Vũ Linh nên giao hết đất cho dân

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/4/2014 | 8:34:39 AM

YBĐT - Vũ Linh nằm ở khu vực đông hồ Thác Bà, có diện tích tự nhiên 3.736ha. Trong đó, đất rừng tự nhiên có 210,3ha, đất rừng sản xuất 1.525ha. Qua nhiều đợt rà soát cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, từ năm 1998 đến nay, Vũ Linh đã cấp Giấy chứng nhận cho 961ha.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường (đầu tiên, trái sang) trao đổi với người dân xã Vũ Linh về phương án giao rừng.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường (đầu tiên, trái sang) trao đổi với người dân xã Vũ Linh về phương án giao rừng.

Với mục đích tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, gia đình chính sách không có tư liệu sản xuất, tỉnh Yên Bái đang nỗ lực triển khai thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với Giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2012 – 2015, Vũ Linh huyện Yên Bình (Yên Bái) là một trong hai xã điểm được tỉnh lựa chọn triển khai Đề án. Đến thời điểm này, Vũ Linh cơ bản đã xây dựng xong phương án giao, tuy nhiên, sẽ vẫn còn hàng loạt khó khăn mà chính quyền xã phải đối mặt khi triển khai thực hiện.

Từ phương án...

Vũ Linh nằm ở khu vực đông hồ Thác Bà, có diện tích tự nhiên 3.736ha. Trong đó, đất rừng tự nhiên có 210,3ha, đất rừng sản xuất 1.525ha. Qua nhiều đợt rà soát cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, từ năm 1998 đến nay, Vũ Linh đã cấp Giấy chứng nhận cho 961ha.

Hiện nay, sau khi rà soát đất lâm nghiệp, ở Vũ Linh còn 428,2ha dự kiến giao, cho thuê theo đề án của tỉnh, trong đó: đất rừng phòng hộ chuyển sang sản xuất là 343,4ha, đất rừng do UBND xã quản lý 84,8ha. Trong số diện tích trên, một phần nằm trong hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ năm 2012 và đã được giao cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 80,7ha, còn lại chưa cấp.

Theo phương án dự kiến, giao rừng gắn với giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Vũ Linh thì diện tích 215,5ha không bị lấn chiếm sẽ tiến hành giao 165,5ha cho 87 hộ gia đình, cá nhân theo danh sách các hộ đủ điều kiện được xét giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, hạn mức giao cho mỗi hộ dân là 1,9ha.

Diện tích rừng dự kiến cho thuê là 10ha, theo phương pháp tổ chức đấu giá quyền sử dụng rừng để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đấu giá thể theo quy định hiện hành; nguyên tắc đấu giá quyền sử dụng rừng trọn lô, trọn khoảnh và có phương án sản xuất kinh doanh tốt, đúng quy định.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là trong số diện tích dự kiến giao này có đến 132ha đã bị bao chiếm và canh tác lâu dài nhiều năm nay.

Theo đề xuất phương án của xã Vũ Linh thì diện tích bao chiếm tiến hành giao cho các hộ dân theo thực trạng sử dụng đất, diện tích để lại làm quỹ đất dự phòng 23ha. Phương án là vậy nhưng bước vào triển khai sẽ còn nhiều vướng mắc, đòi hỏi các cấp chính quyền cần phải có giải pháp hợp tình hợp lý. 

...Đến thực tế

Để có được phương án trên, xã Vũ Linh đã phải triển khai lần thứ 2. Lần đầu tiên do chưa có hướng dẫn, quy trình cụ thể nên việc triển khai còn có nhiều lúng túng, chưa đúng, gây bức xúc trong nhân dân. Việc triển khai lại từ đầu tuy đã đưa được ra phương án nhưng sẽ vẫn còn những khó khăn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Xuân Hải - Bí thư Chi bộ thôn Đồng Chằm thẳng thắn bộc bạch: “Đất không chỉ ở thôn Đồng Chằm mà ở hầu hết các thôn đều có chủ rồi, chẳng qua là chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mà thôi. Vì thế mà thôn Đồng Chằm có 23 hộ trong diện được nhận giao đất nhưng đất có chủ rồi làm sao mà nhận được. Mà muốn nhận thì phải đền bù tài sản trên đất cho người ta, trong khi hộ thiếu đất chủ yếu là hộ nghèo, lấy đâu tiền để đền bù?”.

Theo ông Lương Xuân Hợi - Bí thư Đảng ủy xã Vũ Linh: “Có những thôn chúng tôi phải triển khai họp không dưới 10 lần để lấy ý kiến, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của tỉnh về Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, thông báo cho dân làm đơn xin giao đất, giao rừng, xin thuê đất, thuê rừng”.

Nguyên nhân chủ yếu theo ông Hợi là người dân chưa nhận thức được lợi ích thiết thực trong việc giao rừng, cho thuê rừng, cho rằng khi rừng được giao họ sẽ phá bỏ cây trồng dẫn đến mất nguồn nước, đồng thời kích động và lôi kéo một số đối tượng để khiếu kiện vượt cấp; một số người không muốn cho người nơi khác đến nhận rừng giao, thuê rừng trên diện tích của thôn mình mà muốn giữ lại cho con cháu; nếu triển khai phương án sẽ có nhiều hộ gia đình có diện tích vượt hạn mức không nhất trí vì diện tích còn lại họ phải  thuê trên chính diện tích mình đang canh tác.
 
Giải pháp nào cho Vũ Linh?

Theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường trong đợt kiểm tra hồi trung tuần tháng 3 vừa qua tại Vũ Linh thì phương án của xã cần phải có sự điều chỉnh lại.

Theo đó, những diện tích chính đáng mà người dân yêu cầu giữ lại không giao vì mục đích bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu thì cần để lại với một diện tích hợp lý. Bên cạnh đó, diện tích cho thuê còn khá nhiều, cần phải nâng hạn mức giao lên 1 ha hoặc tính toán giao hết cho dân, không còn diện tích nào phải thuê nữa.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng phê phán tính tư hữu của một bộ phận người dân muốn giữ đất cho con cháu, không muốn cho người nơi khác đến nhận. Đối với diện tích bị người dân lấn chiếm, đồng chí yêu cầu làm rõ thời điểm lấn chiếm, đề xuất phương án xử lý theo quy định của từng thời điểm, kể cả phương án xử lý tài sản trên đất của người dân, diện tích lấy ra được gộp vào diện tích của phương án để giao cho các đối tượng ưu tiên.

Việc người dân bao chiếm đất đai nhiều năm nay phải khẳng định có lỗi của các cấp chính quyền, các lâm trường của huyện Yên Bình đã buông lỏng công tác quản lý đất lâm nghiệp. Thực tế cũng đã chứng minh, những năm trước khi huyện Yên Bình giao đất cho một số doanh nghiệp trồng rừng trên diện tích giao đã bị bao chiếm dẫn đến những vụ xô xát giữa người dân và doanh nghiệp. Do vậy, để thực hiện tốt Đề án cũng như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thì Vũ Linh sẽ vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết dứt điểm.

Vũ Linh nên tính toán để giao toàn bộ đất cho nông dân, người dân cũng cần thấu hiểu và nêu cao tinh thần “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” để san sẻ một phần đất cho những người nghèo thiếu đất. Với 132ha đất đang bị bao chiếm, xã cần rà soát lại cụ thể diện tích của từng hộ, trên cơ sở danh sách những hộ thiếu đất để tính toán diện tích giao hết cho các hộ.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của những người đã canh tác lâu dài trên mảnh đất bị thu hồi, cần phải làm rõ thời điểm lấn chiếm và tính toán chính xác tài sản trên đất để có phương án xử lý thật tốt.

Đối với những diện tích để lại vì mục đích bảo vệ nguồn nước, mục đích khác, Vũ Linh cần phải giao cho cộng đồng quản lý và theo qui định, diện tích này Nhà nước sẽ không chỉ trả tiền khoán bảo vệ, bởi vì diện tích trên đã đưa ra ngoài quy hoạch rừng phòng hộ, người dân phải phát huy nội lực, tinh thần đoàn kết để bảo vệ và phát triển tốt diện tích này.

Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với Giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một chủ trương lớn của tỉnh Yên Bái. Đây cũng là một chủ trương đầy tính nhân văn với mục đích giúp cho người nghèo, hộ gia đình chính sách có đất sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Một chủ trương lớn có thành công, đi vào lòng dân hay không thì những người thực hiện cần phải có quyết tâm cao, đòi hỏi trong Đảng ủy, chính quyền các cấp cần có sự thống nhất. Ý Đảng, lòng dân khi đã cùng gặp nhau thì tin chắc rằng khó khăn nào cũng sẽ vượt qua.

Anh Dũng

Các tin khác
Khi đất rừng có chủ, người dân sẽ yên tâm sản xuất.
Trong ảnh: Rừng trồng tại xã Động Quan (Lục Yên).

YBĐT - Đề án Giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp là một chủ trương lớn của tỉnh và được coi là đòn bẩy để kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững. Cũng như nhiều địa phương khác, huyện Lục Yên đang từng bước quyết tâm thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.

Người dân Trạm Tấu chăm sóc ngô đồi.

YBĐT - Với phương châm “làm đến đâu chắc đến đấy”, huyện Trạm Tấu đang tích cực đẩy mạnh các giải pháp để hoàn thành việc giao đất, giao rừng cho dân theo Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng tiến độ kế hoạch đề ra.

YBĐT - Có thể nói, việc thực hiện Đề án Giao rừng, cho thuê rừng, gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã được huyện Mù Cang Chải triển khai khá đồng bộ. Đến nay, hội đồng chỉ đạo cấp huyện, ban chỉ đạo cấp xã đã được thành lập với đầy đủ các cơ quan, ban, ngành, qua đó phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên.

Rừng già ở xã Phong Dụ Thượng được bảo vệ tốt.

YBĐT - Vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên tiến hành chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho nhân dân thôn 6, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên. Trong nhiều năm qua, nhân dân trong thôn đã quản lý, bảo vệ tốt gần 2.000 ha rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục