Lễ mừng cơm mới
- Cập nhật: Thứ ba, 9/2/2010 | 8:11:31 AM
YBĐT - Đối với người Khơ Mú xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) hàng năm, sau mỗi mùa gieo cấy, chuẩn bị thu hoạch; lễ mừng cơm mới lại được tổ chức. Đây là nghi lễ tạ ơn trời đất, tạ ơn tổ tiên... đã phù hộ cho gia đình có một mùa vụ bội thu, đồng thời cũng xin phù hộ cho họ vụ mùa tiếp theo.
Lễ mừng cơm của người Khơ Mú (Nghĩa Sơn) được tổ chức trong vòng một ngày (vào khoảng trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 8 Âm lịch). Theo kinh nghiệm của những người dân thì đây là khoảng thời gian lý tưởng nhất để có thể chọn được lúa sớm - loại lúa đặc biệt rất thơm, dẻo và ngon, có thể giã thành cốm để dâng cúng trong ngày làm lễ.
Buổi sáng ngày làm lễ, cả gia đình cùng dậy sớm để chuẩn bị trang phục và những dụng cụ gặt lúa. Trong khoảng thời gian từ 7 đến 8 giờ sáng hôm đó, người vợ của gia chủ sẽ đi lên nương để tuốt lúa, khi đi mang theo một cái gùi (hay còn gọi là cái eng) để đựng lúa mới. Tùy từng dòng họ, lúa mới mang về sẽ được cho vào rang, luộc hoặc xôi. Sau đó mang ra phơi nắng, nếu trời mưa thì cho lên gác bếp sấy. Thời gian chờ lúa khô, cả gia đình tranh thủ ăn cơm (nấu bằng gạo) cũ và chuẩn bị các vật liệu sửa nhà. Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, bà chủ nhà đem số lúa đã phơi khô vào giã và mang ra sẩy. Tấm và cám của gạo rơi xuống được hứng vào một cái nong, trong nong có để sẵn các dụng cụ lao động sản xuất như: cày, cuốc, liềm, dao...
Bà chủ nhà vừa sẩy vừa khấn: “Những dụng cụ sản xuất này, chúng mày đã giúp tao làm nương, làm rẫy. Nay tao cúng cho chúng mày ăn trước, để chúng mày phù hộ tao. Nay mai tao đi phát nương, làm rẫy, chúng mày đừng làm cho tao bị đứt tay, đứt chân, tai nạn...”.
Cùng lúc bà chủ nhà làm lễ, ông chủ nhà cùng các con trai, con rể sẽ sửa sang nhà cửa, chủ yếu là sửa cái sàn nhà. Bởi đây không những là nơi sinh hoạt chính của gia đình người Khơ Mú mà còn là nơi để thóc, gạo của cả nhà. Do vậy nên, cho dù sàn nhà có tốt đến mấy, trong ngày này, người Khơ Mú vẫn sửa sang lại.
Để chuẩn bị cho mâm cơm cúng, ngay sau khi sẩy gạo xong, bà chủ nhà cho gạo vào ngâm một tiếng rồi cho lên xôi. Trong nồi xôi có để 1 quả trứng luộc cùng. Cơm chín được đổ ra mẹt đảo cho khô, rồi cho vào 2 cái giỏ tre. Tầm gà đã lên chuồng, mọi người trong gia đình mặc trang phục truyền thống của dân tộc tập trung trước bếp thờ (theo quan niệm của người Khơ Mú thì đó là nơi linh thiêng nhất) để làm lễ cúng. Lễ cúng cơm mới gồm có: 2 giỏ cơm, 1 bát ớt khô, 1 quả trứng, 4 đôi đũa.
Các đồ lễ được đặt trên một cái mâm làm bằng tre nứa, riêng hai giỏ cơm thì được đặt cạnh ở hai bên mâm. Ông chủ nhà đứng ra hành lễ cúng với đại ý: “Hôm nay là ngày đẹp, lúa đã bắt đầu chín, chủ nhà làm lễ mừng lúa mới, gia đình đã có cơm mới. Cảm ơn ma nhà đã cho thóc gạo, hoa màu, cho mưa thuận gió hoà...Xin ma nhà cùng ông bà tổ tiên phù hộ cho gia đình luôn được mạnh khoẻ, công việc làm ăn thuận lợi... để còn làm cơm mới”. Sau nghi lễ cúng đầu tiên này, ông chủ nhà sẽ tiến hành hai lễ cúng: cúng vía và cúng ma nhà.
Khi cúng vía, ông chủ nhà sẽ lần lượt làm lễ cúng cho các thành viên trong gia đình. Sau khi lần lượt cúng xong cho mọi người, ông chủ nhà mới cúng cho mình. Khi cúng ma nhà, ông chủ nhà lại bốc cơm chấm vào bát ớt đặt vào mâm cúng và khấn: “Hôm nay là ngày lành, tháng tốt, gia đình tổ chức ăn cơm mới. Tôi thay mặt gia đình, cúng vía cho từng thành viên trong nhà. Mong ma nhà hãy phù hộ cho mọi người trong gia đình được mạnh khoẻ, chân cứng đá mềm. Dẵm cỏ cỏ nát, dẵm đá đá nát, nói to vang như sấm, gầm vang như con hổ...chăn nuôi, trồng trọt thì luôn hiệu quả”.
Ông chủ nhà sau khi cúng xong quay lại làm nghi lễ quãi lộc. Ông bốc một ít cơm đi quãi ra xung quanh nhà với mong muốn những ma đói, ma khát cũng được ăn cơm mới. Kết thúc nghi lễ, cả nhà cùng ngồi ăn cơm mới và chúc nhau luôn may mắn, khoẻ mạnh để còn lên nương trồng lúa mới.
Hồng Oanh
Các tin khác
YBĐT - Trong năm, không lúc nào dòng sông Chảy và nước ngòi Lăn lại hiền hòa, êm ả như thời gian này. Sớm xuân, mặt sông bảng lảng sương lại như tan vỡ bởi tiếng hò reo và trống liên hồi thúc giục những chiếc thuyền đua đang ngược dòng về đích.
PGĐ Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch Hà Nội, Nguyễn Khắc Lợi cho biết, lễ hội xuân tại khu vực trung tâm của Hà Nội năm nay chỉ diễn ra trong một buổi, nhưng sẽ là tiền đề để tất cả các quận, huyện tổ chức lễ hội xuân trên địa bàn.
YBĐT - Việc tạo ra rượu mông cũng không thể khác làm phải tuân theo quy trình của sản xuất nấu rượu bia đó là lên men, là chưng cất. Nhưng điều khác ở đây là nguyên liệu, là dụng cụ chưng cất và đặc biệt là rượu do những người phụ nữ Mông làm ra với sự hỗ trợ của những người đàn ông.
YBĐT - Đêm trước phiên chợ, chúng tôi không ngủ, nằm nghe gió miên man đùa giỡn trên nóc nhà và ào ào thổi xuống những cánh rừng thông, vi vút những âm thanh của đại ngàn. Và khi mà cả núi rừng còn chìm trong bóng đêm, khi mà những cơn gió lạnh buốt và màn sương sớm còn đặc giăng kín những con dốc cheo leo ngang trời, đã thấy từng tốp người vượt núi xuống chợ sắm tết.