Ghi lại từ bến Âu Lâu
- Cập nhật: Thứ tư, 6/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, ở cái bến Âu Lâu này, trên 3 vạn bộ đội, dân công qua lại an toàn, đã có 25 ngàn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm vượt sông vận chuyển vào chiến trường.
Bước chân của hai ông già ngoài tám mươi tuổi giờ chỉ đủ xô nhẹ lớp bồi phủ trên bến sông này. Đã 55 năm - lớp bồi ấy đủ để xóa đi những gì vốn có của một bến vượt sông thời chiến. Nhưng với ông Phạm Chung Tốn - người thợ máy đẩy phà và ông Nguyễn Văn Điền - thuộc phân đội thuyền nam thì tất cả như vẫn còn in sâu trong tâm trí họ. Nhưng các ông cũng chẳng thể nhớ rằng mỗi ngày đã có bao nhiêu lần đưa bộ đội, đưa hàng tiếp tế, đưa vũ khí đạn dược vượt sông Hồng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” là khẩu hiệu, là mục tiêu mà bất cứ mỗi người dân ở Yên Bái, ở Âu Lâu cũng thực hiện để góp phần là nên trang sử vàng của dân tộc Việt Nam.
Nhiệm vụ tác chiến và phục vụ tiền tuyến là nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong mọi công tác lúc này và phải huy động nhân lực, vật lực phục vụ tiền tuyến, chỉ thị của Bộ Chính trị đã chỉ rõ. Chính vì vậy, cùng với huy động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch, Yên Bái đã thi đua phục vụ các mặt trận, các công trường, túc trực đảm bảo thông suốt đường 13 - huyết mạch giao thông nối Việt Bắc với chiến trường Điện Biên Phủ.
Bến phà Âu Lâu đã trở thành một trọng điểm, với sự có mặt của cán bộ, công nhân của Ty giao thông Yên Bái cùng 2 chiếc phà chỉ chở được 2 hoặc 3 ôtô mỗi lượt. Để bảo đảm bí mật, ban ngày người ta giấu phà bằng cách làm chìm phà xuống sông, chạng vạng tối lại cho phà nổi lên. Kỹ thuật đưa phà qua sông cũng được cải tiến mỗi chuyến phà qua sông giảm được nửa thời gian, tăng 50 chuyến trong một đêm.
Người dân làng Vạn Lâu thạo sông nước thời ấy sống trên những chiếc thuyền, chiếc bè được huy động trở thành một phân đoàn thuyền nan phục vụ việc đưa dân công, bộ đội qua sông suốt cả ngày đêm. Những chiếc thuyền nan mà người dân làng Vạn Lâu làm ra dường như nhỏ bé khi chỉ chở được năm bảy người hoặc 2 chiếc xe thồ cùng hàng hóa qua sông, nhưng ở cái tuổi của ông Điền ngày ấy, cũng cần phải 2 người bơi để nhanh chóng đưa bộ đội vượt sông. Giờ đây, cả xã Âu Lâu chỉ còn ông Điền và ông Tốn là người trực tiếp tham gia và kể những câu chuyện về bến Âu lâu ngày đó. Những chiếc thuyền kia như gợi cho ông nhiều điều đáng nhớ.
Thuyền như lá tre vượt sông, hình ảnh ấy được ông Điền, ông Tốn kể đi kể lại nhiều lần. Nghe kể vậy chắc người ta sẽ nghĩ tới một ngày hội trên sông - ngày hội trong pháo sáng, trong tiếng gầm rú của máy bay định. Nhưng tinh thần yêu nước và quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, ở cái bến Âu Lâu này, trên 3 vạn bộ đội, dân công qua lại an toàn, đã có 25 ngàn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm vượt sông vận chuyển vào chiến trường.
Cùng với đó nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã huy động cho chiến dịch Điện Biên Phủ gần 1 triệu 700 ngàn ngày công, cung cấp cho mặt trận trên 300 tấn gạo, 105 tấn thịt và hàng chục ngàn tấn rau xanh. Đã có 2.636 thanh niên tòng quân trong các năm từ năm 1952 đến 1954.
Chiều ngày 7/5/1954, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc vẻ vang 9 năm kháng chiến trường kỳ của cả dân tộc.
Hôm nay, bến Âu Lâu đã lùi vào với thời gian nhường chỗ cho những cây cầu bắc qua sông Hồng. Một tượng đài được dựng lên với những phù điêu để người ta nhớ về một bến sông lịch sử, một chiến dịch vượt sông khổng lồ của ngành giao thông vận tải và là nơi để tuổi trẻ Yên Bái ôn lại truyền thống lịch sử quê hương.
Bến Âu Lâu đã được sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế, người ta cũng đã khai thác những yếu tố lịch sử để phát triển dịch vụ. Ngày lễ mùng 7 tháng 5, khu vực này được trang hoàng rực rỡ hơn và những người qua đây sẽ thêm một chút lắng đọng về bến Âu Lâu, về một Chiến thắng lịch sử chấn động địa cầu năm xưa.
Quang Tuấn
Các tin khác
Chình biển là loài cá dữ, rất hăng, ham mồi, di chuyển nhiều nên thịt rất chắc, ngon bổ. Săn chình biển khá mất công, nhưng thú vị bởi sự nguy hiểm và những câu chuyện kể ly kỳ về loài thuồng luồng biển hung hãn.
YBĐT - Các cụ già ở Mường Lai (Lục Yên - Yên Bái) kể lại rằng, ngày xưa, lúc đó nhà dân ở còn thưa thớt, ruộng lúa cấy vào tháng 5, thu hoạch vào tháng 10 âm lịch. Năm này qua năm khác, người dân làm ruộng, gieo lúa nương, trồng bông dệt vải, nuôi trâu, bò, gà, vịt.
YBĐT - Từ lâu, Sa Pa (Lào Cai) đã là một địa chỉ du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế. Đây cũng là điểm đến trong chương trình du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái -Phú Thọ. Những năm gần đây, Sa Pa có sự đầu tư và biến đổi nhanh song vẫn giữ được bản sắc văn hóa xứ núi.
Thành cổ Bắc Ninh, công trình kiến trúc nghệ thuật quân sự tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh, được xây dựng từ năm 1805 thời Vua Gia Long, triều Nguyễn, trên địa phận các làng Ðỗ Xá, huyện Võ Giàng, Hòa Ðình (Tiên Du) và làng Yên Xá, huyện Yên Phong (nay thuộc phường Vệ An, thành phố Bắc Ninh).