Triệu phú bản Đề Sủa
- Cập nhật: Thứ năm, 21/7/2016 | 9:59:50 AM
YBĐT - Từ 50 hộ ban đầu, giờ bản Đề Sủa có tới 119 hộ, 678 nhân khẩu; 6 hộ có thu nhập trên 70 triệu đồng/năm.
Gia đình ông Sùng A Khua - bản Đề Sủa, xã Lao Chải là mô hình chăn nuôi vịt siêu trứng đầu tiên thành công ở vùng cao Mù Cang Chải.
|
Mặc dù trời mưa khá to nhưng từ thị trấn Mù Cang Chải chúng tôi vẫn ngược gần 30 km quốc lộ 32 và gần 1 km đường đồi dốc đến thôn Đề Sủa, một thôn mới của xã Lao Chải, để tận mắt thấy những đổi thay của vùng cao nơi đây với những con người dám nghĩ, dám làm trong xây dựng đời sống mới tốt đẹp hơn.
Những ngày gian khó
Vượt qua chặng đường khá vất vả, dừng xe, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải Thào A Pua chỉ tay về bản phía xa. Theo hướng tay anh chỉ, tôi đã thấy những ngôi nhà nằm trong một vùng lòng chảo khá rộng, với những ruộng lúa chín rộ, những nương ngô xanh ngút mắt và những cánh rừng phủ kín triền núi. Đi thêm một lát, anh Pua giới thiệu: “Đây là nhà ông Sùng A Khua - một trong những hộ đầu tiên dời bản Xéo Dì Hồ A, xã Lao Chải để đến khai hoang vùng đất này!”.
- Ông Khua à! Đang làm gì đấy? - anh Pua mở lời.
- Chào cán bộ Pua, tôi vừa nhặt trứng vịt, thu dọn chuồng và bây giờ thì cho chúng ăn!
Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu. “Mình là con cả trong một gia đình làm nông nghiệp, đông anh em cuộc sống thiếu đói triền miên, nên tôi luôn suy nghĩ làm sao để thoát nghèo. Sau nhiều năm trăn trở, mình suy nghĩ: thoát nghèo sao được nếu chỉ trông chờ vào mấy trăm mét vuông của cha mẹ cho lúc mới lập gia đình ra ở riêng, trong khi đó con cái ngày một lớn” - ông Khua nói.
Được sự ủng hộ của mấy anh em cùng bản, qua nhiều lần lặn lội thăm dò, năm 1997, ông Khua quyết tâm chuyển xuống vùng đất này. Ban đầu, đây là vùng rừng núi hoang vu, chẳng có gì ngoài cây cỏ lau lách. Không điện, không nước, 50 hộ di dời xuống đều dựng nhà tạm lợp rơm rạ ở tạm. Ở thì vậy, ăn uống thì cơ cực hơn rất nhiều, chỉ có ít ngô. Nhưng ông và mọi người vẫn quyết tâm, phát sạch lau lách, giúp đỡ lẫn nhau đánh đất san gạt làm ruộng nước.
“Từ sự hỗ trợ, khuyến khích của huyện trong việc giúp đỡ thóc giống, phân bón và được cả các cán bộ nông nghiệp tận tình giúp đỡ từ cách ủ mạ, gieo mạ, chăm sóc lúa nên chúng tôi phấn khởi lắm cứ làm từ sáng đến tối mịt, cơm thì không đủ no, nhưng ai nấy đều làm hết sức mình để lấy hạt thóc nuôi sống gia đình. Đâu không làm ruộng được do thiếu nước thì trồng ngô, lúa nương. Nơi nào cao xa nhà hơn thì trồng rừng” - ông kể tiếp.
Đất không phụ công người, tính đến năm 2015, toàn bản Đề Sủa đã có 28 ha ruộng nước, 9 ha ngô vụ đông, 42 ha ngô vụ mùa, 18 ha lúa nương, 15 ha rừng kinh tế, 6 ha sơn tra. Từ 50 hộ ban đầu, giờ bản có tới 119 hộ, 678 nhân khẩu, những ngôi nhà được thay thế kiên cố hơn. Đặc biệt, bản đã thành lập được 1 chi bộ Đảng với 7 đảng viên và ông Sùng A Khua vinh dự được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản.
Đảng viên đi trước
Cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng nhiệm vụ của mỗi người đảng viên ở bản Đề Sủa còn rất nặng nề bởi nói gì thì nói, dù đã có những đổi thay nhưng cuộc sống của bà con người Mông nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, để đưa cuộc sống đi lên, mỗi đảng viên phải luôn đi đầu mọi công việc của bản. Đó là những việc cụ thể như thâm canh tăng vụ, phát triển chăn nuôi, bảo vệ phòng chống cháy rừng trong mùa khô hanh, phòng chống giảm nhẹ thiên tai trong mùa mưa, chỉ đạo nhân dân không thả rông gia súc…
Anh Lý A Câu - một đảng viên trong Chi bộ chỉ tay về phía những ngôi nhà bên kia núi: “Dù chúng tôi cũng đã cố gắng rất nhiều, nhất là từ năm 2002, bà con đã làm được 2 vụ lúa nước năng suất đạt 4 tấn/ ha, lúa nương 3 tấn/ ha, ngô 3,5 tấn/ ha cho tổng sản lượng lương thực có hạt một năm của bản đạt 475 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt trên 600 kg, song các thu nhập khác không có, nên bản có đến 90% hộ nghèo, 4% cận nghèo. Làm gì để bà con thoát nghèo là một bài toán đòi hỏi chính quyền, người đảng viên phải gương mẫu, trong đó, đồng chí Sùng A Khua là người đi đầu!”.
Không cam chịu đói nghèo, tìm hướng đi mới, trong khi cả huyện Mù Cang Chải chưa có ai nuôi vịt siêu trứng, ông Khua đã nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và quyết định vay mượn vốn của anh em bạn bè, họ hàng cùng với số vốn ít ỏi của gia đình để đầu tư chăn nuôi vịt. Đầu tháng 5/2015, ông và gia đình đã cải tạo khu đất vườn nhà xây chuồng trại, đào ao và mua được 200 con vịt giống về nuôi với số vốn đầu tư ban đầu là 60 triệu đồng, trong đó vốn vay quỹ hỗ trợ của Hội Nông dân huyện là 5 triệu đồng.
Tự tìm tòi học hỏi kỹ thuật chăm sóc và phòng dịch cho đàn vịt, ông Khua còn lặn lội về tận Hà Nội để mua về máy nghiền, ép viên cám cho vịt, tìm hiểu kỹ càng cách pha trộn thức ăn. Nhờ vậy, đàn vịt siêu trứng của gia đình ông luôn khỏe mạnh, phát triển tốt, đến nay, đã phát triển lên 300 con.
Từ 300 con vịt, bình quân mỗi ngày đẻ 200 quả trứng, bán ra thị trường với giá bán 3.000 đồng/ quả, đã cho gia đình khoản thu không nhỏ. Ngoài việc chăn nuôi vịt siêu trứng, gia đình ông Khua còn trồng thêm các loại mận tam hoa, chuối, đu đủ, su su, nhãn và chăn nuôi. Do vậy, ngoài đàn vịt, gia đình ông Khua còn chăn nuôi 10 con trâu, bò, 10 con lợn và hàng trăm con gà. Từ chăn nuôi, trồng cấy, mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình ông đã có thu nhập gần 200 triệu đồng. Vì vậy, người dân địa phương gọi ông là “triệu phú” của bản.
Ông Sùng A Khua lặn lội về tận Hà Nội để mua máy nghiền, ép cám viên, tận dụng tối đa nguồn thức ăn làm viên cám tổng hợp cho đàn vịt.
Đề Sủa đổi thay
“Ông Khua là một đảng viên gương mẫu trong mọi phong trào của thôn Đề Sủa, thành tích đó đã được UBND huyện và xã tặng nhiều giấy khen. Không những vậy, mô hình chăn nuôi vịt siêu trứng của gia đình ông cũng là mô hình đầu tiên ở vùng cao Mù Cang Chải thành công, cần được nhân rộng để những hộ dân trong bản, trong xã học tập làm theo, góp phần giúp người dân từng bước thoát nghèo” - Chủ tịch UBND xã Lao Chải - Giàng A Lử chia sẻ.
Từ mô hình chăn nuôi của ông Khua, bà con thôn Đề Sủa đã học tập làm theo. Đến nay, bản có 6 hộ có thu nhập trên 70 triệu đồng/năm từ sản xuất, chăn nuôi, tiêu biểu như gia đình ông Giàng Páo Vư, Giàng A Chơ... Hiện toàn bản có tổng đàn gia súc, gia cầm trên 5.000 con, trong đó đàn trâu 244 con, đàn bò 197 con, đàn lợn 205 con, đàn dê 248 con và 4.448 con gia cầm. Kinh tế phát triển là điều kiện để bà con trong bản đóng góp vào xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, riêng năm 2015, nhân dân trong bản đã đóng góp được 96 triệu đồng làm đường bê tông liên bản và đóng góp trên 200 ngày công làm cầu vào trường học, đường điện vào bản.
Mặt trời đứng bóng, chúng tôi rời bản Đề Sủa. Tiếng râm ran vui đùa của lũ trẻ làm vùng cao nơi đây tràn đầy sức sống. Tin tưởng rằng từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của những người dân, đặc biệt là những đảng viên như ông Sùng A Khua, đời sống của người dân vùng cao ngày càng được cải thiện, bộ mặt vùng cao Mù Cang Chải ngày càng đổi thay.
M.H
Các tin khác
YBĐT - Không làm việc trong các cơ sở y tế, cũng chẳng có áo blouse trắng, thế nhưng họ luôn hoàn thành nhiệm vụ của một người thầy thuốc thực thụ - đó là nhân viên y tế thôn, bản (NVYTTB). Đối với họ, việc trở thành NVYTTB phục vụ người dân không còn là trách nhiệm mà chính là tình nghĩa xóm làng.
YBĐT - Tôi gặp chị - người phụ nữ đằm thắm có đôi mắt hút hồn, duyên dáng trong chiếc áo cỏm ôm sát eo thon. Bên ngôi nhà sàn truyền thống ấm cúng có 3 thế hệ trong gia đình cùng chung sống, cũng là cơ sở nghỉ dưỡng của khách du lịch cộng đồng, chị khiêm tốn khi nói về mình trên cương vị Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã song lại rất hào hứng khi chia sẻ về kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở địa phương.
YBĐT - “Bây giờ, ai còn trồng chè...” - nghe bạn chê mà anh thấy “nóng mặt”. “Trồng chè thì đói lắm!” - nghe thêm một người bạn tỏ vẻ cảm thông mà lòng anh “đau” vì “tủi”. Những sự lòng “đầy tự trọng trai tráng” ấy đã suốt một năm dài không tưởng “hành hạ” người thanh niên 22 tuổi. Mặc bao xì xèo, anh vẫn quyết tâm đưa cây cam về trồng thay thế cây chè, sau đó là cây chanh tứ thời...
YBĐT - Những ngày cuối tháng 6, xe tôi từ bản Đêu, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) bon bon theo con đường bê tông uốn lượn như dải lụa trắng vắt ngang lưng trời đến với xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu.