Điểm du lịch tết lý tưởng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/2/2025 | 1:58:59 PM

YênBái - Vài năm gần đây, nhiều gia đình đã lựa chọn du lịch như một hình thức sum họp, gắn kết gia đình trong chuỗi ngày nghỉ tết quý giá. Yên Bái - một địa danh trên "bản đồ du lịch" Tây Bắc đang nỗ lực không ngừng để trở thành điểm du lịch tết lý tưởng, thân thiện, để du lịch tết ở một nơi xa vẫn như trải nghiệm tết nhà.

Nhóm bạn trẻ người Nhật Bản trải nghiệm tết truyền thống tại Mường Lò Farmstay, thị xã Nghĩa Lộ.
Nhóm bạn trẻ người Nhật Bản trải nghiệm tết truyền thống tại Mường Lò Farmstay, thị xã Nghĩa Lộ.


Du lịch tết đang trở thành xu hướng trong cuộc sống hiện nay. Để không đứng ngoài xu hướng và hiện thực hóa mục tiêu Yên Bái - du lịch 4 mùa, Yên Bái đã và đang từng bước xây dựng sản phẩm du lịch tết dựa trên tài sản du lịch sẵn có của địa phương. Thị xã Nghĩa Lộ vốn được du khách thập phương biết đến với sản phẩm du lịch cộng đồng mang bản sắc văn hóa lâu đời của người Thái Mường Lò. 

Từ nhiều năm nay, thị xã luôn tập trung nguồn lực xây dựng các bản văn hóa truyền thống gắn với xây dựng, nâng cao chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng hiện có. 

Từ việc giữ gìn tập tục tốt đẹp, kiến trúc nhà ở đặc trưng, trang phục truyền thống, ngôn ngữ, lối sống cộng đồng tương thân tương ái cho tới khôi phục nghề truyền thống dệt thổ cẩm dân tộc Thái, Mường, đan lát thủ công, làm đệm, chế tác nhạc cụ dân tộc… đều được quan tâm. Nhờ vậy, bản làng người Thái nơi đây mang dáng vẻ nguyên sơ, xanh mát, tạo cảm giác bình yên, thư thái cho mỗi du khách từ nơi xa đến. 

Chưa kể, thị xã còn phát triển được hệ sinh thái du lịch với các dịch vụ nhà hàng, điểm check-in và cơ sở lưu trú rộng khắp với trên 80 cơ sở, hơn 1.000 phòng nghỉ.  Giao thông ngày càng thuận lợi, giúp khách đến có thể di chuyển đến nhiều địa điểm du xuân đặc sắc của địa phương. Các cơ sở lưu trú đón khách với tình cảm nồng hậu, cùng những trải nghiệm đón tết quen thuộc, những thực đơn ẩm thực truyền thống giúp du khách có thể giữ trọn vẹn hương vị tết nhà. 

Chị Hoàng Thị Hòa - du khách Hà Nội chia sẻ: "Gia đình tôi đã có chuyến du xuân ở thị xã Nghĩa Lộ rất vui vẻ, đầm ấm. Cả nhà cùng hái rau, làm món cá nướng với người dân bản địa, cùng chơi các trò chơi dân gian và cả múa xòe, tắm khoáng nóng nữa. Các con tôi rất thích thú với trải nghiệm lần này và còn bảo tôi, hè đến, nhà mình sẽ quay lại nhé”. Tương tự thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu đã đẩy mạnh quảng bá và khai thác sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng, điểm check-in vườn hoa mận trắng; huyện Mù Cang Chải tổ chức Lễ hội Gầu tào, các trò chơi dân tộc ở các bản làng; huyện Lục Yên tổ chức biểu diễn đường phố, chợ đá quý…

Bà Vũ Thị Mai Oanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh chia sẻ: "Từ trước tết, Sở đã phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động vào dịp nghỉ tết. Gần 30 hoạt động, sự kiện đã được tổ chức thành chuỗi, phù hợp với lịch trình di chuyển của khách du lịch, từ các lễ hội truyền thống cho tới chương trình văn hoá, văn nghệ, thể thao, trưng bày, triển lãm để du khách gia tăng trải nghiệm và tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc ở mỗi địa phương. Đây cũng là năm đầu tiên, tỉnh Yên Bái tổ chức chương trình đón những vị khách đầu tiên vào tỉnh với 13 cơ sở, đơn vị du lịch tham gia, thể hiện sự thân thiện, nhiệt tình, mến khách của mảnh đất và con người Yên Bái”. 

Được biết, sáng mùng 1 tết, các đơn vị đã tổ chức đón đoàn khách du lịch "xông đất" đầu năm mới bằng những trải nghiệm đáng nhớ, những nụ cười rạng rỡ và những món quà mang đậm hương vị tết cổ truyền. Buổi đón tiếp còn có lãnh đạo UBND huyện, thị xã và UBND xã, phường tặng hoa, thiệp Chúc mừng năm mới chào đón, tạo được ấn tượng đẹp và nhận được phản hồi tích cực từ du khách. 

Bên cạnh đó, các khu, điểm du lịch và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cũng đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ, cải tạo cảnh quan môi trường điểm đến xanh, sạch, đẹp, an toàn, xây dựng điểm nhấn phục vụ khách tham quan, chụp ảnh check-in điểm đến. Các nhà hàng, cơ sở lưu trú đảm bảo các điều kiện đón khách, niêm yết giá, bán công khai, bán đúng giá, nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu ăn, nghỉ, tham quan của khách du lịch. 

Tới đây, các lễ hội, chương trình, sự kiện đặc sắc đầu xuân vẫn sẽ tiếp tục được tổ chức như: Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông huyện Trạm Tấu diễn ra vào ngày 14 - 16/2/2025, Lễ hội Tết rừng Nà Hẩu, huyện Văn Yên tổ chức vào 26-27/2/2025… sẽ đưa Yên Bái trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong chuyến du xuân đầu năm nay và cả những năm tiếp theo.

Chỉ tính riêng trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tỉnh Yên Bái đã đón 116.000 lượt khách (bằng 105,3% so với cùng kỳ năm 2024); trong đó, ước phục vụ 39.000 lượt khách lưu trú, khách quốc tế ước đạt 18.365 lượt, doanh thu ước đạt 99,2 tỷ đồng (bằng 106% so với cùng kỳ năm 2024). Kết thúc dịp nghỉ lễ, không xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, về sự an toàn cũng như các khiếu nại của khách du lịch.

Hoài Anh

Tags Yên Bái địa danh du lịch du khách sản phẩm dịch vụ

Các tin khác
Đồng bào Mông ở Nà Hẩu luyện tập điệu múa Sênh tiền để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Xã Nà Hẩu nằm nép mình giữa những dãy núi trùng điệp của huyện Văn Yên, nơi những cánh rừng nguyên sinh trải dài với hệ thống động thực vật phong phú. Những bản làng người Mông nơi đây đang từng ngày "thay da đổi thịt" nhờ người dân đã biết tận dùng tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, nâng cao đời sống.

Chị Đinh Thị Đương có sáng kiến khôi phục Lễ hội Mùa đông của người Mường, xã Phúc Sơn để thúc đẩy du lịch địa phương.

Phúc Sơn là xã xa nhất và khó khăn nhất của thị xã Nghĩa Lộ. Địa hình phức tạp với núi non trùng điệp, thung lũng hẹp và hệ thống suối chằng chịt, nhiều người xem đây là trở ngại phát triển, nhưng Đinh Thị Đương - cô gái dân tộc Mường lại nhìn thấy tiềm năng du lịch trải nghiệm và quyết tâm khai thác thế mạnh này, mở ra hướng đi mới cho du lịch địa phương.

Múa khèn trong Lễ hội

Lễ hội “Gầu Tào” có truyền thống lâu đời, gắn liền với cộng đồng người Mông cư trú trên địa bàn các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một số xã vùng cao của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái với không gian trọng điểm thuộc địa bàn huyện Trạm Tấu. Ngày 9/8/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2318 công nhận lễ hội “Gầu Tào” của người Mông các huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ công bố quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội “Gầu Tào” sẽ được tổ chức trong hai ngày 14-15/2 tại Sân vận động huyện Trạm Tấu.

Lễ hội Gầu tào được huyện Trạm Tấu tổ chức hàng năm thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Mùa lễ hội xuân 2025 đang diễn ra nhộn nhịp ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ hội để các địa phương và ngành văn hóa quảng bá các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục