Mù Cang Chải: Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/5/2014 | 1:56:26 PM

YBĐT - Có thể nói, việc thực hiện Đề án Giao rừng, cho thuê rừng, gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã được huyện Mù Cang Chải triển khai khá đồng bộ. Đến nay, hội đồng chỉ đạo cấp huyện, ban chỉ đạo cấp xã đã được thành lập với đầy đủ các cơ quan, ban, ngành, qua đó phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên.

Là cơ quan thường trực, Hạt Kiểm lâm đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện trong việc xây dựng Đề án cấp huyện, trên cơ sở Đề án cấp tỉnh, đến nay Đề án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, giai đoạn 2012 - 2015, Mù Cang Chải sẽ giao và cho thuê 2.556ha đất rừng tại 14 xã trong toàn huyện.

Trong năm 2013, Ban chỉ đạo và các ngành thành viên tiến hành mọi công tác chuẩn bị và đẩy mạnh việc tuyên truyền để cán bộ, đặc biệt là đồng bào các dân tộc trong huyện thấy được mục đích, ý nghĩa của chính sách giao đất, giao rừng. Bước sang năm 2014, trên cơ sở đề án của tỉnh và của huyện, Mù Cang Chải sẽ tiến hành giao rừng, cho thuê rừng, gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại xã Nậm Có, coi đây là mô hình điểm nhằm rút kinh nghiệm để triển khai tại tất cả các xã trong giai đoạn tiếp theo.

Thực hiện hợp đồng đã được ký kết, Công ty cổ phần Quốc Hưng - đơn vị đảm nhận việc tư vấn, thiết kế cho Đề án đã về Nậm Có để kiểm tra, đánh giá, khảo sát thực địa và lựa chọn địa điểm để tiến hành giao đất, gắn với cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại hai bản Có Mông 1 và Háng Cơ, trong đó bản Háng Cơ có 29 hộ, diện tích giao là 121,86ha  (76,36ha là rừng trồng và 46,5ha là rừng tự nhiên sản xuất) tại Tiểu khu 310; bản Có Mông 1 có 72 hộ gia đình, diện tích giao 42,8ha rừng tại tiểu khu 310.

Trao đổi với đồng chí Vũ Hoài Nam - cán bộ kiểm lâm Mù Cang Chải, được biết, sau rất nhiều cuộc họp và việc kiên trì vận động, tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ huyện, đến nay, bà con đã nhận thức được ý nghĩa của việc được nhận đất rừng và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một cách hợp pháp và lâu dài.

Những thắc mắc như: khi hoàn thành việc giao đất, giao rừng, đồng bào có còn nhận được phí tài nguyên rừng nữa hay không; đặc biệt là tập quán, tính chất cộng đồng vẫn thúc ép đồng bào duy trì cách làm cũ theo kiểu cùng chung trách nhiệm, cùng hưởng thành quả giống như nhận khoán chung, bảo vệ chung rồi hưởng lợi chung như trước đây; hay việc thực tế không phải mảnh nương nào đất cũng tốt, cũng gần nhà, gần bản, chất lượng rừng tương đương nhau nên việc thỏa mãn mong muốn của người dân là điều không thể thực hiện được… đều đã được giải đáp, tuyên truyền kỹ lưỡng, bà con cũng đã hiểu và chấp nhận vì sự phát triển chung.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc đã và đang phát sinh trong quá trình triển khai Đề án mà việc giải quyết nằm ngoài tầm tay của chính quyền và cán bộ cơ sở. Thứ nhất, Đề án của tỉnh khống chế diện tích giao đất và chỉ cho phép giao đất lâm nghiệp có rừng (không giao đất trống, đồi trọc), tính ưu việt của Đề án rất rõ, khi triển khai tại thôn bản vùng cao mới thấy có những thôn bản nhiều hộ dân nhưng rất ít đất rừng, ngược lại có những bản rất ít dân nhưng lại rất nhiều rừng.

Ngay tại bản Có Mông 1, nhiều hộ cũng chỉ được nhận 0,45ha đất và như vậy là quá thấp so với mục tiêu bình quân mỗi hộ có 3ha đất như Đề an đã đưa ra. Đề án của tỉnh quy định rõ, chỉ được giao đất rừng tự nhiên và rừng trồng, thực tế tại nhiều thôn bản vùng cao chỉ có đất trống, đồi trọc hoặc nương ót nên tính khả thi rất thấp.

Đặc biệt là việc xử lý tài sản trên đất, theo quy định, trước khi giao đất phải xác định  rõ tài sản trên đất (trữ lượng và giá trị lâm sản), phải được định giá chính xác và người nhận đất phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính (nộp tiền cho Nhà nước đối với giá trị lâm sản thực tế tồn tại trên diện tích được nhận quyền sử dụng đất) thì mới được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Có thể nói, chủ trương này là không sai nhưng để thực hiện được thật không dễ, nhiều bà con đang rất lo lắng, chưa biết lấy đâu ra tiền để nộp cho nhà nước: "Không nhận đất, nhận rừng thì người khác nhận mất, nhận thì lấy tiền ở đâu!". Nhiều cán bộ kiểm lâm ở vùng cao còn băn khoăn vấn đề "hậu giao đất, giao rừng".

Việc giao ổn định, lâu dài đất rừng cho bà con là rất tốt nhưng giao xong rồi, nhà nước cần có các chương trình, dự án để phát triển tài nguyên rừng, phải đưa vào đó những cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, "Giao nhận xong mà vẫn như cũ thì chẳng mang lại ý nghĩa gì". Câu chuyện quản lý, bảo vệ rừng sau giao nhận cũng phải được tính đến, hàng loạt kẽ hở sẽ lộ diện dễ bị lâm tặc lợi dụng khai thác, vận chuyển buôn bán vận chuyển trái phép..., kiểm lâm cũng khó lòng kiểm soát trong khi chính quyền các địa phương thì vẫn tiếp tục nhận thức chưa đầy đủ, vẫn coi nhiệm vụ giữ rừng là của riêng kiểm lâm!

Còn nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai Đề án Giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp ở Mù Cang Chải và các địa bàn vùng cao khác cần được UBND tỉnh và ngành nông nghiệp xem xét tháo gỡ để một chủ trương đúng, một chính sách hay đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả.

Lê Phiên

Các tin khác
Khi đất rừng có chủ, người dân sẽ yên tâm sản xuất.
Trong ảnh: Rừng trồng tại xã Động Quan (Lục Yên).

YBĐT - Đề án Giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp là một chủ trương lớn của tỉnh và được coi là đòn bẩy để kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững. Cũng như nhiều địa phương khác, huyện Lục Yên đang từng bước quyết tâm thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.

Người dân Trạm Tấu chăm sóc ngô đồi.

YBĐT - Với phương châm “làm đến đâu chắc đến đấy”, huyện Trạm Tấu đang tích cực đẩy mạnh các giải pháp để hoàn thành việc giao đất, giao rừng cho dân theo Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng tiến độ kế hoạch đề ra.

Rừng già ở xã Phong Dụ Thượng được bảo vệ tốt.

YBĐT - Vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên tiến hành chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho nhân dân thôn 6, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên. Trong nhiều năm qua, nhân dân trong thôn đã quản lý, bảo vệ tốt gần 2.000 ha rừng.

Hỏi: Đối tượng cải tạo rừng tự nhiên, thẩm quyền cho phép cải tạo rừng tự nhiên?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục