Những tuyến đường “dân vận”

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/4/2014 | 2:27:54 PM

YBĐT - Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Yên Hưng, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã có cách làm riêng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, được nhân dân đồng thuận hiến đất, đóng góp tiền của, công sức trực tiếp tham gia bê tông hóa cơ bản xong các tuyến đường giao thông trong xã, tạo sự thay da đổi thịt, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Tuyến đường thôn 3 đi Cầu Dài mới bê tông hóa năm 2013.
Tuyến đường thôn 3 đi Cầu Dài mới bê tông hóa năm 2013.

Đưa chúng tôi đi thăm những tuyến đường liên thôn mới được bê tông hóa  cuối năm 2013, ông Trần Công Lập - Chủ tịch UBND xã Yên Hưng cho biết: “Xã Yên Hưng có 8 thôn, đến nay, 7/8 thôn đã cơ bản bê tông hóa xong những tuyến đường liên thôn và đường chính nội thôn.

Riêng thôn 8 chủ yếu nằm dọc theo đường Yên Bái - Khe Sang, giao thông đi lại khá thuận lợi, xã chủ trương đầu tư cho các thôn khó khăn trước. Tuyến đường thôn 3 (Phố Nhoi) đi thôn Cầu Dài có chiều dài trên 660m mới được bê tông hóa cuối năm ngoái là một trong những tuyến đường “dân vận” trong xã. Lúc đầu xã và thôn dự định mở rộng đường cũ từ thôn 3 đi Cầu Dài, khoảng trên 1km, như vậy, khả năng huy động mất nhiều công sức dân nên xã đã giao cho thôn bàn bạc, vận động 6 hộ hiến đất để mở mới, cắt cua, rút ngắn chiều dài của tuyến đường xuống còn 660m.

Sau nhiều lần họp thôn, bí thư chi bộ, trưởng thôn tới từng gia đình vận động, các hộ dân có đất nằm trên tuyến mở mới đã hiểu lợi ích của con đường và sẵn sàng hiến đất, đập bỏ tường rào, công trình vệ sinh, cây trồng lâu năm... không đòi hỏi tiền đền bù và tham gia đủ ngày công như các hộ khác trong thôn để bê tông hóa tuyến đường này”.

“Yên Hưng đã huy động sức dân như thế nào để làm đường giao thông?” - tôi hỏi. Chủ tịch Trần Công Lập đáp lời: “Năm 2008 là năm đầu tiên xã Yên Hưng được huyện phân bổ nguồn kích cầu để bê tông hóa 1,5km đường bê tông. Đảng ủy, UBND xã xác định, trước hết phải huy động tốt sức dân và phải để “dân làm chủ”, người dân các thôn được biết, được bàn bạc và trực tiếp giám sát, tham gia bê tông hóa đường giao thông ở thôn mình, không đi thuê các đơn vị hoặc người lao động ở nơi khác đến làm (chỉ thuê các đơn vị khảo sát, thiết kế, giám sát kỹ thuật). Như vậy, các thôn mới huy động được toàn bộ sức dân, chứ các hộ nghèo, cận nghèo còn thiếu việc làm, lấy đâu ra tiền để đóng góp”.

- Cách làm này có gì khác với các địa phương trong huyện?
- Theo tôi biết, không chỉ các xã khác trong huyện mà hầu như nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng chỉ huy động được sức dân sửa mặt bằng, đắp lề đường, còn khâu phải chi phí khá nhiều là tham gia thi công (bê tông hóa) lại không huy động được người dân ở địa phương làm, phải đóng tiền thuê lao động ở nơi khác đến làm đường cho mình...

Tạm dừng câu chuyện với ông Lập, chúng tôi ghé vào thăm hộ ông Nguyễn Văn Đào ở thôn Cầu Dài, là một trong 6 hộ hiến nhiều đất nhất để mở mới đường thôn 3 đi Cầu Dài. Khi hỏi về việc hiến đất, ông Đào vui vẻ cho biết: “Nói thật, thời gian đầu thôn, xã vận động gia đình hiến đất để mở đường tôi cũng băn khoăn, vì hiến đất sẵn sàng thôi nhưng lại phải đập bỏ tường rào, nhà vệ sinh, giếng nước... gia đình làm lại khá tốn kém.

Song tôi thấy mình hy sinh một chút để tuyến đường này khi bê tông xong rất thẳng, đẹp, lại đỡ tiền đầu tư của Nhà nước và công sức của bà con trong thôn. Vậy là tôi đã thuyết phục mọi người trong gia đình hiến 240m2 đất và tường rào, cây cối... làm đường. Sau đó, xây nhà mới quay ra đường bê tông đẹp hơn”. Không chỉ hiến đất, cây cối và một số công trình trên đất, gia đình ông Đào đã đóng góp tham gia bê tông hóa tuyến đường này với trên 30 ngày công. Những việc làm vì lợi ích chung của cộng đồng của ông Đào và gia đình ông đã được cấp trên ghi nhận. Ông Đào được UBND tỉnh tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Yên Bái chung sức XDNTM”.

Ở Yên Hưng còn nhiều tấm gương hiến đất mở đường giao thông nông thôn như các ông: Trần Ngọc Huynh ở thôn 1 hiến 270m2, Đinh Văn Đoài ở thôn 1 hiến 300m2, Vũ Gia Quang - thôn 8 hiến 400m2 để chuẩn bị mặt bằng bê tông hóa đường nội thôn... Qua ba năm thực hiện Chương trình XDNTM, xã Yên Hưng đã đầu tư trên 11 tỷ đồng để quy hoạch, bê tông hóa, mở mới, mở rộng đường giao thông, nâng cấp nhà văn hóa, trường học...

Trong đó, nhân dân đóng góp công sức, tiền của trị giá trên 6 tỷ 535 triệu đồng (chưa kể hiến đất). Đến nay, xã Yên Hưng đã bê tông hóa 8,5km đường (giai đoạn 2011 - 2013, bê tông hóa 6,3km), mở mới và mở rộng trên 5km... Hiện xã còn 6km đường giao thông nông thôn chưa bê tông hóa, tuyến dài nhất là 1,5km; dự kiến năm 2014 và những năm tới, mỗi năm địa phương bê tông hóa từ 1,5km - 2km đường để 8/8 thôn đều có đường bê tông đi lại thuận tiện.

Để “dân làm chủ” việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn đã phát huy sức mạnh của nhân dân trong thực hiện Chương trình XDNTM ở Yên Hưng. Hy vọng, cách làm hiệu quả này sẽ được nhân rộng ở nhiều địa phương khác trong những năm tới, để người dân phát huy tối đa sức mạnh của mình, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn khởi sắc hơn.

 Minh Hằng

Các tin khác
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường phát biểu kết luận buổi làm việc.

YBĐT - Chiều 14/4, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức đánh giá tình hình triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đến hết năm 2013 và dự kiến giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2014. Đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Người dân xã Phù Nham tham gia làm đường giao thông nông thôn.

YBĐT - Huyện Văn Chấn (Yên Bái) là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh về phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT). Đến nay, huyện đã có 70% tuyến đường liên xã được kiên cố hóa và gần 50% đường liên thôn được bê tông.

Khu đô thị Nghĩa Lộ.

YBĐT - Việc xây dựng thành công xã văn hóa nông thôn mới, phường văn minh đô thị sẽ tạo ra diện mạo mới của một thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ trong tương lai không xa.

Công trình do ĐVTN của xã đảm nhận vận hành, sửa chữa và quản lý.

YBĐT - Công trình "Thắp sáng đường quê" là phần việc thiết thực xuất phát từ nhu cầu chính đáng của nhân dân địa phương được tuổi trẻ Đoàn xã Phúc An, huyện Yên Bình chọn làm công trình hưởng ứng phong trào "Tuổi trẻ xây dựng nông thôn mới" do Tỉnh đoàn Yên Bái phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục