Chàng thanh niên giàu nghị lực
- Cập nhật: Thứ ba, 10/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hiệu sửa chữa xe máy Tiến Ba tại tổ 15, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) lúc nào cũng đông khách đến sửa chữa và bảo dưỡng xe máy. Người chủ hiệu là một chàng trai trẻ, có tay nghề, nhiệt tình, trách nhiệm. Hơn nữa anh còn là một người có nghị lực vượt qua tật nguyền để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội...
Nguyễn Văn Ba với dáng người nhỏ nhắn, lau vội đôi tay đầy dầu mỡ rồi bước từng bước nhọc nhằn về phía tôi phân bua: “Anh thông cảm cho, vì mấy hôm nay khách đến sửa xe đông quá nên để anh phải đợi lâu!”. Sau một hồi trò chuyện được biết, Nguyễn Văn Ba sinh năm 1977 trong một gia đình cán bộ công chức.
Khi mới sinh, Ba cũng mạnh khỏe như bao đứa trẻ khác. Khi lên một tuổi, đang chập chững biết đi và rất hiếu động nên một lần nghịch ngợm cậu đã bị một hạt ngô chui vào mũi và phải đưa vào viện cấp cứu. Sau khi được gắp lấy ra hạt ngô, điều trị và về nhà một thời gian thì gia đình phát hiện ra chân trái của Ba bị teo và yếu dần nên không thể tập đứng và đi được. Thấy vậy, bố mẹ đã đưa Ba đi khám bệnh tại các bệnh viện ở Hà Nội thì được biết chân trái của Ba bị teo như vậy là do đã bị tiêm nhầm thuốc vào cơ đùi và không thể phục hồi được. Trong những năm sau đó, Ba đã được đưa đi chữa trị ở nhiều nơi nhưng vẫn không khỏi. Vậy là, chỉ vì một tai nạn và sơ suất mà Ba phải mang một cái chân tật nguyền suốt đời.
Khi lên 6 tuổi, thấy các bạn cùng lứa được đi học, Ba buồn lắm, nhưng vì chân yếu nên Ba phải ở nhà. Sau đó, Ba đã luyện tập để được đi học. Lúc đầu tập đi, Ba lần bám vào tường nhà để lê từng bước chân, sau đó là dùng 2 chiếc gậy đi từng bước một từ giường ra bàn uống nước, từ bàn uống nước ra cửa và từ nhà ra cổng rồi từ cổng đi vào nhà. Những bước chân nhọc nhằn ấy phải kiên nhẫn tập trong suốt 3 năm với không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt mới vững vàng tập tễnh tự đến trường.
Đến năm lên 9 tuổi, Ba mới đi học lớp một. Mặc dù bị tàn tật và sức khỏe yếu nhưng Ba vẫn chăm chỉ và đi học đều đặn kể cả khi trời mưa hay nắng và Ba đã học hết chương trình THPT. Khi học hết THPT, vì hoàn cảnh gia đình nên Ba không dám đi thi vào các trường chuyên nghiệp mà phải đi làm thuê phụ giúp gia đình. Sau một thời gian làm việc cực nhọc, dành dụm được một khoản tiền, Ba quyết định học nghề sửa chữa xe máy.
Tại lớp học nghề này, lại thử thách nghị lực của Ba thêm một lần nữa đó là, khi thực hành tháo gỡ các bộ phận của xe máy, Ba loay hoay mãi mà không thể tháo được một chiếc ốc số 19 ở bánh sau. Thấy vậy, thầy giáo đã động viên Ba nên kiếm nghề khác vì sức khỏe của Ba khó có thể theo học nghề được. Lúc đó Ba buồn lắm. Sau một thời gian suy nghĩ, Ba đã quyết tâm mua tạ về tự tập để rèn luyện cơ tay và có sức khỏe học tiếp. Trong suốt thời gian hơn 2 năm học nghề, cùng với sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè và nghị lực của bản thân, Ba đã hoàn thành chương trình đào tạo.
Khi đã hoàn thành xong chương trình đào tạo nghề, vì không có vốn nên Ba đã được bà con lối xóm, họ hàng và anh em bạn bè tạo điều kiện cho vay vốn để mở hiệu sửa chữa xe máy. Lúc đầu là một hiệu sửa chữa nhỏ với những phụ tùng đơn sơ. Với sự nhiệt tình, tận tụy và trách nhiệm nên chẳng bao lâu, hiệu sửa xe máy của Ba rất đông khách. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, Ba dần dần mua thêm phụ tùng, mở rộng hiệu sửa chữa xe máy. Hiện nay, hiệu sửa chữa của Ba có 5 người, trong đó có 2 thợ chính và 3 thợ phụ. Ba cho biết, thu nhập trung bình của lao động đạt từ 1,5 – 2,0 triệu đồng/người/tháng...
Do có tay nghề vững và tinh thần trách nhiệm, đã có nhiều thanh niên trong vùng đến xin học nghề tại hiệu sửa chữa xe máy của Ba. Từ khi mở hiệu đến nay, Ba đã hướng dẫn và dậy nghề cho hơn chục người là bà con trong vùng. Đã có nhiều người về mở hiệu sửa chữa xe máy và có thu nhập ổn định như anh Tâm, anh Hiệp ở bản Noọng, xã Phù Nham (huyện Văn Chấn); anh Hải ở bản Đêu, xã Nghĩa An và anh Tuyền ở phường Cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ)...
Anh Nguyễn Văn Hải, tổ 6, phường Pú Trạng là người đang học nghề tại hiệu sửa chữa xe máy Tiến Ba cho biết: “Em đến học nghề tại đây đã được 12 tháng. Qua quá trình học tập và được anh Ba hướng dẫn nghề, em thấy anh ấy là một người có tay nghề, tận tụy, trách nhiệm và hướng dẫn chúng em rất cụ thể, tỷ mỷ. Anh còn có một nghị lực phi thường, em thấy cần phải học tập và noi gương anh ấy rất nhiều”.
Nhìn Nguyễn Văn Ba tận tình hướng dẫn cho mấy thanh niên học việc, trong sâu thẳm con người nhỏ bé ấy tôi bắt gặp một con người có sức sống mãnh liệt và một nghị lực phi thường. Nguyễn Văn Ba là một tấm gương sáng cho mọi người học tập và noi theo.
Nguyễn Đức Phương
Các tin khác
YBĐT - Đoàn xã Bạch Hà, huyện Yên Bình (Yên Bái) có 215 đoàn viên, sinh hoạt ở 10 chi đoàn. Ngay từ đầu năm, nhờ sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Huyện Đoàn, Đảng ủy xã và sự phối hợp hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể nên công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi ngày càng có nhiều chuyển biến rõ rệt.
YBĐT - Hình ảnh những em nhỏ ăn không đủ no, mặc không đủ ấm cứ đeo bám em trong suốt năm học. Đó cũng là lý do thôi thúc Lý tiếp tục viết đơn đăng ký và tham gia chiến dịch hè 2009 tại xã Kim Nọi - Mù Cang Chải. Dù hoạt động ở đâu, Lý cũng luôn là người đoàn viên mẫu mực được dân bản tin yêu, quý mến.
YBĐT - 5 năm qua (2004-2009), thanh niên Yên Bái đã không ngừng học tập, rèn luyện trở thành con người mới có năng lực và phẩm chất đạo đức. Chính họ đã góp phần làm nên những thắng lợi của công tác Hội và phong trào thanh niên. Dưới đây là 9 gương mặt tiêu biểu được tuyên dương tại Đại hội Hội LHTN Việt Nam tỉnh Yên Bái lần thứ III (2009-2014).
Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam 15.10 hằng năm nhắc nhở những ai đã qua thời thanh niên như tôi nhớ về tuổi trẻ của mình trong chiến tranh, khi đang ngồi trên ghế nhà trường chúng tôi đã tình nguyện nhập ngũ ra chiến trường chỉ vì một điều đơn giản: "Không có gì quý hơn Độc lập Tự do".