Xây dựng nông thôn mới nâng cao song hành với nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân ở xã Thượng Bằng La

  • Cập nhật: Chủ nhật, 16/10/2022 | 9:24:51 AM

YênBái - Với mục tiêu trở thành xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2023 - 2024, hiện xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vừa tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để kịp về đích theo kế hoạch vừa chú ý làm phong phú đời sống tinh thần, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân.

Vườn cam của hộ bà Vũ Thị Lợi (thôn Thiên Bữu) cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ có vùng trồng cam tập trung mà xã Thượng Bằng La đã xuất hiện nhiều tỷ phú.
Vườn cam của hộ bà Vũ Thị Lợi (thôn Thiên Bữu) cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ có vùng trồng cam tập trung mà xã Thượng Bằng La đã xuất hiện nhiều tỷ phú.

Cuối tháng 9/2022, nhân chuyến về Yên Bái dự Lễ đón Bằng ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chúng tôi có dịp dừng chân lại xã Thượng Bằng La theo lời hẹn với chủ tịch xã. Khi đến nơi, Chủ tịch xã Hoàng Đình Mưu đang hướng dẫn cho người dân địa phương làm thủ tục cắt đất bán cho vợ chồng vị khách từ Hà Nội lên mua hiện cũng đang có mặt tại đây.

Xong việc và tiễn bà con về, vị chủ tịch xã mới có thời gian vừa rót nước mời khách vừa vui vẻ nói không biết có phải vì yêu cảnh thiên nhiên tươi đẹp của Thượng Bằng La không mà đất cát hết sốt rồi vẫn có nhiều người về xã mua đất thế! Tôi cười vui tiếp lời ông, chắc đấy là do thành quả do xây dựng nông thôn mới của xã mang lại đó anh.

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn

Nhân nói về chủ đề xây dựng nông thôn mới, tôi ướm hỏi: Tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã đến đâu rồi, thưa anh? "Tất cả các chỉ tiêu và tiêu chí về cơ bản đều hoàn thành và đạt cả, chỉ còn nghẽn mỗi chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế và môi trường. Do vậy, xã đang tập trung để hoàn thành chỉ tiêu này” – ông Mưu giãi bày.

 Biển báo giao thông tại các điểm giao của xã.

Thấy tôi muốn đi sâu tìm hiểu về công việc xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã, ông Mưu liền đưa tôi xuống gặp Phó Chủ tịch xã Hà Ngọc Đặng – người được giao phụ trách về lĩnh vực này.

Trao đổi với tôi về chỉ tiêu người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), ông Đặng cho biết, hiện tỷ lệ người dân trong xã mua BHYT đạt khoảng 75% và xã đang dồn sức triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để hoàn thành chỉ tiêu này bằng việc giao cho các đoàn thể và trường học rà soát, vận động, giúp đỡ các thành viên, học sinh tự nguyện tham gia BHYT vì lợi ích của chính mình.

Để minh chứng, ông Hà Ngọc Đặng bật mí ngay lúc này tại hội trường của xã đang tiến hành Hội nghị tuyên truyền cho bà con tác dụng của BHYT đối với hộ gia đình. Theo lời ông, tôi xuống hội trường. Tại đây có khoảng trên dăm chục đại diện hộ gia đình đang chăm chú theo dõi thuyết trình tư vấn bảo hiểm y tế do cán bộ Bưu điện huyện phối hợp với Bảo hiểm huyện Văn Chấn thực hiện.

Tranh thủ thời gian giải lao, tôi hỏi chuyện bà Trần Thị Thủy và ông Trần Văn Cân đều trú ở thôn Yên Hưng. Bà Thủy cho biết, tháng Hai năm ngoái (2021) bà đã mua gói bảo hiểm xã hội cho 2 vợ chồng và mua luôn bảo hiểm y tế cho cả 4 người trong gia đình. Năm nay, con gái lớn đi lao động ở Nhật nên bà chỉ mua BHYT cho 3 người. Do nắm rõ được ích lợi của BHYT nên bà đi tập huấn xong về sẽ truyền đạt lại để bà con hàng xóm trong thôn hiểu rõ hơn mà thực hiện.


Phong trào văn hóa, thể thao trong cộng đồng dân cư các thôn phát triển sôi nổi

Đối với ông Cân, hội nghị hôm nay giúp ông thấy rõ hơn ích lợi của mua bảo hiểm khi về già. Ông chia sẻ: "Về bàn bạc với gia đình, căn cứ vào thu nhập để mua gói bảo hiểm nào cho phù hợp. Trước mắt, tôi muốn mua BHXH trước, còn về BHYT sẽ tham khảo thêm ý kiến của gia đình”.

Theo ông Đinh Công Thắng (Giám đốc Bảo hiểm Văn Chấn), ngay tại hội nghị đã có 15 người tham gia BHYT, dự báo cuối quý 4/2022 xã Thượng Bằng La sẽ đạt chỉ tiêu về BHYT.

Những tín hiệu vui

Trở lại với vị phó chủ tịch xã và câu chuyện xây dựng nông thôn mới nâng cao, ông Đặng cho hay xã Thượng Bằng La là 1 trong 3 xã đầu tiên của huyện sớm về đích xây dựng nông thôn mới từ năm 2016 - đây là tiền đề thuận lợi để xã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài ra, xã Thượng Bằng La còn là điểm sáng của huyện đã hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng cây ăn quả có múi 327 ha ở thôn Thiên Bữu, thôn Nông Trường, thôn Trung Tâm; trồng măng điền trúc 50 ha ở thôn Dạ; vùng trồng cây lâm nghiệp 300 ha ở thôn Văn Tiên, thôn Yên Hưng.


HTX khai thác chế biến đá vôi Thượng Bằng La – điểm sáng trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nộp ngân sách và ủng hộ xây dựng nông thôn mới của xã

Về tổ chức sản xuất, xã Thượng Bằng La có nhiều lợi thế so mặt bằng chung của các xã trong huyện, trong tỉnh, bởi đã có đến 04 hợp tác xã (HTX) và 08 tổ hợp tác (THT) hoạt động hiệu quả từ nhiều năm nay. Trong đó có 02 HTX khai thác vật liệu xây dựng, 01 HTX trồng cây dược liệu, 01 HTX sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP và các THT nuôi trồng thủy sản, sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi bò sinh sản.

"Đặc biệt, xã Thượng Bằng La đang triển khai thực hiện mô hình tưới nhỏ giọt cho 14 ha cam tại thôn Trung Tâm, thôn Nông Trường theo chương trình dự án hỗ trợ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, thực hiện mô hình dẫn nước về bể chứa phục vụ tưới cho 60 ha cam ở thôn Trung Tâm, thôn Nông Trường gồm 15 hộ với nguồn vốn đối ứng của tổ chức Bánh mỳ thế giới 60 triệu đồng và nhân dân đóng góp 37,5 triệu đồng. Đây thực sự là tín hiệu vui để xã có thêm động lực và quyết tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu” – Phó Chủ tịch xã Hà Ngọc Đặng phấn khởi nói.

Sau khi đưa chúng tôi thăm một số HTX và mô hình chăn nuôi tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới của xã, ông Đặng nhấn mạnh, nhìn chung các HTX, THT trên địa bàn xã đều nỗ lực khắc phục khó khăn, chủ động về vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, mang lại thu nhập cao cho các thành viên và tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã; điển hình như: HTX khai thác chế biến đá vôi Thượng Bằng La, HTX Lũng Lô và HTX Văn Thịnh.

Làng quê thanh bình, sạch đẹp và trù phú

Theo số liệu của xã cung cấp, tính đến hết năm 2021 xã đã huy động gần 15,7 tỷ đồng các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao. Nhờ vậy, cả 05 nhóm tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã đều đạt kết quả rõ rệt, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt.


3 khu chuồng trại chăn nuôi gần 100 con lợn của hộ ông Bùi Duy Trì (thôn Nông Trường) luôn được thau rửa sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường

Tiêu biểu như xã đã thực hiện lắp 21 biển báo giao thông tại các điểm giao nhau đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện, đường trục thôn xóm, đường liên thôn xóm ở thôn Trung Tâm, thôn Vằm, thôn Thắm, thôn Muỗng, thôn Hán, thôn Cướm, thôn Nông Trường đúng theo quy định. Toàn bộ 28,8 /28,8 km tổng chiều dài đường trục thôn, liên thôn của xã đều được trải nhựa và bê tông đạt chuẩn; đường cấp phối toàn xã còn 10,6 km được lu lèn đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận lợi. 15/15 thôn có hệ thống đèn chiếu sáng với số km đường có đèn chiếu sáng là 32/38 km đạt 84,2% ( chỉ tiêu đạt là 80% )

Ông Hà Ngọc Đặng thông tin thêm, về kết quả thu nhập bình quân đầu người của cả xã ước tính năm 2020 là 44,52 triệu đồng/người/năm đạt (yêu cầu xã đạt NTM nâng cao ≥ 44 tr.đ). Theo tiêu chí mới, hiện nay số hộ nghèo của xã là 58 hộ, hộ cận nghèo 63 hộ trên tổng số 2.115 hộ toàn xã, trong đó có 14 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội, do đó chỉ cuối năm 2022 là tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã sẽ về dưới 8% - đạt chỉ tiêu của nông thôn mới nâng cao.

Tiếp đến là 100% khuân viên tại nhà văn hóa thôn đều được trồng cây bóng mát và 60% tuyến đường liên xã, liên thôn, trục thôn đều được trồng hoa, cây cảnh; 100% các tuyến đường trong xã, thôn đều có rãnh, cống đảm bảo thoát nước không để lầy lội, úng ngập khi mưa, nước tràn lên đường làm hư hỏng mặt đường hoặc gây sạt lở.

Bà con các thôn trong xã thường xuyên vệ sinh đường làng ngõ xóm để giữ gìn môi trường sống sạch sẽ và trong lành

Đáng chú ý, nhằm khuyến khích bà con nhân dân trong xã tích cực rèn luyện sức khỏe để lao động sản xuất, làm phong phú đời sống tinh thần, hướng tới bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa để nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân; hàng năm UBND và các đoàn thể trong xã luôn tổ chức các giải phong trào như bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng đá, giao lưu văn nghệ vào các dịp lễ, tết của đất nước, địa phương. Nhờ đó đã thúc đẩy phong trào văn hóa, thể thao trong cộng đồng dân cư các thôn sôi nổi phát triển. Nhất là phong trào thể thao ở các thôn diễn ra vào các buổi chiều hàng ngày đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia đã mang lại sức khỏe, tiếng cười và niềm vui cuộc sống cho bà con.

Chủ tịch xã Hoàng Đình Mưu mừng rỡ nói, hiện tất cả 15/15 thôn trong xã đều có 1 đến 2 đội bóng hơi, bóng chuyền da, đội văn nghệ, câu lạc bộ thơ ca, câu lạc bộ dưỡng sinh sinh hoạt hàng ngày tại nhà văn hóa thôn để cho nhân dân cùng giao lưu, tham gia rèn luyện sức khỏe. Ngoài ra, xã còn có 1 đội văn nghệ dân gian liên thế hệ chuyên về hát then, múa dậm thuông, đàn tính; câu lạc bộ thể thao môn bóng đá nữ và nhiều các câu lạc bộ khác...

Được biết, mặc dù xã chưa được đầu tư khu xử lý rác thải hoặc lò đốt tập trung, nhưng để giữ gìn môi trường sống sạch sẽ và trong lành, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân tự phân loại, chôn, đốt rác tại khuôn viên của hộ gia đình đạt 100%; các hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm đều xây dựng chuồng trại cách biệt khu nhà ở từ 50m trở lên và có hệ thống xử lý chất thải như bể Bioga, hố ủ phân không gây ảnh hưởng đến các hộ gia đình xung quanh và không thải trực tiếp ra môi trường cầu, cống, sông, suối.
Múa dậm thuông – nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày hiện đã bị mai một, nhưng luôn được xã Thượng Bằng La chú ý giữ gìn và trao truyền lại.   

 Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên xã đều hăng hái thành lập các tổ đội tự quản, xung kích về vệ sinh môi trường gắn với việc trồng và chăm sóc vườn hoa, cây xanh dọc các tuyến đường trong thôn, xã đều đặn hàng ngày, hàng tháng giữ cho đường làng, ngõ xóm thêm xanh, sạch, đẹp.

Trên tất cả các cung đường trong xã, đi tới đâu cũng thấy xuất hiện những nếp nhà khang trang nằm ẩn mình bên những vườn cây trái xanh mướt. Nhịp sống thanh bình, sạch đẹp và trù phú đang hiện hữu về khắp những làng quê của xã Thượng Bằng La./.    

(Theo Thanh niên Việt)  

Các tin khác
Mô hình liên kết trồng hoa hồng ở xã Nậm Khắt mang lại việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Xuất phát điểm là huyện nghèo, với sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, bộ mặt các bản làng người Mông huyện Mù Cang Chải đã có nhiều khởi sắc, ý thức trách nhiệm người dân trong thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) ngày một nâng cao.

Nhân dân xã Phúc An bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của nhân dân cùng hướng đi đúng đắn, mục tiêu rõ ràng, xã Phúc An, huyện Yên Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), góp phần phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống, tinh thần cho nhân dân địa phương.

Cán bộ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình và nhân dân thôn Đông Ké chung sức làm đường giao thông nông thôn.

Trong tiết trời thu dịu nhẹ, dọc các tuyến đường giao thông của xã Tân Nguyên, chúng tôi chứng kiến cảnh hăng say lao động của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia vệ sinh môi trường, trồng hoa ven đường... Không khí nhộn nhịp ấy, tạo cho quê hương Tân Nguyên thêm sức sống mới.

Đồng chí Nguyễn Thế Phước – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận buổi làm việc.

Sáng 7/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước đã có cuộc làm việc với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố về tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (XDNTM) năm 2022 và các chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp năm 2023.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục