“Khi Tổ quốc cần”
- Cập nhật: Thứ hai, 29/11/2010 | 8:41:57 AM
Thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng và đáp ứng yêu cầu công tác hội trong tình hình mới, từ năm 2008, Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã phát động chương trình "Khi Tổ quốc cần".
Qua hai năm triển khai, chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, tác động tới đông đảo thanh niên thông qua các công trình, phần việc cụ thể và được xã hội ghi nhận.
Hoạt động cộng đồng
Đợt cứu trợ, giúp đỡ nhân dân trong trận lũ lụt lịch sử ở miền Trung tháng 10 vừa qua có thể coi là điển hình của chương trình "Khi Tổ quốc cần". Ngay khi mưa còn chưa dứt, nước chưa rút, tuổi trẻ khắp nơi trong cả nước đã có nhiều hành động hướng về miền Trung ruột thịt. Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Ban Thanh niên Quân đội, Báo Thanh niên, cử nhiều đoàn cứu hộ và cứu trợ, trực tiếp mang lương khô, nước uống, quần áo tới người dân vùng rốn lũ. Hội LHTN các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã tổ chức cho hàng nghìn thanh niên tham gia các nhiệm vụ ứng cứu.
Từ trong mưa lũ, nhiều đoàn viên, hội viên, thanh niên quên mình lao vào dòng nước xiết để cứu người. Có bạn chèo xuồng suốt đêm đưa hàng trăm người già, phụ nữ và trẻ em đến nơi an toàn. Gần 100 tấn lương thực, 200.000 chai nước và nhiều nhu yếu phẩm với tổng trị giá hơn 6 tỷ đồng là tình cảm, trách nhiệm của tuổi trẻ hướng về đồng bào vùng lũ.
Phát động "Tình nguyện khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung", Hội đã kêu gọi ủng hộ lương thực, huy động lực lượng làm vệ sinh môi trường; tổ chức 30 đoàn khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hàng nghìn người dân vùng lũ lụt; tiếp sức, hỗ trợ trẻ em đến trường thông qua việc làm sạch trường lớp, tặng sách, vở, dụng cụ học tập gắn với trợ lực dinh dưỡng. "Việc làm của tuổi trẻ, ngoài thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, còn là dịp để các bạn trẻ được rèn luyện năng lực thực tiễn, cống hiến và trưởng thành", anh Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khẳng định.
Trong Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm 2010, chương trình "Khi Tổ quốc cần" là một trong những phần việc tiêu biểu của tuổi trẻ được chọn báo cáo điển hình.
Hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp
"1.000 doanh nhân đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp" là một chương trình tiêu biểu trong phong trào hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp của Hội LHTN Việt Nam. Chương trình này tuyên dương những giảng viên là doanh nhân, tích cực truyền kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, làm giàu, khởi sự doanh nghiệp, được triển khai từ năm 2009.
Anh Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Chương trình Đào tạo cử nhân trực tuyến TOPICA cho biết: Đến nay, đã có hơn 500 doanh nhân đăng ký tham dự chương trình truyền kinh nghiệm khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp cho thanh niên, trong đó có 200 doanh nhân được tập huấn phương pháp Elearning; 154 doanh nhân đã giảng dạy về kỹ năng phỏng vấn tuyển dụng, kỹ năng khởi nghiệp và lập nghiệp, thu hút hơn 7.500 sinh viên, học viên 32 trường đại học, cao đẳng 7 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ngoài giúp đỡ thanh niên tìm kiếm việc làm, làm giàu chính đáng, các cấp Hội LHTN Việt Nam còn đăng ký đảm nhận và thực hiện các công trình, phần việc thanh niên có ý nghĩa thiết thực với đời sống cộng đồng và thanh niên địa phương. Đó là xây dựng các điểm tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ và truy cập internet cho thanh niên; xây dựng các điểm trường, nhà bán trú dân nuôi ở các tỉnh miền núi; đảm nhận các bến đò ngang an toàn, giếng nước sạch vùng đồng bằng; xây cầu, đường giao thông nông thôn, điểm sinh hoạt thanh thiếu nhi, phòng khám nhân đạo, nhà nhân ái…
Chỉ riêng năm 2010, các cơ sở hội đã đăng ký, hoàn thành gần 10.000 phần việc, công trình thanh niên, được xã hội ghi nhận.
Trong những phong trào ấy đã xuất hiện hàng nghìn gương điển hình tuổi trẻ, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng và xã hội, khẳng định chương trình "Khi Tổ quốc cần" của TƯ Hội LHTN Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của giới trẻ khát khao được cống hiến.
(Theo HNMO)
Các tin khác
YBĐT - Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có việc nâng cao chất lượng dạy và học thì không còn cách nào khác, mỗi cán bộ, giáo viên trường THPT Nguyễn Lương Bằng (Văn Yên) phải phát huy tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ để yêu thương, giúp đỡ học sinh của mình, dạy bảo các em ngoan và học tốt; nhanh chóng hoàn thiện đội ngũ giáo viên về số lượng và chất lượng; tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cũng như xây dựng môi trường sư phạm khang trang, xanh, sạch, đẹp.
Sáng 14/11, tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã tổ chức lễ Công bố và trao giấy chứng nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2010.
YBĐT - Khi nhiều bạn trẻ vẫn còn băn khoăn lựa chọn cho mình con đường lập thân lập nghiệp thì Hoàng Đức Trí ở thôn 6, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã là chủ một trang trại có giá trị hàng tỷ đồng. Anh đã góp phần không nhỏ làm chuyển biến nhận thức của đoàn viên thanh niên trong thôn về phát triển kinh tế tại địa phương.
YBĐT - Họ gồm 6 thành viên, cùng sinh ra và lớn lên trên cánh đồng Yên Phú, xã Yên Phú phì nhiêu của huyện Văn Yên. Họ cùng có chung một đam mê, một ý tưởng muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Họ chặt tre, đóng lồng, sớm tối trên đập để nuôi cá và giờ đây nhiều người biết đến và gọi họ bằng cái tên trìu mến “Nhóm thanh niên nuôi cá lồng Yên Phú”.