Làm đâu chắc đó

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/5/2014 | 8:38:09 AM

YBĐT - Với phương châm “làm đến đâu chắc đến đấy”, huyện Trạm Tấu đang tích cực đẩy mạnh các giải pháp để hoàn thành việc giao đất, giao rừng cho dân theo Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng tiến độ kế hoạch đề ra.

Người dân Trạm Tấu chăm sóc ngô đồi.
Người dân Trạm Tấu chăm sóc ngô đồi.

So với nhiều địa phương, Đề án này ở Trạm Tấu triển khai khá muộn, bởi mãi đến cuối năm 2013 mới thông qua. Mặc dù vậy, với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh cũng như sự giúp đỡ, hỗ trợ của các sở, ban, ngành liên quan, trước đó, Trạm Tấu đã thành lập Ban chỉ đạo giao đất, giao rừng cấp huyện và chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát lại trên thực địa toàn bộ diện tích đất rừng hiện có.

Theo đó, tổng diện tích đất, rừng dự kiến giao, cho thuê thực hiện trong giai đoạn 2012-2015 là 10.254,9ha, trong đó, diện tích đất có rừng dự kiến giao là 365,1ha. Đây là diện tích đã và đang được hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nhận khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ ổn định từ nhiều năm qua, UBND huyện tiến hành giao rừng gắn với giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Bên cạnh đó, sẽ có 610,6ha đất rừng dự kiến cho thuê trong giai đoạn này.

Đối tượng được giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất sẽ ưu tiên hộ gia đình, cá nhân thường trú tại địa phương thuộc diện nghèo, cận nghèo trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp đang thiếu đất sản xuất; các hộ gia đình, cá nhân là con thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng có hộ khẩu thường trú tại địa phương và thiếu đất sản xuất; các cán bộ công nhân viên lâm trường đã nghỉ việc; bộ đội, công an đã hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương không có đất sản xuất; cộng đồng dân cư thôn, bản được giao giữ rừng gắn bó với cộng đồng và các hộ gia đình cá nhân đã gắn bó nhiều năm với khu rừng.

Cụ thể, theo lộ trình, trong năm 2014, huyện sẽ tiến hành triển khai giao đất, giao rừng tại 6 xã. Tuy nhiên, sau khi đánh giá các yếu tố thuận lợi, khó khăn, Ban chỉ đạo Đề án của huyện xác định công tác giao đất, giao rừng là việc quan trọng, cần làm kỹ và làm đến đâu chắc đến đó. Do vậy, huyện đã họp bàn và thống nhất rút xuống thực hiện tại 3 xã là Pá Hu, Xà Hồ, Bản Mù.

Trong 3 xã này, Pá Hu là địa phương đầu tiên của huyện thực hiện việc triển khai Đề án với diện tích 194ha. Ngay khi nhận được kế hoạch, xã đã thành lập Hội đồng giao rừng cấp xã và đã phân công nhiệm vụ cụ thể; xây dựng phương án giao rừng của xã; rà soát trên hồ sơ về đất và diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu chuyển sang sản xuất, tiến tới rà soát trên thực địa đồng thời tiến hành tuyên truyền đến từng người dân về quyền và nghĩa vụ khi được nhận và giao rừng.

Ông Nguyễn Trọng Nam - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết, dự kiến đến tháng 6, Đề án sẽ tiếp tục được triển khai tại 2 xã còn lại là Xà Hồ và Bản Mù. Tuy nhiên, ông Nam cũng nhấn mạnh, do đặc thù là các xã vùng cao, đại đa số là đồng bào dân tộc nên nhận thức về việc nhận đất, nhận rừng và phát huy thế mạnh của đất còn gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, hiện nay những diện tích ở gần, thuận tiện cho sản xuất đã bị dân bao chiếm, trong khi đó diện tích ở xa lại không ai muốn nhận. Một nguyên nhân theo đánh giá của huyện là có đến 80% diện tích đất rừng nằm trong Đề án giai đoạn 2012-2015 vẫn nằm trong tài sản của Ban quản lý rừng phòng hộ nên đến giờ công tác đo đạc, rà soát diện tích đất vẫn chưa thực hiện được.

Giao đất, giao rừng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Theo kế hoạch, đến hết năm 2015, việc giao đất, giao rừng sẽ cơ bản hoàn thành. Do vậy, cần phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp. Đây là nội dung quan trọng, các ngành, các cấp và đoàn thể đều phải thực hiện đồng bộ cả 3 khâu: nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền.

Mục đích cuối cùng là tuyên truyền đến tận người dân, các địa phương ở vùng sâu, vùng xa hiểu lợi ích từ việc giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, huyện hướng dẫn UBND các xã, các ngành, tổ chức đang quản lý và sử dụng rừng thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng và thu hồi rừng theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, hỗ trợ UBND cấp xã xây dựng phương án giao rừng, cho thuê rừng chi tiết cấp xã và xem xét phê duyệt phương án của cấp xã theo quy định; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục kiểm tra, rà soát lại toàn bộ diện tích đất rừng đảm bảo công tác giao, cho thuê rừng chính xác, phù hợp với tình hình thực tế từng xã; tiếp tục nghiên cứu quy định rõ đối tượng ưu tiên và điều kiện giao rừng, cho thuê rừng nhằm đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và mục tiêu Đề án đặt ra; đề suất chính sách miễn giảm phù hợp khi giao đất, giao rừng đối với hộ nghèo, gia đình chính sách… theo quy định.

Đặc biệt, với những diện tích bị bao chiếm, huyện cần chỉ đạo lực lượng chức năng tiến hành rà soát và xử lý theo luật định, hộ nào đủ điều kiện thì sẽ tiến hành cấp đất, cấp giấy, còn không đủ điều kiện thì phải thu hồi và giao cho người thiếu đất sản xuất.

Hùng Cường

Các tin khác
Khi đất rừng có chủ, người dân sẽ yên tâm sản xuất.
Trong ảnh: Rừng trồng tại xã Động Quan (Lục Yên).

YBĐT - Đề án Giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp là một chủ trương lớn của tỉnh và được coi là đòn bẩy để kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững. Cũng như nhiều địa phương khác, huyện Lục Yên đang từng bước quyết tâm thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.

YBĐT - Có thể nói, việc thực hiện Đề án Giao rừng, cho thuê rừng, gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã được huyện Mù Cang Chải triển khai khá đồng bộ. Đến nay, hội đồng chỉ đạo cấp huyện, ban chỉ đạo cấp xã đã được thành lập với đầy đủ các cơ quan, ban, ngành, qua đó phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên.

Rừng già ở xã Phong Dụ Thượng được bảo vệ tốt.

YBĐT - Vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên tiến hành chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho nhân dân thôn 6, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên. Trong nhiều năm qua, nhân dân trong thôn đã quản lý, bảo vệ tốt gần 2.000 ha rừng.

Hỏi: Đối tượng cải tạo rừng tự nhiên, thẩm quyền cho phép cải tạo rừng tự nhiên?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục