Việt Nam đã và đang cam kết mạnh mẽ trong việc chung tay cùng cộng đồng thế giới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, với nỗ lực thực hiện các giải pháp giảm thiểu những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, hướng đến mục tiêu toàn cầu vào năm 2030 giảm tỷ lệ thương vong và tử vong do TNGT xuống 50%, trong đó lấy con người làm trung tâm triển khai các hoạt động thay đổi hành vi tham gia giao thông.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG) thống kê, tại Việt Nam trong những năm gần đây, có tới 70% số vụ va chạm giao thông đường bộ liên quan tới nhân tố con người và 40% số vụ va chạm giao thông đường bộ do hành vi có nguy cơ cao dẫn tới mất ATGT hoặc hậu quả lớn như vi phạm về tốc độ, sử dụng ma túy, sử dụng rượu bia, sử dụng điện thoại hoặc không sử dụng các thiết bị an toàn (dây an toàn và thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô và mũ bảo hiểm với người đi mô tô xe máy)... Thực tế này cho thấy, cần có những giải pháp toàn diện quản lý các yếu tố có nguy cơ cao gây mất ATGT đường bộ hiện nay.
Tại hội thảo "Các giải pháp trọng tâm nâng cao ATGT đường bộ tại Việt Nam” do Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (Quỹ AIP) phối hợp cùng Ủy ban ATGTQG và Báo Giao thông tổ chức ngày 31/5/2022 tại Hà Nội, theo TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGTQG, trên cơ sở các bằng chứng khoa học và thực tiễn, báo cáo ATGT thường niên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 5 yếu tố cơ bản trực tiếp dẫn đến va chạm giao thông, gây TNGT gồm: Vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn và sử dụng điện thoại di động khi lái xe.
Phân tích 5 yếu tố này, các chuyên gia giao thông chia sẻ, theo thống kê chính thức của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), tỷ lệ các vi phạm về trật tự ATGT liên quan tới vi phạm nồng độ cồn tại Việt Nam hiện xấp xỉ 5% số vụ. Khảo sát tại các nhà hàng, quán bia cho thấy có tới 90% số người trưởng thành sau khi ra về vẫn trực tiếp lái xe.
Đối với vi phạm về tốc độ chạy xe, mặc dù đạt được nhiều kết quả về kiểm soát tốc độ phương tiện cơ giới đường bộ, tuy nhiên công tác quản lý tốc độ giao thông tại Việt Nam đang còn một số bất cập. Các tuyến đường đô thị có hai làn, có dải phân cách giữa đang cho phép tốc độ tối đa 60 km/giờ, tốc độ này là cao so với nhiều nước phát triển trên thế giới (50 km/giờ). Với các tuyến đường không cắm biển báo tốc độ, người tham gia giao thông phải đi theo quy định về tốc độ trong thông tư hiện hành (Thông tư 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019).
Thực tế cho thấy, mức độ tiếp cận và am hiểu của người dân với Thông tư này còn hạn chế, vì Thông tư thường phù hợp cho đối tượng là cơ quan quản lý nhiều hơn. Do đó, tại các tuyến đường có cắm biển hạn chế tốc độ, các phương tiên khác nhau đều có thể được chạy với tốc độ cao tương tự như xe con, điều này có thể dẫn tới những vụ va chạm giao thông gây hậu quả lớn.
Đơn cử, trên cao tốc, xe khách, xe tải thường xuyên chạy vào làn vượt với tốc độ cao, nhưng xe dưới 9 chỗ chạy với tốc độ thấp (60-70 km/ giờ) đi vào làn vượt, buộc các xe khác phải chuyển làn... gây mất an toàn giao thông. Trong khi đó, các khu vực phức tạp về giao thông như trường học, bệnh viện, khu trung tâm thương mại... hiện chưa có quy định thống nhất trong kiểm soát tốc độ...
Liên quan đến quy định đội mũ bảo hiểm cho người đi xe gắn máy, bên cạnh những cố gắng và kết quả lớn từ chính sách bắt buộc đội mũ bảo hiểm, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như: Tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của trẻ em trên 6 tuổi ngồi trên mô tô, xe gắn máy còn thấp.
Trong 3 năm gần đây (2018-2020), tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của trẻ em trên 6 tuổi mới được nâng lên đạt trên 80% vào thời điểm hiện tại. Tỷ lệ đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn còn khá cao và hiện chưa có quy định xử phạt người lớn nếu chở trẻ em dưới 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm trên xe gắn máy.
Riêng hành vi không thắt dây an toàn trên xe ô tô đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp tại Việt Nam khi có nhiều đường cao tốc hơn, chất lượng các quốc lộ được cải thiện, nên xe chạy nhanh hơn, trong khi số lượng xe ô tô đang tăng trưởng với tốc độ trên 10%/năm.
Ngoài ra, Việt Nam hiện nay chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em ngồi trên ô tô, chính bởi vậy cũng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn cho thiết bị an toàn đối với trẻ em, nên hiện cũng chưa có các chế tài xử lý hành vi vi phạm. Việt nam đã tham gia Công ước Vienna về Giao thông đường bộ 1968, tuy nhiên, Công ước này mới chỉ có quy định chung về thắt dây an toàn, chưa có nội dung cụ thể về thiết bị an toàn cho trẻ em ngồi trên ô tô... Đây là một khoảng trống về pháp luật cần được sớm bổ sung hoàn thiện...
5 khuyến nghị kéo giảm thương vong do TNGT
Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, thu nhập người dân và số lượng phương tiện cơ giới tăng nhanh đang tạo nên áp lực lớn trong bảo đảm trật tự ATGT. Tuy vậy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng ủng hộ của người dân trong việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hạn chế TNGT, trong 5 năm (từ ngày 15/10/2015-14/10/2020), cả nước xảy ra 94.024 vụ TNGT, làm chết 39.917 người, bị thương 77.477 người. So với giai đoạn 2011-2015, giảm 70.085 vụ (-42,71%), giảm 9.372 người chết (-19,01%), giảm 90.628 người bị thương (-53,91%). Kết quả này khẳng định các giải pháp Việt Nam đang thực hiện phù hợp với thực tiễn và đang phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên tình hình trật tự ATGT hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết và bị thương vì va chạm giao thông vẫn còn ở mức cao, đòi hỏi cần tiếp tục có những giải pháp mạnh và hiệu quả hơn để kéo giảm số vụ va chạm giao thông.
Để kéo giảm sâu số vụ va chạm giao thông thời gian tới, có hàng loại các giải pháp đã và đang được thực hiện. Tuy nhiên, hiệu quả nhất là những giải pháp quản lý chặt 5 yếu tố có nguy cơ cao dẫn tới va chạm giao thông gây hậu quả lớn nêu trên.
Vì vậy, Ủy ban ATGTQG và Quỹ AIP khuyến nghị, đối với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần sớm bổ sung các quy định xử phạt phù hợp, tương ứng với các mức vi phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi chủ thể chưa gây hậu quả theo điều 260 Bộ Luật hình sự, kết hợp với các gia pháp khác như quản lý tái phạm và duy trì cưỡng chế thực thi ngay cả khi hành vi này được kéo giảm.
Về quản lý tốc độ, cần tiếp tục hoàn thiện các quy tắc giao thông về tốc độ, giảm tốc độ tại các khu vực đông dân cư (50 km/giờ) và các khu vực phức tạp về giao thông nhiều người đi bộ (30 km/giờ), giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương chủ động trong tổ chức giao thông, kiểm soát tốc độ và chịu trách nhiệm về phương án tổ chức giao thông trên địa bàn; hoàn thiện quy tắc giao thông về làn xe và quy định tốc độ với các loại phương tiện khác nhau trên cao tốc, cũng như trên các loại đường khác; ban hành hướng dẫn tổ chức giao thông thống nhất trên toàn quốc, khi các tuyến cao tốc chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện khai thác của đường cao tốc thì cần giảm tốc độ khai thác trên cao tốc để đảm bảo ATGT.
Đối với quy định đội mũ bảo hiểm, cần tiếp tục bổ sung quy định về tiêu chuẩn quy chuẩn mũ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi; hoàn thiện quy định về xử phạt về hành vi không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy; tăng cường quản lý chất lượng mũ bảo hiểm trên thị trường.
Về dây an toàn trên xe ô tô, cần yêu cầu tất cả các ghế trên xe ô tô đều phải có dây an toàn; yêu cầu tất cả người trên xe ô tô (gồm cả lái xe và hành khách cả ghế trước và ghế sau) đều phải thắt dây an toàn; người trưởng thành chịu trách nhiệm về việc hành khách phải thắt dây an toàn trên xe ô tô. Người lái xe chịu trách nhiệm bảo đảm người chưa trưởng thành (<18 tuổi) trên xe ô tô phải thắt dây an toàn; ban hành quy chuẩn với dây an toàn và hướng dẫn lắp đặt bổ sung với các xe cũ, đưa lỗi không thắt dây an toàn thành lỗi chính và lực lượng chức năng được dừng xe khi phát hiện lỗi này.
Riêng về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô, nên áp dụng Khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và quy định khi chở trẻ em có chiều cao dưới 135 cm và độ tuổi dưới 12 tuổi trên xe ô tô cá nhân phải dùng thiết bị an toàn phù hợp dành cho trẻ em. Cấm trẻ em có chiều cao dưới 135 cm và dưới 12 tuổi ngồi ở hàng ghế của người lái xe, người lái xe ô tô cá nhân có trách nhiệm bảo đảm thực hiện các quy tắc này. Đồng thời bổ sung mức xử phạt với lái xe cá nhân không sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô; cho phép lực lượng chức năng có quyền dừng xe xử phạt khi phát hiện hành vi không sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô (lỗi chính).
"Việc thực hiện những giải pháp trên không đòi hỏi chi phí lớn, nhưng đem lại hiệu quả cao, có thể giúp kéo giảm hàng nghìn người thiệt mạng do va chạm giao thông/năm tại Việt Nam, góp phần đắc lực trong việc thực hiện thành công mục tiêu kéo giảm các va chạm giao thông trong các nghị quyết về ATGT đường bộ mà Việt Nam đã cam kết thực hiện", ông Trần Hữu Minh nhận định.
(Theo Tin tức)