Người góp phần nâng giá trị tranh quý Lục Yên
- Cập nhật: Thứ năm, 12/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2009, với việc thực hiện kế hoạch mở rộng thị trường, chị đã mở thêm một cơ sở sản xuất tranh tại thành phố Yên Bái, đồng thời ký kết nhiều hợp đồng với các, doanh nghiệp, cá nhân khác với số lượng lớn...
"Tôi mơ ước, tương lai không xa, sẽ đưa tranh đá quý Lục Yên ra khắp toàn quốc để khẳng định được vị trí của mình trên thị trường và có thể xuất khẩu ra nước ngoài... Từ đó góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, giúp cho người dân thoát khỏi đói nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống" đó là tâm sự của chị Lê Thị Thanh - Chi hội phó, Chi hội 6, Hội Cựu chiến binh (CCB) thị trấn Yên Thế (huyện Lục Yên).
Chị Thanh xuất ngũ năm 1989 và lên xây dựng kinh tế tại Lục Yên vào năm 1999. Cảm nhận đầu tiên của chị khi đến Lục Yên là vùng đất giàu tài nguyên, khoáng sản và thuận lợi để gia đình phát triển kinh tế. Nhờ vào những nguyên liệu quý giá mà thiên nhiên ban tặng, đã có rất nhiều sản phẩm mỹ thuật ra đời từ đá quý.
Mọi suy nghĩ giản đơn về chuyện làm tranh đá quý tưởng chừng sẽ giúp gia đình chị nhanh chóng ổn định và đứng vững được trên vùng đất ngọc này. Nhưng một số tác phẩm đầu tay ra đời vào năm 2000, đã cho chị thấu hiểu được những điều căn bản cần phải có đối với những người làm tranh đá quý chị vấp phải hàng loạt khó khăn, vướng mắc trong các quy trình để tạo ra một sản phẩm nghệ thuật đúng nghĩa.
Những tác phẩm ban đầu thất bại đã có lúc chị tưởng chừng như mình không còn hy vọng vào nghề đá quý này nữa. Nhưng cũng chính những thất bại đã giúp chị hiểu thêm về một công trình nghệ thuật được làm nên không chỉ đơn thuần là say mê và thứ nguyên liệu sẵn có.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra với chị: "Làm như thế nào để có một bức tranh hoàn hảo? Trong các bước làm của mình còn thiếu và cần bổ sung những kỹ năng gì? Sở thích của khách hàng ra sao?...". Rồi một quyết tâm bùng lên, chị không sợ khó, không sợ khổ, phải gia sức học tập, cái gì không hiểu thì hỏi và kiên trì ắt sẽ thành công".
Rồi chị học, học từ những bước đơn giản nhất, tại các cơ sở sản xuất khác học hỏi thêm kinh nghiệm và cách thức làm tranh đá quý; tìm hiểu thị trường, tìm hiểu thị hiếu của khách hàng... Trong quá trình học hỏi và trau dồi kỹ năng làm tranh đá quý, chị đã phát hiện ra những yếu tố cơ bản để tiến đến thành công, đó là khắc phục những khó khăn về trình độ, kỹ thuật trong sản xuất. Trong quá trình đào tạo một thợ giỏi, đòi hỏi người dạy nghề phải có hiểu biết về nghệ thuật, hiểu biết làm tranh bằng chất liệu đá quý thì mới có thể chuyển tải cho người học tiếp thu được những kiến thức cơ bản. Bởi tranh đá quý có nét đặc thù riêng, không như các loại tranh nghệ thuật khác.
Bên cạnh những khó khăn trên, những khó khăn về thị trường do người mua còn quá ít, chưa thấy được giá trị của nó, chị đã dành rất nhiều thời gian để tiếp cận thị trường qua bạn bè, các mối quan hệ, phương tiện thông tin... trong tỉnh và các tỉnh bạn để giới thiệu trưng bày sản phẩm.
Kiên trì, đầu tư cả về tài chính và công sức, cùng với lòng yêu nghề, chị đã cùng những người thợ làm tranh đã vượt qua được khó khăn. Với số vốn ít ỏi ban đầu lập nghiệp là 20 triệu đồng, đến năm 2006 chị đã mua và xây dựng được cơ sở sản xuất tương đối khang trang gồm: khu sản xuất và cửa hàng để giới thiệu và bán sản phẩm tranh đá quý với tổng trị giá trên 500 triệu đồng. Năm 2008, cơ sở của chị có với 15 công nhân, trong đó 10 công nhân trực tiếp sản xuất ngay tại xưởng, số các công nhân khác chị khoán sản phẩm về làm tại gia đình, công nhân nào có nhu cầu tăng thu nhập thêm có thể tham gia làm thêm buổi tối...
Trong quá trình sản xuất và chế tác các sản phẩm tranh đá quý, chị đã luôn chú trọng đến khâu cải tiến cách làm cho thật khoa học và dùng các chất liệu tốt để giữ uy tín và có những chế độ đãi ngộ với những thợ giỏi, nhiều kinh nghiệm. Có những người thợ giỏi theo khoán sản phẩm đã được chị chi trả từ 7 đến 12 triệu/tháng, còn những người thợ khác cũng được hưởng lương từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng.
Năm 2009, với việc thực hiện kế hoạch mở rộng thị trường, chị đã mở thêm một cơ sở sản xuất tranh tại thành phố Yên Bái, đồng thời ký kết nhiều hợp đồng với các, doanh nghiệp, cá nhân khác với số lượng lớn... Nhờ vào nghề làm tranh đá quý mà đời sống của gia đình chị và nhiều nông dân nơi đây được nâng lên rõ rệt. Trừ mọi chi phí sản xuất, mỗi năm gia đình chị duy trì nguồn thu từ 80 đến 100 triệu đồng.
Với những thành tích đạt được trong lĩnh vực phát triển kinh tế gia đình, chị Lê Thị Thanh đã vinh dự được tham dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ II (2004 - 2009) của Hội CCB tỉnh và được nhận bằng khen "cá nhân điển hình tiến tiến".
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Hiệu sửa chữa xe máy Tiến Ba tại tổ 15, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) lúc nào cũng đông khách đến sửa chữa và bảo dưỡng xe máy. Người chủ hiệu là một chàng trai trẻ, có tay nghề, nhiệt tình, trách nhiệm. Hơn nữa anh còn là một người có nghị lực vượt qua tật nguyền để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội...
YBĐT - Đoàn xã Bạch Hà, huyện Yên Bình (Yên Bái) có 215 đoàn viên, sinh hoạt ở 10 chi đoàn. Ngay từ đầu năm, nhờ sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Huyện Đoàn, Đảng ủy xã và sự phối hợp hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể nên công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi ngày càng có nhiều chuyển biến rõ rệt.
YBĐT - Hình ảnh những em nhỏ ăn không đủ no, mặc không đủ ấm cứ đeo bám em trong suốt năm học. Đó cũng là lý do thôi thúc Lý tiếp tục viết đơn đăng ký và tham gia chiến dịch hè 2009 tại xã Kim Nọi - Mù Cang Chải. Dù hoạt động ở đâu, Lý cũng luôn là người đoàn viên mẫu mực được dân bản tin yêu, quý mến.
YBĐT - 5 năm qua (2004-2009), thanh niên Yên Bái đã không ngừng học tập, rèn luyện trở thành con người mới có năng lực và phẩm chất đạo đức. Chính họ đã góp phần làm nên những thắng lợi của công tác Hội và phong trào thanh niên. Dưới đây là 9 gương mặt tiêu biểu được tuyên dương tại Đại hội Hội LHTN Việt Nam tỉnh Yên Bái lần thứ III (2009-2014).