Đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh có 391 hợp tác xã (HTX); trong đó, hàng trăm doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp Yên Bái vài năm trở lại đây có những bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng tổng sản phẩm nông - lâm nghiệp và thủy sản hàng năm đều tăng trên 4%.
Đạt được kết quả trên, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành chức năng, địa phương củng cố, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp.
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ, tăng cường chức năng quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trong nông nghiệp, nông thôn, tích cực chuyển đổi mô hình hoạt động của các HTX theo Luật HTX năm 2012, toàn tỉnh đã hình thành, phát triển mạnh mẽ một số mô hình liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi để tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Một số doanh nghiệp chủ động được nguồn vốn, mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng về đất đai, lao động, tạo động lực mới cho phát triển sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trong tỉnh.
Những mô hình liên kết đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động.
Điển hình như HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận huyện Văn Chấn cùng Công ty TNHH Hưng Thịnh huyện Trấn Yên, HTX Trường Xuân và HTX Tân Hương huyện Yên Bình và gần 100 hộ trồng chè trên địa bàn xã Bình Thuận đã liên kết chặt chẽ với nhau từ trồng, chăm sóc, chế biến chè đen theo tiêu chuẩn Unilever Việt Nam, xuất khẩu trực tiếp sang thị trường các nước: Nga, Nhật Bản...
Từ việc liên doanh, liên kết doanh thu của các HTX và doanh nghiệp cũng như thu nhập của người lao động được tăng cao. Tính riêng HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, doanh thu hàng năm đạt trên 20 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 50 thành viên và người lao động, thu nhập bình quân 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Chử Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh khẳng định: "Sau gần 4 năm liên kết cho thấy hiệu quả tăng lên rõ rệt, thể hiện ở giá trị nguyên liệu chè búp tươi, sản lượng tăng gấp 2 lần so với trước khi hợp tác. Liên kết đã giúp doanh nghiệp, các HTX giảm chi phí đầu tư, chủ động nguồn nguyên liệu và mở rộng thị trường tiêu thụ”.
HTX Quế hồi Việt Nam đóng tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên dù mới đi vào hoạt động được gần 2 năm, nhưng HTX đã và đang tạo bước chuyển biến lớn trong phát triển cây quế theo hướng hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị, mở cánh cửa xuất khẩu. HTX đã liên kết với người dân trong xã phát triển vùng nguyên liệu tập trung trên diện tích 90 ha.
HTX chủ động liên kết với Công ty Quế hồi Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá bán cho thành viên, người trồng quế. Hiện nay, sản phẩm quế của HTX được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ và một số nước Trung Đông.
Ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Giám đốc HTX cho biết: "Sản phẩm xuất khẩu của HTX đang được người tiêu dùng tại Ấn Độ ưa chuộng. HTX đang chuẩn bị các điều kiện để tiếp cận các thị trường khó tính hơn như: EU, Mỹ và Nhật Bản”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún; các hình thức hợp tác sản xuất đang trong giai đoạn chuyển mình, đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động nên số lượng các mô hình sản xuất nông nghiệp hoàn thiện, bền vững còn hạn chế.
Trong các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chưa thực sự có cơ chế hỗ trợ phù hợp. Do đó, thời gian tới, tỉnh chủ trương khuyến khích đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nhằm xây dựng mối quan hệ sản xuất phù hợp với tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đẩy mạnh liên kết "4 nhà”, tổ chức các chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nông sản. Từng bước xây dựng và phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, hiệu quả, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân.
Hồng Duyên