“Bước chân trên mây” - chinh phục đỉnh cao, vượt qua giới hạn bản thân

  • Cập nhật: Thứ bảy, 24/8/2024 | 9:17:06 AM

YênBái - Tiếp nối thành công mùa giải đầu tiên năm 2023, Giải leo núi “Bước chân trên mây” lần thứ II - Chinh phục đỉnh Tà Xùa năm nay tại Yên Bái được tổ chức với quy mô lớn, chuyên nghiệp, có sự đồng hành, phối hợp của Báo Pháp luật Việt Nam, UBND huyện Trạm Tấu, Công ty Thương mại và Du lịch Hưng Việt hứa hẹn mang đến cho trên 100 nhà báo các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương những trải nghiệm khó quên trong hành trìnhchinh phục đỉnh cao, vượt qua giới hạn bản thân.

Các nhà báo chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù tại Giải leo núi “Bước chân trên mây
Các nhà báo chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù tại Giải leo núi “Bước chân trên mây" lần thứ nhất - Chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù năm 2023.

Giải leo núi "Bước chân trên mây” tại Yên Bái được biết đến là sân chơi khám phá trải nghiệm hành trình chinh phục vượt qua giới hạn bản thân dành cho báo giới.  Theo Ban tổ chức, Giải leo núi "Bước chân trên mây” - Chinh phục đỉnh Tà Xùa năm nay khai mạc vào ngày 11/10 tại Sân vận động huyện Trạm Tấu và tranh tài tại đỉnh Tà Xùa, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái trong 3 ngày, từ 11 đến 14/10. 

Giải thưởng cho người chiến thắng bao gồm tiền mặt và hiện vật lên đến 185 triệu đồng (giải Nhất 35 triệu đồng, giải Nhì 25 triệu đồng, giải Ba 15 triệu đồng và giải Khuyến khích 5 triệu đồng). Các vận động viên có thành tích cao, đạt giải Nhất, Nhì, Ba được tặng kim cương với ý nghĩa "ý chí kim cương” vượt qua chính mình, chinh phục đỉnh cao.

Trong hành trình chinh phục đỉnh Tà Xùa, các vận động viên sẽ phải vượt qua cung đường dốc núi với cự ly khoảng 12 km. Điểm xuất phát từ chân núi thuộc xã Bản Công, huyện Trạm Tấu và đích đến là đỉnh Tà Xùa ở độ cao 2.865m so với mực nước biển, là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam. 


Núi Tà Xùa thuộc phía Nam dãy Hoàng Liên Sơn, nằm giáp ranh giữa hai huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái và huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Các vận động viên sẽ được trải nghiệm cảm giác thăng hoa khi chinh phục những cung đường cheo leo, băng qua khu rừng nguyên sinh đỗ quyên cổ thụ phủ đầy rong rêu tựa như miền cổ tích. Một trong những điểm nhấn của hành trình là "Sống lưng rồng trời” - một dãy núi hẹp và dài, ẩn hiện giữa biển mây tựa như sống lưng rồng khổng lồ. Đây sẽ là một đoạn đường đầy thử thách, đòi hỏi vận động viên phải có sự can đảm và kỹ năng leo núi vững vàng. Tuy nhiên, khi vượt qua được đoạn đường này sẽ hiện ra trước mắt là khung cảnh vô cùng ấn tượng với biển mây trắng bồng bềnh "đổ đầy" các thung lũng bên dưới và ôm quanh các ngọn núi, tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ ảo, hùng vĩ.

Đoạn đường "Sống lưng rồng trời” đầy thử thách, đòi hỏi vận động viên phải có sự can đảm và kỹ năng leo núi vững vàng trong hành trình chinh phục đỉnh Tà Xùa.

Chinh phục đỉnh Tà Xùa là trải nghiệm tuyệt vời, không chỉ để thử thách bản thân mà còn để tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ. Mỗi bước chân trên hành trình này sẽ mang đến những cảm xúc đáng nhớ và những kỷ niệm khó quên. Không chỉ tham gia tranh tài, các vận động viên còn được hòa mình vào không gian của Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Trạm Tấu. Cùng với đó là chuỗi các hoạt động đặc sắc như: trình diễn trang phục dân tộc; gian hàng sản phẩm nông sản địa phương của 12 xã trên địa bàn huyện Trạm Tấu; trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống; trình diễn nghệ thuật làm khèn Mông; thi đấu và giao lưu các môn thể thao dân tộc truyền thống; khám phá bản Cu Vai tọa lạc trên một đỉnh núi cao, quanh năm sương mù bao phủ.

Đặc biệt, trong mùa giải này, Ban Tổ chức sẽ triển khai các gian hàng "0 đồng” với hàng nghìn các sản phẩm như: quần áo, chăn ấm và một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để người dân đến tham gia ngày hội được trải nghiệm, mua sắm hàng hóa với giá "0 đồng”. Đây là hoạt động thiết thực và nhiều ý nghĩa, hứa hẹn trở thành một trong những điểm nhấn của chương trình. 

Hành trình các nhà báo tham gia vào giải leo núi không chỉ là một cuộc thi về thể lực mà còn là hành trình khám phá. Mỗi bước chân leo lên đỉnh Tà Xùa là một thử thách để các vận động viên nỗ lực vượt qua giới hạn bản thân. Chính những trải nghiệm này đã giúp họ hiểu rõ hơn về sức mạnh của ý chí, sự kiên trì và tinh thần đoàn kết.

Đăng ký tham gia Giải từ rất sớm, anh Cao Tuấn Ninh – Báo Dân tộc và Phát triển hào hứng chia sẻ: "Tôi đã từng tham gia leo núi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù mùa đầu tiên và trải qua những cung đường khó khăn được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cảnh sắc thiên nhiên đa dạng và đầy mê hoặc với những tầng mây trắng bồng bềnh ôm lấy núi, cảm giác như mình được đắm chìm trong xứ sở thần tiên… Từ những kinh nghiệm tham gia trong mùa đầu tiên với động lực và niềm yêu thích trải nghiệm khám phá, tôi quyết tâm chinh phục, vượt qua giới hạn bản thân chạm vào cột mốc Tà Xùa trong mùa giải thứ 2 này”. 

Các nhà báo, phóng viên tham gia Giải là người đưa tin và tiên phong mang theo ngọn lửa đam mê, ý chí mạnh mẽ; truyền cảm hứng cho không chỉ những người đồng hành mà còn cho hàng nghìn độc giả đang dõi theo từng bước chân họ. Không chỉ dừng lại ở đó, sau hành trình chinh phục khám phá, ở vai "người trong cuộc", họ sẽ "kể lại" bằng ngôn từ câu chuyện về sự khắc nghiệt của thiên nhiên, về những khoảnh khắc đối mặt với nguy hiểm và về niềm vui vỡ òa khi chinh phục đỉnh cao. Những câu chuyện này không chỉ đơn thuần là những bản tin mà còn là những bức tranh đầy màu sắc về cuộc sống, con người, thiên nhiên, về sự kiên trì và lòng dũng cảm...

Ông Khang A Chua – Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: "Để chuẩn bị chu đao cho Giải, Ban tổ chức chúng tôi đã đi khảo sát rất sớm, dựng nhiều biển báo trên các ngả rẽ, những tuyến đường nhỏ không đi sẽ rào chắn để không bị lạc; những chặng đường khó sẽ có người hỗ trợ... Chúng tôi cũng gia cố lại hệ thống đảm bảo an toàn, tiếp tục có nhiều lần khảo sát để chuẩn bị tốt nhất, an toàn nhất về cơ sở vật chất. Tại điểm nghỉ của các vận động viên, chúng tôi lựa chọn địa điểm bằng phẳng, không có nguy cơ sạt lở, những điểm nguy hiểm như "Sống lưng rồng trời", chúng tôi cho gia cố thêm các điểm trụ, cáp, và có người hỗ trợ để bảo đảm tối đa an toàn, không để có thể xảy ra sơ suất nào cho đến khi Giải diễn ra”.

Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam - Vũ Hoài Nam cho biết: "Giải leo núi "Bước chân trên mây” đã quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời của Yên Bái nói chung và Trạm Tấu nói riêng. Chúng tôi kỳ vọng với những kinh nghiệm trong mùa đầu tiên, Giải leo núi "Bước chân trên mây” mùa 2 không chỉ dừng lại ở việc chinh phục đỉnh cao mà các nhà báo, phóng viên sẽ lan tỏa những điều tốt đẹp đến với cuộc sống, có nhiều bài viết, bức ảnh, thước phim giá trị mang thông điệp về sự tích cực, tình yêu thiên nhiên, sự đoàn kết giữa con người với con người, niềm tự hào và trách nhiệm đối với Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp”.

Với nhiều hiệu ứng lan tỏa tích cực, Giải leo núi "Bước chân trên mây” lần thứ II - Chinh phục đỉnh Tà Xùa hứa hẹn sẽ mang đến hành trình chinh phục, khám phá, trải nghiệm hấp dẫn cho các nhà báo, phóng viên tham gia; đề cao tinh thần đoàn kết, cống hiến và sáng tạo giúp họ có nhiều tác phẩm báo chí giá trị về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Đồng thời, nâng cao nhận thức vai trò rèn luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe và góp phần quảng bá, giới thiệu cảnh đẹp thiên nhiên, phát triển loại hình du lịch mạo hiểm của huyện Trạm Tấu, góp phần cải thiện đời sống cho bà con đồng bào miền núi xa xôi nhiều khó khăn.
Bùi Minh

Tags chinh phục bước chân trên mây Tà Xùa leo núi giới hạn

Các tin khác
Du lịch đến Bà Rịa-Vũng Tàu vui chơi, nghỉ dưỡng nên chọn nhà cung cấp dịch vụ có uy tín

Nhằm chuẩn bị cho dịp nghỉ lễ 2/9 sắp tới, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chỉnh trang cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, giới thiệu thêm sản phẩm mới trên sàn thương mại du lịch điện tử để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Du khách thích thú khi trải nghiệm và chụp ảnh bên cây Sơn tra

Thời điểm này, huyện Mù Cang Chải đang gấp rút chuẩn bị điều kiện để tổ chức các hoạt động Tết Độc lập 2/9, Lễ hội mùa vàng và Lễ hội Sơn tra năm 2024 với nhiều hoạt động đặc sắc, phong phú, hấp dẫn để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Ngày hội truyền thống “Sắc màu văn hóa các dân tộc” xã Phong Dụ Thượng năm 2024 sẽ được tổ chức từ 31/8 – 2/9 tới đây.

Ngày hội truyền thống “Sắc màu văn hóa các dân tộc” lần thứ 2 năm 2024 của xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên sẽ được tổ chức từ 31/8 – 2/9 tới đây.

Thác Bản Giốc ở biên giới Việt - Trung nằm trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Từ khi được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNECO Non nước Cao Bằng năm 2018, Cao Bằng đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất để phát triển du lịch, được thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đánh giá cao, bầu chọn đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục