Khát khao góp sức cho học sinh vùng cao

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/2/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chị Nguyễn Thị Hòa sinh năm 1971, ở thị trấn Nông trường Trần Phú (huyện Văn Chấn - Yên Bái). Thời còn là học sinh phổ thông, qua thông tin đại chúng chị biết được các em học sinh dân tộc Mông ở vùng cao Mù Cang Chải còn phải chịu rất nhiều thiệt thòi so với các bạn ở các huyện khác trong tỉnh. Từ đó, trong chị đã nuôi ý chí thi vào ngành sư phạm để đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho các em thơ ở vùng cao.

Trẻ thơ vùng cao hôm nay.
Trẻ thơ vùng cao hôm nay.

Năm 1997, cầm tấm bằng tốt nghiệp ngành tiểu học Trường cao đẳng Sư phạm Yên Bái trên tay, gác lại mối tình đầu với anh công nhân ở Công ty cổ phần chè Trần Phú, chị Hòa đã làm đơn tình nguyện lên công tác tại huyện vùng cao Mù Cang Chải.

Chị kể lại rằng, ngày được Phòng Giáo dục và Đào tạo phân công lên nhận nhiệm vụ ở Trường phổ thông cơ sở xã Khao Mang, trong lòng chị tràn ngập niềm vui. Đến nơi, cơ sở vật chất còn thiếu nhiều lắm, cả trường chỉ có 2 căn nhà lắp ghép. Mùa nắng thì không sao nhưng mùa mưa thì ở đây rất hay có gió lốc và gặp cơn lốc mạnh là mái nhà thường bị tốc. Đêm đang ngủ có lúc phải trải áo mưa lên giường rồi chui xuống gầm giường để tránh mưa. Giáo viên thì chỉ có hơn chục người và vẻn vẹn chưa đầy một trăm học sinh. Đứng trên trường, nhìn xuống các thôn, bản chỉ thấy lác đác vài ngôi nhà, chị lo lắng tới việc đi huy động học sinh rồi đây sẽ ra sao? Chị đã cơm nắm, cá khô, đến từng bản, gõ cửa từng nhà để vận động học sinh ra lớp. Điều khó khăn nhất lúc này là chị chưa hề biết tiếng Mông nên nói gì dân cũng chỉ lắc đầu và trả lời "chi pâu" - tức là không biết. Chị đã phải nhờ cán bộ xã đưa đến gặp phụ huynh để phiên dịch trong việc tuyên truyền, vận động cho con em đến trường. Nhưng phụ huynh vẫn không nhất trí, họ sợ chị đưa trẻ đi học không có ai ở nhà làm ruộng, làm nương, chăn trâu, chăn bò...

Chị tâm sự: "Nghĩ đến nhiều lúc cũng nản, vì đi bộ gần nửa ngày trời, đến được nhà thì lại không gặp phụ huynh bởi họ đi nương hoặc thấy cô giáo đến là trốn đi. Nếu bất ngờ gặp được thì họ cũng đi nơi khác thật nhanh, không muốn gặp ". Khi vận động được học sinh đi học thì thầy chẳng biết tiếng của trò, trò cũng chẳng hiểu thầy nói gì và từ những ngày đầu ấy chị bắt đầu học nói tiếng Mông. Học tiếng Mông cũng khó như học ngoại ngữ, nhưng chị nghĩ "Có công mài sắt, có ngày nên kim". Chị đã dùng đồ vật và hành động để nghe học sinh nói, dần dần đã giúp chị nghe được, hiểu được và đã giao tiếp được với học sinh bằng tiếng Mông và ngày càng được học sinh mến phục. Qua giao tiếp bằng 2 thứ tiếng Mông – Việt đã giúp cho các em dễ dàng hơn trong việc học tiếng, học kiến thức.

Ông Sùng A Làng - Bí thư Đảng ủy xã Khao Mang nhận xét: "Cô giáo Hòa là người chịu thương, chịu khó, hết lòng vì học sinh vùng cao. Chúng tôi khâm phục cô giáo ở đức tính không ngại khó khăn, gian khổ, chỉ sợ không có học sinh đến trường...".

Nỗi lo canh cánh bên lòng chị suốt hơn 10 năm qua là làm thế nào để huy động được nhiều học sinh ra lớp, giúp các em có kiến thức rồi lại mang cái chữ về dạy cho đồng bào mình ai cũng biết đọc, biết viết. Tấm lòng và sự nhiệt huyết của cô giáo đã khiến nhiều phụ huynh phải thay đổi cách suy nghĩ, tự giác cho con em họ đến trường. Thế rồi học sinh đã không phụ lòng cô giáo và mỗi năm trẻ em đến trường học nhiều hơn.

Thời gian cứ thế trôi đi, việc huy động học sinh ra lớp đã đi vào nề nếp. Cho đến khi gần 30 tuổi, cô giáo Hòa với gương mặt xương xương, nước da sạm nâu vì nắng gió vùng cao mới nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình. Xây dựng gia đình xong nhưng lại chồng một nơi, vợ một nơi, thế là chị lại gặp thêm không ít khó khăn. Trách nhiệm đặt lên vai càng nặng nề hơn, đó là năm 2001 chị được huyện quyết định bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở xã Khao Mang. Chỉ có nghiệp vụ của một cấp học mà lại quản lý cả 3 cấp gồm: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở nên để làm tròn nhiệm vụ được giao, chị phải tích cực học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp, không ngừng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tham khảo thêm tài liệu để chỉ đạo sao cho hợp lý, hợp tình. Không còn cái thời thầy cô phải "đi gọi đi tìm" học sinh như trước nữa, nhà trường đã huy động được trên 700 học sinh ở cả 3 bậc học, tăng hơn 7 lần so với ngày chị mới lên đây. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ra lớp đạt trên 80% và duy trì thường xuyên, chuyên cần từ 90 đến 95%.

Để duy trì học sinh chuyên cần cũng như nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh ở bán trú. Bởi vì làm như vậy, ngoài thời gian dạy trên lớp, giáo viên còn có thể kèm cặp các em trong giờ tự học. Nhớ lời Bác Hồ đã dạy "Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người", chị luôn đặt mục tiêu hàng đầu là "Vừa dạy cho  học sinh kiến thức lại vừa dạy các em biết cách làm người". Vì thế, đối với học sinh mới đến trường, ngoài việc trang bị kiến thức cho các em, thầy cô giáo còn phải hướng dẫn các em cách giao tiếp, cách ăn, ở hợp vệ sinh, thậm chí cả việc vệ sinh cá nhân. Những việc làm tận tình, chu đáo của tập thể giáo viên nhà trường đã giúp nhiều học sinh học tập tốt và trưởng thành. Đáng mừng nhất là trong đó đã có cả học sinh nữ như em Cứ Thị Da hiện đang làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khao Mang và là đại biểu HĐND huyện, em Lý A Sở hiện đang làm Trưởng Công an xã Khao Mang, Giàng A Dê là Bí thư Đoàn xã Lao Chải...

Với sự nỗ lực của nhà trường, cộng với sự giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các bậc phụ huynh, năm 2001 xã Khao Mang đã hoàn thành chương trình phổ cập tiểu học và năm 2005 đạt phổ cập trung học cơ sở, là xã thứ 7/14 xã, thị trấn trong huyện được công nhận phổ cập ở 2 cấp học.

Ông Phạm Thế Hảo - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết: "Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở xã Khao Mang - Nguyễn Thị Hòa là một tấm gương sáng trong sự nghiệp giáo dục vùng cao. Đây là tấm gương để cho những giáo viên trong ngành có lúc, có nơi chưa làm tròn trách nhiệm của mình soi vào để hoàn thiện mình hơn, góp phần xây dựng sự nghiệp giáo dục vùng cao ngày một phát triển...".

Thanh Xuân

Các tin khác

Một cuộc trao đổi thú vị với những chuyên gia tài chính về quản lý tài chính cá nhân và tài chính gia đình (TCCN-GĐ). Đây là lời khuyên của chuyên gia tài chính Larry Trương và diễn giả Quách Tuấn Khanh…

Cao Thùy Dương trong vòng vây của những học sinh Trường THPT thị trấn Cổ Phúc.

YBĐT - "Tôi thực sự muốn trở thành đại sứ hòa bình, muốn kêu gọi mọi người thương yêu nhau nhiều hơn. Tôi sẽ góp sức nhỏ bé của mình trong những công việc từ thiện xã hội…" - Trả lời báo chí trước cuộc thi Hoa hậu quốc tế, Cao Thùy Dương đã nói như thế!

YBĐT - Có nick name là lucky-girl (cô gái may mắn) nhưng Bùi Thị Lan Phương, cô gái Mường Lò, cựu học sinh Trường trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành (TP Yên Bái), hiện là sinh viên Khoa Kinh tế đối ngoại Đại học Ngoại thương Hà Nội đạt được nhiều thành tích trong học tập không chỉ nhờ may mắn.

YBĐT - Sa Thị Huệ, dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, hiện đang là sinh viên năm thứ ba, lớp Toán - Lý, Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục