Người Cao Lan học Bác

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/6/2022 | 7:58:31 AM

YênBái - Đối với đồng bào dân tộc Cao Lan ở thôn 1, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, học và làm theo Bác là từng việc làm cụ thể trong giữ gìn bản sắc văn hóa, trong làm đường giao thông nông thôn, phát triển kinh tế...

Mô hình điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác của thôn 1, xã Hòa Cuông được Huyện ủy Trấn Yên khen thưởng.
Mô hình điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác của thôn 1, xã Hòa Cuông được Huyện ủy Trấn Yên khen thưởng.

Thôn 1, xã Hòa Cuông có 153/158 hộ dân là người dân tộc Cao Lan, chiếm 96,8% dân số của cả thôn. Cũng như một số dân tộc thiểu số khác, vấn đề mà người Cao Lan ở thôn 1 đang phải đối mặt đó là nguy cơ bị mai một về bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mình. 

Những câu hỏi đặt ra như: làm thế nào để giữ gìn và phát huy tốt nhất bản sắc văn hóa? Làm thế nào để những nét truyền thống tốt đẹp của người Cao Lan sẽ mãi là "mạch máu đỏ” chảy xuyên suốt từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác?..., là suy tư, trăn trở của hầu hết lớp người cao tuổi, đặc biệt là của những nghệ nhân, những người "giữ lửa” văn hóa Cao Lan thôn 1.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngay khi Đảng ủy xã Hòa Cuông triển khai Kế hoạch xây dựng mô hình điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021- 2025, Chi bộ thôn 1 đã tổ chức họp và thống nhất đăng ký xây dựng mô hình "Điển hình tiên tiến giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc”. 

Đây là mô hình phù hợp và rất cần thiết đối với cộng đồng dân cư thôn 1. Ngay sau khi đăng ký xây dựng mô hình, trên cơ sở hướng dẫn của Đảng ủy xã, cán bộ và nhân dân thôn 1 đã tập trung xây dựng kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, thời gian, nguồn lực, các bước triển khai thực hiện. 

Mục tiêu mà cộng đồng dân cư thôn 1 đặt ra là cần phải giữ gìn tốt nhất các truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của người Cao Lan; phải làm cho mỗi người Cao Lan từ già đến trẻ đều cảm thấy đẹp nhất và tự hào khi mặc lên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, nói tiếng nói của dân tộc mình; người Cao Lan phải góp phần tích cực trong việc dựng xây quê hương Trấn Yên với nền văn hóa phong phú và đa sắc màu… 

Thôn 1 đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Khuyến học múa hát Sịnh Ca và bảo tồn tri thức bản địa. Đến nay, CLB đã phát triển được 56 thành viên, mỗi tháng sinh hoạt từ 1 - 2 buổi để cùng nhau học múa Sịnh Ca, học tiếng nói và chữ viết của người Cao Lan. CLB đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, duy trì, gìn giữ, truyền dạy các tri thức văn hóa người Cao Lan tại thôn 1. 

Nghệ nhân Nịnh Quang Thanh ở thôn 1 - người được biết tới vai trò "truyền lửa” trong gìn giữ văn hóa truyền thống của người Cao Lan cho biết: "Người Cao Lan ở xã Hòa Cuông có điệu múa Sịnh Ca rất độc đáo, riêng biệt. Vì vậy, cộng đồng người Cao Lan ở một số nơi khác cũng đã đến đây để tìm hiểu truyền thống dân tộc và đều ngỡ ngàng khi thấy người Cao Lan thôn 1 bảo tồn và phát huy được những nét truyền thống vốn quý của mình trong đời sống xã hội hiện đại. Đây chính là niềm tự hào của chúng tôi”. 

Đến nay, người Cao Lan cũng đã duy trì tốt việc mặc trang phục truyền thống. Đặc biệt, những ngày hội hè, lễ tết, người Cao Lan xúng xính khoác lên mình bộ trang phục của dân tộc, ngọt ngào hát các làn điệu Sịnh Ca, duyên dáng, say sưa trong các điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, duy trì tốt việc sử dụng tiếng nói của dân tộc mình trong cuộc sống thường ngày giữa gia đình, vợ chồng, con cái, hàng xóm… 

Bên cạnh việc giữ gìn các phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, thôn 1 cũng rất chú trọng thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, tích cực thực hiện các phong trào thi đua như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, luôn đề cao xây dựng nếp sống văn hóa, đẩy lùi các hủ tục trong việc cưới, việc tang và lễ hội; không có tình trạng tảo hôn hay hôn nhân cận huyết thống.

Hàng năm, 100% các hộ gia đình trong thôn đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, qua bình xét đánh giá có trên 95% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa mỗi năm; 100% số hộ đạt gia đình học tập; các phong trào thể thao phát triển mạnh, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia… 

Nhận thức rõ, việc phát triển văn hóa phải kết hợp với phát triển kinh tế, mới đảm bảo được sự cân đối cả về đời sống tinh thần và vật chất, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy xã, Chi bộ, cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn 1 luôn chú trọng phát triển kinh tế, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, sung túc. Người dân thôn 1 vốn gắn bó với rừng, hoạt động kinh tế chính là trồng rừng. 

Thực hiện chủ trương của Đảng ủy xã về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, người dân thôn 1 đã tập trung trồng quế. Đến nay, toàn thôn có diện tích quế hơn 500 ha; thực hiện chăn nuôi theo hướng trang trại, chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Năm 2021, thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt 50 triệu đồng, cao hơn so với mặt bằng chung của toàn huyện. Với kết quả đó, thôn 1 vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác xóa đói giảm nghèo. 

Ông Hà Trung Thành, Bí thư Chi bộ thôn 1 chia sẻ: "Cùng với trách nhiệm trong mọi công việc của thôn, người dân nơi đây học tập và làm theo Bác trong những việc làm cụ thể. Vì vậy, việc xây dựng mô hình, điển hình để mọi thế hệ người Cao Lan trong thôn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình là đặc biệt quan trọng”. 

Người Cao Lan ở Hòa Cuông hôm nay đang nỗ lực phát huy tính sáng tạo gắn với giao lưu cùng học hỏi thêm kiến thức để đạt được hiệu quả cao hơn trong việc gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Song song với việc làm tốt công tác tuyên truyền để người dân trong cộng đồng nhận rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc gìn giữ văn hóa của dân tộc, xã Hòa Cuông cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ giàu sắc thái truyền thống để nuôi dưỡng, bồi đắp trong tâm hồn tình yêu, lòng tự hào dân tộc và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Ngọc Sơn

Tags học Bác xã Hòa Cuông huyện Trấn Yên giao thông nông thôn

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo huyện Văn Yên và lực lượng vũ trang huyện tham gia “Ngày thứ Bảy cùng dân” tại xã Đại Sơn.

Cụ thể việc học và làm theo Bác, năm 2022, huyện Văn Yên đã phát động Phong trào "Lắng nghe dân nói và xây dựng văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường sống” gắn với các phong trào, cuộc vận động, nhất là gắn với kế hoạch xây dựng xã, thôn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

Chi bộ thôn Bùn Dạo, xã Lang Thíp đưa nội dung Chỉ thị 05 vào sinh hoạt Chi bộ.

Đảng bộ huyện xác định 5 nội dung đột phá thực hiện Chỉ thị số 05, chuyên đề năm 2022 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững quê hương, đất nước”.

Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải (ngoài cùng) tham gia lao động ngày cuối tuần cùng dân.

Là nơi khởi nguồn mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” từ tháng 6/2019, đến nay, các mô hình ở huyện Mù Cang Chải đã phát huy hiệu quả rõ nét trên tất cả các lĩnh vực góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương và trở thành phong trào có ý nghĩa lan tỏa đặc biệt trong toàn tỉnh.

Chi bộ thôn Tân Bình, xã Tân Hương là 1 trong 360 mô hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác của huyện Yên Bình. Đây cũng là một trong những chi bộ kiểu mẫu của huyện Yên Bình đã và đang phát huy vai trò đoàn kết, tiên phong gương mẫu, lãnh đạo nhân dân hoàn thành thắng lợi mọi nghị quyết được giao, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục