Lễ hội Trung thu Phố cổ
- Cập nhật: Thứ ba, 15/9/2009 | 12:00:00 AM
Là lễ hội đầu tiên mở màn cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội và 55 năm Giải phóng Thủ đô.
|
Tuần lễ hội Trung thu Phố cổ Hà Nội 2009 do UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức từ ngày 19/9 đến 3/10 (tức 1/8-15/8 âm lịch) sẽ hứa hẹn nhiều hấp dẫn.
Hoạt động truyền thống này được tổ chức thường niên từ năm 2004 đến nay, trong khuôn khổ dự án “Nghiên cứu tổ chức Lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm”, góp phần thiết thực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa quốc gia Khu Phố cổ Hà Nội.
Diễn ra tại khu vực cửa chính chợ Đồng Xuân, phố Hàng Mã -Hàng Lược kết hợp với tuyến phố đi bộ Hàng Đào-Đồng Xuân-Hàng Giấy, Tuần lễ hội Trung thu Phố cổ 2009 tiếp tục được quận Hoàn Kiếm đầu tư với nhiều nội dung và hình thức phong phú. Hội chợ Trung thu bao gồm chợ Trung thu truyền thống phố Hàng Mã-Hàng Lược và khu vực cổng chính chợ Đồng Xuân, kết hợp với tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân - Hàng Giấy (vào 3 buổi tối cuối tuần) với nhiều gian hàng, quầy hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm phục vụ Trung thu và đồ chơi thiếu nhi.
Tại sân khấu ngoài trời trước cửa chợ Đồng Xuân, vào các tối 27, 28 và 29/9, diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống như hát xẩm, ca trù, chầu văn, chèo...; tối 25/9 và 26/9 (tức 7 và 8/8 âm lịch) diễn ra Đêm hội trò chơi dân gian, giới thiệu và hướng dẫn các em thiếu nhi các phường trong khu Phố cổ chơi các trò chơi. Đặc biệt vào tối 2/10 (tức 14/8 âm lịch), lần đầu tiên tại đây diễn ra đêm Liên hoan múa sư tử của các đội múa đến từ 10 phường trong khu Phố cổ và 2 phường Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm).
Đỉnh cao các hoạt động là Đêm rằm Trung thu Phố cổ tổ chức vào tối 3/10 (tức 15/8 âm lịch) với các hoạt động: thi rước đèn, múa sư tử, thi bày mâm cỗ, các trò chơi dân gian, biểu diễn văn hoá văn nghệ, hoạt cảnh Hằng Nga-Chú Cuội, võ thuật thiếu nhi vui nhộn.
Bên cạnh đó, từ 30/9-3/10, tại Ngôi nhà di sản 87 phố Mã Mây diễn ra các hoạt động trưng bày, giới thiệu tư liệu hình ảnh về Tết Trung thu cổ truyền, hướng dẫn làm các loại đồ chơi dân gian, bánh nướng bánh dẻo, cốm Vòng, liên hoan phá cỗ trông trăng...
Quận Hoàn Kiếm còn chỉ đạo các phường Đồng Xuân, Hàng Đào, Hàng Mã vận động các hộ gia đình mặt phố treo đèn lồng và tổ chức bày mâm cỗ trước cửa nhà vào đêm rằm 15/8 âm lịch và vui liên hoan phá cỗ tại các gia đình.
(Theo VOV)
Các tin khác
Ốc là món ăn khoái khẩu không chỉ của phe kẹp tóc mà còn của cánh mày râu. Đặc biệt, vào những ngày mưa gió sụt sùi thì có thú vui nào bằng ngồi lai rai trong quán ấm cúng cùng vài người bạn tâm giao, trên bàn là đĩa ốc hấp nóng nghi ngút khói, mùi xả, mùi lá chanh tỏa ra ngào ngạt sực nức hai cánh mũi…
YBĐT - Người Dao quần trắng ở Yên Bái sinh sống tập trung ở các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên và Văn Yên. Vốn là cư dân nông nghiệp nên trong hệ thống nghi lễ liên quan đến sản xuất, canh tác nông nghiệp của người Dao quần trắng cũng khá phong phú. Và một trong những nghi lễ quan trọng của người Dao quần trắng đó là “Cúng cầu mùa” trong Lễ hội Cầu làng.
Ngày 11.9, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức đoàn khảo sát vịnh Xuân Đài thuộc 2 huyện: Sông Cầu và Tuy An để lập hồ sơ đề nghị công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước khoảng 13.000 ha, nằm dọc theo hướng Bắc - Nam, cửa vịnh rộng khoảng 4,4 km, mực nước sâu 5 - 18m, có nhiều ngọn núi nhô ra mặt nước tạo thành nhiều vũng nhỏ và đảo, bán đảo.
Vùng du lịch Sa Pa đang bước vào thu với phong cảnh mùa lúa chín vàng đẹp như mơ trên những cánh đồng ruộng bậc thang nằm dưới chân đỉnh núi Fansipan hùng vỹ.