Những người thầy trên đỉnh Xéo Dì Hồ

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/11/2015 | 1:53:19 PM

YênBái - YBĐT - Đỉnh Xéo Dì Hồ ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải quanh năm ngập trong sương trắng giữa bạt ngàn rừng núi hoang vu. Ở đó có những thầy cô giáo trẻ đang lặng lẽ, cần mẫn như người gieo hạt, mang cái chữ đến vùng cao hẻo lánh. Họ đã dệt nên bao huyền thoại về dạy chữ, rèn người.

Học sinh điểm trường Xéo Dì Hồ trong giờ ôn bài.
Học sinh điểm trường Xéo Dì Hồ trong giờ ôn bài.

Đứng chân trên đỉnh Xéo Dì Hồ, chỉ thấy một màu thâm u của núi rừng trùng điệp. Đường lên bản Xéo Dì Hồ, xã Lao Chải dốc tộc, xa tít, quấn quanh sườn núi chênh vênh rồi hút vào giữa rừng hay đi xuyên qua những nương lúa, nương ngô tươi tốt. Bám dốc, đạp đá đến tứa cả máu chân và mất trọn buổi sáng mới tới Xéo Dì Hồ.

Thầy giáo Bùi Công Nguyên - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Xéo Dì Hồ còn khá trẻ, nhưng anh có nhiều năm “cõng chữ lên ngàn” và đã dạy học ở hầu khắp các bản gần, bản xa của xã Lao Chải. Quê gốc ở Thái Bình nhưng sinh ra và lớn lên ở thị xã Nghĩa Lộ, năm 1998, học xong trung học sư phạm, anh lên công tác tại Lao Chải. Trước đây, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Xéo Dì Hồ là điểm trường lẻ của Trường Phổ thông cơ sở Lao Chải và đến tháng 8 năm 2008 được tách ra như hiện nay.

Điểm trường chính của Xéo Dì Hồ có 14 lớp, trong đó có 3 lớp mầm non, 11 lớp tiểu học được lợp tôn, vách tôn vừa mới được đầu tư xây dựng lại, thay cho căn nhà mái gỗ, vách nứa bị gió hất đổ năm ngoái. Thầy Nguyên cho biết: “Phải có cái chữ, bà con dân bản mới mong thoát nghèo, mới xóa bỏ tập tục lạc hậu. Ở đây, tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng được sống giữa tình thương yêu của bà con dân bản, được tận mắt thấy sự tiến bộ của học trò, mình thấy thật mãn nguyện”.

Từ điểm trường chính, men theo sườn núi mất khoảng 1 giờ, chúng tôi lên tới bản Hồng Nhì Pá. Ở đây, do đường sá đi lại khó khăn nên cuộc sống người dân chủ yếu tự cung tự cấp. Bản có 81 hộ thì 100% hộ nghèo và hầu như sống dựa vào rừng, nên cả ngày bà con ở trên núi, khiến cho không chỉ người lớn ít người biết chữ, mà trẻ em được đến trường cũng ít. Dừng chân trước dãy lớp học tuềnh toàng, vách nứa thủng hoác, có chỗ bung cả mảng lớn. Và ngộ nghĩnh thay, khi thầy giáo ra cửa chào khách, mấy học trò tinh nghịch đã chui qua lỗ vách ra ngoài chơi bắn bi.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình tâm sự: “Em lên đây dạy học được hơn 4 năm. Ngày đầu mới lên, em khóc tới ba ngày vì nhớ nhà, nhớ quê. Thôn bản heo hút quá, cái gì cũng thiếu. Đã có lúc em tưởng không chịu nổi, muốn bỏ về nhưng khi nghĩ đến những đôi mắt tròn xoe, trong veo chăm chú nhìn cô giáo giảng bài, nhớ những lúc cô trò quấn quýt bên nhau, em lại không nỡ!”.

Thời gian đầu, lớp không có học sinh, giáo viên phải đến từng nhà vận động các em đi học. Để dân bản tin, ngoài giờ lên lớp, giáo viên phải vào bản hướng dẫn cách trồng lúa nước, cùng lên nương trồng ngô, đỗ… Vừa làm vừa thuyết phục và một ngày chưa được thì hai ngày, ba, bốn ngày... Thế rồi, bà con thấy thương cô giáo vất vả, quý cái việc cô làm, yêu cái lòng cô dành cho con trẻ, nên từ một nhà rồi lan ra cả bản, ai cũng đồng ý cho con đến lớp để cô dạy cái chữ.

 Học sinh được đến lớp học hành, vui chơi là niềm hạnh phúc lớn lao của các thầy cô ở Xéo Dì Hồ.

Trong quá trình đi vận động, khó khăn và thương nhất là trường hợp bé Giàng Thị Phua, năm nay 7 tuổi đã là học sinh lớp 1. Bố Phua mất khi vớt củi mùa nước lũ, vài năm sau mẹ đi lấy chồng. Sống với nhau được một thời gian ngắn, bị người chồng mới hắt hủi, mẹ con Phua lại bỏ nhà theo người khác, rồi buồn chán, mẹ Phua ăn lá ngón tự vẫn. Do vậy, đến tuổi đi học nhưng Phua vẫn không được đến lớp, vì nay ở nhà cậu, mai ở nhà chú. Cô giáo Huyền đã đến từng nhà người thân của Phua vận động để mọi người cho em đi học. Cô còn bỏ cả tiền lương của mình ra để mua sách vở, quần áo, dép mới để tặng cô học trò đặc biệt này.

Giờ đây Phua là học sinh khá của lớp và ngoài việc đọc tốt, viết tốt, Phua còn nhỉnh hơn các bạn cùng lớp về giao tiếp với các thầy cô giáo trong trường. Chuyện Sùng A Thào học sinh lớp 3, do nhà neo người nên trước khi đến lớp bao giờ em cũng phải dậy sớm chuẩn bị đồ ăn cho gia đình và gia súc, nên thường xuyên phải đi học muộn. Thương học trò vất vả, sáng nào cô cũng dậy từ sớm để đến nhà Thào cùng làm cho nhanh. Thào năm nay đã học lớp 3 nhưng em không biết mình bao nhiêu tuổi.

Thào chỉ nhớ, khi biết đi rừng thì cái cây ở ven đường mới bằng cái   bắp chân em mà nay nó đã to gần bằng cái xô đựng nước. Thấy các bạn đến lớp, Thào thích lắm nhưng bố mẹ bảo. "Không có ăn thì chết chứ không có chữ không chết", nên bắt em ở nhà làm nương để no cái bụng. Cô Huyền trầm giọng và khóe mắt cô như ngân ngấn nước: “Buồn nhất là khi học sinh về hết chẳng biết làm gì, nên em lại cặm cụi soạn giáo án. Có những đêm không ngủ được, xoay bên nào cũng thấy lạnh, đành ra sân chạy cho mệt để vào ngủ cho vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ trò”.

Ở Xéo Dì Hồ B này không ai là người không mang ơn cô giáo Hà Thị Thuận. Năm nay cô 31 tuổi, là giáo viên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2009 ra trường, cô được điều vào dạy học ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lao Chải. Cô Thuận là người kiên trì nhất trong vận động các em học sinh của bản đến trường học chữ. Thời gian đầu, cô Thuận vừa dạy học cho các em vừa tranh thủ học tiếng địa phương.

Cô học từ người già trong bản, từ chính những học sinh của mình, để từ đó truyền đạt lại kiến thức cho các em tốt hơn. Khi cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn cả vật chất và nhận thức về ý nghĩa của việc học chữ còn hạn chế thì thêm một em được đi học là một cố gắng lớn. Nhưng sợ nhất là hàng năm khi những thửa ruộng chuyển màu vàng rực, cũng là đến mùa con trai người Mông "bắt vợ". Những em học sinh tuổi 14 - 15 bị gia đình bắt nghỉ học để đi “bắt vợ và đối tượng "bị bắt" cũng rất trẻ.

Không quản khó khăn, cô Thuận đến tận gia đình, khuyên bảo. Thấy cô đến nhà, có người bảo: “Ít tuổi mới cướp chứ nhiều tuổi như cô giáo không ai muốn cướp đâu. Chết già thôi”. Một chút chạnh lòng nhưng cô giáo vẫn không bỏ cuộc, vẫn đến từng nhà để nói điều hay lẽ phải. Bằng lòng nhiệt tình, yêu nghề, yêu trẻ, Thuận đã trở thành người con tin yêu của bản. Mỗi khi bản có việc cô đều được mời tới tham dự, được hỏi ý kiến. Vất vả là thế, nhưng nhìn đàn em nhỏ tung tăng cắp sách tới trường, biết được cái chữ, lòng cô giáo lại tràn ngập niềm vui.

Hết thời gian được điều chuyển ra vùng ngoài, nhưng Thuận tình nguyện xin dạy ở đây. Cô tâm sự: "Em còn trẻ, lại có sức khỏe hơn nên em dạy học ở đây để thay chỗ cho những anh chị đã dạy lâu năm trong ngành”.
Giáo viên nơi đây đều là người dưới xuôi. Mỗi lần về thăm quê, rồi lại lên trường là một lần vất vả. Nếu là thầy giáo thì còn “liều mạng” đi xe máy từ điểm trường xuống xã Lao Chải dài quãng 10 km, còn là cô giáo thì chỉ có đi bộ và từ xã Lao Chải bắt xe tới thị trấn Mù Cang Chải, mới chuyển xe đi tiếp. Do nguồn thực phẩm ở rừng khan hiếm, ngoài giờ lên lớp, giáo viên còn trồng thêm rau xanh, chăn nuôi gà, vịt để cải thiện.

Chợ huyện cách xa trường gần 40 km, nên mỗi lần giáo viên về xuôi trở lại trường đều tranh thủ “đi chợ” mua đồ ăn dự trữ. Bởi thế, khi lên trường, đôi chân mỏi nhừ còn lỉnh kỉnh xách đủ thứ mắm, muối, mì chính, xà phòng…

Cái chữ đã bám rễ được trên vùng đất đầy gian khó này và từng bước làm thay đổi nhận thức của đồng bào các dân tộc nơi đây. Trước đây, nhiều học sinh học xong phổ thông cơ sở rồi nghỉ học, thì nay các em đã tiếp tục theo học ở các lớp cao hơn và nhiều em đã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.

Tiễn chúng tôi, có cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy - Hiệu phó nhà trường chia sẻ: "Tuy xa xôi là vậy, nhưng những nhiệm vụ của ngành, của huyện chúng tôi đều nắm bắt rất nhanh và triển khai kịp thời. Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện phát công văn, tài liệu cho những xã, bản xa trung tâm đều bằng mạng di động. Anh em ta đứng đây là chỗ có sóng điện thoại di động.

Do vậy, ngày hai lần chúng tôi đều phải ra đây để nhận công văn từ sóng điện thoại và sáng từ 9 giờ 30 đến 10 giờ 30 và chiều từ 14 giờ 30 đến 15 giờ 30, điểm nhận sóng là đỉnh Xéo Dì Hồ B cách điểm trường 1,5 km. Việc ngồi dưới trời mưa rét đợi "công văn" vẫn là chuyện thường ngày ở huyện" - Thủy cười.

Hoàng hôn. Nhưng chia tay Xéo Dì Hồ và Thủy, tôi như thấy những tia nắng ban mai đã tỏa sáng đỉnh Xéo Dì Hồ. Nắng sớm như dát vàng lên non, báo hiệu những ngày quang mây, tươi sáng.   

Quang Thiều

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2021 tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X, năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Văn bản số 2636/UBND-NCPC về việc phát động phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung như sau:

Với sự triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, bằng 42,7% số xã; bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 5,83 tiêu chí so với giai đoạn 2010 - 2015. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,7% số xã, vượt hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Sau phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông đã phát biểu hưởng ứng các nội dung của phong trào thi đua trong 5 năm tới. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát động.

Sáng nay 20/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X - năm 2020. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025. Báo Yên Bái trân trọng đăng toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục