Xây dựng nông thôn mới ở Trấn Yên: Nông thôn thay "áo mới"

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/5/2013 | 2:25:47 PM

YBĐT - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong 2 năm qua đã được huyện Trấn Yên triển khai tích cực với sự quan tâm đúng mực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, đến nay, đã đạt được những kết quả quan trọng, diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc.

Trồng dâu nuôi tằm đang được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa ở xã Tân Đồng.
Trồng dâu nuôi tằm đang được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa ở xã Tân Đồng.

Xác định đây là một chương trình lớn, hết sức quan trọng và có ý nghĩa đối với nông dân nông thôn, nên một trong những nhiệm vụ quan trọng huyện tập trung thực hiện trước hết là công tác tập huấn, tuyên truyền.

Theo đó, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức tập huấn phương pháp tuyên truyền, vận động tham gia xây dựng nông thôn mới, phương pháp khảo sát đánh giá thực trạng nông thôn; công tác lập, quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch đề  án xây dựng  nông thôn mới cho đối tượng lãnh đạo UBND xã, cán bộ quản lý chương trình cấp xã…

Đồng thời tổ chức cho cán bộ 2 xã làm điểm xây dựng nông thôn mới là Tân Đồng và Báo Đáp đi thăm quan, học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh bạn. Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chương trình của huyện cũng đã phối hợp với UBND các xã tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền kiến thức xây dựng nông thôn mới cho bí thư chi bộ, trưởng thôn và hộ nông dân tiêu biểu; cấp phát đầy đủ tài liệu về xây dựng nông thôn mới đến các xã trong huyện.

Huyện cũng đã phối hợp với các ngành của tỉnh tổ chức thành công lễ phát động phong trào thi đua "Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới"; các tổ chức, đoàn thể chỉ đạo tổ chức hội cơ sở tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia xây dựng nông thôn mới; Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện xây dựng và duy trì chuyên mục "Xây dựng nông thôn mới" phát sóng hàng tuần...

Đến nay, Trấn Yên đã hoàn thành công tác rà soát đánh giá thực trạng nông thôn mới ở 21/21 xã, trong đó có 2 xã đạt được 10 tiêu chí, 8 xã đạt trên 5 tiêu chí, 8 xã đạt từ 3- 5 tiêu chí và 3 xã đạt dưới 3 tiêu chí. Kết quả này có nhiều thay đổi so với năm 2010 - năm đầu thực hiện chương trình chưa có xã nào đạt từ 5- 10 tiêu chí và có tới 17 xã mới đạt từ 3 -5 tiêu chí.

Riêng đối với 2 xã điểm, xã Tân Đồng đã tăng 5 tiêu chí về: quy hoạch, thu nhập, giáo dục, y tế, văn hóa; xã Báo Đáp tăng 6 tiêu chí là: quy hoạch, đường giao thông, thủy lợi, điện, thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Kết quả khả quan đó cho thấy chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự nhận được sự quan tâm, đầu tư, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân.

Quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cũng như các địa phương khác, huyện xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu đột phá, hết sức quan trọng, bởi vậy đã tập trung chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và huy động đóng góp của nhân dân vừa với khả năng của từng xã.

Đáng chú ý, phong trào làm đường giao thông nông thôn đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của cả cán bộ và nhân dân. Nhiều gia đình tự nguyện hiến đất để mở rộng mặt đường theo quy hoạch, góp công sức, vật liệu và tiền để làm đường giao thông nông thôn như: xã Tân Đồng 159 hộ hiến đất với diện tích 3,4ha; xã Báo Đáp trên 100 hộ hiến đất với diện tích trên 2ha; xã Việt Thành 55 hộ hiến gần 2ha đất hay xã Việt Cường 170 hộ hiến đất với diện tích gần 2ha…

Với sự quyết tâm của huyện, sự đồng thuận của nhân dân, năm 2011 toàn huyện đã đầu tư mở mới và kiên cố hóa 24 công trình đường giao thông nông thôn với chiều dài 29,2km. Năm 2012 con số đầu tư mở mới đã tăng lên 98 công trình với tổng chiều dài là 84,3km; trong đó kiên cố hóa đường giao thông nông thôn 50 công trình với chiều dài 38,5km; mở rộng nền đường 16 công trình với chiều dài 9,73km; mở đường đất 32 công trình với chiều dài 36,1km.

Cùng với đó, các công trình thủy lợi, công trình nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp và sửa chữa dần đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Trấn Yên cũng đã thực hiện hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống người dân nông thôn, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Đến nay, huyện đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng nguyên liệu chè với diện tích 2.200ha; vùng trồng tre Bát Độ diện tích 1.790ha; vùng trồng dâu nuôi tằm diện tích 120ha;  xây dựng được 141 cơ sở chăn nuôi lợn, gà, ba ba hàng hóa tập trung…

Nhờ đó, đời sống của người dân đã thực sự có bước cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 13,4 triệu đồng/năm năm 2011 lên 16,3 triệu đồng/năm năm 2012. Cùng với những kết quả tích cực trong lĩnh vực văn hóa - xã hội - môi trường và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, các địa phương đã nâng dần các tiêu chí theo chuẩn tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Với những kết quả và tiêu chí đã đạt được, có thể nói sau 2 năm triển khai chương trình, bộ mặt nông thôn ở Trấn Yên đã có nhiều khởi sắc cả về trình độ sản xuất, giá trị sản xuất, chất lượng sản phẩm; cả về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, thu nhập bình quân đầu người hay tỷ lệ hộ nghèo được cải thiện đáng kể góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đây thực sự là những kết quả rất đáng phấn khởi mà chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại ở Trấn Yên.

Ngọc Tú

Các tin khác
Nhân dân xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu bê tông hóa đường nông thôn

Là xã vùng cao, xuất phát điểm thấp, nên khởi đầu xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu gặp không ít khó khăn. Song, nhờ sự quan tâm đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm của các cấp, ngành, sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương theo phương châm làm đến đâu chắc đến đó, đến nay, xã đã đạt 10/19 tiêu chí về XDNTM.

Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Yên Bình trong giờ hoạt động ngoại khóa.

Hết năm 2023, toàn huyện Yên Bình có 32 trường đạt tiêu chí “Trường học hạnh phúc”.

Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra công tác phát triển GTNT tại xã Châu Quế Hạ.

Những năm qua, với sự đồng lòng, chung sức của người dân, mỗi năm trên địa bàn huyện Văn Yên có hàng trăm ki-lô-mét đường liên thôn, bản, nội đồng được cứng hóa, góp phần từng bước hoàn thiện hạ tầng GTNT, tạo thuận lợi cho đi lại, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Trạm Tấu thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Năm 2024, huyện Trạm Tấu quyết tâm đưa chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 57%, tăng 1,5% so với năm 2023.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục