Nhà sừng trâu của người Minangkabau

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/9/2009 | 12:00:00 AM

Kiến trúc & Đời sống - Ở xứ sở vạn đảo Indonesia, mỗi hòn đảo là một câu chuyện, một bộ tộc kỳ thú, hấp dẫn từ đời sống văn hoá, ẩm thực, và đặc biệt trong kiến trúc nhà ở. Người Minangkabau ở phía Tây đảo Sumatra sống trong những ngôi nhà độc đáo, có mái là hình sừng trâu cong nhọn vút lên nền trời xanh

Là vùng đất nông nghiệp, con trâu đã trở nên quen thuộc, gần gũi với đời sống người Minangkabau từ ngàn đời. Người Minangkabau sống theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ chiếm vai trò quan trọng trong từng gia đình, cộng đồng, và là chủ sở hữu đất đai, nhà ở ...

Ngôi nhà lớn của người Minangkabau có lối kiến trúc rất độc đáo, với những mái cong ấn tượng. Thật thú vị, khi tìm hiểu ra xuất xứ của lối kiến trúc ấy lại gắn liền với một tích truyện lịch sử của cộng đồng người Minangkabau.

Tên gọi của người Minangkabau bắt nguồn từ một sự tranh chấp về đất đai giữa người Minangkabau ngày xưa và vị lãnh chúa một bộ tộc láng giềng ở Java . Để tránh xảy ra chiến tranh, người địa phương đề nghị mỗi bên chọn ra một con trâu và tổ chức chọi trâu, trâu bên nào thắng thì bộ tộc đó sẽ là người sở hữu vùng đất tranh chấp. Vị lãnh chúa nọ chọn trong bộ tộc mình con trâu lớn nhất, khoẻ nhất, dữ tợn nhất để đưa ra cuộc thi tài. Người Minangkabau đưa ra con nghé con khát sữa, đầu có cặp sừng mới nhú được mài bén ngót như lưỡi dao. Khi cả hai bên thả trâu ra, con trâu đực không thèm chú ý đến nghé con, vì đang lo mải nhìn quanh tìm đối thủ xứng tầm. Nhưng khi nghé con chạy đến thúc đầu mình vào phần bụng dưới của con trâu đực để tìm bầu sữa, cặp sừng bén đã đâm lủng bụng và giết chết con trâu hung hãn. Người bản địa thắng cuộc, và giải quyết được tranh chấp về đất đai. Cũng từ đó, họ đặt tên cho bộ tộc mình là “trâu thắng trận” (Minangkabau). Và như để nhắc nhớ con cháu đời sau về tên gọi của bộ tộc mình, người Minangkabau mượn hình ảnh cặp sừng trâu để đưa vào kiến trúc nhà ở. Mái nhà cong vút đối xứng có chóp nhọn đều hai bên của người Minangkabau chính là hình ảnh của cặp sừng trâu thắng trận ngày xưa.

Kho thóc lúa cũng được thiết kế mái theo hình sừng trâu

Hình dáng tổng thể kiến trúc của Rumah Gadang ấn tượng ngoài bộ mái sừng trâu, còn một nét độc đáo khác thể hiện giá trị văn hoá đặc sắc trong xây dựng là những chi tiết trang trí được thể hiện tinh xảo bằng lối chạm khắc, phối màu sặc sỡ phủ kín quanh nhà từ chân cột lên đến nóc mái.

Với người Minangkabau, ngôi nhà Rumah Gadang vừa là nơi cư trú, gặp gỡ hội họp trong gia đình, và cả những hoạt động mang tính nghi thức cộng đồng. Ngôi nhà của người Minangkabau thể hiện tính cầu kỳ, tỉ mỉ trong xây dựng, mái nhà là những lớp xếp từ hàng ngàn sợi chỉ được lấy từ thân cây sago – một loại cây thuộc họ cọ, dừa, phần vách được lợp phên tre và gỗ. Do sống ở vùng đồng bằng lúa nước, nên ngôi nhà người Minangkabau thiết kế theo kiểu giống nhà sàn, phần sàn nhà cách mặt đất độ gần hai thước. Nội thất trong nhà được chia làm ba phần thông thoáng nhau không có vách ngăn cách, gian chính ngay giữa nhà là gian tiếp khách, còn lại là khu giường ngủ và bếp.

Cửa chính nằm giữa trục ngang của ngôi nhà, cái chóp mái được uốn cong đối xứng theo cửa chính. Những cánh cửa sổ cũng được phân bố đều theo trục đối xứng với cửa chính, và được trang trí bằng những nét chạm khắc chi tiết, được phủ những gam màu mạnh như đỏ, đen, vàng, nâu, trắng, lấy từ những loại cây cỏ và đất đá trong tự nhiên.

Trong mỗi ngôi làng của người Minangkabau ở đảo Sumatra có nhiều nhà lớn nhưng ngôi nhà nào lớn nhất, điêu khắc đẹp nhất, thường là nhà của trưởng làng – một phụ nữ – ngôi nhà vừa thể hiện quyền lực và sự giàu có, và đó cũng được xem là nơi công cộng của làng. Ngôi nhà này sẽ được truyền đời từ mẹ, sang con gái, và cứ thế nối tiếp đời nọ đến đời kia. Tuy nhiên, những ngôi nhà nhỏ hơn cũng có những nét tương đồng về hình dáng, điêu khắc, đem lại cho cộng đồng người Minangkabau một đặc trưng riêng, dễ nhận dạng trong lối kiến trúc nhà ở.

Và với khách phương xa, hình ảnh những ngôi nhà mái cong độc đáo cùng những chi tiết điêu khắc phong phú, sự phối hợp màu sắc tuy sặc sỡ nhưng rất hài hoà trong tổng thể từ những chạm trổ quanh ngôi nhà, tạo nên một kiến trúc nhà ở đầy tính nghệ thuật cao. Đem lại một đặc trưng thú vị, hấp dẫn khách lạ ngay từ cái nhìn đầu tiên khi diện kiến những ngôi nhà của người Minangkabau.

 

Nhà lớn (Rumah Gadang) của người Minangkabau

Vách nhà kết hợp từ phên tre và gỗ chạm

Phần cửa chính của ngôi nhà người Minangkabau

Cửa sổ liền kề tạo không gian thông thoáng cho ngôi nhà

 

 

(Theo SGTT)

Các tin khác

Chỉ riêng việc dùng nấm làm nhân, đã có tới gần 50 loại bánh xèo chay khác nhau. Bánh xèo chay phong phú không kém gì bánh mặn

Là lễ hội đầu tiên mở màn cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội và 55 năm Giải phóng Thủ đô.

Ốc là món ăn khoái khẩu không chỉ của phe kẹp tóc mà còn của cánh mày râu. Đặc biệt, vào những ngày mưa gió sụt sùi thì có thú vui nào bằng ngồi lai rai trong quán ấm cúng cùng vài người bạn tâm giao, trên bàn là đĩa ốc hấp nóng nghi ngút khói, mùi xả, mùi lá chanh tỏa ra ngào ngạt sực nức hai cánh mũi…

Cúng cầu mùa là một nghi lễ quan trọng trong Lễ hội Cầu làng của người Dao quần trắng.

YBĐT - Người Dao quần trắng ở Yên Bái sinh sống tập trung ở các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên và Văn Yên. Vốn là cư dân nông nghiệp nên trong hệ thống nghi lễ liên quan đến sản xuất, canh tác nông nghiệp của người Dao quần trắng cũng khá phong phú. Và một trong những nghi lễ quan trọng của người Dao quần trắng đó là “Cúng cầu mùa” trong Lễ hội Cầu làng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục