng được vì không hợp da. Hoặc quần áo thời trang, mua chật tủ mà cả năm mặc 1-2 lần vì không có dịp… Đó là kiểu ném tiền qua cửa sổ bởi tiêu dùng không hữu hiệu, người mua không đặt vấn đề xem vật mua đó có thật sự cần thiết không.
Ở đàn ông cũng vậy. Nếu họ dành thời gian ngồi tính lại những khoản chi tiêu: cà phê, giao lưu bạn bè, nhậu nhẹt, thuốc lá… và cộng lại sau một tháng, tôi tin sẽ không ít người giật mình. Vì nhiều người đã chi cho những khoản đó gần 50% thu nhập của mình.
Nếu cả vợ và chồng trong một gia đình đều vướng vào “mẫu số” này, xem như kinh tế gia đình đó khó có khả năng tích lũy được.
Thế nhưng nếu cái gì cũng thắt lưng buộc bụng thì rất dễ thành hà khắc với bản thân và gia đình?
- Quách Tuấn Khanh: Thực chất sống tiết kiệm không có nghĩa là keo kiệt, mà là gò mình trong một khuôn khổ để bảo đảm mức chi tiêu hợp lý trong gia đình. Cũng phải có tiền dành dụm phòng khi ốm đau, sự cố. Rồi lo chuyện đầu tư, học hành cho con cái…
Nếu mỗi người nghĩ tới những chuyện như vậy sẽ thấy niềm vui nhất thời như cà phê, thuốc lá, rượu chè đàn đúm... không còn ý nghĩa trọng yếu nữa.
Làm thế nào để những người có thu nhập không cao có thể tự do hoàn toàn về tài chính?
- Larry Trương: Người ta chỉ nhìn 20% của một tháng chứ không thấy 20% của một năm, rồi 20% của 5-10-20-30 năm. Trong ngành tài chính có khái niệm: quyền năng của lãi suất kép.
Đó là quy tắc 72: “Lấy 72 chia cho lãi suất trên đơn vị thời gian sẽ bằng thời gian để vốn tăng gấp đôi nhờ lãi suất kép”.
Ví dụ nếu lãi suất ngân hàng là 9%/năm thì mất khoảng tám năm số tiền người đó sẽ tăng từ 1 đồng thành 2 đồng.
- Quách Tuấn Khanh: Nói cách khác, nếu một ngày mình tiết kiệm 10.000 đồng, một tháng được 300.000 đồng, lãi suất cố định 10% (lãi kép) thì sau năm năm mình có hơn 22,968 triệu, 15 năm có 119 triệu, 40 năm sẽ có 1 tỉ 665 triệu 104 ngàn đồng. Nếu muốn có nhiều hơn thì cứ thế nhân lên. Thế nên tôi vẫn thường nói với mọi người nên để dành từ khi còn trẻ.
Thách thức nào lớn nhất trong quản lý TCCN-GĐ theo cách tiết kiệm như trên?
- Larry Trương: Có hai thách thức lớn. Đầu tiên, không bao giờ được động tới số tiền này trong vòng 30-40 năm mà để nó tự sinh lãi. Nếu để năm năm, thấy có tiền lại lấy ra mua sắm, chi tiêu gì đó thì hết sạch.
Thứ hai là phải tiết kiệm đều đặn mỗi tháng. Mỗi người phải tự cam kết với bản thân xem số tiền tích lũy đó như là “tiền mà tôi tự trả lương cho mình trong tương lai”. Không được tạm ứng tương lai cho hiện tại, cho đến khi nào được tự do tài chính hoàn toàn, không cần làm vẫn có tiền để sống.
(Theo TPO)
Các tin khác
YBĐT - "Tôi thực sự muốn trở thành đại sứ hòa bình, muốn kêu gọi mọi người thương yêu nhau nhiều hơn. Tôi sẽ góp sức nhỏ bé của mình trong những công việc từ thiện xã hội…" - Trả lời báo chí trước cuộc thi Hoa hậu quốc tế, Cao Thùy Dương đã nói như thế!
YBĐT - Có nick name là lucky-girl (cô gái may mắn) nhưng Bùi Thị Lan Phương, cô gái Mường Lò, cựu học sinh Trường trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành (TP Yên Bái), hiện là sinh viên Khoa Kinh tế đối ngoại Đại học Ngoại thương Hà Nội đạt được nhiều thành tích trong học tập không chỉ nhờ may mắn.
YBĐT - Sa Thị Huệ, dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, hiện đang là sinh viên năm thứ ba, lớp Toán - Lý, Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Yên Bái.
Đại hội toàn quốc Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam lần thứ III sẽ diễn ra tại Hà Nội vào các ngày 13-14/12 tới.