Giàng A Trầu vượt khó

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/8/2013 | 2:45:27 PM

YBĐT - Đến bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), nói đến anh Giàng A Trầu thì bà con người Mông nơi đây ai cũng biết bởi vì anh là một thanh niên trẻ, biết vượt khó làm giàu chính đáng.

Những mô hình nuôi ong mật lưu động theo mùa hoa ở Mù Cang Chải.
Những mô hình nuôi ong mật lưu động theo mùa hoa ở Mù Cang Chải.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp ở nơi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, việc phát triển kinh tế còn rất nhiều khó khăn nhưng cũng chính ở mảnh đất này, anh Giàng A Trầu đã biết vượt qua khó khăn để vươn lên thoát nghèo. Anh đã xây dựng mô hình kinh tế bằng cách nuôi ong lấy mật. Thời gian đầu mới làm mô hình, anh gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu kiến thức cũng như về kinh nghiệm chăm sóc ong.

Vì thế, có những thời điểm, ong chết gần hết và có lúc không khai thác được mật. Không nản chí, anh tiếp tục nỗ lực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong do xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Mù Cang Chải tổ chức. Sau những lớp tập huấn, anh đã có thêm kiến thức chăm sóc các đàn ong đúng kỹ thuật. Từ đó, đàn ong phát triển tốt với 20 đõ rồi lên 30 đõ và hiện nay đã tăng lên tới 70 đõ. Mỗi vụ mật, anh thu khoảng trên dưới 200 lít mật với giá bán lẻ từ 170.000 đồng đến 190.000 đồng/lít.

Anh Trầu cho biết, cách làm giàu bằng việc nuôi ong mật không khó nhưng phải có kiến thức, kinh nghiệm thì mới đạt hiệu quả cao. Trong đó, cần chú ý đến thời điểm hoa của các loại cây rừng nở như từ tháng 1 đến tháng 3 và từ tháng 8 đến tháng 10 đồng thời cũng phải chú ý đến việc khai thác mật. Nếu như lấy hết mật thì đàn ong sẽ bỏ tổ bay đi, do vậy khi khai thác chỉ được lấy khoảng 2/3 số mật hiện có. Trong thời kỳ đàn ong đang phát triển, phải kiểm tra thường xuyên, không để ong chia đàn bởi vì khi ong chia đàn thường dẫn đến lượng mật giảm và ong dễ bỏ tổ đi nơi khác.

Anh Trầu chia sẻ kinh nghiệm: "Tôi thấy làm kinh tế bằng việc nuôi ong không vất vả nhưng phải biết cách nuôi và nên để các đõ ong ở cách xa khu dân cư thì mới có mật nhiều, chất lượng mật mới cao. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục phát triển đàn ong của gia đình lên 100 đến 150 đõ. Tôi vừa mới tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong do xã phối với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức".

Ngoài việc nuôi ong lấy mật, anh Trầu còn tích cực thâm canh tăng vụ, mở rộng diện tích trồng lúa, ngô và chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện cuộc sống hàng ngày cho gia đình. Nhờ biết phát triển kinh tế tổng hợp nên mỗi năm, gia đình anh đã có nguồn thu khoảng trên dưới 100 triệu đồng, trong đó trên 50 triệu đồng là tiền bán mật ong. Có tiền, anh Trầu đã có điều kiện để sửa sang lại nhà cửa, mua sắm các vật dụng đắt tiền trong gia đình và đầu tư cho hai con đi học.

Ông Chang Thế Sửu - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt nhận xét: "Giàng A Trầu là một trong những thanh niên điển hình tích cực xây dựng và phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình nuôi ong kết hợp với sản xuất nông nghiệp ở xã. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng ra nhiều mô hình nuôi ong nữa để người dân có thêm thu nhập đồng thời chúng tôi cũng mong muốn có sự quan tâm của cấp trên tạo điều kiện cho người dân được vay ốn ưu đãi, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong".

Không những tích cực làm kinh tế, Giàng A Trầu còn gương mẫu trong các hoạt động Đoàn tại địa phương. Anh đã tham gia tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và đặc biệt là thanh niên trong xã tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Anh sẵn sàng giúp đỡ, truyền thụ lại kinh nghiệm làm kinh tế của mình cho những thanh niên muốn phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Với chức năng, nhiệm vụ của một cán bộ chuyên trách dân số xã, anh đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền xã xây dựng các biện pháp tuyên truyền, vận động những cặp vợ chồng thực hiện sinh đẻ có kế hoạch; thường xuyên phối hợp với các cộng tác viên dân số tại thôn, bản và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động tại cơ sở về việc sinh đẻ có kế hoạch. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở xã Nậm Khắt trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tích đáng mừng, tỷ lệ sinh con thứ 3 đã giảm nhiều.

Với sự nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, nay cuộc sống của gia đình anh Giàng A Trầu đã ổn định. Anh trở thành một tấm gương sáng cho các bạn trẻ ở vùng cao học tập, noi theo.

Chí Sinh

Các tin khác
Giàng A Vảng được tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập.

YBĐT - "Em cố gắng học thật giỏi để sau này sẽ trở thành một chiến sỹ công an bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương" là mong ước của Giàng A Vảng, học sinh lớp 9B Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) - THCS huyện Mù Cang Chải. Cậu học trò người Mông này vừa đoạt giải nhất môn Lịch sử kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2012 - 2013.

Mô hình của Hoành được nhà trường sử dụng trong công tác giảng dạy.

YBĐT - Chúng tôi đến Trường THCS Nguyễn Du, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (Yên Bái) đúng vào dịp nhà trường đang chuẩn bị cho các hoạt động kỉ niệm 82 năm Ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Hai vợ chồng ông Lương Thanh Xuân cùng 3 con bị dị tật do di chứng chất độc da cam.

Chiến tranh đã đi qua 36 năm nhưng nỗi đau màu da cam vẫn mãi còn đeo đẳng cuộc sống thời bình của những gia đình người lính. Không dừng lại ở những người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ và thế hệ con cái của họ mà nghiệt ngã thay, di chứng tội ác chiến tranh vẫn đang còn đeo bám cả đến thế hệ thứ ba của những người lính.

YBĐT - Đến Trường THCS Quang Trung, thành phố Yên Bái, hỏi thăm bạn Nguyễn Đức Nhân thì hẳn không ai không biết bởi em không chỉ là niềm tự hào của gia đình, bố mẹ mà còn là niềm tự hào của thầy cô và bè bạn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục