Qui hoạch nông thôn mới: Loay hoay "dồn điền đổi thửa"
- Cập nhật: Thứ tư, 4/4/2012 | 11:08:44 AM
YBĐT - Xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ có 10 thôn bản, diện tích tự nhiên là 370 ha, trong đó đất nông nghiệp 136 ha. Người dân sống chủ yếu bằng trồng trọt và chăn nuôi, ngoài ra đi làm thuê ở các địa phương trong và ngoài tỉnh; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 48,46%.
![]() |
Không chỉ Nghĩa Lợi, nhiều địa phương khác cũng đang loay hoay với việc “dồn điền đổi thửa”.
(Ảnh: Thanh Miền)
|
Năm 2012, xác định xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là nhiệm vụ trọng tâm nên ngay từ đầu năm, xã đã hoàn thành công tác lập quy hoạch XDNTM. Căn cứ đặc điểm của xã là địa phương nông nghiệp nên trong Đề án XDNTM, Nghĩa Lợi tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp phấn đấu từ nay đến năm 2020 chuyển dịch 29,9ha đất lúa sang sản xuất hàng hoá tập trung chuyên canh.
Đồng chí Hoàng Văn Siếng - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Muốn xây dựng thành công chương trình NTM thì xã phải tổ chức ngay việc "dồn điền đổi thửa". Thành công trong công tác này sẽ tạo tiền đề thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đây cũng chính là khó khăn lớn nhất đối với Nghĩa Lợi sau khi bản qui hoạch XDNTM của xã đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt dù chưa đưa vào thực hiện.
"Dồn điền đổi thửa" đã từng thất bại
Chúng tôi đến bản Chao Hạ I, Chao Hạ II, là 2 bản năm 2009 được xã Nghĩa Lợi đưa vào thực hiện mô hình vận động nhân dân “dồn điền đổi thửa” để từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh rau màu .
Nhắc lại chuyện cũ, ông Lò Văn Xuân - Trưởng bản Chao Hạ I cho biết, xã đã trực tiếp tổ chức họp triển khai từng bước, bắt đầu từ việc họp riêng với cán bộ, đảng viên và ban công tác mặt trận 2 bản. Sau đó, mời trực tiếp các hộ gia đình đến để tuyên truyền vận động về mục đích, ý nghĩa của việc "dồn điền đổi thửa".
Ai cũng được giải thích: xây dựng mô hình "dồn điển đổi thửa” tức là để sử dụng được tối đa diện tích, giảm chi phí đầu tư, thuận lợi cho sản xuất, cơ giới nông nghiệp; mở rộng diện tích tạo thành vùng chuyên canh sản xuất rau màu với mục đích cuối cùng là tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế hộ bền vững. Qua 4 buổi họp, phổ biến tuyên truyền, thuyết phục, các hộ đều nhất trí đưa toàn bộ diện tích đất nông nghiệp vào thực hiện.
13 hộ dân đã đồng ý đưa 2,1 ha ruộng canh tác vào qui hoạch "dồn điền đổi thửa". Nói như vậy nhưng nông dân của 2 bản vẫn hoài nghi về thành công bởi lẽ họ đã từng thất bại trong tham gia dự án trồng ớt trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Dự án đó, toàn thị xã trồng 5,7ha thì Nghĩa Lợi tham gia 3,8 ha. Nhưng đến khi thu hoạch, các hộ nông dân chưa kịp vui mừng với một vụ mùa bội thu, ớt chín đỏ đầy ruộng thì đã buồn không muốn hái, quả rụng đỏ gốc cây vì không có người mua, nông dân Nghĩa Lợi gần như mất trắng. Sau đến vụ trồng dưa, cà chua đều được mùa nhưng không thể bán cho ai được. Việc đưa cây gì vào trồng vẫn là bài toán chưa có lời giải!
Chúng tôi tìm đến nhà anh Lò Văn Số ở bản Chao Hạ II là 1 trong 2 hộ của xã Nghĩa Lợi lần này tiếp tục đưa vào diện "dồn điền đổi thửa". Còn nhớ, năm 2009, gia đình anh Số đã đưa 2000 mét vuông đất vào trồng ngô nếp. Lý do đơn giản là trồng ngô nếp sẽ cho bắp sớm, gia đình chủ động bẻ non luộc đem ra ven quốc lộ 32 bán cho khách qua đường với giá 2.000 đồng/bắp ăn chơi.
Anh Số cho biết, bán ngô bắp sẽ có giá hơn vì ít người trồng chứ như năm trước thì ngô hạt rẻ quá, thành ra ai cũng luộc, cũng bán bắp còn nếu trồng rau màu thì ngoài một số thời điểm giao mùa rau được giá còn hầu hết rẻ như cho không bù nổi vốn đầu tư và công lao động nên rất ít hộ nông dân dám trồng rau, nếu có cũng chỉ trồng trên những vạt đất khai hoang thêm, lãi đồng nào hay đồng đó! Khi được hỏi, gia đình anh có tham gia "dồn điển đổi thửa" không, anh Số chỉ lặng thinh !
Có lẽ cơ chế tự tiêu thụ sản phẩm chính là vấn đề làm cho các hộ lo lắng hơn cả vì trên thực tế giá nông sản trên thị trường rất bấp bênh mà khả năng nắm bắt thị trường của các hộ còn hạn chế nên cuối cùng nông dân vẫn là người chịu thiệt.
Nhiều hộ dân Mường Lò trồng ngô bẻ bắp bán non cho khách đi đường chứ chưa trồng thành hàng hóa. (Ảnh: Bùi Xuân Đông)
Và khó khăn hiện tại
Đấy là chuyện của những năm trước. Nay, câu chuyện "dồn điền đổi thửa" lại theo một hướng khác. Theo bản qui hoạch nông thôn mới của xã Nghĩa Lợi, công tác "dồn điền đổi thửa" vẫn tập trung vào 2 bản Chao Hạ I và Chao Hạ II với diện tích trên 5 ha.
Theo chân anh Lò Văn Dương - cán bộ địa chính xã, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Đồng Văn Giảng ở bản Chao Hạ I. Đây là gia đình có nhiều diện tích đất nông nghiệp nằm trong qui hoạch "dồn điền đổi thửa" nhưng cũng là trường hợp đặc trưng của cả bản không thể thực hiện được do đã chia ruộng nhiều lần làm của hồi môn cho con, cháu khi lập gia đình. Anh Lò Văn Dương cho biết, cả bản Chao Hạ I có 75 hộ với hơn 13 ha đất sản xuất thì hộ nào cũng làm như vậy.
Hiện, chính quyền xã chỉ quản lý về diện tích ruộng của các hộ trên "sổ đỏ" (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nhưng thực tế đã có hàng trăm mảnh ruộng được chia lẻ, làm bờ... Việc chia ruộng của các gia đình chưa qua chính quyền xã để khai báo.
Ông Giảng cho biết, trước kia gia đình có 2.500 mét vuông ruộng nay chia ra làm 4 phần cho con cháu, mỗi hộ chỉ được 500 mét. Việc chia ruộng cho con cháu khi lập gia đình là một tập quán của đồng bào từ lâu đời, nay cũng vậy thôi, không làm khác được !
Theo nhẩm tính của chúng tôi, cứ một gia đình có 2 con thì sau 20 năm, diện tích đất nông nghiệp của họ sẽ được xẻ ba, xẻ bốn một cách tự nhiên mà xã không thể biết và chuyện quản lý diện tích đất nông nghiệp đã khó nay đưa vào "dồn điền đổi thửa" còn khó hơn gấp bội. Cánh đồng xã Nghĩa Lợi bởi thế bị băm nhỏ bởi những bờ ruộng mới đắp.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cũng thừa nhận, xã cũng không xác định được hiện nay đã có bao nhiêu mảnh ruộng được chia đôi, chia ba hay chia năm, chia sáu. Nhiều trường hợp con gái đã đi lấy chồng ở xã bên vẫn được bố mẹ chia ruộng. Xã cũng còn đang lúng túng trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo từng vụ.
Qua tìm hiểu và nắm bắt tâm tư của các hộ nông dân ở 2 bản đang nằm trong qui hoạch "dồn điền đổi thửa" XDNTM của Nghĩa Lợi cho thấy, đây cũng là vướng mắc chung ở nhiều địa phương đang "dồn điền đổi thửa" như: nhân dân còn mang nặng tập quán trồng cây lúa nước, tư tưởng chậm đổi mới chưa làm nhưng đã sợ thất bại; kinh nghiệm tổ chức sản xuất, bố trí phân công lao động tập trung của các hộ gia đình còn hạn chế, tính chuyên cần chưa cao.
Vấn đề quan trọng nhất đảm bảo cho công tác "dồn điền đổi thửa" thành công, đó là tìm đầu ra cho sản phẩm. Nghĩa Lộ là trung tâm giao thương các huyện, thị phía Tây của tỉnh - một thị trường không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của hơn 40 nghìn dân thị xã mà là tất cả 4 huyện, thị. Đây là một thị trường rất lớn nếu biết khai thác cho nên sự hợp tác kinh tế giữa các huyện, thị cần được thị xã đặt ra.
Đến nay, chưa có địa phương nào hoàn thành chương trình XDNTM nhưng ở một số địa phương vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận, quyết tâm cao của cấp uỷ Đảng, chính quyền và quần chúng nhân dân. Địa phương nào làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục, đội ngũ cán bộ năng động, nhiệt tình, dám nghĩ, dám làm, nêu gương trước nhân dân thì nơi đó công tác quy hoạch XDNTM được triển khai sớm, đạt kết quả cao.
Đặc biệt quy chế "Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra và dân hưởng lợi" đã được phát huy đồng bộ tại từng làng, xã đến các thôn, bản. Chính nhân tố này đã bảo đảm để xã huy động được nhiều nguồn nhân lực, vật lực trong nhân dân để xây dựng NTM.
Nguyễn Nhật Thanh
Các tin khác
![Trấn Yên huy động nội lực kiên cố hóa đường GTNT](https://ims.baoyenbai.com.vn/Resize_Image.aspx?ImgWd=375&IptFl=/NewsImg/3_2012/_12tran-yen.jpg)
YBĐT - Hưởng ứng phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới” của UBND tỉnh, UBND huyện Trấn Yên đã phát động phong trào thi đua chung sức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
![](https://ims.baoyenbai.com.vn/Resize_Image.aspx?ImgWd=375&IptFl=/NewsImg/3_2012/81926_anh-phu-nham.jpg)
YBĐT - Ngay sau khi được huyện Văn Chấn chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân xã Phù Nham đã tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế... mục tiêu đến năm 2015 sẽ đạt 19 tiêu chí về nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia.
YBĐT - Xây dựng NTM là nhằm tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Nhưng để xây dựng thành công NTM đạt chuẩn theo 19 tiêu chí thì ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
![Cán bộ Trung tâm nước sạch và VSMT tỉnh Yên Bái kiểm tra bể lọc nước sạch tại xã Gia Hội, huyện Văn Chấn trước khi đem vào sử dụng.](https://ims.baoyenbai.com.vn/Resize_Image.aspx?ImgWd=375&IptFl=/NewsImg/3_2012/81523_nuoc-sach.jpg)
YBĐT - Tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 - 2011 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 79,901 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2006 - 2010 là 60,775 tỷ đồng, năm 2011 là trên 19 tỷ đồng.