Cao Phạ phát huy thế mạnh giảm nghèo bền vững

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/2/2025 | 8:57:44 AM

YênBái - Cấp ủy, chính quyền xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải những năm qua đã chú trọng vận động nhân dân phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tại chỗ vào phát triển kinh tế gia đình.

Festival dù lượn được tổ chức hàng năm tại đèo Khau Phạ giúp xã Cao Phạ thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch.
Festival dù lượn được tổ chức hàng năm tại đèo Khau Phạ giúp xã Cao Phạ thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch.


Ông Giàng A Thênh - Phó Chủ tịch UBND xã Cao Phạ cho biết: "Với phương châm giảm nghèo bền vững, những năm qua, xã đã tập trung tuyên truyền, định hướng nhân dân phát huy thế mạnh tại chỗ để từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Hàng năm, xã chủ động rà soát, tổng hợp những hộ có kinh tế ổn định hơn của từng bản để xây dựng kế hoạch chi tiết giao cho cán bộ, đảng viên phối hợp cùng với thôn, bản tuyên truyền, vận động các hộ thực hiện các tiêu chí đảm bảo cuối năm thoát nghèo. Đồng thời, chủ động phân bổ các chương trình, chính sách đầu tư, tập trung sửa chữa, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo hướng ưu tiên các hộ nằm trong danh sách kế hoạch thoát nghèo của năm để tạo đà cho người dân có thêm động lực tinh thần và vật chất, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế”.

Với lợi thế về phát triển du lịch, xã đã vận động, hướng dẫn đồng bào chuẩn bị tốt các hoạt động phụ trợ, tham gia làm dịch vụ tại điểm tham quan nhằm tạo điểm nhấn thu hút, giữ chân du khách trong hoạt động Festival Dù lượn "Bay trên mùa nước đổ” và Festival Dù lượn "Bay trên mùa vàng” cũng như các mùa lễ hội của huyện. 

Ngoài xây dựng các điểm vui chơi, sản phẩm du lịch phù hợp, thân thiện với môi trường, năm 2024, xã cũng đã vận động nhân dân tu sửa, tạo cảnh quan đẹp tại khu rừng trúc bản Tà Sung và điểm cắm trại Hoong Hill, bản Tà Dông thu hút nhiều du khách đến tham quan trải nghiệm. 

Theo đó, cùng với các hộ làm dịch vụ du lịch thì nhờ có lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm mà nhiều hộ khác cũng bán được các sản phẩm nông nghiệp, trang phục, đồ lưu niệm... 

Bà Giàng Thị Chư ở bản Lìm Mông phấn khởi: "Nhờ hoạt động du lịch phát triển, gia đình tôi cũng có nguồn thu khá từ bán nông sản địa phương cho khách du lịch. Hiện nay, tôi nuôi 2 con lợn nái mỗi năm đẻ 2 lứa. Tùy vào mùa vụ, tôi bán rau cải, mật ong rừng, măng ớt… cũng giúp gia đình có thêm thu nhập”.

Đó cũng là nhờ kinh tế chủ lực của địa phương là sản xuất nông - lâm nghiệp. Hàng năm, người dân luôn tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao năng suất, sản lượng, tăng thu nhập. 

Với hơn 320ha ruộng nước, cùng với đưa các loại giống lúa lai năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nhân dân đã đưa vào cấy giống lúa thuần hàng hóa chất lượng cao như: Séng cù, J02... Đáng chú ý, mỗi năm, người dân trong xã đưa trên 150ha vào trồng giống lúa nếp Tan mang lại thu nhập cao. 

Ông Lý A Tông, bản Kháo Nhà chia sẻ: "Riêng lúa nếp Tan, mỗi vụ tôi bán được hơn 10 triệu đồng tiền lúa non để làm cốm. Nhờ trồng lúa nếp, năm nào gia đình tôi cũng có cái tết no đủ. Ngoài trồng lúa, tôi còn chăn nuôi và bảo vệ rừng, trồng thảo quả cũng có thêm nguồn thu nhập để gia đình cho con đi học và làm nhà cửa, mua xe máy làm phương tiện đi lại”.

Phát huy hiệu quả tiềm năng địa phương cho phát triển kinh tế gia đình cũng như triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào vùng cao, nhất là các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo làm nhà ở và chăn nuôi theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh... đã giúp nhân dân thực hiện hiệu quả các tiêu chí về giảm nghèo. 

Hết năm 2024, Cao Phạ giảm 66 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 383 hộ, chiếm tỷ lệ 31%, góp phần để xã phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025. 

Châu Á

Tags Yên Bái Cao Phạ Mù Cang Chải giảm nghèo bền vững du lịch

Các tin khác
Nhân dân bản Dào Xa, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải bê tông hóa đường nông thôn.

Là xã vùng cao còn nhiều khó khăn; đồng thời, có địa bàn rộng, đông dân cư nhất nhì huyện Mù Cang Chải, nên trong năm qua, xã Lao Chải đã tập trung huy động sự chung tay vào cuộc của nhân dân cùng các nguồn lực đầu tư của Nhà nước tích cực thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông, tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn.

Nhân dân xã Nậm Khắt tham gia bê tông hóa đường giao thông liên thôn.

Nhắc đến Mù Cang Chải là nghĩ ngay đến huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, nơi “mọi thứ đều khó khăn” chứ chưa nói gì đến câu chuyện xây dựng nông thôn mới (XDNTM)... Vậy nhưng, sau bao nỗ lực bền bỉ, không biết mệt mỏi của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc, đồng thuận của nhân dân, vừa qua UBND tỉnh Yên Bái đã công nhận xã Nậm Khắt đạt chuẩn NTM năm 2024, đây là xã đầu tiên ở Mù Cang Chải đạt chuẩn NTM.

Người dân thôn Ngòi Ngù, xã Bảo Ái tham gia kiên cố hóa đường giao thông nông thôn tại tuyến đường xóm Ngòi Tha đi hồ Thác Bà.

Để thực hiện hoàn thành kế hoạch bê tông hóa trên 82km đường giao thông nông thôn (GTNT) năm 2024, ngay từ tháng đầu năm, UBND huyện Yên Bình đã xây dựng kế hoạch phát triển đường GTNT, triển khai tới các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn trong huyện thực hiện; tuyên truyền, vận động nhân dân ở các thôn, các xã phát huy nội lực đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất, cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước kiên cố hóa đường GTNT, phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Trường THPT Cảm Ân là 1 trong trên 400 trường học của Yên Bái đạt tiêu chí

Bên cạnh cải thiện các điều kiện về kinh tế, môi trường, Yên Bái luôn quan tâm chăm lo về đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân; gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng, phát triển toàn diện con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”... tất cả vì hạnh phúc của nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục