Hưng Thịnh: Đảng mạnh, dân giàu
- Cập nhật: Thứ năm, 21/7/2016 | 10:13:29 AM
YBĐT - Để phát huy lợi thế của địa phương, xã Hưng Thịnh đã khảo sát điều kiện về lao động, đất đai để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, tập trung phát triển cây ăn quả, đẩy mạnh chăn nuôi hàng hóa, khuyến khích mở rộng sản xuất tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ và tập trung giúp người nghèo thoát nghèo
Hưng Thịnh đã xuất hiện ngày càng nhiều những ngôi nhà xây kiên cố, hiện đại.
|
Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thịnh (Trấn Yên) Vũ Thị Hằng Nga cho biết: xã Hưng Thịnh có diện tích tự nhiên 2.434,2 ha. Xã có 1.358 hộ 4.775 khẩu với 2 dân tộc có dân số đông nhất là dân tộc Kinh chiếm 63 %, Tày 36% và các dân tộc khác 1%, được phân bố ở 11 thôn. Nghề nghiệp của người dân chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp.
Đảng bộ xã có 15 chi bộ với 170 đảng viên. Những năm gần đây, thu nhập của nhân dân trong xã ngày càng tăng lên, đời sống được cải thiện với thu nhập bình quân trên 15 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13%/năm...
Có được kết quả đó là do Hưng Thịnh quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức Đảng không ngừng vững mạnh, là hạt nhân lãnh đạo các phong trào phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Củng cố tổ chức Đảng
Với nhận thức tổ chức cơ sở đảng luôn là gốc rễ, là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở, là cấp tổ chức trực tiếp đưa đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào quần chúng và tổ chức cho quần chúng thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách ấy, nên trên cơ sở điều kiện thực tế của một xã có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trình độ nhận thức chưa đồng đều, kinh tế thuần nông, Đảng bộ Hưng Thịnh xác định phải xây dựng được đội ngũ cán bộ mạnh thì các phong trào phát triển kinh tế, xã hội địa phương mới phát triển, Đảng bộ mới thành công trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Theo đồng chí Vũ Thị Hằng Nga, từ trình độ đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng bộ Hưng Thịnh luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc các nghị quyết của Đảng. Khi tư tưởng cán bộ đã thông thì mọi chương trình hành động của Đảng bộ đều có tính khả thi cao vì nó được xây dựng trên cơ sở trí tuệ của tập thể, có sự thống nhất về chính trị, tư tưởng và hành động, tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng.
Là một xã còn nhiều khó khăn, bên cạnh công tác tổ chức, công tác kiểm tra, Đảng bộ Hưng Thịnh đặc biệt chú trọng đến công tác dân vận, nhất là công tác dân vận của chính quyền xã với phong trào “Năm dân vận chính quyền” đã và đang có những chuyển biến tích cực trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội ngày càng thể hiện rõ vị trí, vai trò quan trọng trong công tác vận động quần chúng thực hiện nghị quyết của Đảng.
Đặc biệt là phong trào thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phong trào nhân dân hiến đất, đóng góp vốn đối ứng, ngày công lao động xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của xã.
Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh" đã góp phần để nề nếp, chế độ làm việc từ xã đến thôn có sự chuyển biến, lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức xã chuyển biến đáng kể, nắm bắt kịp thời các thông tin, diễn biến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Lãnh đạo xã sớm có biện pháp chỉ đạo giải quyết, không để những vấn đề mới nảy sinh ở địa phương trở thành vụ việc phức tạp, kéo dài.
Năm 2015, toàn Đảng bộ có 105 đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ, 17 đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 10 chi bộ trong sạch vững mạnh là: Yên Định, Yên Bình, Trực Khang, Trực Chính, Yên Thuận, Yên Thịnh, Yên Thành, Chi bộ Trường THCS, Chi bộ Trường Tiểu học, và Chi bộ Trạm Y tế, trong đó, có 2 chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Đảng bộ xã được Ban Thường vụ Huyện ủy xếp loại Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Điểm sáng trong phát triển kinh tế
Khi tổ chức Đảng được củng cố và tăng cường, Đảng bộ Hưng Thịnh hướng trọng tâm vào phát triển kinh tế, xã hội. Cùng tới thăm những mô hình kinh tế ở thôn Yên Định, Yên Bình, Trực Chính... Chủ tịch UBND xã Nguyễn Gia Hồng cho biết: “Hưng Thịnh có ít đất ruộng, chủ yếu là đất đồi rừng. Để phát huy lợi thế của địa phương, xã đã khảo sát điều kiện về lao động, đất đai để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, tập trung phát triển cây ăn quả, đẩy mạnh chăn nuôi hàng hóa, khuyến khích mở rộng sản xuất tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ và tập trung giúp người nghèo thoát nghèo”.
Xác định được hướng đi, việc đầu tiên Hưng Thịnh tập trung là phát triển kết cấu hạ tầng. Bằng các nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, của tỉnh và huy động nội lực trong nhân dân, hệ thống giao thông của xã đã được mở rộng và nâng cấp. Trong những năm qua, xã đã triển khai xây dựng, nâng cấp các công trình quan trọng như: đường trục chính của xã từ km 20 vào trung tâm xã, đường Trực Chính - Trực Khang, đường Yên Thuận, Kim Bình, Yên Bình, cầu Nam Sơn... Xã đã có 4 km đường trục xã được rải nhựa, cứng hóa 3 km đường liên xã Hưng Thịnh - Việt Hồng, 11 km đường thôn xóm, mở mới 3 km đường thôn, xây dựng 7 hội trường thôn kiên cố...
Xây dựng và quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt các chương trình kinh tế, trong đó chú trọng các chương trình kinh tế, xã hội trọng điểm, tạo sự chuyển biến tích cực trên địa bàn để nâng cao đời sống nhân dân, hàng năm, cấp ủy, chính quyền xây dựng phương án sản xuất, triển khai các chương trình kinh tế trọng tâm, trọng điểm, tập huấn khoa học kỹ thuật.
Đối với cây lúa, chỉ đạo đảm bảo ổn định diện tích thâm canh 137,2 ha 2 vụ lúa theo hướng sản xuất lúa hàng hoá, bằng các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt và giá trị kinh tế cao. Phấn đấu năng suất bình quân trong năm đạt 110 tạ/ha. Tiến hành chuyển đổi một số diện tích chè già cỗi, ruộng cạn sang trồng cây ăn quả chất lượng cao. Đặc biệt, đưa diện tích cây ăn quả có múi vào sản xuất, kinh doanh và trở thành cây mũi nhọn.
Với Hưng Thịnh, trồng cây ăn quả, cây có múi đã được hình thành và phát triển từ những năm 2000. Đến năm 2010, toàn xã có 37 ha, năm 2015 xã có 90 ha và trong vụ xuân năm 2016, xã trồng mới 31 ha, trong đó có 12 ha được huyện hỗ trợ giống. Dự kiến trong vụ thu này, xã trồng theo 20 ha, trong đó có 13 ha được huyện hỗ trợ giống, nâng số diện tích trồng cây ăn quả lên 140 ha. Trồng cây ăn quả, nhất là cây ăn quả có múi đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình.
Năm 2012, thu nhập từ cây ăn quả có múi của người dân đạt khoảng 6 tỷ đồng. Đến năm 2015, từ cây ăn quả có múi đã đem về cho người dân trong xã trên 10 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều hộ trong xã đã tập trung phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm theo hướng bán công nghiệp. Năm 2010, xã có 3 mô hình chăn nuôi 20 - 50 con lợn/lứa và đến nay, xã có gần 30 mô hình chăn nuôi lợn quy mô 50 con/lứa, 2 mô hình quy mô 100 con lợn/lứa, 40 mô hình nuôi lợn với quy mô 20 con/lứa trở lên. Việc chăn nuôi lợn đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong xã.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Gia Hồng cho biết thêm: “Được Đảng bộ, chính quyền địa phương động viên bằng ban hành các chính sách về hỗ trợ vốn, giống, kiến thức... nhiều hộ đã mạnh dạn phát triển các mô hình chăn nuôi hàng hóa, trồng cây ăn quả. Những hộ trồng cây ăn quả đều có cuộc sống khá giả và trong đó có nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, tiêu biểu là hộ ông Phạm Văn Toàn ở thôn Yên Bình, Hà Văn Hơn ở thôn Yên Thuận, Hà Văn Bảy ở thôn Trực Khang, Mai Văn Tình ở thôn Trực Chính...”.
Đến nay, xã Hưng Thịnh đã có gần 100 ha cây ăn quả đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình.Trong ảnh: Anh Nguyễn Văn Tươm ở thôn Yên Định chăm sóc quýt trong trang trại của gia đình
Lời kết
Xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương và sự hỗ trợ của các ban, ngành, thời gian qua, cơ cấu kinh tế của Hưng Thịnh chuyển dịch đúng hướng, hạ tầng cơ sở điện - đường, trường - trạm, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng được xây dựng ngày càng khang trang, đời sống nhân dân được nâng cao, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội có chuyển biến tích cực...
Đây là tiền đề để Hưng Thịnh đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi vườn tạp trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, khuyến khích nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng nhiều mô hình sản xuất nhất là trong chăn nuôi; khuyến khích và ưu tiên phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ, trong đó, tập trung cho sản xuất, chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng, chế biến nông sản, xây dựng, vận tải và dịch vụ kinh doanh tổng hợp; phấn đấu trong năm 2019, Hưng Thịnh được công nhận là xã nông thôn mới.
Thành Trung
Các tin khác
YBĐT - Từ 50 hộ ban đầu, giờ bản Đề Sủa có tới 119 hộ, 678 nhân khẩu; 6 hộ có thu nhập trên 70 triệu đồng/năm.
YBĐT - Không làm việc trong các cơ sở y tế, cũng chẳng có áo blouse trắng, thế nhưng họ luôn hoàn thành nhiệm vụ của một người thầy thuốc thực thụ - đó là nhân viên y tế thôn, bản (NVYTTB). Đối với họ, việc trở thành NVYTTB phục vụ người dân không còn là trách nhiệm mà chính là tình nghĩa xóm làng.
YBĐT - Tôi gặp chị - người phụ nữ đằm thắm có đôi mắt hút hồn, duyên dáng trong chiếc áo cỏm ôm sát eo thon. Bên ngôi nhà sàn truyền thống ấm cúng có 3 thế hệ trong gia đình cùng chung sống, cũng là cơ sở nghỉ dưỡng của khách du lịch cộng đồng, chị khiêm tốn khi nói về mình trên cương vị Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã song lại rất hào hứng khi chia sẻ về kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở địa phương.
YBĐT - “Bây giờ, ai còn trồng chè...” - nghe bạn chê mà anh thấy “nóng mặt”. “Trồng chè thì đói lắm!” - nghe thêm một người bạn tỏ vẻ cảm thông mà lòng anh “đau” vì “tủi”. Những sự lòng “đầy tự trọng trai tráng” ấy đã suốt một năm dài không tưởng “hành hạ” người thanh niên 22 tuổi. Mặc bao xì xèo, anh vẫn quyết tâm đưa cây cam về trồng thay thế cây chè, sau đó là cây chanh tứ thời...