Cậu bé Việt gây sốc làng âm nhạc Ba Lan
- Cập nhật: Thứ năm, 5/2/2009 | 12:00:00 AM
Báo chí Ba Lan ca ngợi tài năng của cậu bé 12 tuổi Nguyễn Việt Trung sánh ngang với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của một nhạc viện lớn. 5 tuổi, Nguyễn Việt Trung theo chị đến trường âm nhạc nơi chị đang theo học.
|
Giờ giải lao, cậu tò mò vào… nghịch đàn, ấn vài nốt vu vơ. Bảy năm sau, cậu bé này đã gây sốc làng piano Ba Lan… 1. Biuletyn Informacyjny - một tạp chí âm nhạc danh tiếng của Ba Lan - viết về Trung với những dòng trân trọng: "Nguyễn Việt Trung đến từ VIệt Nam là một tài năng piano trẻ, đã nhạc cảm bằng một tâm hồn trong sáng và tươi mới. Tài năng của cậu bé 12 tuổi này sánh ngang với sinh viên năm cuối tốt nghiệp xuất sắc của một nhạc viện lớn dù mới chỉ học sáu năm âm nhạc…". Tờ Twoja Muza - cũng là một tạp chí âm nhạc danh tiếng của Ba Lan - số tháng 12.2008 còn gọi cậu bé là "Ngôi sao âm nhạc Ba Lan với tài năng piano không có gì phải bàn cãi, đôi tay của cậu đã làm tất cả người nghe cảm động. Cậu đã thu phục khán giả bằng nhiều tràng vỗ tay, bằng nhiều lần đi ra rồi lại đi vào mà tiếng vỗ tay không nhỏ đi sau khi chơi một tác phẩm bất hủ của Liszt". Bài báo còn liệt kê thành tích của Trung, một xêri giải thưởng tại các cuộc thi âm nhạc: giải nhất cuộc thi piano dành cho trẻ em ở Ba Lan năm 2003, giải Nốt nhạc vàng dành cho thí sinh quốc tế chơi nhạc Mozart năm 2006, giải ba cuộc thi âm nhạc quốc tế năm 2007, giải xuất sắc về Chopin dành cho trẻ em quốc tế tại Ba Lan tháng 2.2008…
Nguyễn Việt Trung say sưa bên phím đàn Piano.
Gần đây nhất, cuối năm 2008, Trung lại đoạt giải nhì ở cuộc thi piano quốc tế diễn ra tại Ba Lan mang tên hai nghệ sĩ âm nhạc cổ điển nổi tiếng châu Âu. Lúc Trung đăng ký dự thi, ban tổ chức "hơi bị" bất ngờ, cho là thí sinh đã viết nhầm. Họ không tin có chuyện một cậu bé mới...12 tuổi lại muốn có mặt trong một cuộc thi mà toàn bộ người tham gia trẻ nhất cũng 16-17 tuổi.
Ðến phần biểu diễn của Trung, cả khán phòng lặng đi vì bất ngờ nhìn thấy một chú bé loắt choắt rụt rè bước tới cây đàn. Với bốn tác phẩm âm nhạc thuộc hàng "xương xẩu" của các thiên tài âm nhạc (J.S. Bach, F. Liszt, F. Chopin, J. Berkowicz), Trung liên tiếp vượt qua ba vòng thi, vào tới vòng chung kết. Ðêm chung kết, bản concerto của W.A. Mozart, F-dur KV 413 qua bàn tay nhỏ bé vang lên như cánh chim bay bổng, êm dịu và da diết làm nhiều người nghe xúc động.
Tiếng nhạc của Trung vừa dứt cũng là lúc cả khán phòng vang dội tiếng vỗ tay không ngừng làm cậu bé người Việt Nam phải ra sân khấu cảm ơn khán giả nhiều lần… Chỉ đến khi MC ra đỡ lời, Việt Trung mới có thể vào trong hậu trường. Trung đã vượt qua hàng chục anh chị lớn tuổi để giành giải nhì…
2. Tôi gặp Trung tại bữa tiệc Noel khi em về nước. Ngược với hình dung về một thần đồng âm nhạc, Trung trong mắt tôi đúng là một cậu bé rất VN: hóm hỉnh, tinh tế kiểu…mục đồng. Trung "bật mí" cho tôi với ngôn ngữ rất "xì-tin":
- Bữa thi bên đó, mẹ em còn phấp phỏng chờ kết quả nhưng em đã biết mọi chuyện rất "ôkê"!
- Nghĩa là sao?
- Có gì đâu, em lượn lờ lên chỗ ban giám khảo vừa hội ý. Thấy ông trưởng ban ra bắt tay em! Tuy ông không nói gì nhưng em biết thế là "ngon" rồi?
- Ngon là sao?
- Không ngon sao ông ấy lại… bắt tay!
Sinh ra ở Hà Nội, khi còn chưa biết nói cậu bé đã phải theo ba mẹ sang Ba Lan sinh sống vì công việc kinh doanh của ba. Ðược vài năm, ba và anh trai lại về nước làm ăn, chỉ còn Trung và mẹ ở lại Ba Lan. Ăn đồ Tây, học trường Tây từ nhỏ xíu, ấy vậy mà chính ba Trung cũng ngạc nhiên vì cái chất rất VN của cậu bé. Món tiền giải thưởng gặt hái được, Trung dành tặng mua cho chị gái một chiếc điện thoại di động. Ba cậu phàn nàn rằng "cứ để ba mua". Ai dè, Trung phản đối: "Ðây là tiền của con, quà của con!".
Không phải là con nhà nòi, Trung đến với âm nhạc rất tình cờ. 5 tuổi, cậu theo chị gái đến câu lạc bộ piano của GS Filomena Dziedzic học đàn, khi chị gái nghỉ giải lao cậu đã tò mò ấn vài nốt nhạc vu vơ. Vị giáo sư nổi tiếng về phương pháp dạy nhạc của trường âm nhạc danh tiếng Ba Lan nghe thấy và khuyến khích cậu bé đánh lại cho bà nghe lần nữa.
Ngón tay nhỏ nhắn của Trung lướt trên phím đàn một cách ngô nghê, nhưng âm thanh phát ra lại làm vị giáo sư nhiều năm trong nghề sửng sốt. Bà đã cho ba mẹ Trung biết cậu có một khả năng âm nhạc đặc biệt. Bất ngờ trước nhận xét của giáo sư và chiều theo nguyện vọng của Trung, ba mẹ đã đồng ý cho em thi vào trường âm nhạc của thành phố.
Ðầu năm học ba dắt Trung đến trường âm nhạc dự thi. Nhìn thấy những bạn Tây cao to, Trung nhỏ thó sợ sệt, khóc lóc đòi... về. Ba phải động viên mãi Trung mới dám vào thi. Sau 5 phút chơi đàn, Trung đã đỗ với số điểm tuyệt đối! Từ đó, buổi sáng Trung học văn hóa ở trường Pháp, buổi chiều cậu say sưa với niềm đam mê tại trường âm nhạc.
3. Sau sáu năm học nhạc, Trung liên tục gây tiếng vang trong lòng công chúng Ba Lan, Hungary, Nga, Ukraine... Những tác phẩm do cậu trình diễn đã được các công ty băng đĩa in thành CD để bán.
Trung tâm sự: "Mặc dù từ nhỏ em đã sống ở Ba Lan nhưng thần tượng của em chính là chú Ðặng Thái Sơn". Hi vọng rằng với niềm đam mê ấy, tài năng ấy trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có thêm một Ðặng Thái Sơn thứ hai.
Ngày 22-2-2009, Nguyễn Việt Trung - giải nhì cuộc thi quốc tế mang tên Ludwik Stefanski và Halina Czerny Stefanska tại Plock, Ba Lan - sẽ trở về Việt Nam tham gia biểu diễn cùng các tài năng âm nhạc cổ điển trẻ gốc Việt đang học tập và sinh sống ở châu Âu, châu Úc. Chương trình diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội do Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Lê Phi Phi.
(Theo Lao Động)
Các tin khác
YBĐT - Chị Nguyễn Thị Hòa sinh năm 1971, ở thị trấn Nông trường Trần Phú (huyện Văn Chấn - Yên Bái). Thời còn là học sinh phổ thông, qua thông tin đại chúng chị biết được các em học sinh dân tộc Mông ở vùng cao Mù Cang Chải còn phải chịu rất nhiều thiệt thòi so với các bạn ở các huyện khác trong tỉnh. Từ đó, trong chị đã nuôi ý chí thi vào ngành sư phạm để đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho các em thơ ở vùng cao.
Một cuộc trao đổi thú vị với những chuyên gia tài chính về quản lý tài chính cá nhân và tài chính gia đình (TCCN-GĐ). Đây là lời khuyên của chuyên gia tài chính Larry Trương và diễn giả Quách Tuấn Khanh…
YBĐT - "Tôi thực sự muốn trở thành đại sứ hòa bình, muốn kêu gọi mọi người thương yêu nhau nhiều hơn. Tôi sẽ góp sức nhỏ bé của mình trong những công việc từ thiện xã hội…" - Trả lời báo chí trước cuộc thi Hoa hậu quốc tế, Cao Thùy Dương đã nói như thế!
YBĐT - Có nick name là lucky-girl (cô gái may mắn) nhưng Bùi Thị Lan Phương, cô gái Mường Lò, cựu học sinh Trường trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành (TP Yên Bái), hiện là sinh viên Khoa Kinh tế đối ngoại Đại học Ngoại thương Hà Nội đạt được nhiều thành tích trong học tập không chỉ nhờ may mắn.