Âm vang trống hội Đại Cại
- Cập nhật: Thứ bảy, 6/2/2010 | 8:36:00 AM
YBĐT - Trong năm, không lúc nào dòng sông Chảy và nước ngòi Lăn lại hiền hòa, êm ả như thời gian này. Sớm xuân, mặt sông bảng lảng sương lại như tan vỡ bởi tiếng hò reo và trống liên hồi thúc giục những chiếc thuyền đua đang ngược dòng về đích.
Lễ hội đền Đại Cại (Lục Yên).
|
Trên sân rộng trước cổng đền Đại Cại, người gần khách xa đang cùng vây quanh cây nêu cao vút trong trò thi ném còn. Có tới hàng ngàn, hàng vạn người đã tới vùng đất thiêng ở xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên vui hội.
Như thể hẹn trước, cứ vào rằm tháng Giêng là người dân trong vùng và du khách thập phương lại như dòng chảy tụ hội tại đền Đại Cại để đắm mình trong không gian của lễ hội. Chính lễ là ngày rằm, nhưng phần hội thường diễn ra trước một ngày. Năm nay, người dân mang đến hội đền niềm vui kết quả thắng lợi từ những vụ sản xuất của năm 2009.
Cùng với trung tâm xã Tân Lĩnh ngày càng to đẹp, khang trang ngay bên bến Lăn lịch sử, diện mạo các địa phương khác của huyện Lục Yên cũng đang thay da đổi thịt từng ngày. Không chỉ ba mâm lễ dâng cúng đầy đủ theo nghi thức mà còn thêm cả tinh thần phấn khởi của nhân dân các dân tộc địa phương trong những ngày đầu năm mới Canh Dần. Những hồi trống trong lễ dâng hương ngân dài, mở màn cho các hoạt động của ngày hội.
Tiếng trống là âm thanh chủ đạo trong những ngày hội, lúc nhanh, lúc chậm vang vọng vào núi rừng, lan tỏa trên mặt sông . Tiếng trống giục giã vận động viên đua thuyền dẻo chân chèo lái, tiếng trống để những chàng trai vững trụ, chắc tay gậy mà đẩy đối thủ khỏi vòng tròn, tiếng trống làm cho các đội kéo co có thêm sức mạnh cho đô vật chắc thế tấn quật đối phương "lấm lưng trắng bụng". Người đến hội vòng trong vòng ngoài cổ vũ những trận kéo co, đẩy gậy hay đấu vật.
Mỗi môn thi đều có sức hấp dẫn riêng và thu hút hàng chục vận động viên là đại diện của các thôn bản ở các xã nằm dọc sông Chảy và những vùng lân cận. Đặc biệt là cuộc đua thuyền đạp chân được khôi phục từ mấy năm qua đã thể hiện sự gắn bó giữa cuộc sống của người dân vùng đất này với sông nước.
Du khách có thể tham gia các trò chơi và được cảm nhận âm thanh của ngày hội tưng bừng, trong âm thanh trống trận, tiếng trống luyện quân của bà chúa quân lương thuở trước.
Phó tướng Vũ Thị Ngọc Anh của tướng quân Vũ Văn Mật đã giúp người dân vùng đất này mở đất canh tác lúa nước, trồng bông dệt vải, nuôi quân, cất giữ lương thảo và xây dựng hệ thống thành nhà Bầu. Bà cũng là người trực tiếp luyện tập quân binh, chống nhà Mạc, giữ yên bờ cõi. Bà Vũ Thị Ngọc Anh được nhân dân trong vùng tôn là: Bà chúa quân lương, Bà Anh Thần nông và còn gọi là Bà Bụt khi cúng bà trong hội xuống đồng. Đền Đại Cại dựng lên thờ bà chúa Vũ Thị Ngọc Anh đã 3 lần được sắc phong tiếng thiêng truyền tụng. Khách thập phương ý thành, tâm thiện được bà chúa ban phúc.
Ngày xuân trảy hội, người dân đến với hội đền Đại Cại ngày một đông hơn. Đây là một trong những điểm nhấn của Yên Bái trong Chương trình Du lịch về cội nguồn do 3 tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai tổ chức. Trước ngày diễn ra Hội đền năm nay, huyện Lục Yên đã làm tốt công tác chuẩn bị, Lễ hội được huyện đứng ra tổ chức, trong đó dự kiến tổ chức Hội chọi trâu vào ngày 17 tháng Giêng tại nơi luyện binh năm xưa của phó tướng họ Vũ.
Không chỉ lễ hội đền Đại Cại, trong quần thể di tích lịch sử văn hóa - khảo cổ Hắc Y - Đại Cại du khách đến đây còn có thể ngược dòng ngòi Lăn đến chân núi Thần Áo Đen để tham gia tua leo núi và ngắm nhìn núi Bạch Mã trong sương mờ; hay xuôi dòng sông Chảy khám phá động Hương Thảo, thăm chùa São. Du khách cũng có thể tới thị trấn Yên Thế tham quan những xưởng làm tranh đá quý cho hành trình xuân của mình thêm phần trọn vẹn.
Quang Tuấn
Các tin khác
PGĐ Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch Hà Nội, Nguyễn Khắc Lợi cho biết, lễ hội xuân tại khu vực trung tâm của Hà Nội năm nay chỉ diễn ra trong một buổi, nhưng sẽ là tiền đề để tất cả các quận, huyện tổ chức lễ hội xuân trên địa bàn.
YBĐT - Việc tạo ra rượu mông cũng không thể khác làm phải tuân theo quy trình của sản xuất nấu rượu bia đó là lên men, là chưng cất. Nhưng điều khác ở đây là nguyên liệu, là dụng cụ chưng cất và đặc biệt là rượu do những người phụ nữ Mông làm ra với sự hỗ trợ của những người đàn ông.
YBĐT - Đêm trước phiên chợ, chúng tôi không ngủ, nằm nghe gió miên man đùa giỡn trên nóc nhà và ào ào thổi xuống những cánh rừng thông, vi vút những âm thanh của đại ngàn. Và khi mà cả núi rừng còn chìm trong bóng đêm, khi mà những cơn gió lạnh buốt và màn sương sớm còn đặc giăng kín những con dốc cheo leo ngang trời, đã thấy từng tốp người vượt núi xuống chợ sắm tết.
YBĐT – Là thôn có 100% đồng bào dân tộc Dao Nga Hoàng sinh sống, Thôn An Thành, xã Y Can huyện Trấn Yên (Yên Bái) hiện còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, đặc trưng cho dân tộc. Trong đó, cấp sắc là một nét sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo và lâu đời của dân tộc Dao.