Thực hiện Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, Yên Bái đã ra văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch triển khai sâu rộng tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân; phát động các phong trào thi đua tạo động lực để các cấp, các ngành và người dân tham gia thực hiện tốt công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Yên Bái xác định và lấy công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Từ năm 2012 đến nay, tổ chức các hoạt động cấp tỉnh được 6 lớp tập huấn kiến thức về ATGT cho gần 500 cán bộ khối đoàn thể tỉnh; 55 buổi tuyên truyền miệng cho trên 60.000 giáo viên và học sinh. Liên tục từ năm 2014 đến nay, Ban ATGT tỉnh phối hợp với các ngành tổ chức "Ngày hội ATGT” gắn với Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và Ngày hội thanh niên thu hút trên 30.000 đoàn viên, thanh thiếu niên và nhân dân tham gia.
Đồng thời, các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh tổ chức hàng chục nghìn hoạt động tuyên truyền cho các đối tượng thuộc lĩnh vực quản lý, học sinh, sinh viên và người dân. Đặc biệt, tại các địa phương như huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu trong các buổi tuyên truyền, nội dung được phiên dịch ra tiếng dân tộc thiểu số để bà con hiểu và dễ thực hiện.
Ngoài ra, treo trên 1.904 băng rôn, khẩu hiệu, lắp đặt 69 pa nô cố định tại một số tuyến đường và các trường học trên địa bàn tỉnh. Cấp phát trên 150.000 tờ rơi và trên 16.000 cuốn cẩm nang, sách và các tài liệu khác. Xây dựng hàng trăm mô hình như: "Đội tự quản”; "Tuyến phố văn minh”, "Tuyến đường thanh niên, phụ nữ, hội cựu chiến binh tự quản”, "Đội cờ đỏ”, "Đội thanh niên xung kích”, "Cổng trường ATGT"…
Qua đó, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân nâng lên rõ rệt, TNGT trên địa bàn tỉnh liên tục giảm nhiều năm liên tiếp. Bên cạnh đó, Yên Bái tích cực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thường xuyên xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng và sửa chữa các tuyến đường tỉnh, đường đô thị và tuyến đường huyện đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện các công trình, dự án từ năm 2012 đến năm 2020 là: 19.058,046 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp là 14.321,156 tỷ đồng và nguồn vốn huy động từ xã hội là 4.736,89 tỷ đồng. Cùng với đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, tỉnh cũng đã xóa bỏ 19 điểm đen TNGT đường bộ (9 điểm trên tuyến quốc lộ 37; 1 điểm trên quốc lộ 32; 9 điểm trên tuyến quốc lộ 70).
Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Từ 2012 đến nay, lực lượng công an đã tổ chức 72.955 ca tuần tra kiểm soát, phát hiện 317.564 trường hợp vi phạm, tổng số tiền xử phạt nộp ngân sách Nhà nước trên 125.474 triệu đồng. Lực lượng thanh tra giao thông đã tổ chức kiểm tra các vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông, kiểm soát tải trọng xe, vận tải hành khách... tổng số 16.292 ca, lượt, cuộc, qua đó phát hiện 4.464 đối tượng vi phạm, xử phạt nộp ngân sách Nhà nước trên 6 tỷ đồng.
Công tác quản lý phương tiện, đào tạo lái xe được chú trọng và nâng cao, thường xuyên chấn chỉnh các hoạt động vận tải hành khách, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhờ đó, từ năm 2012 đến nay, TNGT trên địa bàn tỉnh đều giảm trên cả 3 tiêu chí.
Nếu như năm 2012 toàn tỉnh xảy ra 353 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 64 người, bị thương 469 người thì năm 2019 toàn tỉnh xảy ra 164 vụ TNGT làm 40 người chết, 194 người bị thương và 3 tháng đầu năm 2020 toàn tỉnh xảy ra 25 vụ TNGT làm chết 4 người, bị thương 34 người (so sánh với cùng kỳ năm 2019: giảm 17 vụ; 7 người chết; 15 người bị thương). Tình hình TTATGT trên địa bàn không xảy ra tình huống phức tạp và TNGT đặc biệt nghiêm trọng.
Ngọc Trúc