Hội Nông dân xã Báo Đáp: Hạt nhân xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/3/2013 | 2:40:05 PM

YBĐT - Báo Đáp là xã được lựa chọn làm điểm thực hiện mô hình xây dựng nông thôn mới của huyện Trấn Yên (Yên Bái). Đây là một vinh dự nhưng cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề đối với địa phương.

Mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt của hội viên Vũ Thị Hà ở thôn 9, xã Báo Đáp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt của hội viên Vũ Thị Hà ở thôn 9, xã Báo Đáp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy vậy, xác định đây là một chương trình rất có ý nghĩa bởi nó là cơ sở để khu vực nông thôn phát triển bền vững và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, Báo Đáp đã đón nhận chương trình này với niềm tin tưởng sâu sắc và với quyết tâm cao. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, phổ biến để toàn dân hiểu rõ chương trình được thực hiện trên cơ sở phát huy vai trò của cộng đồng, lấy nội lực làm căn bản và phải có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị cùng cộng đồng dân cư. Hội Nông dân được xác định là tổ chức hội mang tính nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới.

Hội Nông dân xã Báo Đáp luôn chú trọng công tác tuyên truyền tới trên 800 hội viên ở tất cả 17 chi hội về 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng thời vận động hội viên nỗ lực phát triển kinh tế hộ gia đình; nâng cấp, cải tạo nhà ở; xây dựng đường làng ngõ xóm theo đúng tiêu chuẩn; thực hiện đầy đủ quy ước làng văn hóa… Hội đã chủ động định hướng cho hội viên chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Bước đầu, địa phương đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như trồng lúa chất lượng cao trên diện tích 100ha ruộng 2 vụ với giống Chiêm Hương và Nghi Hương. Mô hình trồng dâu nuôi tằm có trên 10ha và nuôi tằm theo kỹ thuật mới nên hiệu quả kinh tế rất khả quan. Cây chè chất lượng cao cũng được các hội viên chú ý phát triển mạnh trong mấy năm gần đây và đạt diện tích khoảng gần 150ha, chủ yếu là giống chè Bát Tiên.

Các mô hình kinh tế khác như nuôi lợn thịt quy mô từ 100 đầu lợn trở lên có 5 hộ; nuôi từ 20 lợn nái trở lên có hai hộ; hàng chục hộ đã đầu tư nuôi ong lấy mật, nuôi cá, ươm cá giống; hàng trăm hộ hội viên trồng rừng nguyên liệu có diện tích từ 1ha trở lên. Ngoài ra, Báo Đáp còn là địa phương mạnh trong phong trào làm vụ 3 theo hướng sản xuất hàng hóa với khoai tây, bí siêu quả.

Để hội viên thuận lợi trong phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã đã chủ động phối hợp với các ban, ngành chức năng tập huấn chuyển giao khoa học và tiến bộ kỹ thuật cho gần 5.000 lượt hội viên; mở 6 lớp dạy nghề ngắn hạn cho gần 200 hội viên; liên hệ cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm cho hội viên gần 600 tấn phân bón các loại trị giá trên 1,5 tỷ đồng; ủy thác vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội cho hội viên vay 4,6 tỷ đồng…

Nhờ có cách làm năng động, khai thác tốt tiềm năng, tranh thủ được nguồn lực, nhiều hội viên đã có thu nhập từ vài chục đến trên trăm triệu đồng mỗi năm như mô hình VAC trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, quế, nuôi ong, nuôi lợn, cá của hội viên Nông Đình Khoa ở thôn 12; mô hình ươm cá giống của hội viên Trần Văn Phú ở thôn 9; mô hình nuôi lợn nái, lợn thịt của hội viên Vũ Thị Hà ở thôn 9…

Cùng với phát triển kinh tế, hội viên nông dân xã Báo Đáp còn rất nhiệt tình tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng. Điển hình như việc tham gia đóng góp công, tiền, vật liệu, hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn. Phong trào này đã có từ trước khi được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới nên từ trước năm 2010, xã đã làm được 50% số đường bê tông liên thôn theo nhu cầu. Số còn lại hoàn tất kể từ khi được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới đến nay với tổng chiều dài gần 13km, kết cấu mặt đường 3m, bê tông dày 18cm với kinh phí Nhà nước hỗ trợ 70%.

Để có được kết quả này là cả một quá trình giải quyết những khó khăn do phần đường vừa mới thi công rất phức tạp như đường phải đi qua vùng đất lầy, độ dài lớn, quanh co qua nhiều đồi gò, khe suối; đi qua đất và công trình của nhiều hộ dân hoặc có thôn rất ít dân nên khả năng huy động đóng góp tiền gặp khó khăn…

Nhờ có biện pháp vận động hợp lý, dân đã hiểu rõ lợi ích từ những chủ trương của cấp trên nên hết lòng ủng hộ. Hai năm vừa qua, 9 thôn trong diện xây dựng đường nông thôn mới đã có 179 hộ hiến trên 10.000m2 đất gồm đất ruộng, đất ở, ao, đất vườn, đất rừng cùng gần 1.000m tường rào kiên cố. Cùng với công sức, vật liệu, tiền mặt, đóng góp của nhân dân trị giá nhiều tỷ đồng trong xây dựng đường giao thông nông thôn mới.

Ông Hán Văn Chiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Báo Đáp cho biết, với khí thế xây dựng nông thôn mới, đến nay, số hộ hội viên nghèo của xã chỉ còn gần 50 hộ. Đường bê tông liên thôn đã hoàn thành và một số thôn đã  vận động nhau đóng góp để bê tông hóa đến từng ngõ xóm. Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đã có 10 tiêu chí hoàn thành, 2 tiêu chí phấn đấu hoàn thành trong năm 2013 và số còn lại sẽ hoàn thành nốt trong năm 2014.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới cần tránh những hình ảnh phản cảm.

YBĐT - Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là chủ trương lớn của Đảng được cụ thể hóa bằng Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ giai đoạn 2010 - 2020. Mục tiêu là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, phấn đấu để người dân nông thôn có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Thiếu nữ Thái Mường Lò. (Ảnh: Thu Trang)

YBĐT - Thực hiện nội dung vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đã được chính quyền và các đoàn thể ở phường Cầu Thia thực hiện có hiệu quả.

YBĐT - Trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái đã chú trọng phát triển kinh tế, nhất là kinh tế hộ để nâng cao thu nhập cho người dân.

Có đường giao thông thuận lợi, hạt thóc, hạt ngô của đồng bào làm ra đã trở thành hàng hóa.

YBĐT - Khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp nên giao thông của huyện vùng cao Mù Cang Chải rất khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục